Nga và Ukraine có thể đã mất tổng cộng 800.000 binh sĩ trong hai năm chiến sự, cùng hàng nghìn khí tài hai bên bị phá hủy trong giao tranh.
Sau hai năm giao tranh dữ dội, tình hình chiến trường giữa Nga và Ukraine gần như không thay đổi, chỉ tổn thất của hai bên là không ngừng tăng lên. Nga gần đây chiếm thành phố Avdeevka ở miền đông Ukraine và đang dồn lực để tiếp tục tấn công, nhưng nhiều khả năng sẽ không tạo được đột phá nào đáng kể, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn giằng co.
Tính đến cuối năm 2023, Nga chỉ kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine. Tỷ lệ này là 7% vào đêm trước xung đột và tăng lên 27% trong những tuần đầu sau chiến dịch được phát động vào ngày 24/2/2022. Nga hồi cuối năm 2022 tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, dù không kiểm soát hoàn toàn những tỉnh này.
Nguồn viện trợ từ phương Tây tiếp tục đổ vào Ukraine trong năm qua với hy vọng giúp chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky theo đuổi cuộc phản công được ấp ủ từ lâu. Mặc dù Ukraine đã tận dụng được những sai lầm chiến thuật của Nga trong năm đầu tiên, cuộc phản công vào mùa hè 2023 của họ đã thất bại.
Kiev không thể đẩy lùi quân Nga ra khỏi lãnh thổ như tuyên bố trước đó và cũng không thể giành được vị thế tốt để buộc Moskva phải ngồi vào bàn đàm phán, trong bối cảnh hai bên đều hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Quan chức Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái cho biết tổng số lính thiệt mạng và bị thương của cả hai bên là khoảng 500.000 người. Nhưng sau gần 6 tháng, con số này nhiều khả năng đã cao hơn đáng kể.
Quân đội Ukraine ngày 22/2 cho biết tổng cộng 407.240 binh sĩ Nga đã chết và bị thương kể từ khi chiến sự nổ ra. Con số này gần tương đồng với mức tổn thất mà Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey đưa ra hồi cuối tháng 1. Heappey cho biết lực lượng quân đội chính quy Nga ghi nhận khoảng 350.000 thương vong ở Ukraine, cùng với hàng chục nghìn thành viên công ty quân sự tư nhân Wagner.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga hồi tháng 11/2023 tuyên bố 383.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ đầu xung đột. Nick Reynolds, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định con số này có thể quá cao so với thực tế, song ông thêm rằng đây vẫn là "cuộc chiến rất đau đớn với người dân Ukraine".
Với con số hai bên đưa ra, gần 800.000 binh sĩ Nga và Ukraine đã tử trận, bị thương trong những cuộc đụng độ ác liệt trong hai năm qua.
Trên chiến trường hỗn loạn, không ai có thể thực sự biết con số chính xác về thương vong của hai phía, theo Kurt Volker, cựu đại diện của Mỹ trong các cuộc đàm phán về xung đột Ukraine. Nhưng ngay cả khi thông kê có sai sót, giới quan sát cho rằng con số thương vong đã phần nào phác họa mức độ ác liệt của hai năm xung đột.
Ukraine có thể đã ghi nhận nhiều thương vong trong mùa hè đầu tiên của xung đột, trước khi các nguồn viện trợ của phương Tây được chuyển đến và Nga đang sử dụng hỏa lực mạnh mẽ nhất, theo Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược The Hague ở Hà Lan.
Nhiều binh sĩ, sĩ quan dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo bài bản nhất của cả Nga và Ukraine đều trở thành nạn nhân của những đợt pháo kích, tập kích dữ dội trên chiến trường, nơi số phận lực lượng bộ binh trở nên vô cùng mong manh trước các loại hỏa lực mạnh và máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Ukraine đang gặp nhiều khó khăn về huy động nhân sự và đào tạo tân binh. Tổng thống Zelensky cuối năm ngoái cho biết quân đội nước này đề xuất huy động thêm 450.000-500.000 tân binh để tiếp tục cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, việc tuyển thêm quân là bài toán khó với Kiev, khi không còn nhiều người sẵn sàng nhập ngũ sau hai năm xung đột. Ukraine được cho có khoảng 500.000-800.000 quân chính quy và khoảng 400.000 quân dự bị trước xung đột.
Nga có lực lượng dự bị lớn hơn nhiều và có thể tuyển quân dễ dàng hơn nhờ dân số đông. Nga là một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới với khoảng 1,1 triệu quân chính quy và 1,5 triệu quân dự bị.
Chiến thuật của Nga và Ukraine trong các trận đánh then chốt là nguyên nhân khiến hai bên hứng chịu tổn thất lớn về nhân mạng. Để tấn công các thành trì chiến lược của Ukraine, Nga sẵn sàng huy động lực lượng bộ binh lớn, liên tiếp mở các đợt xung kích, đồng thời sử dụng hỏa lực tối đa để phá hủy mọi công trình phòng thủ của đối phương.
Điều này khiến Bakhmut trở thành một "cối xay thịt" ở miền đông Ukraine. Mỹ ước tính Nga chịu 100.000 thương vong trong 5 tháng giao tranh tại đây, trong đó khoảng 20.000 tay súng Wagner. Phía Ukraine được cho là mất khoảng 20.000 người, nhưng phần lớn trong số đó là những binh sĩ tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Từ tháng 10/2023, Nga tấn công vào thành phố chiến lược Avdeevka ở tỉnh Donetsk, bắt đầu trận chiến mệt mỏi kéo dài hơn 4 tháng cho đến khi lực lượng Ukraine rút khỏi thành phố vào ngày 17/2. Trong thời gian này, lực lượng Nga hứng chịu hơn 47.000 thương vong, trong đó 17.000 người thiệt mạng.
