Pháp phá vỡ âm mưu phá huỷ giáo đường Do Thái, Mỹ trừng phạt thực thể Nga liên quan đến Triều Tiên, 20 tổ chức tôn giáo Mỹ yêu gọi thay đổi chính sách với Cuba, Phillipines mua 5 tàu tuần tra biển của Nhật Bản, Tư lệnh Iran đe dọa trả đũa quân sự Israel… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines ở khu vực gần bãi cạn Scarborough. |
Một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines ở khu vực gần bãi cạn Scarborough khiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila gia tăng trong thời gian gần đây. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
*Sân bay Belbek của Nga bị tên lửa tầm xa của Ukraine tấn công: Công ty vệ tinh thương mại Maxar của Mỹ cho biết Ukraine đã phá hủy 3 máy bay chiến đấu của Nga và một cơ sở nhiên liệu gần đường băng chính trong căn cứ không quân Belbek do Moscow kiểm soát ở bán đảo Crimea trong cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine.
Maxar công bố hình ảnh vệ tinh chụp hôm 16/5 cho thấy 2 chiến đấu cơ MiG-31 và một máy bay chiến đấu Su-27 đã bị phá hủy. Ngoài ra, 1 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga dường như cũng bị hư hại. Hiện Ukraine chưa công khai thừa nhận tiến hành vụ tấn công này.
Hôm 16/5, Bộ Quốc phòng Nga cho hay Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công trong đêm vào Crimea và lực lượng phòng không của nước này đã đánh chặn 5 tên lửa tầm xa ATACMS. (Reuters)
Tin liên quan |
Tin thế giới 16/5: Nga, Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự, Anh không đưa quân tới Ukraine, Cuba tố Mỹ tài trợ kích động biểu tình bạo lực Tin thế giới 16/5: Nga, Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự, Anh không đưa quân tới Ukraine, Cuba tố Mỹ tài trợ kích động biểu tình bạo lực |
*Tổng thống Putin: Chiếm Kharkov của Ukraine không nằm trong kế hoạch hiện tại: Ngày 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc chiếm thành phố Kharkov của Ukraine không nằm trong kế hoạch hiện tại của Nga và các lực lượng Nga hoạt động gần đó đang tạo ra một "vùng đệm" cho an ninh của chính Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Trung Quốc, ông Putin cho hay tất cả các chiến dịch quân sự đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Trước đó, trong cùng ngày, Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi thông báo các lực lượng Nga đã mở rộng khu vực chiến sự thêm gần 70 km với việc tiến hành cuộc tấn công vào vùng Kharkov. (Sputnik)
*Ukraine tấn công tầm xa vào các mục tiêu ở Crimea: Một nguồn tin tình báo Ukraine tiết lộ nước này đã tấn công một trạm biến áp ở bán đảo Crimea do Moscow quản lý, một kho dầu và nhà ga đường sắt ở cảng Novorossiysk của Nga cũng như một nhà máy lọc dầu ở Tuapse trong đêm.
Theo nguồn tin, cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào nhà máy lọc dầu đã gây ra thiệt hại cần phải sửa chữa. Trong khi đó, cuộc tấn công vào nhà máy điện ở Sevastopol gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng. (Politicol)
*Tổng thống Ukraine tuyên bố tình hình ở Kharkov "đã ổn định": Hãng thông tấn RBC-Ukraine dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Nga đã tiến 10 km vào khu vực Kharkov của Ukraine nhưng tình hình đã "ổn định" kể từ ngày 17/5.
Phát biểu với các nhà báo, ông Zelensky nhấn mạnh: "Hôm nay, lực lượng phòng thủ của chúng tôi đã giữ được quân Nga tại vị trí hiện tại. Điểm sâu nhất trong cuộc tiến công của họ là 10 km".
Lực lượng Ukraine đã sử dụng Kharkov và vùng lãnh thổ xung quanh trong nhiều tháng để tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Belgorod của Nga. Khoảng cách gần khiến quân đội Ukraine thường xuyên pháo kích vào thành phố Nga bằng nhiều hệ thống phóng tên lửa. (AFP)
*Phillipines mua 5 tàu tuần tra của Nhật Bản: Ngày 17/5, Philippines đã đồng ý mua 5 tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) trong một thỏa thuận trị giá hơn 400 triệu USD, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhật Bản sẽ cho Philippines vay 64,38 tỷ Yen (413 triệu USD) để mua 5 tàu tuần tra đa năng (MRRV) dài 97 mét và chi trả cho việc "phát triển các cơ sở hỗ trợ cần thiết", theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao.
Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển nước ngoài hàng đầu cho Philippines.
