Ước mơ tương lai của học sinh khuyết tật

20:00 01/06/2024

Học sinh Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mơ làm cô giáo, họa sĩ, thợ cắt tóc, pha chế và thành người có ích.

Ước mơ tương lai của học sinh khuyết tật

Huỳnh Thúy Hằng, lớp 8, thoăn thoắt mở cặp lấy chiếc áo thun trắng tiếp tục hoàn thành bức vẽ dang dở. Cô Vũ Thị Hà - giáo viên hơn chục năm công tác tại đây - lý giải Hằng nói sẽ vẽ thật đẹp để khoe với các cô chú của chương trình "Em và ước mơ nghề nghiệp", do tập đoàn SCG cùng DRD Việt Nam (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Người Khuyết Tật) khởi xướng. Hôm nay, đoàn sẽ đến trường tổ chức Tết thiếu nhi sớm cho các cháu, vinh danh những bài vẽ về ước mơ xuất sắc, đồng thời có hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

Trước đó, ban tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh về nghề ước mơ, sở thích. Ở khối tiểu học, đa phần trẻ chưa hình thành mong muốn cụ thể, chỉ đơn thuần vẽ hoa, lá, thú cưng, gia đình, buổi vui chơi hay nắm tay cô giáo. Trong khi đó, lứa trung học cơ sở dần phác họa công việc tương lai qua nét vẽ có hồn, đa dạng chủ đề, trên túi tote hoặc áo thun.

Không chỉ dồn tâm sức cho tác phẩm của mình, Thúy Hằng còn chủ động giúp đỡ bạn cùng bàn trang trí áo thun. Cô bé gợi ý cho bạn họa tiết hoa lá và tô màu để bức tranh thêm sống động. Cô Vũ Thị Hà nhận xét Hằng vẽ đẹp nhất lớp, có tinh thần trách nhiệm, hòa đồng, do đó được hầu hết bạn bè quý mến.

Bài thi của Thúy Hằng cũng được đánh giá giàu tính nghệ thuật và thông tin. Giữa vùng trời bao la, bình yên, nhân vật chính tay cầm bảng màu, bên cạnh dựng giá vẽ, khung tranh. Phía xa chân trời cùng những dãy núi là hoàng hôn đỏ au. Bên dưới mặt nước phản chiếu cảnh sắc lẫn ụ đất gồ ghề. Cách phối màu hài hòa, trí tưởng tượng phong phú là điểm mạnh của Hằng. Nữ sinh nói muốn truyền tải khát khao trở thành họa sĩ, vẽ mọi thứ mình thích và được mọi người đón nhận.

"Em mong tranh của mình có thể chạm đến trái tim mọi người. Hy vọng sau này sẽ có doanh nghiệp hoặc tổ chức nào đó tuyển dụng em khi họ cần người biết vẽ", Hằng giải thích bằng ký hiệu. Nữ sinh còn mạnh về vẽ truyền thần, phong cảnh. Trước đó, cô bé khiến giáo viên và bạn bè bất ngờ khi mô phỏng cảnh mọi người tặng hoa cô chủ nhiệm vào 20/11 năm ngoái. Trên nét chì mộc mạc, Hằng chú thích tên từng thành viên trong lớp, giống hệt mái tóc lẫn biểu cảm.

"Hằng vẽ rất đẹp, ba cô bé cũng mong con gái trở thành họa sĩ, nhưng liệu đơn vị nào sẵn sàng trao cơ hội cho một nhân sự câm điếc bẩm sinh? Thương lắm, chúng tôi thường mua áo thun trắng hay túi tote tặng các con để các con được thỏa sức thể hiện khả năng hội họa của mình", cô Hà cho hay. Trong mắt các thầy cô, Hằng là biểu tượng của sự lạc quan, luôn thường trực nụ cười trên môi và không bao giờ thể hiện sự chán chường.

Không chỉ riêng Hằng, nhiều em khác cũng có chung mong mỏi được xã hội "nhìn thấy" ước mơ, tài năng và khao khát trở thành người có ích cho cộng đồng. Nữ sinh Vòng Trinh Hải vẽ hoa đào, ngôi sao, viết chữ TokyoLife, kỳ vọng trở thành nhân viên bán hàng cho thương hiệu này vì từng nhận người điếc vào làm việc. "Em mong tập đoàn SCG tạo điều kiện để em được học nghề. Không việc gì không thể làm được khi ta cố gắng", Trinh Hải nói.

