Nga-Ukraine lên tiếng về Hội nghị hòa bình, ECOWAS chưa sẵn sàng can thiệp quân sự tại Niger … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ông Hun Manet - người sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo Campuchia trong 5 năm tới. (Nguồn: Reuters) |
Ông Hun Manet sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo Campuchia trong 5 năm tới. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga tấn công cáccăn cứ không quân Ukraine: Ngày 6/8, Bộ Quốc phòng nước này cho biết lực lượng của xứ bạch dương đã tấn công các căn cứ không quân của Ukraine ở các tỉnh Rivne, Khmelnytskyi và Zaporizhzhia.
Thông báo nêu: “Đêm qua, Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) đã tấn công... nhằm vào các căn cứ không quân của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) quanh các khu định cư Starokostiantinov ở tỉnh Khmelnytskyi và Dubno ở tỉnh Rivne”. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tấn công thành công và “toàn bộ các mục tiêu đã bị nhắm trúng”. Đây là căn cứ của máy bay ném bom Su-24M của Ukraine được trang bị tên lửa hành trình chiến thuật Storm Shadow. (TASS)
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine: Báo Mỹ cho rằng người dân xứ cờ hoa ‘thấm mệt’ vì viện trợ cho Ukraine? Xung đột Nga-Ukraine: Báo Mỹ cho rằng người dân xứ cờ hoa ‘thấm mệt’ vì viện trợ cho Ukraine? |
* Quân đội Nga tiến bước theo hướng Zaporizhzhia: Ngày 7/8, trang Telegram “WarGonzo” cho biết ở hướng Zaporizhzhia, VS RF đã đạt được thành công đáng kể, đẩy lùi VSU hơn 1,5 km theo hướng Đông Bắc từ làng Rabotino. Cụ thể, Các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích vào vị trí của VSU tại các điểm dân cư Stepnogorsk, Pyatikhatki, Maly Shcherbaki và Shcherbaki. Bước tiến trên của VS RF là dấu hiệu cho thấy ý định bảo đảm ưu thế chiến lược và khả năng tiến hành các hoạt động mạnh hơn chống lại VSU tại đây. Trước đó một ngày, VSU đã nỗ lực tấn công làng chiến lược Urozhainoye, song không thành công. (TTXVN)
* Cầu Chonhar tiếp tục “hứng” tên lửa: Ngày 6/8, quan chức bán đảo Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Sergei Aksyonov cho biết, cây cầu Chonhar nối với Crimea đã bị hư hại do một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine cùng ngày. Ông cho biết: “Đối thủ đã bắn tên lửa vào một khu vực cầu Chonhar ở phía Bắc Crimea. Một quả tên lửa đã bắn trúng cầu, dù một phần của nó đã bị hệ thống phòng không bắn trúng”. Theo quan chức này, hiện mặt đường trên cầu bị hư hại nhẹ, song việc phân luồng tuyến giao thông và sửa chữa đã ngay lập tức được bắt đầu.
Về phần mình, ông Vladimir Saldo, quyền thống đốc tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm nhận định, tên lửa tấn công cây cầu này có thể là Storm Shadow do Anh-Pháp sản xuất, song không nêu thêm bằng chứng. Ông nói: “Hôm nay, VSU đã bắn tên lửa qua eo biển Tonky, kết nối thành phố Henichesk và Mũi nhô Arabast. Họ đã phóng 12 tên lửa, song hệ thống phòng không đã bắn hạ 9 tên lửa”.
