Ông Mười trồng một cây bằng lăng ngay giữa cánh đồng phía trước nhà. Đứng ở thềm ba ngó ra, mùa bông trổ sẽ nhìn thấy một vòm tròn tím ngát. Hơn ba mươi năm đứng cô độc một mình, cây bằng lăng cứ hồn nhiên tạo dáng bung nở suốt mấy mươi mùa bông rực rỡ.
Gọi cánh đồng là tính luôn đất xung quanh của thiên hạ chứ thửa đất nhà ông Mười chừng hơn 2 héc ta. Mảng xanh trải dài thoải xuôi đến tận mép con suối nhỏ lượn ngang nơi cuối đất. Mấy lúc ông trời đổ những cơn nắng gắt, hai vợ chồng ông Mười thường ngồi dưới tán cây bằng lăng nghe gió, ngó ra cánh đồng một màu xanh ngát, bí, bầu, mướp hương, đậu que, đậu bắp...
Ông Mười có chín người anh em, ông thứ Mười, cũng là út, kế thừa mảnh vườn hương hỏa, tiếp nối luôn công việc tỉa trồng. Gần bốn mươi tuổi ông Mười mới cưới vợ. “Bả yêu màu tím, thích bông bằng lăng, nên tui trồng nguyên cái cây đặng bả ngắm cho đã!”, ai nhìn cái cây trầm trồ là nghe ông Mười cười khoái chí.
Ông Mười trồng cây bằng lăng năm bà Mười đẻ đứa con đầu tiên để đánh dấu tuổi. “Thằng Bằng bao nhiêu tuổi là cây bằng lăng bấy nhiêu năm”, câu cửa miệng mà người ta hay nghe bà Mười nói. Hai đứa con, ông Mười cưng như cưng cây bằng lăng nên đứa nào cũng xí phần đặt tên: “Thằng Bằng rồi, giờ đứa này Lăng, nhe mình!”.
Cây bằng lăng trổ đâu được ba mươi mùa bông thì ông Mười đổ cơn bệnh hen suyễn nặng, rồi tạ thế. Bữa cúng tạ mã cho ông Mười ở khu mộ gia tộc bên hông cánh đồng, bà Mười khấn: “Ông nằm chỗ này, mỗi ngày ngó ra chỗ cây bằng lăng, phù hộ cho má con tui, nghen!”.
Tân Uyên vùng đất chuyên canh các loại nông sản nổi tiếng xưa nay ở Bình Dương. Đất rộng người thưa, nhiều dự án khu công nghiệp, khu dân cư lần lượt được quy hoạch. Nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, mọc đến đâu, đất trồng rau màu thu hẹp dần đến đó. Những mảng xanh còn lại nằm thưa thớt, rải rác xen lẫn giữa những cụm nhà xưởng.
“Ba không còn, má cũng lớn tuổi nên thôi má nghỉ ngơi để chuyện vườn tược hai anh em tụi con lo”. Bằng nói với má mình vậy! Nói tụi con lo nhưng thực ra chỉ thấy một mình Bằng loay hoay. Lăng, năm đó đi học ngoài thành phố. Học xong xin được việc làm rồi ở luôn ngoài đó, năm bữa nửa tháng mới về nhà một lần.
Cây bằng lăng thương nhớ người trồng, buồn quá hay sao chẳng biết mà từ cái năm không còn thấy ông Mười ra cánh đồng, cũng không thèm trổ bông nữa. Họa hoằn, thi thoảng lắm mới thấy bung lác đác vài chùm hoa tím nhạt!
***
Bữa Lăng về, lúc Bằng vừa đóng bịch xong đống khổ qua mới hái. “Trưa trờ trưa trật rồi mà Tư xe tải chưa vô chở nữa, để chín hết?”, Lăng nhìn đống khổ qua xanh tươi, mát mắt vậy mà ngó mặt ông anh héo rũ như đang cơn sầu khổ. “Đợt này trúng mánh cho em mượn mớ “lúa” sắm vi sần nghen, anh Bằng?”. “Hai ngàn đồng một ký mà lái còn không thèm vô chở kìa, mày!”.
