Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 đã diễn ra vào tối 21-11 tại TP.HCM, khép lại hành trình tròn 20 năm tiếp sức nhiều cảm xúc.
Lễ trao học bổng tối nay là điểm trao cuối cùng của Tiếp sức đến trường năm 2023 cho 138 tân sinh viên khó khăn bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận).
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng cùng 5 suất đặc biệt có trị giá 50 triệu đồng/suất/bốn năm. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 2 tỉ đồng.
Có 106 tân sinh viên được xét nhận học bổng trước đó tại các tỉnh thành khác như: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang… nhưng đang theo học tại TP.HCM, chưa có điều kiện tham dự chương trình tại quê nhà cũng được trao học bổng trong dịp này.
Ngồi ở một góc hội trường, bà Thanh Lan (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) - mẹ của Nguyễn Vũ Quỳnh Nhi, tân sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - thấp thỏm mong đợi từng phút để chương trình được diễn ra. Dù ở không quá xa điểm diễn ra chương trình trao học bổng, nhưng vì quá mong chờ và hội hộp mà hai mẹ con chở nhau đi từ rất sớm.
Cha Quỳnh Nhi mất khi bạn mới 5 tuổi. Từ đó mọi gánh nặng của gia đình ba con cứ thế đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của người mẹ. Để đủ tiền lo nhà trọ, ăn uống cho bốn người và học phí cho ba con, bà Lan quanh năm rong ruổi khắp TP với nghề buôn ve chai. Ngày càng có tuổi, bệnh ngày một nhiều khiến những gánh ve chai ngày một nặng nề với bà Lan.
"Từ ngày nghe tin con được trao học bổng là tôi đếm từng ngày một, càng gần ngày trao càng run. Chiều nay run quá nên tính để Quỳnh Nhi đi mình, nhưng cũng mong được chứng kiến khoảnh khắc con lên sân khấu nhận học bổng tôi đi cùng", bà Lan cười.
Nhờ bạn dẫn đường, chàng tân sinh viên khiếm thị Huỳnh Ngọc Hiếu (ĐH Kinh tế TP.HCM) tự tin bước vào hội trường. Tuy việc đi lại khó khăn nhưng Ngọc Hiếu cho hay vì quá vui mừng nên đã đón xe buýt từ quận Bình Tân về quận 1 để nhận học bổng.
"Lúc làm hồ sơ em không nghĩ sẽ được chọn, cho tới khi nghe điện thoại báo của chương trình thì vỡ òa trong hạnh phúc. Đến lúc biết kết quả em mới dám báo với mẹ vì sợ mẹ trông, lỡ không được sẽ buồn", Hiếu nói.
Vì bận lịch học, lại đang ở xa nên cô bạn Nguyễn Thị Nguyên Phương (tân sinh viên ngành tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã bỏ lỡ đợt trao học bổng cho các tân sinh viên vượt khó ở quê nhà tỉnh Quảng Trị hôm 29-9. Nghe thông tin sẽ được nhận học bổng vào đợt này, Nguyên Phương mừng mất ngủ vài hôm liền.
Ngoài niềm vui khi được nhận học bổng, Nguyên Phương chia sẻ bạn vui vì được tham gia chương trình mà quen nhiều bạn mới. Các bạn ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đến TP.HCM trọ học nhưng có điểm chung là gia cảnh khó khăn, từ đó nhanh làm quen, thân thiết hơn.
Thước phim về hai tân sinh viên kiên cường vượt khó của TP.HCM Nguyễn Dương Liên Khương (trọ tại TP Thủ Đức) và Nguyễn Thị Hạnh (ngụ huyện Cần Giờ) chiếu sáng sân khấu, ngay lúc đó cả hội trường lặng im như tờ.
Lâu lâu lại nghe tiếng sụt sùi vọng lại. Thanh âm của sự đồng cảm, nhiều bạn tân sinh viên tâm sự họ như được tiếp thêm động lực, có thêm những bài học vượt lên nghịch cảnh cuộc đời.
Thời điểm nước rút cần Nguyễn Dương Liên Khương tập trung cho kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách thì cậu hay tin cha phát hiện bị lao, mẹ cũng vừa bị lao vừa bị tan máu bẩm sinh nằm một chỗ. Từ đó, một ngày của Khương luôn chật vật bởi gian khó, bệnh tật bủa vây.
