Biến động lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, Nga thúc đẩy ý tưởng về cấu trúc an ninh chung Á-Âu, Philippines-Trung Quốc thảo luận về Biển Đông, quan hệ Mỹ-Venezuela, tình hình Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Tin thế giới 3/7: Nga tiết lộ ý tưởng về an ninh Á-Âu, liên minh của Tổng thống Pháp bắt đầu 'chơi chiêu', thảm kịch giẫm đạp tồi tệ tại Ấn Độ |
Các chiến binh của phong trào Hezbollah ở Lebanon. Phong trào này tuyên bố, cách duy nhất kết thúc căng thẳng đang leo thang ở biên giới Lebanon-Israel là một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. (Nguồn: Reuters) |
* Nga trình bày ý tưởng thiết lập cấu trúc an ninh chung Á-Âu: Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin cho biết, các nhà ngoại giao của Moscow đã thông báo cho phía London về ý tưởng này.
Cụ thể, trong những năm sắp tới, những đề xuất rất quan trọng sẽ được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề an ninh ở châu Âu. Đề xuất thứ nhất sẽ liên quan Ukraine. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cách tiếp cận thực tế của các nhà lãnh đạo mới đang nổi lên ở châu Âu.
Thứ hai, sẽ có thỏa thuận rộng rãi về an ninh trên lục địa Á-Âu, đây là điều quan trọng nhất vì các nước cần xây dựng một cấu trúc khác với hệ thống an ninh châu Âu-Đại Tây Dương không hiệu quả hiện nay.
Lưu ý đây chưa phải một ý tưởng cụ thể, nhưng theo ông Kelin, Nga đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, nhấn mạnh thỏa thuận cần phải bao gồm tất cả các nước lục địa Á-Âu và Moscow đã thảo luận với một số nước về vấn đề này. (TASS)
Tin liên quan |
Bất chấp xung đột với Ukraine, kinh tế Nga thăng hạng, trở thành quốc gia có thu nhập cao Bất chấp xung đột với Ukraine, kinh tế Nga thăng hạng, trở thành quốc gia có thu nhập cao |
* Châu Âu cần chuyển sang "nền kinh tế thời chiến", thống nhất các đơn hàng vũ khí và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng về lâu dài, theo lời Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb.
Ông Stubb cho rằng, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cần “vượt qua lằn ranh đỏ” và tài trợ mạnh mẽ hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng. (Bloomberg)
* Hơn 200 ứng cử viên rút khỏi vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn chót 2/7, trong một động thái mà Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng sẽ ngăn cản phe cực hữu giành quyền lực.
Trong số các ứng cử viên rút lui có 120 người là thành viên của liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP) cánh tả, lực lượng đứng thứ hai trong vòng 1 bầu cử và hơn 70 người đại diện cho phe của Tổng thống Macron.
Trong vòng 1 diễn ra hôm 30/6, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen giành chiến thắng, bỏ xa phe của Tổng thống Emmanuel Macron, khiến phe trung dung của ông phải bắt tay với cánh tả.
Theo kế hoạch, vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ diễn ra vào ngày 7/7. (First Post)
* Thượng viện Nga xem xét việc rút khỏi OSCE PA (Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu) vào ngày 3/7 tại cuộc họp của cơ quan lập pháp này.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga đã ủng hộ việc đình chỉ sự tham gia của Nga trong OSCE PA, viện dẫn lý do Romania không cấp thị thực cho các thành viên phái đoàn Nga vì xung đột ở Ukraine. Phiên họp thường niên lần thứ 31 của OSCE PA diễn ra tại Bucharest, Romania, từ ngày 29/6-3/7.
Vào giữa tháng 6, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko đã ủng hộ đề xuất đình chỉ sự tham gia của Nga trong OSCE PA. (TASS)
* Italy có kế hoạch mua xe tăng và xe chiến đấu bộ binh với tổng trị giá 20 tỷ Euro (gần 548 nghìn tỷ đồng) từ tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức.