“Hèn chi, không thấy điện thoại em nổ tin nhắn! Vậy mà mới mấy tháng trước có người hí hửng, Tết này tao trúng khổ qua, giá tại vườn 50 ngàn đồng một ký”. Là Lăng kiếm chuyện ghẹo cho Bằng cười mà không kiểu gì cho ông anh mình cười nổi!
Tết năm đó chợ khan hiếm khổ qua, người đi chợ ai cũng than tiền mua khổ qua còn mắc hơn tiền mua thịt. Mà than thì than nhưng ai cũng bấm bụng mua bởi khổ qua hầm, ngoài là món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cúng rước ông bà chiều Ba mươi, còn là món “chứa” đựng niềm tin và “gánh” trách nhiệm là: Gom hết những cái “khổ” năm cũ trong thiên hạ cho trôi “qua” hết! Đám khổ qua trước Tết trúng giá, sau Tết giá tuột vèo, thôi thì coi như bù qua sớt lại.
Hơn 2 hécta không đủ rộng thành cánh đồng, nhưng một người tỉa trồng thì quá sức. Vậy mà một mình Bằng, quanh năm xoay vòng từ bầu bí, mướp hương, mướp đắng đến đậu que, đậu đũa, đậu bắp thấy... nhẹ tênh! Đám cỏ bữa nay còn rậm rịt, Bằng đeo bình xịt, lượn một vòng, lia thuốc, sáng ra đã thấy ngã vàng. “Má nghe như mùi ổi chín đâu đây vậy, Bằng?”. “Mùi thuốc con mới xịt cỏ, “thơm” nghe giống mùi ổi chín hen, má! Thời giờ trồng trọt đâu phải ngồi vạch lá bắt sâu, hay còng lưng giãy cỏ như hồi xưa nữa má...”. Bằng trả lời má mình tỉnh bơ vậy!
Tốt nghiệp trường Cao đẳng tài chính kế toán, ra làm kế toán doanh nghiệp, công việc đúng chuyên ngành, nhưng “thân tại phố mà tâm lại tại quê”, nên quanh năm Lăng cứ lăn tăn, lúc lên bờ khi xuống rẫy với bí mùa này không đậu quả, mướp đợt này không đơm bông, rồi sâu rầy ong bướm phá hoại, mưa bão sập giàn... “Hồn cốt nông dân nên chắc mình nặng nợ chuyện rau cỏ”. Là chọc ghẹo cho anh mình bớt buồn, cho có không khí vậy chứ Lăng đâu thể cười cợt chuyện đám khổ qua mới hái đang trong cảnh “được mùa mất giá” của anh mình.
Nhưng từ ngày bước ra khỏi cánh đồng, góc nhìn được đa chiều hơn, về nhìn lại những cánh đồng rau màu xã Hàng Bông, Lăng bắt đầu nghĩ ngợi đủ thứ. Nghĩ, chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa hồi nào giờ cứ đổ thừa thương lái ép giá, nhưng xét cho kỹ do người trồng mà ra cả. Ra chợ, rau nào nhiều thì giá rẻ, trái nào hiếm giá cao, thị trường mà, bán buôn thứ gì, muôn thuở cũng theo quy luật cung - cầu.
Mà nông dân tỉa trồng lại theo tâm lý đám đông, thấy rau trái nào đang được giá là xúm nhau trồng một thứ đó, hồi chín, thu hoạch một lượt, rồi ùn ứ, đổ bỏ. Mỗi lần về, ra đồng là mỗi lần Lăng nghe người này bày trồng khổ qua, dưa chuột bón phân A, trái sẽ căng bóng bẩy. Người kia lại hiến kế trồng bầu bí, mướp hương phun thuốc B trái sẽ nhanh lớn, mau thu hoạch. Thành thói quen, nông dân Bằng cứ thấy thiên hạ xuống giống gì thì bắt chước xuống giống đó, người ta bày phun xịt loại thuốc nào là nghe theo...
***
Gấp tờ báo để sang một bên rồi mà mấy dòng chữ vẫn còn lờn vờn trước mặt Lăng. “Lượng rau được tiêu thụ mỗi ngày tại thành phố rất lớn, chủ yếu được sản xuất từ nhiều địa phương... Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối, kết quả xét nghiệm có đến gần 50% số mẫu rau quả, trái cây tồn đọng dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép”. Thông tin khiến Lăng cảm giác bất an. Đang miên man với những dòng suy nghĩ chuyện tỉa trồng ở xã Hàng Bông, điện thoại đổ chuông làm Lăng giật mình.