Nhiều em khắc họa ước mơ làm giáo viên, tuyên truyền viên chống hút thuốc lá, người chăm sóc hoa hay làm vườn. Bên cạnh đó, những bức vẽ hoa sen, hướng dương, sóng biển, cánh đồng lúa... phần nào thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước.

Theo cô Vũ Thị Hà, khi không thể nghe, nói, thị giác và trí tưởng tượng của trẻ thường phát triển mạnh, hội họa là một trong những phương thức giúp các em biểu đạt quan điểm, cách nghĩ, cách nhìn và ước vọng.

Tính đến 31/12/2023, cả nước có gần hai triệu trẻ khuyết tật. Nhóm yếu thế này đối mặt nhiều nguy cơ, có thể bị phân biệt đối xử trong đời sống, sinh hoạt thường nhật. Theo tài liệu Thúc đẩy sự thay đổi của mọi trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2026, UNICEF thống kê chỉ khoảng 2,3% trường hợp được tiếp cận các dịch vụ phục hồi và 1/10 trẻ khuyết tật học đến trung học. Con số này cần được nâng cao, đòi hỏi cộng đồng nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững liên quan giáo dục và bất bình đẳng.

Khi nhắc đến nghề nghiệp tương lai cho trẻ khuyết tật, học sinh lẫn phụ huynh đều khá bối rối, trong khi các em hoàn toàn có thể tìm được công việc tốt ở môi trường phù hợp. Thực tế, chỉ một số ít cha mẹ nhận ra con mình sớm bộc lộ sở trường để có cơ sở hướng nghiệp. Còn lại, năng khiếu của các em vẫn là ẩn số, chưa được định hướng toàn diện từ gia đình, nhà trường.

Khoảng 9h30, hội trường lớn ở lầu ba náo nhiệt hơn thường ngày khi có sự xuất hiện của nhiều phụ huynh. Nhóm học sinh mặt hớn hở, thi thoảng chạy lại cười với ba mẹ trong lúc đợi chương trình bắt đầu, lúc lại vui đùa cùng bạn. Những cánh tay hoạt động liên hồi, ra dấu hiệu, trò chuyện rôm rả theo cách riêng của cộng đồng các em. Khi mọi khâu đã ổn định, trẻ về chỗ, ngồi ngay ngắn, ánh mắt xen lẫn tò mò, đầy hy vọng.

Suốt một giờ sau đó, các em cùng chuyên gia DRD Việt Nam khám phá sáu nhóm nghề - từ kỹ thuật, xã hội, nghiên cứu, quản lý, nghệ thuật đến nghiệp vụ, mỗi nhóm đính kèm những công việc cụ thể. Học sinh được làm nhiều bài trắc nghiệm nhằm hiểu rõ bản thân thích gì, có xu hướng chọn nghề nào trong tương lai. Nhiều ước mơ dung dị lần đầu được bộc bạch.

Ngô Thị Ngọc Thương - học sinh khiếm thị lớp 9 - mong trở thành người có ích, tương lai là nhân viên massage trị liệu. Thương lý giải muốn học xoa bóp, bấm huyệt nhằm giúp mọi người xua tan căng thẳng, thư giãn, tái tạo năng lượng sau chuỗi ngày làm việc hết công suất.

Nữ sinh xuất thân trong gia đình nghèo, là con một, ba thị lực kém do tai nạn, còn mẹ khiếm thị. Với nghề spa trong tay, Thương mong đỡ đần ba mẹ một phần kinh tế, đồng thời có thể tự tay xoa bóp, chăm sóc người thân lúc trái gió trở trời. "Ba mẹ luôn tôn trọng, ủng hộ ước mơ của em. Em muốn có công việc ổn định trả hiếu cho họ", Ngọc Thương nói.

Xuân Mai, lớp 7, cũng ấp ủ ước mơ trở thành người pha chế, mang đến cho mọi người ly cà phê, thức uống độc đáo. Khi có thời gian rảnh, cô bé lại mày mò học pha chế và mẹ luôn là "khách hàng" đầu tiên. Lắng nghe các chuyên gia chia sẻ về nghề, Xuân Mai tỏ ra háo hức, thi thoảng quay về phía mẹ mỉm cười, đôi lúc vẫy tay với em gái 6 tuổi cùng mẹ khác cha.