Đặc biệt là rào cản về thời gian khi cùng lúc phải vừa chăm cha mẹ ốm đau, vừa học ôn vừa làm thêm kiếm sống...
Đầy nghiệt ngã khi tháng ngày Khương được vui mừng, tự tin bước đi vì đã trở thành tân sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chưa kéo dài được lâu thì tai ương lần nữa vùi dập lấy cậu.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ thời điểm đầu tháng 10, Khương đau đớn nhìn hai bậc sinh thành của mình lần lượt trút hơi thở cuối cùng. Nào ngờ, ngày trở thành tân sinh viên cũng là ngày Khương nức nở khóc trước thực tại mình đã trở thành trẻ mồ côi.
Còn với Nguyễn Thị Hạnh, tân sinh viên ngành hộ sinh Trường Đại học Y dược TP.HCM, hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy mẹ được nghỉ ngơi, không phải vất vả mưu sinh dọc theo những con đường ở bến phà Bình Khánh (huyện Cần Giờ).
Dù bị tâm thần phân liệt, người mẹ lam lũ vẫn tranh thủ những ngày tỉnh táo đi bán vé số từ 5 giờ sáng, kiếm tiền để Hạnh được đến trường. Nhưng những cơn đau đầu và tuổi tác ngày càng cao khiến bà không còn đủ sức gồng gánh.
Nhiều lúc, Hạnh thấy bất lực khi nhìn mẹ lao ra đường mưu sinh. Cô tân sinh viên từng muốn nghỉ học, đi làm kiếm tiền thay mẹ. Vậy nhưng, dù vất vả thế nào, bà Hồng vẫn muốn bám trụ khát khao được cho con đến trường. Bà biết, đó là cách duy nhất để giúp Hạnh có tương lai tốt hơn.
Hạnh hiểu rõ những vất vả của mẹ, bởi bà Hồng vừa lo việc học cho con, vừa là thu nhập chính trong gia đình suốt hàng chục năm nay. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ điều nhưng Hạnh chưa một lần trách mẹ, chỉ cảm thấy có lỗi vì đã không đủ khả năng che chở, đỡ đần nhiều cho bà.
Đường đến trường gập ghềnh là vậy, nhưng cũng như mẹ, Hạnh gắng bám trụ đến cùng. Cô mong được học, rồi tìm được một công việc tốt, có mức lương ổn định. Đích đến cuối cùng, chỉ là mong nhìn mẹ được an yên trong quãng đời ngắn ngủi còn lại.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bạn Nguyễn Thị Hạnh, tân sinh viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết hình ảnh của mẹ chính là nguồn động lực lớn nhất để cô nỗ lực học tập, bước vào giảng đường đại học.
"Mẹ mang rất nhiều bệnh nhưng sáng nào cũng phải dậy sớm mưu sinh để tôi được đến trường như các bạn. Dù nắng hay mưa, mẹ cũng ráng kiếm sống, không chịu nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Mẹ luôn nói tôi phải được đến trường, để cuộc đời tôi không khổ như mẹ", Hạnh nói.
Còn Dương Nguyễn Liên Khương, tân sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã không kiềm được nước mắt khi nói về bố mẹ. Họ là nguồn động lực để bạn nỗ lực học tập, nhưng cuối cùng khuất bóng mà chưa kịp nhìn Khương đi trọn con đường đến trường,
"Tôi thấy bố mẹ bệnh, tôi nghĩ mình phải cố gắng học tập để lo cho bố mẹ, đậu vào trường đại học yêu thích. Vậy mà, ba mẹ không còn gặp tôi được nữa…", Liên Khương nghẹn ngào bật khóc giữa sân khấu giao lưu.
Nhiều tân sinh viên, khách mời không giấu được sự xúc động khi nghe câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Hạnh và bạn Dương Nguyễn Liên Khương - Ảnh: T.T.D. - PHƯƠNG QUYÊN
Nói về cảm xúc khi được nhận học bổng, cả Hạnh và Khương đều biết ơn và thấy mình may mắn, tự hào về nỗ lực trong suốt hành trình vừa qua.
"Chúng tôi hy vọng học bổng Tiếp sức đến trường sẽ tiếp tục được lan tỏa và giúp đỡ được cho nhiều bạn tân sinh viên khó khăn được đặt chân đến giảng đường, chạm đến ước mơ", cả hai trải lòng.