Là Thụ - bạn hồi phổ thông - đang là cán bộ chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường thành phố. Hồi đi học hai đứa cứ - tao, mày. Giờ đi làm, “thân tình” hơn thì tui - ông, tui - bà.
- Tuần sau tui có chuyến công tác, kết hợp tham quan trên Phú Giáo, bà đi không?
- Trời! Trên đó có gì mà tham quan?
- Giỡn hoài! Phú Giáo giờ là thủ phủ của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã nông nghiệp, rủ bà lên thưởng thức chuối Dole, dưa lưới Unifam, na dứa Đài Loan (Trung Quốc)... Công dân Bình Dương mà thông tin về nông nghiệp địa phương ở “tầm” hạn chế vậy cà?
- Nghe mê vậy? Vậy tui ké một chỗ ngồi với nghen!
Đứng trên chiếc công nông cùng đoàn tham quan là cán bộ, kỹ sư nông nghiệp, băng băng qua những cánh đồng chuối bạt ngàn của Unifarm - Khu Nông nghiệp Công nghệ cao An Thái mà Lăng cứ tưởng như đang giữa cánh đồng tận xứ Israel mà đã từng có lần “trải nghiệm” qua những... kênh YouTube! Phú Giáo trong ký ức Lăng những năm cũ không đến mức là chốn khỉ ho cò gáy nhưng là vùng đất hoang hoải, khô cằn, nắng nhiều hơn gió, vậy mà nay đã bát ngát một màu xanh.
Thật ngoài sức tưởng tượng khi được tận mắt xem mô hình nông nghiệp công nghệ hiện đại với hệ thống nhà kính tưới tiêu, kiểm soát nhiệt độ, bón phân, điều khiển tự động. Vừa bước chân vào dãy nhà kính trồng rau màu, Lăng ngỡ ngàng khi trước mặt mênh mông những giàn dưa lưới lủng lẳng đầy trái. Xoa xoa mấy trái dưa lưới, nâng niu những chùm cà chua sai quằng, chín mọng mà tâm trí Lăng cứ hình dung xã Hàng Bông nay mai sẽ được “trắng hóa” những dãy nhà kính như những trang trại rau sạch như thế này, cho rau trái vô tư, hồn nhiên nảy nở mà không sợ những cơn nắng rát, ngán những trận mưa tuôn...
- Ê... bà Lăng!
Tiếng Thụ làm Lăng giật mình:
- Làm tui hết hồn, ông!
- Rau trái ở trang trại sạch đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nghen! Nhà bà có truyền thống làm nông, biết bà mê tỉa trồng nên cố tình rủ bà lên đây tham quan. Đúng hệ luôn nhe...!
Đúng là Lăng mê thiệt! Nhưng điều khiến Lăng bất ngờ và ngưỡng mộ là Unifarm được khởi nghiệp, vận hành không phải từ một kỹ sư nông nghiệp mà “thủ lĩnh” là một công dân đô thị đầy tình yêu và tâm huyết với nông nghiệp, đã lặn lội sang tận Israel - quốc gia đứng đầu về kỹ thuật nông nghiệp, tiên tiến nhất trên thế giới để chuyển giao công nghệ, và mời bằng được chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao - ông Aviel Sade - sang để làm cố vấn...
- Đó giờ tui cứ nghĩ Bình Dương mình chỉ toàn khu công nghiệp, chứ đâu nghĩ Phú Giáo phát triển nhiều trang trại nông nghiệp như vậy. Vô siêu thị thấy chuối Dole tui cứ nghĩ nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhìn dưa lưới lại nghĩ từ Trung Quốc qua, chứ đâu có ngờ dưa lưới Unifarm không những “đá bay” dưa lưới China khỏi siêu thị từ mấy năm nay, mà còn là hai loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Unifarm...
- Chuối Dole, dưa lưới ngoài tiêu thụ trong nước, còn được ký hợp đồng xuất khẩu độc quyền cho Dole, Nhật Bản, và Malaysia... Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương mình giờ cả chục ngàn héc ta rồi. Bà còn không biết tranh thủ về làm cuộc cải cách xã Hàng Bông cho nhanh...