Trong khi đó, Cục thông tin chiến lược VSU nhấn mạnh vụ việc đã gây hư hại cho bề mặt của cây cầu, vốn là tuyến đường quan trọng để nối giữa Crimea và phần lãnh thổ Ukraine nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Nga. Đơn vị này cho biết, đã có một người bị thương nhẹ và gây tổn hại tới đường ống dẫn khí đốt gần cây cầu Henichesk ở gần đó. Một trường học ở khu vực cùng tên cũng đã bị hư hại. Trước đó, tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Ukraine cũng đã triển khai nhiều đợt tấn công cầu Chonhar. (Reuters)
* Nga-Ukraine đánh giá trái ngược về Hội nghị hòa bình: Ngày 6/8, nhận định về Hội nghị hòa bình Ukraine vừa diễn ra ở Saudi Arabia, Chánh văn phòng Tổng thống nước này, ông Andriy Yermak chia sẻ: “Chúng tôi đã tham vấn hiệu quả về các nguyên tắc chính để xây dựng nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Cùng ngày, các cơ quan báo chí nhà nước của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng Hội nghị hòa bình Ukraine “thể hiện âm mưu của phương Tây nhằm tiếp tục những cố gắng vô ích, tiêu cực” để vận động Nam bán cầu ủng hộ lập trường của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Về phần mình, trong tuyên bố bằng văn bản ngày 7/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các cuộc đàm phán quốc tế ở Saudi Arabia giúp “củng cố sự đồng thuận quốc tế”. Theo đó, Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, ông Lý Huy “đã tiếp xúc và trao đổi rộng rãi với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine... lắng nghe ý kiến và đề xuất của tất cả các bên, đồng thời củng cố hơn nữa sự đồng thuận quốc tế”.
Từ ngày 5-6/8, hơn 40 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các nước châu Âu, đã tham gia những phiên thảo luận ở Jeddah, Saudi Arabia. Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị, các bên không thông qua bất kỳ văn bản tuyên bố chung nào. (Reuters)
* “ASEAN phải trở thành mỏ neo của hòa bình thế giới”: Ngày 8/8, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Đối thoại Liên Văn hóa và Liên tôn giáo ASEAN 2023 (ASEAN IIDC), Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải trở thành mỏ neo của hòa bình thế giới trong bối cảnh nhiều bất ổn”. Jakarta tin tưởng cộng đồng ASEAN sẽ trở thành chất xúc tác cho hòa bình thế giới, biết quan tâm và chia sẻ. Đồng thời, đây không chỉ là tâm điểm tăng trưởng, mà còn là tâm điểm của sự hài hòa duy trì ổn định khu vực và hòa bình thế giới.
Ông lưu ý rằng, theo Chỉ số hòa bình thế giới 2023, các cuộc xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng. Năm 2009, có 58 quốc gia tham gia cuộc xung đột, song hiện tại, con số này đã là 91. Số người chết do xung đột toàn cầu tăng lên 238.000 người với thiệt hại kinh tế tăng 17% lên 17.500 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu. Do đó, ông mong các bên tham gia IIDC 2023 cam kết đưa ASEAN trở thành tấm gương về lòng bao dung, đoàn kết, là điểm tựa cho hòa bình thế giới.
Tổng thống Joko Widodo nêu rõ: “Các nước ASEAN, trong đó có Indonesia, đã thành công trong việc duy trì truyền thống khoan dung mạnh mẽ giữa sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo. Indonesia có thể tiếp tục duy trì sự hài hòa và quản lý sự đa dạng về dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và niềm tin”.
ASEAN IIDC 2023 là sự kiện do Hội đồng Hồi giáo Indonesia (NU) khởi xướng, với hỗ trợ của Jakarta thông qua Bộ Tôn giáo và Bộ Ngoại giao Indonesia, nhằm củng cố mạng lưới các nhân vật có ảnh hưởng và các nhà lãnh đạo tôn giáo của thành viên, thúc đẩy giá trị văn hóa và tôn giáo đa dạng trong khu vực, cũng như một xã hội hài hòa, bao dung và góp phần kiến tạo hòa bình thế giới. (TTXVN)
* Ông Hun Manet chính thức trở thành Thủ tướng Campuchia: Ngày 7/8, trong một sắc lệnh hoàng gia, Quốc vương Norodom Sihamoni đã “bổ nhiệm ông Hun Manet làm thủ tướng của Vương quốc Campuchia trong nhiệm kỳ thứ 7 của Quốc hội”. Như vậy, ông Hun Manet sẽ kế nhiệm cha mình, Thủ tướng Hun Sen, chính trị gia lão làng đã cầm quyền tại Campuchia trong gần 4 thập kỷ qua. (AFP)
* Bầu cử Thái Lan: Pheu Thai có đồng minh mới: Ngày 7/8, Lãnh đạo đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai), ông Anutin Charnvirakul đã chấp nhận lời mời của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai). Bhumjaithai sẽ liên minh với Pheu Thái với ba điều kiện: Không sửa đổi Điều 112, Bộ Luật hình sự (hay “Luật khi quân”), không liên minh với đảng Tiến bước (MFP) và không lập chính phủ thiểu số.