Phát biểu tại lễ trao, nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, suốt 20 năm qua, với mong muốn "không để tân sinh viên phải gác lại ước mơ học hành vì hoàn cảnh nghèo khó" đi cùng thông điệp: "Tân sinh viên gặp khó, có báo Tuổi Trẻ", từ 27 suất học bổng năm đầu tiên, đến nay chương trình đã trao 23.395 suất cho tân sinh viên vượt khó trên khắp các vùng miền cả nước được đến giảng đường đại học, cao đẳng, với tổng số tiền hơn 179 tỉ đồng.
Theo ông Chữ, Vì ngày mai phát triển tồn tại suốt 35 năm và Tiếp sức đến trường duy trì đến 20 năm là nhờ 3 yếu tố chính: những nhà hảo tâm, bạn đọc báo Tuổi Trẻ và những người làm chương trình cùng dành cho giới trẻ những gì tốt nhất bằng sự vô tư, trong sáng, không vụ lợi.
Những câu chuyện đẹp về các tấm gương tiêu biểu được kể trên mặt báo đã lay động và thôi thúc những nghĩa cử đẹp, động viên, khích lệ những bạn trẻ khác nỗ lực học tập tốt hơn, tạo ra sự cộng hưởng để xã hội ngày một nghĩa tình; cũng như niềm tin mà xã hội đã trao đòi hỏi báo Tuổi Trẻ có trách nhiệm cố gắng làm tròn phận sự của mình trong giáo dục, chăm lo cho thanh thiếu niên.
Nhắn gửi đến 244 tân sinh viên tại lễ trao, nhà báo Lê Thế Chữ cho rằng học bổng chính là sự ghi nhận những nghị lực, ý chí và nỗ lực lớn lao của các em. Sắp tới, ngưỡng cửa vào đời có gian nan, vất vả thế nào thì cũng đừng bao giờ đầu hàng số phận, đừng bao giờ bỏ cuộc.
"Chúng tôi tin rằng các em sẽ vượt qua mọi thử thách. Chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng ý chí, nỗ lực, khát vọng lớn lao của chính mình. Xã hội vẫn luôn có những vòng tay nhân ái nâng đỡ và luôn kỳ vọng vào các em.
Các em hãy xứng đáng với tình cảm và kỳ vọng ấy và không ngừng phấn đấu, trở thành những công dân tốt, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước", ông Chữ nói.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Vinacam gửi lời chúc mừng các tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường đã vượt khó, vượt qua nghịch cảnh để trang bị cho mình kho tri thức mới trong giảng đường đại học. Đây là kho tri thức chắc chắn sẽ mở ra cho các em một tương lai tươi sáng để giúp ích cho gia đình, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
"Chúng tôi chỉ muốn gửi gắm đến các em một mong muốn duy nhất, đó là tất cả các sinh viên được trao học bổng năm nay đều tốt nghiệp ra trường với đủ đầy kiến thức, để cùng chung tay góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp", ông Hải nói.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các em hãy nỗ lực vượt mọi khó khăn, luôn nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê và khát vọng, không ngừng học hỏi, cập nhật thêm kiến thức, trau dồi thêm ngoại ngữ, tham gia tích cực vào các công tác xã hội, chắc chắn các em sẽ thành công", ông nhắn nhủ.
Ông Hải cũng gửi lời cám ơn báo Tuổi Trẻ đã tạo ra chương trình hết sức nhân văn và ý nghĩa để tập đoàn Vinacam có thể đồng hành, đồng thời tri ân tất cả các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên trong ngành giáo dục đã không quản gian khó trong sự nghiệp "trồng người" để trang bị cho các lớp học sinh tri thức và lối sống nhân văn đầy trách nhiệm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, việc báo Tuổi Trẻ cùng tổ chức Đoàn trên cả nước phối hợp trao học bổng Tiếp sức đến trường cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, có nguy cơ dừng bước trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời là một việc rất cần thiết và rất nhân văn.
Theo ông Đức, TP.HCM không chỉ quan tâm đến cái ăn, cái mặc của người dân mà còn có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy xã hội cùng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, bất kì xã hội nào dù phát triển đến đâu, hiện đại, văn minh đến mức nào vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó mà chính họ cũng không mong muốn rơi vào hoàn cảnh ấy. Nhiều gia đình đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo thiếu trước hụt sau, không đủ điều kiện để lo cho con em ăn học, muốn vươn lên thoát nghèo nhưng gặp nhiều cản trở.