- Hèn gì, mấy năm nay thấy dưa lưới bán đầy ngoài chợ, vậy ra là từ Unifarm chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân mình. Mà tui phải công nhận là tui lạc hậu thiệt! Đợt này tui về nhà làm cuộc “cách mạng” với ông Bằng, bắt ổng phải thay đổi phương thức trồng trọt ngay và liền.
- Ê, mà bà cho tui hùn một cổ phần với nghen!
- Nhất trí! Nhưng mà hồi nãy tui nghe mấy anh kỹ sư nông nghiệp cho biết vốn đầu tư một héc ta nhà kính với hệ thống tưới tiêu, lập trình tự động đến gần cả chục tỉ... Lấy vốn đâu mà làm? Mà làm rồi biết đến chừng nào mới gỡ được vốn, dám mơ gì đến lợi nhuận?
- Diện tích đất ít thì làm lắp đặt nhà kính nhỏ, chừng 2 hoặc 3 ngàn mét vuông. Unifarm có chuyển giao công nghệ, tư vấn, giúp những nhà vườn nhỏ lẻ chuyển hướng cây trồng, bao tiêu luôn sản phẩm... Tui thấy trồng dưa lưới coi bộ ăn ngon... À, không, tui lộn, là ngon ăn...
Đúng là “đi một ngày đàng học được một sàng khôn”. Rõ ràng là trồng trọt kiểu truyền thống giờ không còn phù hợp giữa bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Bình Dương. Thêm nữa, là chuyện người trồng trọt giờ quá lạm dụng các loại phân bón, và thuốc trừ sâu hóa học. Nói đâu cho xa, như anh Bằng...
- Ê, bà Lăng!
- Hết hồn hà...!
- Tự nhiên lên đây bà bị mất tập trung vậy? Nghe tui truyền “sứ mệnh” của Unifarm nè: “Cùng với người nông dân Việt gây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hiện đại vì sức khỏe của người tiêu dùng và tương lai của người nông dân Việt”. Về triển khai dự án liền nghen!
***
Bữa cuối tuần đó, Lăng về...
- Anh Bằng...? - Lăng ngần ngừ không biết nên mở đầu như thế nào.
- Gì mậy? Lại tính mượn tiền tao đổi vi sần nữa hả?
- Không! Em có chuyện này quan trọng hơn... Là về cơ bản, thì tô mì gói cần phải có hành ngò, rau cỏ mới nồng nàn mùi vị. Sau bữa cơm có dĩa trái cây tráng miệng mới gọi là... cân bằng sinh thái! Ý em là... anh cần phải thay đổi phương thức trồng trọt, phải làm một cuộc cách mạng, phải ứng dụng khoa học công nghệ vô nông nghiệp...
- Mày lải nhải gì giống khùng vậy, Lăng?
- Em nói thiệt! Em tính là trước mắt anh tiến hành thành lập một hợp tác xã, đăng ký một thương hiệu kinh doanh. Tiếp theo là đầu tư một cái kho chứa hàng bông, rau củ quả. Em sẽ phụ anh đi liên kết các nhà vườn lại, vận động bà con hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Rồi từ từ mình kiếm tiền đầu tư, lắp đặt nhà kính trồng rau sạch...
- Mày tính nghe đơn giản quá! Muốn thành lập hợp tác xã đâu có dễ! Ai chịu vô? Rồi kho sơ chế, chứa hàng bông? Mà vốn đâu làm? Ra ngoài đồng hái lá bằng lăng vô làm tiền hả? Hồi đó giờ ông bà mình trồng sao, giờ cứ vậy mà làm. Cứ trồng, hái xong, thương lái vô chở ra chợ đầu mối, bữa sau có tiền, vậy cho gọn, khỏi nghĩ ngợi nhức đầu.
- Anh nói gì nói, không được đụng đến... cây bằng lăng, nha! Cây cối cũng giống như con người, có sự sống, linh hồn, cảm xúc... Ý em là anh phải thay đổi tư duy, họp các nhà vườn lại, rồi chia ra vườn nào trồng loại gì, chứ không mạnh ai nấy trồng nữa. Thu hoạch thì tập kết về kho, sơ chế, đóng gói... như vậy mới chủ động được giá bán.