Trong khi đó cùng ngày, lãnh đạo Pheu Thai Cholnan Srikaew cho biết: “Pheu Thai và Bhumjaithai sẽ thành lập chính phủ với sự hỗ trợ từ một số đảng khác”.
Hiện Pheu Thai, đảng về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5, đang nỗ lực thành lập chính phủ mới tại Thái Lan. Trước đó, đảng MFP, dù giành nhiều phiếu nhất tại Hạ viện, song lại chưa thể giúp cho lãnh đạo đảng này, chính trị gia Pita Limjaroenrat, vượt qua cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại Quốc hội. (Bangkok Post)
* Philippines triệu đại sứ Trung Quốc về vụ phun vòi rồng ở Biển Đông: Ngày 7/8, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc sau khi cảnh sát biển nước này chặn và phun vòi rồng vào các tàu Philippines ở Biển Đông. Ông nêu rõ: “Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đã triệu tập Đại sứ Hoàng Khê Liên và trao cho ông ấy tài liệu bao gồm hình ảnh, video về những gì đã xảy ra. Chúng tôi đang chờ câu trả lời của họ”. Đồng thời, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh quốc gia này tiếp tục khẳng định chủ quyền và quyền lãnh thổ của mình bất chấp những thách thức ở Biển Đông.
Trong một tin liên quan, ngày 7/8, Hải cảnh Trung Quốc đã kêu gọi quốc gia Đông Nam Á đưa một tàu chiến mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Trước đó 2 ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) hộ tống các tàu chở hàng tiếp tế cho binh sĩ nước này đang đóng quân tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. PCG cáo buộc hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu của Philippines, coi đây là hành động “bất hợp pháp” và “nguy hiểm”. (AFP/Reuters)
* Hàn Quốc: Cảnh sát công bố danh tính nghi phạm vụ đâm dao: Ngày 7/8, Cơ quan cảnh sát Gyeonggi Nambu (Hàn Quốc) công bố danh tính nghi phạm trong vụ đâm xe và đâm dao gây thương vong hồi tuần trước tại một cửa hàng ở quận Seongnam, phía Nam thủ đô Seoul. Nghi phạm được xác định là Choi Won-jong, 22 tuổi. Hôm 3/8, nghi phạm đã lái ô tô đâm vào nhiều người trên vỉa hè và tấn công người khác bằng dao tại cửa hàng bách hóa, khiến 1 người chết và 13 người bị thương. Hai ngày sau, nghi phạm này đã bị bắt.
Trước đó, một ủy ban chuyên gia có liên quan đã xác định vụ án đáp ứng các tiêu chí để công bố thông tin này, bao gồm bản chất của hành vi, tác hại gây ra, bằng chứng đầy đủ và quyền được thông báo của công chúng. (Yonhap)
* EU-Trung Quốc mong muốn tăng cường quan hệ song phương: Ngày 7/8, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận về Đối thoại chiến lược sắp tới ở Bắc Kinh để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc”. Ông Borrell cho hay hai bên đã trao đổi quan điểm về đảo chính ở Niger và hội nghị hòa bình Ukraine tại Saudi Arabia.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi Trung Quốc và EU tăng cường đối thoại về thể chế để tạo động lực mới và mạnh mẽ hơn nữa cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU. (Reuters)
* Ba Lan phát hiện rò rỉ đường ống dẫn dầu từ Nga: Ngày 6/8, công ty điều hành đường ống PERN (Ba Lan) cho biết tối ngày 5/8, họ phát hiện dầu rò rỉ từ tuyến đường ống dẫn dầu Druzhba của Nga. Khu vực được phát hiện nằm gần Chodecz, miền Trung Ba Lan, trên nhánh phía Tây đến Đức. Lập tức, hoạt động bơm dầu qua nhánh này bị dừng.