Bakhmut và Avdeevka là hai ví dụ rõ ràng về việc Nga sẵn sàng dồn quân và chấp nhận tổn thất cho đến khi giành được chiến thắng, theo giới quan sát.
Chiến trường Ukraine còn là nơi nhiều thiết bị quân sự hiện đại của cả hai bên bị phá hủy. Số liệu được quân đội Nga công bố ngày 22/2 cho thấy nước này mất 6.523 xe tăng, 12.400 xe bọc thép và 9.867 hệ thống pháo, trong khi Ukraine mất 15.149 xe tăng và xe bọc thép, cùng hơn 8.100 hệ thống pháo.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quốc tế (IISS) của Anh chỉ ra khoảng 3.000 xe tăng Nga bị phá hủy, hư hại hoặc bỏ lại trong hai năm qua. Tổ chức này thêm rằng Moskva đã tổn thất khoảng 2.000 xe bọc thép chở quân đội và xe chiến đấu bộ binh trong 12 tháng qua.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Heappey của Anh nói Nga mất khoảng 2.600 xe tăng chiến đấu chủ lực và 4.900 xe bọc thép.
Tuy nhiên, Nga đã triển khai các phương tiện thay thế từ kho dự trữ và tăng cường sản xuất quốc phòng để bù đắp tổn thất. Reynolds cho biết Nga cũng có "kho dự trữ đáng kể" trang thiết bị từ thời Liên Xô để sẵn sàng sử dụng.
Nga hiện có khoảng 1.750 xe tăng chiến đấu chủ lực đủ loại đang hoạt động, từ T-55 tới T-90, và ước tính có thêm vài nghìn chiếc trong kho.
Lực lượng tăng thiết giáp Ukraine đã thay đổi nhiều trong hai năm qua, khi phương Tây bổ sung những chiếc xe tăng chuẩn NATO cho đội xe thời Liên Xô của nước này. Kiev hiện có khoảng 937 xe tăng, trong đó có mẫu Leopard của Đức và Abrams của Mỹ.
Giới quan sát nhận xét Nga đang có lợi thế về thiết bị quân sự, khi Ukraine phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ phương Tây và ngành công nghiệp quốc phòng bị tổn hại nghiêm trọng vì xung đột. Ông cho rằng Ukraine có thể cầm cự trong tương lai gần, nhưng thiếu khả năng bù đắp tổn thất như Nga.
Bước sang năm thứ ba xung đột, Ukraine đang tiếp tục chờ đợi những lời hứa viện trợ quân sự từ phương Tây để duy trì cuộc chiến trong những tháng tới.
Đã có một số nỗ lực để đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến. Moskva và Kiev đã tham gia 5 vòng đàm phán tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ, song tất cả đều sụp đổ khi các bên không tìm được tiếng nói chung.
Ukraine cũng đưa ra "kế hoạch hòa bình 10 điểm" để tạo cơ sở cho 5 hội nghị thượng đỉnh quốc tế, nhưng đều không có sự tham dự của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev, song phải dựa trên lợi ích quốc gia của Moskva. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga cũng từng khẳng định hòa bình ở Ukraine sẽ chỉ xảy ra sau khi "phi phát xít hóa, phi quân sự hóa" Ukraine, hai mục tiêu mà Điện Kremlin đã nêu ngay từ đầu cuộc chiến. Trong khi đó, Kiev tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để giành lại lãnh thổ.
Nhưng Anatol Lieven và George Beebe, hai chuyên gia của Viện Quincy ở Mỹ, nhận định hiện có rất ít triển vọng thực tế về việc Ukraine có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự.
"Khi chiến sự bước vào năm thứ ba, Ukraine đối mặt nguy cơ cạn kiệt nhân lực, đạn dược và để ngỏ cánh cửa cho cuộc phản công tàn khốc của Nga", họ cảnh báo. "Với rất ít hy vọng về xung đột sớm kết thúc, thương vong và tổn thất của cả hai bên sẽ tiếp tục tăng lên".
Thanh Tâm (Theo Newsweek, RS, Vox)
Hơn 80.000 tín đồ Công giáo tập trung về thủ đô Jakarta để nghe Giáo hoàng Francis thuyết giảng khi ông thăm Indonesia.
Tổng thống Zelensky nói Nga đang tiến công dữ dội trên hướng Kharkov, tuyên bố quân đội Ukraine sẽ phản ứng kiên quyết.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nguyên nhân để Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là việc Kiev từ chối thực hiện “các thỏa thuận Minsk”.
Hãng RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/5 tuyên bố đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các kho đạn dược của Ukraine.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thủ đô Vienna của Áo và có các cuộc thảo luận với lãnh đạo của quốc gia chủ nhà về quan hệ song phương cũng như tình hình quốc tế trong ngày 10/7.
Sáng 1-8, báo Khmer Times đưa tin cảnh sát Phnom Penh vừa bắt một người phụ nữ có hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Hun Manet, thủ tướng tương lai của Campuchia.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tối 13/4 tại thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ kỷ niệm và cuộc tọa đàm với chủ đề “Giao thoa lịch sử và ký ức Việt-Pháp về Điện Biên Phủ”.
Dư luận về leo thang căng thẳng ở bán đảo liên Triều chưa kịp lắng lại bùng lên với thông tin quân đội Triều Tiên xuất hiện ở Nga.
Chỉ phải bỏ ra chưa đến 500 USD, Nga và Ukraine đã có thể sở hữu một thứ vũ khí lợi hại có thể 'làm mưa làm gió' trên thực địa.