Mình tự tìm điểm phân phối sẽ ổn định đầu ra, không bị ép giá. Chứ xúm nhau trồng một thứ, rồi cái điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại hoài, rồi ùn ứ, kêu giải cứu, giải cứu không kịp thì đổ bỏ, cho bò ăn, mà ăn riết, tụi bò cũng ngán chứ bộ...
- Ê, mà mày làm kế toán, đâu phải kỹ sư nông nghiệp, tự nhiên bữa nay về lên mặt dạy đời tao? Tao có phun xịt cũng cách năm bảy bữa cho loãng thuốc mới cắt bán chứ đâu có phải chiều phun sáng hái như mấy nhà vườn khác, mày đừng có bóng gió ba cái chuyện phun xịt với tao à!
Lăng còn định nói dạo này thiên hạ bệnh ung thư nhiều, không loại trừ nguyên nhân do rau ăn màu người trồng trọt phun xịt không kiểm soát. Định kể chuyện rau màu ở chợ đầu mối tồn dư lượng hóa chất... Định kể cái bữa ghé cơ sở trồng rau mầm ngoài thành phố, diện tích chỉ một ngàn mét vuông mà ông chủ cơ sở cho biết mỗi năm lãi cả gần 2 tỉ bạc, mà trồng không đủ cung cấp ra thị trường...
Lăng định nói nhiều thứ nữa, nhưng thấy vẻ nông dân Bằng không muốn tiếp thu, nói gì đến hưởng ứng. Coi như việc thay đổi tư duy nông dân Bằng xem ra không phải ngày một, ngày hai.
Bằng biết con em từ dạo ra thành phố sống tính tình thay đổi, có phần kỹ tính, xét nét hơn chuyện ăn uống, nên cũng ý tứ canh lúc đám hoa màu rụi giàn, sắp bứt dây, dọn cỏ là chừa đám trái suy dinh dưỡng, hình thù èo uột cho Lăng về hái. Quan tâm con em đến vậy mà tự nhiên bữa nay nó về bày ra đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi...
***
Bà Mười lẳng lặng đến trước bàn thờ đốt mấy nén nhang cắm vào lư hương. Bà đứng nhìn di ảnh ông Mười một hồi rồi kéo vạt áo lau nước mắt. Cũng may xóm giềng đã về hết, không thiên hạ lại rùm beng chuyện hai đứa con nhà bà cãi nhau chuyện giành đất chia cát. Mà bà coi bộ Lăng đâu có ý định đó, mà vẻ như muốn bày cho Bằng làm thứ gì đó.
Mấy kỳ giỗ, nhà cửa yên ổn, hồi nào giờ hai anh em làm gì cũng thuận nhau đâu có tiếng cự cãi nào. Miếng đất trồng rau, trồng củ qua mấy đời ông bà nay đến đời con bà lại sinh ra chuyện. Bà Mười ra thềm ba ngó ra cánh đồng. Cây bằng lăng thêm kỳ giỗ này nữa vẫn không thèm trổ bông.
- Má nghĩ coi, nó lớn lên từ đâu? Tiền nó ăn học từ đâu? Không phải từ mấy cái mương bí luống bầu này hả? Má cho nó đi thành phố học, cho nó học cao quá giờ nó về lên mặt dạy đời anh nó, bắt phải như thế này, thế nọ...
- Tui thấy sao thì nói vậy! Là tui chỉ muốn tốt cho anh, cho cả nhà này, nói anh không nghe thì từ nay tui không nói nữa. Vụ nào, trồng thứ gì cũng phân bón hóa học với thuốc bảo vệ thực vật riết thành thói quen, không chịu ngó ngàng đến tác hại, người ta bệnh ung thư đầy ra kìa. Mà có khi người ăn chưa bệnh, anh trồng, phun xịt, ngửi thuốc riết, bệnh, chết trước người ta đó.
- Mày trù tao hả? Nói hay quá! Hay mày thấy tao dắt Tím về, tính cất nhà rồi muốn chia đất, nói mẹ nó đi...
