Câu chuyện Cần Giờ không tuyển được bác sĩ trẻ về làm việc là điều đáng suy ngẫm, đặc biệt đây là huyện có xã đảo duy nhất của TP.HCM.
Y tế Cần Giờ đã có gì, chưa có gì và cần phải làm gì thu hút được bác sĩ trẻ? Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề với bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế, kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ.
* Cần Giờ đưa ra chỉ tiêu tuyển 18 bác sĩ trong ngày hội việc làm vừa qua - cao nhất trong các trung tâm y tế của TP.HCM nhưng lại "trắng tay". Ông nghĩ sao về kết quả này?
- Cần Giờ từ ngày xưa đến giờ đều như vậy, rất khó tuyển dụng bác sĩ. Nhiều sự kiện, chẳng hạn như ngày hội việc làm Sở Y tế lần đầu tổ chức, chúng tôi đều tham gia nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Từ ngày hội cũng là dịp để chúng tôi tìm hiểu thêm lý do, có giải pháp tuyển dụng thời gian tới.
* Vậy lý do tại sao "trắng tay", thưa ông?
- Thực tế không chỉ riêng Cần Giờ. Theo tôi, sở dĩ chưa tuyển được bác sĩ theo nhu cầu là do Cần Giờ còn vướng câu chuyện xa trung tâm thành phố, giao thông cách trở. Kế đó có thể là suy nghĩ của bác sĩ trẻ về khả năng và cơ hội phát triển chuyên môn, cũng như đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
* Điều này có khiến y tế Cần Giờ vốn đã khó nay lại càng khó không?
- Thực ra ngày hội việc làm không phải là giải pháp duy nhất. Lúc nào chính quyền và ngành y tế TP.HCM cũng rất quan tâm đến Cần Giờ, ngay cả chúng tôi trong khả năng của mình đã rất tạo điều kiện khi các bác sĩ trẻ mới về công tác.
Tại ngày hội việc làm, tôi có tìm hiểu ở một số đơn vị có nhiều bác sĩ đến "tham khảo", nhìn chung điều mà các bác sĩ quan tâm nhiều nhất vẫn là mức thu nhập, các chế độ chính sách đãi ngộ và chế độ được học hành nâng cao trình độ. Đây cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
* Và ông thấy điều khó khăn nhất khi tuyển dụng các bác sĩ trẻ là gì?
- "Nếu về có đi học được liền không?" - nhiều bạn hỏi câu này, đặt ở góc độ quản lý như chúng tôi sẽ rất khó trả lời.
Với một bác sĩ trẻ mới ra trường có một nơi đón nhận về làm việc, theo tôi nghĩ cũng cần xem mình đã phục vụ nhu cầu công việc của nơi mình gắn bó và đã thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe trước mắt cho người dân hay chưa. Với thực tế đang thiếu nhân lực, nhu cầu "đi học liền" như vậy khiến lãnh đạo quản lý không ai trả lời được cả.
* Ông nói Cần Giờ đang thiếu nhân sự nghiêm trọng, cụ thể là thiếu ở khâu, bộ phận nào?
- Thiếu nhiều lắm. Nhân sự hiện có chỉ đủ để duy trì cho bệnh viện huyện hoạt động. Trong kế hoạch tuyển dụng vừa rồi chúng tôi đề ra yêu cầu 41 bác sĩ nhưng cũng chỉ dám đăng ký 18 chỉ tiêu, tuy nhiên kết quả không có bác sĩ nào.
Chỉ tiêu 18 bác sĩ này nếu đạt cũng mới chỉ là lực lượng cần để đào tạo các chuyên khoa cơ bản như nội, ngoại, sản khoa, nhi khoa, từ đó tạo "bộ khung" cho bệnh viện sắp tới thôi.
Thực tế này, chúng tôi cũng chỉ dám đầu tư trang thiết bị cơ bản khám chữa bệnh ban đầu, chưa dám đi vào các chuyên khoa sâu bởi sắm mà không có nhân sự vận hành sẽ rất lãng phí. Điều này sẽ có lỗi với người dân.
* Việc này ảnh hưởng ra sao, khi mà các bệnh nhân như chạy thận hoặc điều trị các bệnh chuyên sâu đều phải đi lên trung tâm thành phố rất xa xôi...
- Khi tiếp cận một dịch vụ y tế, tất nhiên người dân muốn được phục vụ tận nơi, giảm vấn đề đi xa và các chi phí phải bỏ ra. Thay vì được phục vụ tại chỗ, bắt buộc người bệnh phải đi lên tuyến trên mất thời gian, công sức, tiền bạc, việc làm. Phải đi tới đi lui rất nhiều lần rất cực khổ.
Cũng chính vì lẽ đó, chúng tôi đã chủ động chuyển hướng tham gia vào chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở" (WHO-PEN) đang được Sở Y tế triển khai. Cố gắng bổ sung thuốc men cho các trạm y tế, với hy vọng nếu chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt sẽ giảm phần nào người bệnh phải lên tuyến trên.