Mai là con đầu lòng của chị Nguyễn Thị Phía (40 tuổi, quê gốc Bình Phước). Những năm đầu, chị đơn thân nuôi bé rất vất vả nhưng nỗi muộn phiền dần vơi khi gặp người chồng hiện tại. Anh chị cùng chăm sóc và bù đắp cho Mai và quyết định chuyển từ Bình Phước về Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống để cô bé có thể theo học trường khuyết tật. Hai vợ chồng cũng học thêm ngôn ngữ cử chỉ để tiện giao tiếp với con.

Chị Phía cho biết Mai vốn nhạy cảm, hay tủi thân, do đó chị và chồng luôn cố gắng xử lý khéo léo. "Tại đây, con có cộng đồng riêng của mình, có bạn bè và tuổi thơ màu sắc. Tôi rất vui khi nhìn thấy con thoải mái bên bạn bè, năng động, cười rạng rỡ. Khi về nhà, con có cha mẹ và em gái yêu thương", người mẹ nói, cố nén nước mắt. Chị cũng vội lấy điện thọai ghi lại cảnh Ngọc Mai và em gái Ngọc Quỳnh nắm tay. Mai bế bổng em lên rồi hôn má. Khi ai đó hỏi về chị, cô bé chưa đầy 6 tuổi hồn nhiên trả lời: "Con yêu chị lắm, thương nhiều nhiều".

Với vợ chồng chị Phía, niềm an ủi lớn nhất là hai con khỏe mạnh, vẫn thấu hiểu và quan tâm nhau dù cách giao tiếp có phần khác biệt. Chị nói sẽ ủng hộ Mai theo đuổi nghề pha chế và nhận định những buổi hướng nghiệp rất hữu ích, nhất là khi có sự đồng hành của những doanh nghiệp lớn.

Tương tự, Thành Đạt, lớp 8, nói về ước mơ làm thợ cắt tóc và được mẹ ủng hộ hai tay. Chị Phạm Hồng Vân (43 tuổi, nhân viên công ty may) tiết lộ con trai có chí nối nghiệp cha và anh trai, ham học hỏi, chịu khó. Dù tuổi đời còn nhỏ lại không thể nghe nói, Thành Đạt toát ra sự trưởng thành, chín chắn. Mỗi cuối tuần được nghỉ học, Đạt thường đến tiệm rửa xe gần nhà xin phụ việc, thù lao vài chục nghìn đồng sẽ đưa cho mẹ một ít, số còn lại bỏ ống heo. Đạt nói tiết kiệm tiền mua máy trợ thính.

Chị Hồng Vân và chồng đến với nhau từ thuở hàn vi, sinh con trai Đức Cường bụ bẫm, khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi Thành Đạt chào đời, nhưng họ nhanh chóng phát hiện con bất thường, thuộc trường hợp câm điếc bẩm sinh. Họ đưa con đi khắp bệnh viện ở Vũng Tàu, Đồng Nai lẫn TP HCM tìm cách can thiệp nhưng vô vọng.

Những năm đầu đời, Thành Đạt rất khó nuôi. Vì không thể diễn đạt ý muốn bằng lời nói, Đạt quấy khóc đêm ngày. Nhiều lúc không hiểu bé muốn gì, chị Vân bật khóc cùng con. Vợ chồng chị cố gắng vay mượn, tiết kiệm mua máy trợ thính cho con nhưng không khả dĩ, ước mơ một lần nghe tiếng động cuộc sống của bé vẫn xa vời. Sau biến cố ba mất nửa năm trước, Đạt nói sẽ cùng anh trai tiếp tục phấn đấu, học tốt nghề tóc, duy trì đam mê của ba, mong trở thành "cây tùng, cây bách" để mẹ dựa vào.

Tại sự kiện, phụ huynh lẫn học sinh gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe câu chuyện truyền cảm hứng của bốn nhân vật khuyết tật đã, đang thành công với con đường họ chọn gồm: họa sĩ trẻ Lê Đinh Hoàng Quyên; cô giáo Thanh Hương; Thạc sĩ Điếc đầu tiên tại Việt Nam - Thủy Tiên và TikToker Cô Khuyết (Trần Ngọc Anh Thư).

Ông Nguyễn Văn Cử - đại diện DRD - cho biết trân trọng cơ hội đồng hành SCG, giúp đỡ trẻ khuyết tật chủ động quyết định nghề nghiệp phù hợp, khai phá tiềm năng bên trong, từ đó giảm bất bình đẳng xã hội.