Lăng chưng hửng, căng mắt ngó anh mình một hồi rồi vô buồng quảy ba lô, một nước ra đến giữa sân, sực nhớ còn quên điều gì đó lại quay vô, thẳng đến bàn thờ đốt nhang: “Con đi nghen, ba”, rồi quay sang bà Mười:
- Con đi nghen má! Từ nay con không nói nữa, để ổng muốn làm kiểu nào thì làm. Mắc công ổng nói con giành đất, chia cát... Đi nghen, Tím... - Ba chữ “Đi nghen, Tím”, Lăng nói nhỏ, nghĩ Tím nghe hỏng nghe thôi, cũng kệ.
- Mày đi luôn đi, đừng có vác bản mặt về đây dạy đời tao nữa à! - Bằng ra thềm ba, nói với theo.
- Thôi, anh! Hai anh em cãi nhau. Má buồn kìa! - Tím can Bằng.
Tím quê ở Tiền Giang lên Bình Dương làm công nhân công ty giày ngoài Khu công nghiệp Sóng Thần. Làm được 3 năm thì nghỉ, chuyển qua Tân Uyên thuê nhà trọ buôn bán hàng bông dạo. Hồi Tím ở trọ ngoài ấp 3. “Dưới quê em đất đai nhiễm phèn, nhiễm mặn, không trồng trọt gì được nên mới bỏ xứ lên đây làm xí nghiệp. Làm công nhân tiền lương ổn định, nhưng giờ giấc hơi tù túng, mà chân em là chân đi. Đi bán đồ hàng bông, cực hơn làm công nhân, nhưng em thấy hợp với mình, nên làm không thấy mệt...”.
Mỗi sáng sớm, Tím xách xe, chạy lòng vòng mấy nhà vườn gom bí bầu, đậu que, đậu đũa... Rồi ra chợ xã, ghé dọc đường bỏ mối tạp hóa. Giữa buổi rảnh, Tím rảo lòng vòng mấy vườn nhận xịt cỏ, bón phân. Chiều, canh giờ tan ca, Tím lại chất đầy xe hàng bông chạy tới trước cổng mấy công ty để bán cho công nhân.
Một bữa qua phụ Bằng dẫn nhánh đám khổ qua leo giàn, ngồi nghỉ giữa buổi dưới gốc bằng lăng, Bằng nửa chơi, nửa thiệt: “Nhà anh rộng, Tím không ngại, dọn qua nhà anh... trọ, cho vui. Con em đi làm, ở trọ ngoài thành phố, nhà còn có hai má con...”. Bằng rủ lơi, ai dè Tím ưng thiệt. Có một con gái, thêm một con gái “dâu hờ”, tướng hiền, tên Tím, càng hạp, càng hay. Nhà thêm người, bà Mười nghe cũng vui hơn.
(Còn tiếp)
Công an Lai Châu và Lào Cai vừa phối hợp tìm thấy du khách Anh bị lạc trong rừng Hoàng Liên lúc nửa đêm.
200 phần quà và 5 chiếc xe máy đã được trao tặng cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn và các em thiếu nhi, học sinh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong khuôn khổ Ngày hội Đồng hành cùng thanh niên công nhân TPHCM lần thứ 3 - năm 2024.
Đọc bài: 'Có nên đòi đứng tên một phần đất hương hỏa do ông bà để lại”, tôi suy ngẫm, vì sao chúng ta lại thành như thế này.
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ sắp diễn ra tại TP Cần Thơ sẽ có nhiều hoạt động mới so với những lần tổ chức trước đó, với kỳ vọng thu hút 1 triệu lượt du khách.
Người đàn ông Singapore bị đa thương tích sau khi bám theo xe những kẻ bắt cóc để cứu con trai 7 tuổi lúc cùng gia đình sang Malaysia.
Mất hai tiếng của buổi cà phê, nhờ bạn chụp gần 100 tấm ảnh bằng điện thoại mà không ưng ý , Kim Ngân quyết định tìm đến dịch vụ photophone.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - nhà nghiên văn hóa dân gian, vị học giả uyên bác, con trai họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân - vừa qua đời sáng nay, 24-4, tại Hà Nội.
Người phụ nữ nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ, xưng là người của cơ quan BHXH, thông báo khoản nợ chi phí khám chữa bệnh BHYT 29 triệu đồng, nếu không trả sẽ đưa ra tòa.
Sau khi gửi bức thư 'làm hòa' với con gái, chị Quyên, 45 tuổi, nhận lại là sự im lặng, khiến người mẹ thêm đau khổ và rơi vào trầm cảm.