Cũng theo PERN, nhánh thứ hai của Druzhba qua Ba Lan vẫn hoạt động bình thường và vụ rò rỉ không đe dọa đến sức khoẻ người dân địa phương. Tuy nhiên, lính cứu hoả cùng các lực lượng khẩn cấp đã được triển khai đến hiện trường và nguyên nhân rò rỉ đang được điều tra. PERN dự kiến nối lại hoạt động bơm dầu qua nhánh đường ống bị rò rỉ vào sáng 8/8 sau khi sự cố được khắc phục.
Druzhba là một trong những đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới, đi vào hoạt động năm 1964 và hiện trải dài 5.500 km. Druzhba vận chuyển dầu Ural của Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia và Czech. (TTXVN)
* Báo Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga sẽ bàn về Ukraine: Ngày 7/8, Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn nguồn tin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Ankara vào tuần cuối cùng trong tháng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo sẽ bao gồm các vấn đề liên quan đến thời điểm nối lại thỏa thuận ngũ cốc, quan hệ song phương, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Armenia, cũng như việc khôi phục liên lạc ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Một số chuyên gia Nga lưu ý rằng việc nối lại các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine sẽ được thảo luận tại cuộc gặp trên.
Đáng chú ý, theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan sẽ công bố đề xuất ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình về Ukraine trong hội đàm với ông Putin: “Tổng thống (Thổ Nhĩ Kỳ) đề nghị làm trung gian hòa giải trong việc giải quyết xung đột”. Nguồn tin lưu ý rằng, ông Erdogan là “nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới” hiện nay duy trì mối quan hệ tốt đẹp và được cả Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin tưởng, khiến ông trở thành nhân vật đặc biệt đóng vai trò trung gian. (Hurriyet)
* Mỹ-Nga có động thái mới với Iran: Ngày 7/8, Hải quân Mỹ thông báo triển khai hơn 3.000 quân nhân Mỹ đã vào Biển Đỏ hôm 6/8 sau khi đi qua Kênh đào Suez trong một đợt triển khai được báo trước. Tuyên bố nói thêm rằng các quân nhân Mỹ này đã đến trên các tàu chiến USS Bataan và USS Carter Hall, cung cấp “khả năng hàng hải và sự linh hoạt hơn” cho Hạm đội V.
Người phát ngôn của Hạm đội V, ông Tim Hawkins nói: “Các đơn vị này bổ sung đáng kể khả năng và tính linh hoạt trong chiến dịch khi chúng tôi làm việc... để ngăn chặn hoạt động gây bất ổn và giảm căng thẳng trong khu vực từ phía Iran”.
Trong khi đó, phát biểu với hãng tin TASS (Nga) Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết sẽ thăm Tehran vào ngày 7-8/8: “Tôi sẽ ở đó (Tehran) vào thứ Hai và thứ Ba. Tôi sẽ gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Iran. Chủ đề bao gồm lĩnh vực cụ thể: tất nhiên, đó là tình hình về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) liên quan chương trình hạt nhân của Iran, BRICS mở rộng... Tôi sẽ tham dự một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao Iran tổ chức về chủ đề BRICS - Iran...”
