EU bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga, tình hình ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và Dải Gaza... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 25/6: Tổng thống Pháp hứng 'bão' chỉ trích trong nước, khoảnh khắc lịch sử của Ukraine, Iran lấp lỗ hổng mang tên 'phương Tây' ra sao? |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước Điện Elysse ở thủ đô Paris. (Nguồn: AFP) |
* Tổng thống Pháp tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong podcast Génération Do It Yourself (GDIY).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ: “Tôi tin vào sức mạnh của đối thoại… Không có cuộc nào trong vài tháng qua, nhưng tôi không loại trừ khả năng sẽ có đối thoại về chủ đề này hay chủ đề khác, kể cả về vấn đề nhà máy điện hạt nhân. Nói một cách chân thành, tôi tin rằng việc tiếp tục đối thoại luôn là điều quan trọng”. (TASS)
Tin liên quan |
Thế giới hoang mang giữa các luồng xung đột Thế giới hoang mang giữa các luồng xung đột |
* Tổng thống Macron hứng bão chỉ trích từ phía lãnh đạo các đảng cánh tả và cánh hữu tại Pháp sau khi cảnh báo chiến thắng của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) hoặc liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới trong cuộc bầu cử gấp gáp sắp tới có thể gây ra một “cuộc nội chiến”.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa bảo thủ Eric Ciotti cáo buộc những phát biểu của ông Macron là “vô trách nhiệm” và nằm trong “chiến lược gây sợ hãi” của Tổng thống Pháp.
Trong khi đó, Chủ tịch thứ hai của RN Marine Le Pen cho rằng, những lập luận trên cho thấy ông Macron “nghĩ rằng mình đã thua trong cuộc bầu cử này”.
Người đứng đầu đảng Xã hội tại Thượng viện Patrick Kanner nhận định, những phát biểu của Tổng thống Macron thể hiện ông đang phải đấu tranh cho "sự sống còn chính trị” của bản thân.
Pháp đang chuẩn bị cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 30/6 tới. Đây được coi là cuộc bỏ phiếu gây chia rẽ nhất trong nhiều thập niên gần đây. (AFP)
* Liên minh châu Âu (EU) khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova, một động thái mang tính bước ngoặt nhằm quyết định tương lai của hai nước Đông Âu giữa lúc Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Phát biểu khi 27 nước EU ký thỏa thuận bắt đầu các cuộc đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Đây thực sự là những khoảnh khắc lịch sử. Chúng tôi đang và sẽ luôn là một phần của một châu Âu thống nhất. Hàng triệu người Ukraine và thực sự là nhiều thế hệ người dân chúng tôi đang thực hiện giấc mơ châu Âu của mình". (AFP)
* Ukraine kêu gọi NATO quyết định “mạnh mẽ” về vấn đề kết nạp sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington trong tháng 7 tới.
Cố vấn Ihor Zhovkva về chính sách đối ngoại của Tổng thống Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi trên, bày tỏ mong muốn Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với kết quả cụ thể bởi nếu không, "hội nghị đỉnh sẽ vô ích”.(Reuters)
* Kế hoạch về hòa bình Ukraine của ông Trump và điều kiện của Nga: Ngày 25/6, hai cố vấn chủ chốt đã trình bày với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bản kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine trong trường hợp ông giành thắng lợi trong cuộc chạy đua trở lại Nhà Trắng. Theo đó, Kiev sẽ chỉ được nhận thêm vũ khí Mỹ nếu tham gia hòa đàm.
Về việc này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hiện chưa nắm được chi tiết về bản kế hoạch trên, nhưng khẳng định, giá trị của bất kỳ kế hoạch hòa bình nào đều cần tính đến ý kiến của các bên cũng như tình hình thực địa.
Cũng theo ông Peskov, Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định Moscow vẫn sẵn sàng đàm phán, tuy nhiên, những đề xuất hòa bình gần đây của nhà lãnh đạo Nga không được phương Tây và Ukraine chấp nhận.