* Cần Giờ chủ động chuẩn bị mọi thứ để chào đón bác sĩ trẻ. Cụ thể các chính sách đó là gì và liệu có khác biệt so với các nơi khác không, thưa ông?
- Phải khẳng định TP.HCM có nhiều chính sách rất ưu ái cho Cần Giờ, trong đó có nhiều chế độ hoàn toàn khác biệt so với các nơi khác. Điều này được thể hiện rõ trong nghị quyết 06 năm 2022 về chính sách đặc thù hỗ trợ tình nguyện viên tham gia chống dịch và nghị quyết 28 năm 2017 về chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên y tế công tác tại Cần Giờ. Mới nhất là bác sĩ luân phiên.
Ngoài ra các bác sĩ ở xa đến công tác đều có nhà công vụ không phải chi trả chi phí gì cả. Đặc biệt như trước đây một số trường hợp sau khi thực hành 18 tháng lấy chứng chỉ đều được tạo điều kiện cho đi học sau đại học, cuối tuần chỉ về tham gia phụ trực chút đỉnh. Ngoài lương cơ bản và việc áp dụng các chế độ chính sách theo quy định, các khoản tiết kiệm cơ quan đều được chúng tôi chia sẻ cho các bác sĩ trẻ.
Do rất mong muốn thu hút nhân lực về địa phương, tôi nói thật có những chuyện ban giám đốc trung tâm "dám làm luôn" (ý nói phá rào một số cơ chế cho các bác sĩ - PV).
* Với các chính sách đã có, theo ông có cần thay đổi hoặc bổ sung các chính sách gì khác không?
- Tôi nghĩ khi giải quyết được một số rào cản như đã nói ở trên thì tình hình này sẽ được cải thiện. Đặc biệt, với các chính sách như nâng cao năng lực y tế Cần Giờ đang được triển khai và xa hơn là quy hoạch của TP.HCM về phát triển Cần Giờ thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, tôi tin đó cũng sẽ là cơ hội thu hút các bác sĩ về cống hiến.
Khi Tuổi Trẻ Online đăng bài: "Cần Giờ trắng tay tại ngày hội việc làm, tha thiết mời gọi bác sĩ trẻ" - đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc. Đa phần đều đề cập đến chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, không thể trả lương bằng "tình thương, trách nhiệm", chưa kể cơ hội học tập nâng cao trình độ hạn chế. Cũng có nhiều bạn đọc gợi mở về tinh thần tình nguyện, dấn thân của sức trẻ.
Một bác sĩ trẻ cũng chia sẻ góc nhìn của nhiều đồng nghiệp vẫn muốn chọn bệnh viện lớn. Ngoài thu nhập, nâng cao trình độ còn vì "cái tiếng". "Sau giờ làm việc tại bệnh viện, họ có thể tham gia làm ngoài giờ kiếm thêm nguồn thu nhập. Còn ở các bệnh viện tuyến cơ sở, vùng xa khó có khả năng để làm được như vậy, chưa kể một số còn có suy nghĩ sẽ lãng phí thời gian khi không được học hành nâng cao trình độ chuyên môn" - bác sĩ này nói.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, 28/30 học sinh lớp 9C1 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trúng tuyển Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học...
Ông S. lái ô tô gây tai nạn. Công an kiểm tra phát hiện ông 'dính' nồng độ cồn nên yêu cầu ký tên vào biên bản vi phạm. Ông S. không ký mà bỏ về. Mấy ngày sau anh rể ông S. đến công an nhận mình là người lái xe gây tai nạn để tránh bị phạt nặng.
Làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng vùng này đã thoát khỏi vùng trũng về giáo dục và đào tạo. Ông đề nghị từ nay trở đi không gọi Đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng' nữa.
'Lão trôm' được người dân trong vùng tôn kính như một vị thần cây, không ai dám xúc phạm, không dám lấy mủ sử dụng. Ngày 30-12-2016, đại thụ này đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Chỉ huy Lữ đoàn số 128 Ukraine ra lệnh tập hợp ở vùng chiến sự để làm lễ trao thưởng, nhưng bị Nga tập kích khiến hơn 20 người chết.
Đáp án môn Toán mã đề 114, 115, kì thi tốt nghiệp THPT 2023 được Lao Động cập nhật để thí sinh tham khảo.
Vụ tai nạn xảy ra khi xe buýt chở nhân viên của chính quyền bang Lagos đang cố băng qua đường ray khi tàu hỏa trên hành trình từ thành phố Abeokuta đến bang Lagos đang đến gần.
Chiều 6-7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã công bố đề thi và đáp án vào lớp 6 năm học 2023-2024.
Lao Động cập nhật điểm chuẩn học bạ THPT của các trường đại học, học viện, tính đến ngày 29.5.