Hai quốc gia này đang nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong việc khẳng định các yêu sách của mình ở Biển Đông. (Strait Times)
*Ấn Độ gia tăng hợp tác kinh tế với Nga: Ngày 17/5, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho rằng việc nước này và Nga tăng cường hoạt động thương mại đang mang lại nhiều cơ hội kinh tế.
New Delhi đã từ chối lên án Moscow về chiến dịch đặc biệt ở Ukraine mà chỉ kêu gọi hai bên chấm dứt xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao.
Ấn Độ là một trong những khách hàng hàng đầu mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và ngừng mua hàng để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt.
Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Nga đạt 65,7 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, tăng 33% so với năm trước.
New Delhi đang tìm cách đạt được tiến bộ trong hiệp ước đầu tư với Nga cũng như ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Moscow dẫn đầu. Hai nước cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán về việc cùng sản xuất thiết bị quân sự. (Hindustan Times)
*Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn: Quân đội Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã phóng một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này trong ngày 17/5.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Hàn Quốc và Mỹ tổ chức các cuộc tập trận trên không với sự tham gia của các máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết họ đã phát hiện Triều Tiên phóng vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bờ biển thành phố Wonsan lúc 15h10 ra vùng biển phía Đông.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Triều Tiên cũng đã bắn đạn pháo siêu lớn 600 mm, được coi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ra vùng biển phía Đông. (Yonhap)
*Anh mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và Nga: Thông tin trên trang web của Chính phủ Anh được cập nhật ngày 17/5 cho thấy Anh đã bổ sung thêm 3 thực thể và cá nhân vào danh sách trừng phạt Triều Tiên liên quan đến các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng và một cá nhân liên quan đến cơ chế trừng phạt Nga.
Theo đó, Chính phủ Anh đã phong tỏa tài sản đối với Công ty vận tải Paekyangsan, Công ty cung cấp nhiên liệu Toplivo, cũng như Giám đốc Công ty cung cấp nhiên liệu Toplivo - Aleksey Mikhailovich Vorotnikov mang quốc tịch Nga liên quan tới Triều Tiên. Anh cũng trừng phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn Vostochnaya Stevedore của tập đoàn Nga.
Trước đó, cùng với Anh, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 cá nhân và 3 công ty Nga vì đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao vũ khí giữa Nga và Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo để sử dụng ở Ukraine. (Straits Times)
*Pháp phá vỡ âm mưu phá huỷ giáo đường Do Thái: Ngày 17/5, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết, cảnh sát Pháp đã bắn chết một người đàn ông có vũ trang đang cố gắng phóng hoả một giáo đường Do Thái ở thành phố Rouen, miền Bắc nước này.
Một nguồn tin thạo tin nói rằng người đàn ông này "mang một con dao và một thanh sắt, anh ta tiến lại gần cảnh sát, họ đã nổ súng. Cá nhân này sau đó tử vong".
Pháp có cộng đồng Do Thái lớn nhất sau Israel và Mỹ, đồng thời có cộng đồng Hồi giáo đông nhất châu Âu. (AFP)
*G7 ủng hộ chính sách của EU đối với tài sản bị đóng băng của Nga: Ngày 16/5, một quan chức Bộ Tài chính Italy cho biết Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), sẽ diễn ra tại Italy vào tuần tới, sẽ ủng hộ kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) để sử dụng lợi nhuận từ việc đóng băng tài sản của Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
G7 đã đóng băng số tài sản tài chính trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Kể từ đó, EU và các nước G7 khác đã đã tranh luận về việc có nên sử dụng số tiền này để giúp Ukraine hay không và bằng cách nào.
Quan chức trên cho biết thêm rằng Italy, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của G7, cũng sẽ cố gắng khôi phục thỏa thuận quốc tế về cách chia sẻ quyền đánh thuế đối với các tập đoàn lớn mà Mỹ đang vật lộn để phê chuẩn tại Quốc hội. G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada. (AFP)
*Nga trục xuất tùy viên quốc phòng Anh: Ngày 16/5, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay nước này đã trục xuất tùy viên quốc phòng Anh Adrian Coghill khỏi Moscow để đáp trả những động thái không thân thiện của Anh.
Bộ này thông báo đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Anh vào ngày 16/5 và đưa ra lời phản đối liên quan đến quyết định không thân thiện của nước này vào ngày 8/5 đối với tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Nga ở London.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh phản ứng của Moscow đối với các hành động chống Nga của Anh hôm 8/5 vừa qua không chỉ giới hạn ở quyết định trục xuất ông Adrian Coghill. Moscow coi động thái không thân thiện của London "là một hành động có động cơ chính trị mang tính chất bài Nga rõ ràng, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho quan hệ song phương". (TASS)
*Houthi tuyên bố bắn hạ UAV 30 triệu USD của Mỹ ở Yemen: Người phát ngôn lực lượng Houthi ngày 17/5 cho biết lực lượng ở Yemen liên kết với Iran này đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái (UAV) MQ9 của Mỹ vào tối 16/5 trên bầu trời tỉnh Maareb ở miền Đông Nam Yemen.