Cụ thể, Italy muốn nhận từ Rheinmetall 350 xe chiến đấu bộ binh Lynx và hơn 200 xe tăng Panther. Thời gian giao hàng ước tính là 15 năm. Nếu thỏa thuận được ký thì đây sẽ là hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn Rheinmetall. (Handelsblatt)
* NATO thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới mang tên Lực lượng Phản ứng nhanh đồng minh (ARF), đảm bảo liên minh "sẵn sàng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước bất kỳ mối đe dọa nào trong môi trường an ninh đang phát triển”.
ARF có những khả năng mà lực lượng tiền thân không có, bao gồm các đơn vị mạng và không gian, cùng lực lượng bộ binh hạng nhẹ có khả năng triển khai một cách nhanh chóng trong vòng 10 ngày, sẽ đóng vai trò một đơn vị mũi nhọn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Star and Stripes)
* Vụ giẫm đạp nghiêm trọng tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ trong ngày 2/7 đã khiến 121 người, hầu hết là phụ nữ, thiệt mạng, được coi là là thảm kịch tồi tệ nhất tại nước này trong hơn một thập kỷ qua.
Vụ giẫm đạp xảy ra tại một buổi lễ của các tín đồ Hindu ở thành phố Hathras, cách thủ đô New Delhi khoảng 200km về phía Đông Nam.
Khoảng 250.000 người tụ tập tại sự kiện này, nhiều gấp 3 lần sức chứa mà cơ quan chức năng cho phép (chỉ ở mức 80.000 người) được xem là nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được danh tính các cá nhân đã tổ chức buổi lễ này. (Hindustan Times)
* Trung Quốc-Philippines trao đổi thẳng thắn và xây dựng về Biển Đông tại cuộc họp lần thứ 9 Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc-Philippines (BCM) trong ngày 2/7 tại Manila, giữa các Thứ trưởng Ngoại giao hai nước lần lượt là Trần Hiểu Đông và Theresa Lazaro.
Hai bên cho rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là vì lợi ích chung và mục tiêu chung của các nước trong khu vực. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn thông qua BCM và các cơ chế quản lý khác, kiểm soát tốt mọi bất đồng và khác biệt.
Trong cuộc gặp, hai bên cũng trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện cơ chế liên lạc trên biển, thúc đẩy đối thoại giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước và thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ liên quan tới biển và bảo vệ môi trường…(Global Times)
* Trung Quốc-Lào chuẩn bị tổ chức tập trận quân sự chung “Lá chắn Hữu nghị-2024” tại quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Đây là lần thứ 2 cuộc tập trận được tổ chức, theo thỏa thuận chung song phương, với mục đích tăng cường sự tin cậy chiến lược và hợp tác thiết thực giữa quân đội hai nước, qua đó thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. (THX)
* Hàn Quốc thúc đẩy sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự nhằm xây dựng một quân đội thông minh hơn.
Ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won Sik và các quan chức quân sự hàng đầu Hàn Quốc đã thảo luận về các nỗ lực chính sách nhằm mở rộng việc tích hợp dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có tính đến các tiêu chuẩn an ninh mạng nghiêm ngặt của quân đội và hạn chế quyền truy cập vào các mạng bên ngoài.
Cuộc họp cũng thảo luận về việc thiết lập mạng 5G cho lĩnh vực quốc phòng, bồi dưỡng các chuyên gia công nghệ AI và đảm bảo các dải băng tần để vận hành tài sản quân sự có người lái và không người lái.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng ra mắt hệ thống “AI kiến tạo quốc phòng” cho các nhân viên nhằm cung cấp các dịch vụ AI như dịch thuật ngữ quân sự, tra cứu thông tin về các quy định nội bộ. (Yonhap)
* Chủ tịch Triều Tiên thăm doanh nghiệp quan trọng của nước này, trong đó có một doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của quốc gia Đông Bắc Á, đồng thời quan sát công đoạn sản xuất tự động đã đạt mức độ thông minh, chính xác và hiệu suất cao.
