Điều gì xảy ra với Trump sau khi bị kết tội?

19:40 31/05/2024

Trump được cho là sẽ không phải ngồi tù, nhưng vẫn đối mặt nguy cơ bị quản chế hoặc quản thúc tại gia sau khi bị bồi thẩm đoàn New York tuyên "có tội".

Sau hai ngày hội ý, bồi thẩm đoàn ở Manhattan, New York, chiều 30/5 tuyên bố cựu tổng thống Mỹ Donald Trump "có tội" đối với tất cả 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến các khoản chi để ém thông tin bất lợi trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.

Trong phiên tòa kéo dài 7 tuần, Trump thường xuyên phàn nàn về phòng xử lạnh lùng và khó chịu. Nhưng giờ đây, cựu tổng thống có thể phải đối mặt với những điều kiện và quy định khắc nghiệt hơn, thậm chí sẽ bị Trump coi là "xúc phạm", khi thẩm phán chuẩn bị ra phán quyết với ông.

Điều đầu tiên mà Trump phải đối mặt sau khi bị kết tội là làm việc với Sở Quản chế Thành phố New York. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo về người bị kết tội để thẩm phán tuyên án.

Tại văn phòng Sở Quản chế ở tầng 10 Tòa Hình sự Manhattan, Trump sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi về tiểu sử cá nhân, sức khỏe tâm thần và hoàn cảnh dẫn đến việc ông bị kết tội.

Trong những cuộc trao đổi này, một chuyên gia tâm lý học hoặc nhân viên xã hội của Sở Quản chế sẽ trò chuyện với Trump và cựu tổng thống sẽ phải "cố gắng tạo ấn tượng tốt, đồng thời giải thích lý do mình nên nhận được bản án nhẹ hơn".

Các luật sư nói rằng quá trình này rất gây ức chế tâm lý với bị cáo. "Nếu bạn nghĩ phòng xử án khó chịu, hãy đợi cho đến khi bạn đến văn phòng quản chế", Daniel Horwitz, luật sư chuyên về các vụ án hình sự ở New York, cho hay.

Trump bị kết luận phạm 34 tội danh về làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến các khoản thanh toán có tổng trị giá 130.000 USD cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để buộc cô im lặng về mối quan hệ trong quá khứ giữa họ.

Xuyên suốt phiên tòa bắt đầu từ ngày 15/4, văn phòng công tố viên Manhattan Alvin Bragg cáo buộc ông Trump đã kê khai các khoản thanh toán liên quan đến Daniels trong hồ sơ kinh doanh là "chi phí pháp lý", cho rằng chúng là những khoản chi tiêu không phù hợp với chiến dịch tranh cử.

Các luật sư bào chữa của Trump trong khi đó lập luận rằng cựu tổng thống đã thực hiện các khoản thanh toán cá nhân để bảo vệ gia đình ông khỏi những tình huống đáng xấu hổ. Tuy nhiên, cách giải thích này không được bồi thẩm đoàn chấp nhận, khiến Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội và đối mặt hình phạt do thẩm phán đưa ra.

Việc quyết định hình phạt với Trump hiện thuộc về thẩm phán Juan Merchan, người sẽ nhận ý kiến đóng góp từ bên công tố và bên bào chữa trong báo cáo tiền tuyên án.

Tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York có thể bị phạt từ 16 tháng đến 4 năm tù. Nếu bị tuyên án tù, Trump sẽ bị cộng dồn mức án cho mỗi tội danh, nhưng không quá 20 năm tù.

Hiện tại, vấn đề chính cần được xác định là liệu Trump có phải đối mặt với một số hình thức giam giữ trong nhà tù, hay chỉ phải chịu những hình phạt ít nghiêm khắc hơn, như quản thúc tại gia, lao động công ích, phạt tiền.

Khi xem xét tuyên án Trump, thẩm phán sẽ phải tính đến những yếu tố đặc biệt, như Sở Mật vụ sẽ bảo vệ cựu tổng thống thế nào nếu ông bị đưa vào tù và liệu ông có được phép tiến hành các sự kiện tranh cử nếu bị phạt quản thúc tại gia hay không.