Ông Praween Wirotpan - Tổng giám đốc SCG Việt Nam - cho biết sẽ tích cực hỗ trợ, giúp nhóm học sinh lớp 9 có cơ hội trải nghiệm, thực tập nghề tại cửa hàng Tokyo Life.

"Sau nhiều năm đồng hành Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã và đang chứng kiến sự trưởng thành, bản lĩnh vượt nghịch cảnh lẫn khao khát chạm đến ước mơ của trẻ. Những điều tốt đẹp ấy đã truyền cảm hứng, động lực để SCG tiếp tục góp phần xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho các em", ông Praween Wirotpan nói.

Hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực của SCG suốt 15 năm qua, từ nâng cao cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng học tập đến hoạt động ngoại khóa, góp phần giúp các em phát triển cả thể chất lẫn tư duy. "Chương trình tư vấn nghề nghiệp được khởi động từ năm ngoái, các thầy cô và phụ huynh càng thêm vững tin vào tương lai: học sinh nào cũng có thể tự tin theo đuổi ước mơ", hiệu trưởng cho hay.

Chương trình "Em và ước mơ nghề nghiệp" cùng Ngày hội thiếu nhi là nỗ lực của SCG và các đối tác, từng bước đạt mục tiêu của chiến lược ESG 4 Plus: hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero); phát triển xanh (Go Green); giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality); thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration); công bằng và minh bạch.

Nội dung: Hiếu Châu - Thiết kế: Thái Hưng - Hằng Trịnh

Có thể bạn quan tâm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết tự truyện cho hậu thế

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết tự truyện cho hậu thế

12:50 25/02/2024

Đầu năm 2024, ông giới thiệu tự truyện Đi qua trăm năm do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

1 ca tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người tiếp xúc, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

1 ca tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người tiếp xúc, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

22:50 08/07/2024

Bộ Y tế đề nghị Bắc Giang, Nghệ An rà soát những người từng tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu để giám sát, phát hiện sớm,...

14 năm vá xe lưu động đường rừng

14 năm vá xe lưu động đường rừng

10:10 13/10/2023

14 năm qua, đội vá xe lưu động của các bạn trẻ huyện Cần Giờ đã giúp xử lý trên 2.000 trường hợp không chỉ bể bánh xe mà còn bị hết xăng, xe hư giữa đường dọc tuyến đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Gắp hơn 30 con giun đũa trong ruột bé trai

Gắp hơn 30 con giun đũa trong ruột bé trai

20:00 15/04/2024

Bé trai 5 tuổi đau quặn bụng, được bác sĩ phẫu thuật gắp hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột.

Hối hận vì 'ghen bóng, ghen gió'

Hối hận vì 'ghen bóng, ghen gió'

08:00 29/09/2024

Chồng đi công tác Đà Lạt đúng hôm quán cà phê dưới cổng công ty đóng cửa, Thu Trang cho rằng bạn đời và bà chủ quán đang 'đưa nhau đi hẹn hò'.

Cô gái đã đi qua nhiều tổn thương tìm chàng trai ấm áp

Cô gái đã đi qua nhiều tổn thương tìm chàng trai ấm áp

19:00 10/07/2024

Em 32 tuổi, là cô gái Nhâm Thân đến từ miền Tây sông nước, là nhân viên văn phòng.

Khai mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn lần thứ 4

Khai mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn lần thứ 4

22:20 23/10/2023

Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn lần thứ 4 hứa hẹn sẽ có nhiều nội dung đặc sắc, là dịp để người dân, du khách hiểu sâu sắc hơn về Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tuổi trẻ cả nước thu gom gần 35 tấn rác sau chiến dịch hưởng ứng Ngày Trái Đất

Tuổi trẻ cả nước thu gom gần 35 tấn rác sau chiến dịch hưởng ứng Ngày Trái Đất

05:10 02/05/2024

Vừa qua, chiến dịch hưởng ứng Ngày Trái Đất của Cộng đồng Xanh Việt Nam với sự tham gia của hơn 20.000 tình nguyện viên tại 150 điểm cầu trên toàn quốc đã giúp thu gom gần 35 tấn rác. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ cả nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Khỉ giật đồ khiến bé trai ngã nhào ở khu du lịch

Khỉ giật đồ khiến bé trai ngã nhào ở khu du lịch

15:50 30/07/2024

Con khỉ lao tới giật đồ ăn trên tay bé trai, khiến nạn nhân mất thăng bằng, ngã xuống hố trên núi Nga Mi.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới