Tích hợp trong dạy và học các môn Văn – Sử - Địa
Ngày 19/3, Tọa đàm “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày – Tiếp cận liên môn Ngữ văn – Lịch sử - Địa lý” đã được tổ chức bởi Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) cho hay, nhà văn Hữu Đạt xuất bản cuốn sách “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày” vào năm 2015. Năm 2016, nhân ngày Toàn quốc kháng chiến, Trường đã tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách này. Sau đó, tác phẩm tiếp tục được nghiên cứu, đặc biệt dưới góc độ Sử học.
Gần đây, Trường THPT chuyên KHXHNV cho các học sinh tiếp cận tác phẩm ở các góc độ khác nhau. Trong đó, nhà trường rất quan tâm đến tiếp cận liên ngành giữa Văn học, Địa lý và Lịch sử.
Trường đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về trường ca này, được các em học sinh hào hứng đón nhận. Đã có hơn 300 học sinh của Trường tham gia dự thi. Sau hai tháng thực hiện, Ban tổ chức rất bất ngờ khi nhận được nhiều bài viết với những cảm nhận rất chân thực, hồn nhiên mà sâu sắc từ các em. Và đặc biệt hơn, không chỉ các em, mà phụ huynh cũng bày tỏ sự yêu thích khi được đọc tác phẩm.
Cuốn Trường ca cũng đã góp phần cho nhà trường tiếp cận và có những phương pháp giảng dạy tích hợp để trang bị cho các em khối lượng kiến thức lịch sử ở các khối chuyên.
“Tôi cho rằng, lịch sử là môn học rất hay, nhưng khó. Vấn đề là chúng ta chọn cách tiếp cận thế nào. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải thực hiện tiếp cận liên ngành hoặc xuyên ngành trong giáo dục môn Lịch sử”, ông Liệu cho hay.
Cô giáo Hoàng Hồng Nga, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT chuyên KHXHNV cho hay, Lịch sử vẫn được cho là một môn khó và “khô”. Bởi thế hệ các em học sinh, và ngay cả nhiều giáo viên dạy Sử không có những trải nghiệm sống như trong hoàn cảnh quá khứ của cha ông. Trong khi đó, các em lại phải học khối lượng kiến thức lớn, ngồn ngộn các sự kiện lịch sử. Điều đó, có thể dẫn đến sự chán nản, mệt mỏi.
Tác phẩm “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày” đã thành công trong việc giúp học sinh có thể tái hiện được lịch sử một cách dễ dàng. Từ đêm trường nô lệ của dân tộc, đến cuộc giải phóng, rồi 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam, hay vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước hiện nay… đều được tái hiện một cách rất sống động trong tác phẩm.
“Tác phẩm gần như giữ trọn hồn cốt trong những trang sử của dân tộc nhưng được thể hiện một cách đầy xúc cảm, súc tích, dễ nhớ và dễ thấm”, cô Nga đánh giá.
Nhà giáo Nguyễn Hải Triều chia sẻ, là một người lính, từng tham gia chiến dịch Quảng Trị khốc liệt năm 1972, ông thực sự xúc động khi đọc tác phẩm “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày”.
Ông kể, một người đồng đội của ông, lúc ra trận vợ đang mang bầu. Khi vợ sinh con thì chồng hy sinh, chưa kịp biết mặt con. Vợ ở nhà, mong ngóng tin tức, thương nhớ chồng, khóc đến nỗi mù hai mắt, đến giờ cũng vẫn chưa tìm được hài cốt chồng. Trong chiến tranh, có biết bao nhiêu câu chuyện như thế. Có những ngôi mộ đồng đội vừa mới đắp lại tiếp tục trúng bom, các anh tựa như đã “hy sinh hai lần”, thịt xương lẫn vào đất mẹ.
“Đọc tác phẩm tôi tựa như sống lại ký ức. Lịch sử được cho là khô khan, học sinh ngại học, nhưng tôi cho rằng,vấn đề ở chỗ là giảng dạy, biên soạn thế nào. Thông qua văn học nghệ thuật, các kiến thức sẽ “mềm” đi rất nhiều.
Chẳng hạn, chỉ cần đọc mấy câu thơ trong chương 3 của Trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”, người đọc có thể hình dung ra không khí chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, cũng như không gian địa lý, môi trường nơi các lãnh đạo của Tổng hành dinh làm việc cho một sự kiện lịch sử quan trọng:
"Bộ Chính trị họp bàn trong lán trúc
bàn gỗ thênh thang chỉ có những tách trà
không bơ sữa, rượu bia và thịt hộp
những mái đầu chụm lại dưới người Cha
Trên vách nứa treo lá cờ Tổ quốc
thế trận bày ra trong từng góc bản đồ
Bác đứng dậy với cây chì đỏ
bước bồi hồi như thể trong mơ".
Chung mạch cảm xúc, Cựu chiến binh, TS. Luật sư Lê Mạnh Luân, nguyên Phó Ban nội chính Trung ương, Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Uzobechkitxtan cũng đánh giá cao chất lượng học thuật của trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”.
Đồng thời, ông nhiệt liệt hoan nghênh tư tưởng Đổi mới trong dạy và học theo phương pháp tích hợp các môn Văn – Sử - Địa do PGS.TS Nguyễn Quang Liệu đứng ra phát động và tổ chức.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXHNV khẳng đinh, nội dung tư tưởng và học thuật của Trường ca đã được khẳng định qua nhiều hội thảo cũng như trong cảm xúc của bạn đọc nhiều thế hệ. Khoa Ngôn ngữ học cũng tự hào khi có một nhà giáo, cũng đồng thời là nhà thơ Nguyễn Hữu Đạt - người đã có 44 năm cống hiến, gắn bó với công tác đào tạo của nhà trường.
Học Lịch sử với những xúc cảm mãnh liệt
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các học sinh của Trường THPT chuyên KHXHNV chia sẻ, “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày” đã đem tới cho các em sự xúc động mãnh liệt trước quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc. Các em cảm thấy có trách nhiệm với nền hòa bình mình đang được hưởng - một nền hòa bình được đánh đổi từ bao hy sinh của thế hệ đi trước.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 10 Ngữ văn chia sẻ, khi đọc cuốn Trường ca, em như đang đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc, dâng lên trong lòng niềm tự hào, và không khỏi tò mò muốn tìm hiểu thêm về những sự kiện lịch sử ấy.
“Bản Trường ca có lúc dữ dội, hào hùng, có lúc lại sâu lắng, thiết tha. Tác phẩm đã khơi gợi suy nghĩ về cách sống trong thời hiện tại. Tuy cuộc chiến mười ngàn ngày đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những mất mát. Bản trường ca nhắc nhở chúng em về những hy sinh xương máu của những thế hệ đi trước, truyền cho chúng em ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến, tiếp bước cha ông”, Phương Thảo bày tỏ.
Cùng suy nghĩ, em Nguyễn Bảo Minh Châu, học sinh lớp 11 Chất lượng cao Ngữ văn cho hay, khi đọc tác phẩm, những kiến thức lịch sử, những kiến thức liên môn khiến cho em và các bạn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Chúng em luôn ghi nhớ, mình là người con của Việt Nam, mang dòng máu Lạc Hồng, phải tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Em Lê Minh Khánh, học sinh lớp chuyên Sử chia sẻ, thông qua tác phẩm, các em như được quay trở lại những giây phút lịch sử hào hùng của cha ông. Tác phẩm như một bộ phim tài liệu bằng ngôn từ, đã thành công trong việc tái hiện những giá trị lịch sử. Đó là sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của một thời kỳ không thể nào quên.
“Qua đó, chuyển tải thông điệp, thế hệ sau cần phải giữ gìn từng tấc đất mà cha ông đã phải đổ máu mới có được, phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó”, Khánh nhấn mạnh.