Thị trưởng New York Eric Adams cho hay nhà tù Đảo Rikers của thành phố và Bộ Cải huấn đã được chuẩn bị sẵn sàng nếu Trump bị thẩm phán tuyên án tù. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết kịch bản phải ngồi tù dường như khó xảy ra đối với cựu tổng thống 77 tuổi, người chưa có tiền án tiền sự và hành vi vi phạm của ông không mang tính bạo lực.

Theo các chuyên gia hiến pháp, việc bị kết tội không ngăn cản Trump tiếp tục chạy đua tranh cử, thậm chí giữ chức tổng thống nếu được bầu. Tuy nhiên, các biện pháp quản chế, quản thúc tại gia sẽ tạo ra thách thức không nhỏ về hậu cần với chiến dịch tranh cử của ông và tiềm ẩn những lo ngại chính trị nhất định.

Nếu bị kết án quản chế, Trump sẽ phải chịu sự giám sát của một nhân viên quản chế khi rời khỏi bang New York để vận động tranh cử hay gây quỹ. Nhân viên quản chế sẽ phê duyệt từng chi tiết liên quan, dù là nhỏ nhất, của mọi hoạt động tranh cử mà Trump tham gia.

"Nếu bị quản chế, bạn sẽ không thể di chuyển khi chưa được phép. Nơi ở của bạn có thể bị kiểm tra vào bất cứ thời điểm nào. Bạn cũng có thể bị xét nghiệm ma túy. Việc ra nước ngoài sẽ trở nên vô cùng khó khăn", Matthew Galluzzo, cựu công tố viên khác từ văn phòng công tố quận Manhattan, nói.

"Điều đó là cực kỳ bất tiện đối với một người đang vận động tranh cử", Galluzzo lưu ý thêm. "Nếu phải tham gia một cuộc tranh luận với Tổng thống Biden, ông Trump có thể được phép đi, nhưng phải xin phép từ trước".

Trump và Biden đã đồng ý tham gia hai cuộc tranh luận. Cuộc đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 27/6 tại Atlanta, trước thời điểm tòa tuyên án đối với cựu tổng thống, theo kế hoạch là vào ngày 11/7. Cuộc thứ hai dự kiến vào ngày 10/9 tại địa điểm chưa được tiết lộ.

Trump tuyên bố việc ông bị truy tố có động cơ chính trị và thường xuyên chỉ trích thẩm phán Merchan, công tố viên Bragg cùng những người khác, khiến thẩm phán phải phạt ông 10 lần với tổng số tiền 10.000 USD vì vi phạm lệnh cấm phát ngôn.

Việc cựu tổng thống trả lời các câu hỏi của nhân viên quản chế về vụ án có thể khiến ông gặp rắc rối lớn hơn với tòa án. Các chuyên gia pháp lý cho hay đội ngũ luật sư của Trump có thể sẽ khuyên ông không nên nói gì với nhân viên quản chế.

"Nếu người bị kết tội nói rằng cáo buộc nhắm vào mình là 'dối trá, chuyện như vậy không xảy ra', những lời này sẽ được chuyển tới thẩm phán. Và điều đó hoàn toàn không tốt", luật sư bào chữa Jeremy Saland, người cũng từng là công tố viên Manhattan, cho biết.

Trong thời gian bị quản chế, Trump vẫn có thể phải vào tù nếu ông bị kết tội trong các vụ án hình sự. Cựu tổng thống Mỹ đang đối mặt với ba phiên tòa hình sự khác, gồm hai tòa liên bang liên quan cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, cùng một phiên tòa cấp bang ở Georgia về hành vi can thiệp bầu cử.

Sau khi thẩm phán Merchan tuyên án, đội ngũ của Trump có 30 ngày để nộp thông báo kháng cáo và 6 tháng để nộp đơn kháng cáo đầy đủ. Phiên phúc thẩm nhiều khả năng sẽ diễn ra sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Một câu hỏi quan trọng là liệu tòa án có đồng ý giữ nguyên phán quyết với Trump trong khi chờ kháng cáo hay không.

Giới chuyên gia pháp lý cho biết Merchan có thể cấp cho Trump quyền miễn trừ thi hành bản án với điều kiện ông không có hành vi vi phạm khác. Thẩm phán Merchan cũng có thể áp dụng hình phạt tài chính hoặc yêu cầu cựu tổng thống thực hiện nghĩa vụ cộng đồng, hay dự các buổi tư vấn bắt buộc.