Chủ tịch Kim Jong-un cho rằng, trình độ hiện đại hóa mà ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên đạt được là chuẩn mực và mục tiêu là cần phải đạt được chuẩn mực này trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân.
Ông đề nghị các ban ngành hữu quan của Triều Tiên phải chỉ đạo tiến hành các dự án hiện đại hóa quy trình sản xuất của tất cả các đơn vị trong lĩnh vực kinh tế. (KCNA)
* Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thăm Malaysia từ ngày 3/7 và gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng như người đồng cấp nước chủ nhà Mohamad Hasan.
Hai bên sẽ thảo luận tình hình hợp tác giữa hai nước nhằm chuẩn bị cho Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCBC) lần thứ 17, dự kiến diễn ra trong năm nay tại Indonesia, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. (Kemlu)
* Đối tác trong liên minh cầm quyền kêu gọi Thủ tướng Nepal từ chức: Đảng Cộng sản Nepal - Marxist Leninist thống nhất (CPN-UML) trong liên minh cầm quyền đã kêu gọi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal từ chức để dọn đường cho việc thành lập “chính phủ đồng thuận quốc gia”.
CPN-UML ra hạn chót là tối 3/7 (giờ địa phương) để Thủ tướng Dahal từ chức và ủng hộ ý tưởng thành lập “chính phủ đồng thuận quốc gia” do Chủ tịch CPN-UML Sharma Oli, cũng là cựu thủ tướng, đứng đầu.
Động thái trên được đưa ra sau khi đảng Quốc đại Nepal và CPN-UML, hai đảng lớn nhất tại Hạ viện, tối 1/7 đã nhất trí cùng thành lập liên minh mới. (THX)
* Con đường duy nhất dẫn đến ngừng bắn ở biên giới Lebanon-Israel là lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza, theo lời phó thủ lĩnh Hezbollah Sheikh Naim Qassem.
Ông khẳng định: "Nếu có một lệnh ngừng bắn ở Gaza, Hezbollah sẽ dừng các cuộc tấn công mà không cần bất cứ cuộc thảo luận nào".
Tuy nhiên, nếu Israel thu hẹp các hoạt động quân sự mà không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức và rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, những tác động đối với cuộc xung đột biên giới Lebanon-Israel sẽ ít rõ ràng hơn. (MEM)
* Không còn nơi an toàn ở Gaza, theo nhận định của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), sau khi Israel ra lệnh sơ tán mới trong vòng bán kính 127km tại hai thành phố Khan Younis và Rafah, phía Nam Dải Gaza, hôm 2/7.
ICRC cho biết, hàng nghìn người đã nắm được lệnh sơ tán, trong đó có các bệnh nhân, gia đình cũng như các chuyên gia y tế có vai trò quan trọng trong điều hành bệnh viện EGH. Họ bỏ chạy trong hoảng loạn và sợ hãi.
Dù đến bất kỳ nơi nào, họ cũng đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và viễn cảnh phải di dời một lần nữa.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán quy mô lớn này, cho rằng điều đó chỉ làm tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Palestine và đẩy nhu cầu nhân đạo tăng cao hơn nữa.
* 70 phần tử thánh chiến ở vùng Hồ Chad bị tiêu diệt sau các cuộc tấn công hiệp đồng binh chủng hải-lục-không quân của Lực lượng hỗn hợp đa quốc gia (MMF) gồm Nigeria, Niger, Chad và Cameroon.
Trong chiến dịch này, lực lượng an ninh đã phá hủy 5 căn cứ và kho đạn dược, cùng các phương tiện được trang bị chất nổ nhằm mục đích tấn công liều chết. (TTXVN)
* Nội các Ai Cập có 17 gương mặt mới sẽ chính thức tuyên thệ trước Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi trong ngày 3/7.