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh sự tương tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế là “chủ đề quan trọng”, dù là về “không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, kiểm soát vũ khí, sử dụng không gian vì mục đích hòa bình...”. (AFP/TASS)
* Vụ đảo chính ở Niger: Không phận bị đóng cửa, ECOWAS cần thêm thời gian? Ngày 6/8, hạn chót của tối hậu thư từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về việc tổ chức này có thể can thiệp vũ trang, gần 30.000 người ủng hộ cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã tập trung tại Sân vận động Seini Kountché ở thủ đô Niamey. Một phái đoàn gồm các thành viên của Hội đồng bảo vệ Tổ quốc (CNSP), lực lượng hiện đang lãnh đạo Niger, đã đến sân vận động. Tướng Mohamed Toumba, thủ lĩnh của CNSP đã tố cáo những kẻ “ẩn mình trong bóng tối” và những kẻ “đang âm mưu lật đổ… con đường tiến lên của Niger”.
Cùng ngày, chính quyền quân sự Niger thông báo đóng cửa không phận của quốc gia Tây Phi này từ ngày 6/8 cho đến khi có thông báo thêm.
Trong khi đó, Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời một chỉ huy cấp cao của một trong các nước thành viên ECOWAS cho biết, quân đội các nước thành viên cần có thêm thời gian để chuẩn bị trước khi tiến hành can thiệp quân sự vào Niger. Vị chỉ huy này nói: “Hiện tại, chúng ta cần củng cố sức mạnh cho các đơn vị trước khi tham gia vào một hành động quân sự như vậy. Thành công của bất kỳ hành động quân sự nào phụ thuộc vào sự chuẩn bị tốt". Ông thêm rằng, ECOWAS sẽ tiếp tục gây sức ép với lực lượng đảo chính ở Niger thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ cho lệnh cấm vận thương mại từ các tổ chức quốc tế khác, chẳng hạn như Liên minh châu Phi (AU).
Về phần mình, ngày 7/8, tờ La Stampa (Italy) dẫn lời Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng nước này Antonio Tajani khẳng định ECOWAS nên kéo dài “tối hậu thư” để phục chức cho Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum. Quan chức này nêu rõ: “Cách duy nhất là con đường ngoại giao. Tôi hy vọng rằng tối hậu thư của ECOWAS, vốn hết hạn vào lúc nửa đêm qua (6/8), sẽ được gia hạn hôm nay”.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Niger cho biết công dân nước này nên rời sang nước thứ ba hoặc trở về nhà để tị nạn tạm thời nếu không có lý do gì để ở lại. Trong tuyên bố trên trang web, cơ quan ngoại giao này khuyến cáo công dân nên hạn chế tới Niger nếu không thực sự cần thiết. (Reuters/Sputnik)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định Ukraine vẫn còn cơ hội chiến thắng nếu đồng minh tăng tốc viện trợ và chuyển vũ khí đến tiền tuyến.
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Lễ tân Nhà nước Vũ Hoàng Yến đã tiếp nhận bản sao Thư ủy nhiệm bổ nhiệm Đại sứ Algeria tại Việt Nam.
Thành viên Lữ đoàn 47 Ukraine nói họ dùng xe tăng M1A1 Abrams để yểm trợ hỏa lực từ xa, thay vì triển khai làm mũi xung kích ở tiền tuyến.
Nhà kinh tế học Diana Mondino, ứng cử viên cho vị trí Ngoại trưởng Argentina trong chính phủ của ông Javier Milei, xác nhận rằng nước này sẽ không gia nhập BRICS.
Ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao, di cư và các vấn đề kiều dân Ai Cập Badr Abdelatty đã kêu gọi rút tất cả lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya trong một khung thời gian cụ thể.
Tình báo Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào quan chức, công dân và phái bộ ngoại giao của Seoul ở nước ngoài.
Ngày 2/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Astana của Kazakhstan để tham dự hội nghị lần thứ 24 Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và có chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Trung Á này.
Trump được cho là sẽ không phải ngồi tù, nhưng vẫn đối mặt nguy cơ bị quản chế hoặc quản thúc tại gia sau khi bị bồi thẩm đoàn New York tuyên 'có tội'.
Diễn biến mới quanh xung đột Nga-Ukraine, động thái của Mỹ-Hàn-Nhật trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc lên tiếng về hành động của Mỹ-Philippines trên Biển Đông, cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Iran... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.