"Vì vậy, lãnh đạo thành phố rất hoan nghênh và khuyến khích sự chung tay, giúp sức để chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ cho những người trẻ là tương lai của đất nước có điều kiện tiếp cận tri thức, vươn lên làm chủ cuộc sống. Từ đó, có rất nhiều chương trình mang ý nghĩa rất hay, và sáng kiến xây dựng học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ là một trong số đó", ông Đức nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng thành công của chương trình Vì ngày mai phát triển và học bổng Tiếp sức đến trường đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp học tập trong xã hội.
"Tôi nhiệt liệt biểu dương Thành đoàn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối, huy động nhiều tấm lòng đến với chương trình. Đặc biệt, tôi cũng xin biểu dương các đơn vị, các nhà hảo tâm đã dành những tình cảm rất quí báu tiếp sức cho các bạn trẻ - những tài năng tương lai của đất nước", ông Đức nói.
Anh Lê Nguyễn Minh Quang, chủ nhiệm Gia đình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ, giám đốc đối ngoại Tập đoàn Nam Long - từng nhận học bổng từ chương trình Vì ngày mai phát triển năm 1988 cũng góp mặt tại buổi giao lưu hôm nay.
Chia sẻ cùng các tân sinh viên, anh Minh Quang chia sẻ vô cùng xúc động và tự hào khi có dịp được quay trở lại tham dự chương trình sau 35 năm. Anh xúc động khi được thấy những tấm gương vượt khó, hiếu học và được gặp lại những "ân nhân".
Tự hào bởi 35 năm qua nhưng những thế hệ vẫn tiếp bước, luôn luôn mang lại nguồn sức sống, nghị lực duy trì chương trình ngày càng phát triển. Nhắn nhủ tới các tân sinh viên, anh Minh Quang nói suất học bổng ngày hôm nay là một nguồn động viên để các bạn đi tới, đi xa và bay cao hơn.
Sự giúp sức lần này để các bạn gạt đi những vết bụi mờ, giúp các bạn vụt sáng. Nhưng muốn để thành một viên ngọc sáng thực sự thì chỉ như như vậy là không đủ, các bạn phải tự rèn giũa mình nhiều hơn nữa. Chắc chắn sau này các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để thành công, đạt được nhiều suất học bổng danh giá hơn nhưng đừng quên suất học bổng ngày hôm nay.
Năm 2023, chương trìnhTiếp sức đến trường đã trao học bổng cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng (15 triệu đồng/ 1 học bổng và 20 suất đặc biệt 50 triệu đồng/4 năm học).
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tặng 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng...
Sau 20 năm thực hiện, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ 23.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 179,8 tỉ đồng.
Khoảng 90 quốc gia và tổ chức sẽ tham dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16-6, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine
Ngày 15-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố bản Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước vào thời kỳ mới.
Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về bảo hiểm xã hội.
Trong 30 năm qua, số lượng thanh niên 18 tuổi ở Nhật Bản đã giảm hơn 40%, trong khi số lượng các trường đại học tư tăng 60%.
Tối 25/3, trả lời VTC News liên quan thông tin chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ chuyển đến vị trí mới, ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty CP DHTC Đa Năng (đơn vị quản lý chợ đêm Sơn Trà) cho biết, đây là việc bình thường, được thực hiện theo hợp đồng đã ký kết và kế hoạch đang triển khai là chuyển sang vị trí mới. “Hiện chúng tôi đang chờ thành phố có quyết định về vị trí mới. Trong vòng 3 tháng nữa thì sẽ kết thúc tổ chức chợ đêm ở...
Sáng nay 26-7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet dẫn đầu đoàn Chính phủ Hoàng gia Campuchia đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh.
Hàng trăm người Palestine thiệt mạng khi Israel tấn công ở phía nam Gaza; Mỹ để Israel tự quyết về việc tiêu diệt Hamas.
Pháo tự hành của Anh bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc tấn công của máy bay không người lái (UAV) Nga .
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - từ 15-17 năm tù tội “tham ô tài sản” và “nhận hối lộ”.