Một số vị trí chủ chốt trong Nội các sẽ được thay thế, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nội vụ. Đại sứ Badr Abdel-Aty được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao mới. (Reuters)
* Diễn đàn Aswan vì hòa bình và phát triển bền vững lần thứ 4 có chủ đề “Châu Phi trong một thế giới đang thay đổi: Hình dung lại quản trị toàn cầu vì hòa bình và phát triển”, đã khai mạc ở thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 2/7.
Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki và Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit.
Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia châu Phi áp dụng cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu chưa từng có.
Ông Shoukry coi Diễn đàn Aswan, thành lập vào năm 2019, là nền tảng tiên phong giải quyết các mối đe dọa phức tạp đối với châu Phi và thúc đẩy các chiến lược chung để giải quyết những thách thức này.
Tại diễn đàn, ông Shoukry đã công bố các sáng kiến nhằm tăng cường các nỗ lực do châu Phi dẫn dắt vì hòa bình và an ninh, bao gồm việc ra mắt mạng lưới châu Phi để chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan. (Egypt Independent)
* Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Venezuela song không xác nhận tuyên bố trước đó của Tổng thống quốc gia Nam Mỹ Nicolas Maduro về việc đại diện 2 nước đã lên kế hoạch gặp gỡ vào ngày 10/7.
Đề cập tuyên bố của Tổng thống Maduro rằng ông đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Washington "hoan nghênh đối thoại thiện chí và ủng hộ mong muốn của người dân Venezuela về các cuộc bầu cử cạnh tranh và toàn diện vào ngày 28/7".
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đi sâu vào chi tiết các cam kết ngoại giao song phương. (Reuters)
* Tàu chiến Nga cập cảng Venezuela vào ngày 2/7, gồm tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan thuộc Hạm đội phương Bắc.
Thông báo chính thức của Bộ quốc phòng Nga nêu rõ, chuyến thăm Venezuela kéo dài đến ngày 6/7 nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Hải quân Nga nhằm “thể hiện lập trường ủng hộ và đảm bảo sự hiện diện của hải quân tại các khu vực có tầm quan trọng về mặt tác chiến” ở Đại Tây Dương. (TASS)
Xuất phát từ ngành văn hóa, tôi đã có gần 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tháng 8/2013, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc nói Phú Thọ là nơi phát tích của dân tộc, lấy văn hóa làm gốc, công tác đối ngoại cần bắt đầu từ quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của tỉnh để thu hút các nguồn lực nước ngoài và gợi ý cho tôi chuyển công tác về Sở Ngoại vụ với cương vị Giám đốc khi Sở được thành lập vào tháng tới.
Hơn 250 người nhập cư trái phép bị nhồi nhét trong xe container đã bị giới chức Mexico phát hiện khi đang trên đường hướng về biên giới Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã 'thảo luận thẳng thắn' với Trung Quốc về các vấn đề trên biển, trong đó có Biển Đông, khi chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo.
Tiếp tục vụ 'người đàn ông đánh thuốc mê vợ và mời ít nhất 72 người khác tới cưỡng hiếp trong gần 10 năm' ở Pháp, nạn nhân đã ra làm chứng.
Rút kinh nghiệm từ chiến sự Nga - Ukraine, tư lệnh quân đội Anh muốn huấn luyện một 'đội quân nhân dân' sẵn sàng tham chiến nếu xung đột bùng phát.
Chiều ngày 8/6, tại Trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Boliva Venezuela Yván Gil Pinto nhân dịp thăm chính thức Việt Nam.
Ukraine thông báo phi công tiêm kích hàng đầu Oleksiy Mes thiệt mạng khi đối phó đòn không kích dữ dội của Nga, cùng ngày chiến đấu cơ F-16 rơi.
Ngày 26/1, tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan và người đồng cấp Anh David Cameron đã thảo luận về xung đột Gaza và các vấn đề song phương.
Ukraine có thể sẽ dùng tên lửa ATACMS để tấn công các khu vực tập trung quân Nga và Triều Tiên, các kho đạn dược và tuyến tiếp tế ở Kursk.