Houthi cho hay sẽ công bố hình ảnh và video để chứng minh cho tuyên bố của nhóm này và nói thêm rằng lực lượng này đã tấn công UAV trên bằng tên lửa đất đối không nội địa.
MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo cho không quân Mỹ. UAV này trị giá khoảng 30 triệu USD. (Reuters)
*Tư lệnh Iran đe dọa trả đũa quân sự Israel: Theo kênh truyền hình Iran International có trụ sở tại Luân Đôn, Anh, ngày 16/5, Tư lệnh lực lượng mặt đất của quân đội Iran Kioumars Heydari một lần nữa cảnh báo Israel không nên hành động quân sự trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngầm đang diễn ra giữa hai quốc gia.
Ông Heydari tuyên bố: “Nếu có một mối đe dọa chống lại chúng tôi bắt nguồn từ chế độ Phục quốc Do Thái, Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ đáp trả”.
Tư lệnh lực lượng mặt đất của quân đội Iran cũng khẳng định, cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel ngày 13/4 vừa qua đã “thúc đẩy triển vọng tiêu diệt Israel”. (Arab News)
*20 tổ chức tôn giáo Mỹ yêu cầu thay đổi chính sách với Cuba: Ngày 16/5, hơn 20 tổ chức tôn giáo ở Mỹ cùng lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden thay đổi chính sách đối với Cuba.
Trong một lá thư gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, các tổ chức tôn giáo nêu rõ: “Chính sách hiện nay của Mỹ nhằm bóp nghẹt xã hội Cuba bằng lệnh bao vây cấm vận nhằm buộc nước này lật đổ chính quyền của mình là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và trái với đức tin của chúng tôi, cũng như các nguyên tắc cơ bản về nhân quyền”.
Bức thư nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ phải loại Cuba khỏi danh sách các Nhà nước tài trợ khủng bố, đẩy nhanh quá trình xem xét hỗ trợ từ các tổ chức nhân đạo, chấm dứt Các tổ chức này cho rằng quyết định trên sẽ không chỉ giúp cứu mạng sống mà còn thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ là đề cao nhân quyền. (AFP)
*Mỹ trừng phạt 5 cá nhân và thực thể Nga liên quan đến Triều Tiên: Ngày 16/5 (giờ địa phương), Mỹ đã thông báo các lệnh trừng phạt đối với 2 cá nhân và 3 công ty của Nga do hỗ trợ việc chuyển giao vũ khí giữa Nga và Triều Tiên, bao gồm cả những tên lửa đạn đạo để sử dụng tại Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là vòng trừng phạt mới nhất do Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ giới thiệu để ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí giữa hai nước. Tuyên bố của bộ này nêu rõ: “Hành động ngày hôm nay phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm ngăn chặn và phát hiện các đợt chuyển giao vũ khí giữa hai nước”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson nêu rõ: “Nga và Triều Tiên đã tăng cường hợp tác quốc phòng trong năm qua, với việc Bình Nhưỡng cung cấp các tên lửa đạn đạo và đạn dược tới Nga, đi ngược lại các lệnh hạn chế của Liên hợp quốc. (Reuters)
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao.
Ngày 9/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cách chức người đứng đầu Vệ binh quốc gia Serhiy Rud, lực lượng phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt trong tuần nhằm vào nhà lãnh đạo này.
Tối 26/5 (giờ địa phương), Ủy ban Bầu cử trung ương (VRK) của Lithuania công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 cho thấy, đương kim Tổng thống Gitanas Nauseda đã giành chiến thắng.
Đảng ủy Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng, đoàn thể tập trung lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác ngoại giao, xây dựng Đảng.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Đại sứ, đại diện Phái đoàn các nước ASEAN tại Geneva đã thảo luận và nhất trí về các hoạt động chung, sáng kiến chung của ASEAN.
Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 15-16/10 tại thủ đô Islamabad, Pakistan với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên cùng các nước quan sát viên và “đối tác đối thoại”.
Ngày 10/8, cơ quan dân phòng Gaza cho biết, một cuộc tấn công của Israel đã nhắm vào một trường học ở Thành phố Gaza, trong khi quân đội Israel tuyên bố họ đã tấn công một trung tâm chỉ huy của Hamas.
Hôm 27-10, cảnh sát Israel nghi ngờ vụ tai nạn xe buýt ở gần khu dân cư Glilot, thành phố Tel Aviv, Israel khiến một người chết, 32 người bị thương vào sáng cùng ngày là một vụ khủng bố.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 1/2.