"Tôi dự đoán chúng ta sẽ nhìn thấy Trump lao động công ích, như nhặt rác trên tàu điện ngầm New York", Karen Friedman Agnifilo, cựu công tố viên Mantattan, nhận định.

Nếu thẩm phán áp đặt hình phạt nặng, như quản thúc tại nhà riêng ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông Trump sẽ bị hạn chế đi lại đáng kể, nhưng vẫn có thể tìm cách tiếp tục vận động tranh cử.

"Trump có thể bị quản thúc nhưng vẫn có khả năng tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày, lên TV, tổ chức các cuộc mít tinh từ xa tại Mar-a-Lago", luật sư Horwitz nói. "Ông ấy có thể làm rất nhiều điều với tư cách ứng viên tổng thống, dù không thể ra khỏi nhà".

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
EU phạt Hungary 200 triệu euro vì phạm luật của khối

EU phạt Hungary 200 triệu euro vì phạm luật của khối

05:50 14/06/2024

Tòa Công lý châu Âu phạt Hungary 200 triệu euro vì không thực thi luật tị nạn của EU, động thái Budapest chỉ trích là 'không thể chấp nhận được'.

Những nhà tài trợ âm thầm tìm người thay thế ông Biden

Những nhà tài trợ âm thầm tìm người thay thế ông Biden

00:50 07/07/2024

Trong khi ông Biden tìm cách cứu vãn nỗ lực tái tranh cử, một số nhà tài trợ đảng Dân chủ âm thầm lựa chọn ứng viên thay thế.

Nga bắt Thứ trưởng Quốc phòng bị nghi nhận hối lộ

Nga bắt Thứ trưởng Quốc phòng bị nghi nhận hối lộ

07:30 24/04/2024

Giới chức Nga thông báo bắt Thứ trưởng Quốc phòng Ivanov vì bị tình nghi nhận hối lộ, tội danh có thể lĩnh án tù 15 năm.

Bầu cử Hạ viện Anh 2024: Cử tri bắt đầu đi bỏ phiếu, số phận chính trị của Thủ tướng Sunak và đảng Bảo thủ đứng trước thời khắc lịch sử

Bầu cử Hạ viện Anh 2024: Cử tri bắt đầu đi bỏ phiếu, số phận chính trị của Thủ tướng Sunak và đảng Bảo thủ đứng trước thời khắc lịch sử

11:00 04/07/2024

Ngày 4/7 (giờ địa phương), hàng triệu người dân trên khắp Vương quốc Anh bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Hạ viện mới sau chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần của các chính đảng.

Nga bắt công dân Hàn bị nghi làm gián điệp

Nga bắt công dân Hàn bị nghi làm gián điệp

01:10 12/03/2024

Nga bắt một người đàn ông Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp và đang giam người này tại nhà tù ở Moskva.

Giữa lúc 'dầu sôi lửa bỏng', Iran tiếp nhận khí tài 'khủng'

Giữa lúc 'dầu sôi lửa bỏng', Iran tiếp nhận khí tài 'khủng'

22:20 24/12/2023

Truyền thông Iran ngày 24/12 đưa tin Hải quân nước này đã tiếp nhận các tên lửa hành trình có tầm bắn 1.000 km và các máy bay trực thăng trinh sát, trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Iran tấn công một tàu chở hóa chất ở Ấn Độ Dương bằng máy bay không người lái.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc gặp gỡ báo chí trước thềm Năm mới 2024

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc gặp gỡ báo chí trước thềm Năm mới 2024

23:30 26/12/2023

Ngày 26/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tổ chức buổi gặp gỡ phóng viên báo chí trước thềm Năm mới 2024.

Thiếu niên Pháp bị bắt vì dọa đánh bom

Thiếu niên Pháp bị bắt vì dọa đánh bom

08:10 21/10/2023

Một thiếu niên Pháp bị bắt sau khi dọa đánh bom gần Paris trong bối cảnh giới chức nước này cố gắng ngăn hành vi tương tự.

Anh rục rịch chuyển tàu săn mìn cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố 'cấm cửa' qua hai eo biển

Anh rục rịch chuyển tàu săn mìn cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố 'cấm cửa' qua hai eo biển

13:20 03/01/2024

Sputnik đưa tin, ngày 2/1, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không cho phép hai tàu săn mìn của Anh di chuyển qua các eo biển ở nước này để đến Ukraine.

Co loi xay ra
Co loi xay ra