Em Nguyễn Đại Nghĩa, lớp 12 chuyên Địa lý cho hay, tác phẩm đã đưa em đến với nhiều địa danh, trong đó có mái trường Mễ Trì – một địa danh cũng rất quen thuộc với chúng em bây giờ. Tuy nhiên, nhờ tác phẩm, chúng em đã có thêm sự hiểu biết, góc nhìn khác về địa danh này. Đó là nơi những người thầy của các em cũng từng là những cô cậu học trò, từng có thanh xuân như các em với bao hoài bão. Nhưng vì trách nhiệm với Tổ quốc mà đã phải gác bút nghiên lên đường đánh giặc.
Tác phẩm cũng đưa các em đến với nhiều ngôi làng – nơi có những người mẹ, người chị, người dân vô cùng nồng hậu đã nuôi nấng, che giấu bộ đội...
“Tác phẩm là một cách gìn giữ lịch sử hào hùng, tạo cho chúng em niềm yêu thích với môn Lịch sử không phải qua những con số, sự kiện khô khan mà là những dòng thơ tràn đầy cảm xúc. Đặc biệt hơn, đặt vào yếu tố địa lý, chúng em hiểu rằng bất kỳ nơi đâu trên đất nước mình, cũng đều có những dấu ấn, đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước. Và em nhận ra rằng, hoàn toàn có thể tiếp cận môn Ngữ văn, Lịch sử thông qua góc nhìn Địa lý”, Đại Nghĩa chia sẻ.
Tại Tọa đàm, đại diện của Công ty Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (Vepic) và Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông – hai đơn vị đồng hành với Tọa đàm đã trao giải thưởng cho các em đoạt giải (gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích).
Đại diện nhà trường cho biết, đây là sự khích lệ rất lớn với thầy và trò Trường THPT Chuyên KHXHNV, đồng thời nói lên mô hình hợp tác Đào tạo và Nghiên cứu khoa học rất mới giữa Nhà trường với các đơn vị.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ, ông rất xúc động khi trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu, trong đó có những người thầy từng là người lính cùng thế hệ với ông - và đặc biệt, là từ các em học sinh về tác phẩm của mình.
Việc Trường THPT chuyên KHXHNV đưa tác phẩm vào nhà trường, dạy tích hợp 3 môn Văn – Sử - Địa đã cho thấy sự sáng tạo và quyết tâm rất lớn của nhà trường trong việc thực hiện chủ trương dạy tích hợp các môn KHXH.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt sinh năm 1953. Ông nguyên là giảng viên khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông hiện là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXHNV, ĐH QGHN) nói về “Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày” của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Đó là tâm sự của hai người hùng đập tường cứu người trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa được tôn vinh trong chương trình gala 'Thanh niên sống đẹp' 2024.
Theo lãnh đạo địa phương, gia đình 7 người ngược xuôi trên xe máy hàng trăm cây số những ngày qua là để tìm việc mưu sinh, trả nợ cho căn nhà ở quê.
Tôi bị mất 600 nghìn đồng để trong ví, gặng hỏi thì con gái bảo lấy đi mua đồ.
Em là mẫu phụ nữ luôn sống hết lòng vì người mình yêu thương nhưng ít quan tâm bản thân.
Mặc dù nguồn hiến mô tạng từ người chết tim tiềm năng tại Việt Nam rất nhiều nhưng hiện chưa có quy định để thực hiện.
Tốt nghiệp đại học nhưng không thể xin việc làm ở thành phố, Peter Liu đành về quê thi tuyển vào một thư viện nhà nước cấp tỉnh, chấp nhận lương thấp.
Thừa ủy quyền của Trung ương Đoàn, ngày 12/11, anh Đinh Trung Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Bình đã trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho nhóm học sinh cứu 2 em nhỏ giữa dòng nước xiết.
Bị trộm cướp, móc túi do bất cẩn đến một số vụ phát hiện camera quay lén trong nhà vệ sinh, khu vực công cộng gần đây.
Sau hai ngày đột ngột ngừng uống rượu, ông Tùng, 55 tuổi, run, vã mồ hôi, co giật, loạn thần nặng, được chẩn đoán mắc chứng sảng rượu.