Trong khi đó, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, đề xuất hòa bình của Tổng thống Vladimir Putin có thể chấm dứt gần như ngay lập tức cuộc xung đột ở Ukraine. (Reuters, TASS)
* Khinh hạm Nga Đô đốc Gorshkov huấn luyện ở Đại Tây Dương, thực hành kỹ chiến thuật tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Ở khoảng cách hơn 50 km từ tàu, các phi công đã thực hiện một loạt biện pháp tìm kiếm tàu ngầm. Tổng cộng có 5 lần hạ cánh được thực hiện trên boong tàu. (Telegram)
* Nga-Iran ký thỏa thuận hợp tác toàn diện mới “trong tương lai rất gần”, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, song hiện có rất ít thông tin chi tiết về nội dung của thỏa thuận.
Văn bản thỏa thuận cũ, được ký năm 2001 và tự động gia hạn thêm 5 năm vào 2020, kêu gọi hai bên hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năng lượng (bao gồm việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân), công nghiệp và công nghệ. (TASS)
* Đức-Pháp-Ba Lan hợp tác mua vũ khí chính xác tầm xa để lấp đầy "khoảng trống năng lực nghiêm trọng" trong kho vũ khí châu Âu sau thời gian cung cấp cho Ukraine.
Trong một cuộc họp của Nhóm tam giác Weimar ở Paris (Pháp), bộ trưởng phụ trách quốc phòng 3 nước nhất trí sẽ thiết lập một cơ chế để mua sắm "vũ khí tấn công chính xác sâu" như tên lửa hành trình và các cường quốc châu Âu khác có thể tham gia cơ chế này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, mục tiêu đến Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 sẽ "tập hợp một nhóm các nước châu Âu có cùng chí hướng, đồng ý thu hẹp khoảng cách này trong trung và dài hạn”, với bước đầu tiên sẽ là việc Nhóm tam giác Weimar ký kết một ý định thư (LOI). (DPA)
* Philippines muốn đối thoại với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông: Ngày 25/6, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo khẳng định, nước này đang tích cực nỗ lực để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu trong một phiên điều trần tại Thượng viện, ông Manalo cho biết, hai nước đã tổ chức một cuộc họp nhóm công tác vào tuần trước để chuẩn bị cho cuộc họp Cơ chế tham vấn song phương có thể diễn ra vào tháng 7. (Reuters)
* Mỹ-Philippines tập trận chung ở Biển Đông: 4 máy bay F-35B Lighting II của Thủy quân lục chiến Mỹ đã thả 7 quả bom dẫn đường GBU-32 xuống các mục tiêu nổi ngoài khơi bờ biển đảo phía Tây Luzon của Philippines trong một cuộc tập trận chung giữa hai nước mang tên Hoạt động hỗ trợ hàng không hàng hải (MASA) năm 2024, diễn ra ngày 15/6. (USNI News)
* Hàn Quốc-Mỹ diễn tập tăng cường năng lực hậu cần chung, từ ngày 24-29/6, với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sĩ hai nước.
Cuộc diễn tập nhằm huấn luyện binh sĩ Hàn Quốc về các quy trình phân phối vật tư, nhân sự và thiết bị cho các đơn vị chiến đấu, huy động khoảng 500 thiết bị, bao gồm xe tăng, máy bay, tàu chiến và tàu chở hàng dân sự.
Hai nước cũng vừa ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trao đổi các phân tích tình báo ngoại giao. (Yonhap)
* Hàn Quốc phản ứng mạnh với hợp tác Nga-Triều Tiên: Hàn Quốc cảnh báo "bất kỳ hành động nào" giúp Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng thống nhất "nghiêm khắc" đối với những hành vi như vậy.
Trong khi đó, Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol đã lên án việc Triều Tiên tiếp tục thả bóng bay chứa rác thải sang Hàn Quốc và mô tả hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moscow là đi ngược lại tiến trình lịch sử.
Trong phát biểu công khai đầu tiên của ông Yoon Suk Yeol về thỏa thuận Nga-Triều mới được ký kết, nhà lãnh đạo tuyên bố, quân đội Hàn Quốc "sẽ duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ" để đảm bảo không bị thách thức trong bất kỳ trường hợp nào.
Liên quan thỏa thuận Nga-Triều, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Moscow hy vọng Seoul bình tĩnh chấp nhận thỏa thuận này. (Yonhap)
* Italy sẽ tập trận quân sự với Nhật Bản và Australia trong năm nay, sử dụng máy bay Lockheed Martin F-35 và tàu sân bay "Cavour".
* Iran quyết tâm "hướng Đông": Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani tuyên bố, Tehran coi các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là phương tiện chống lại sự thống trị của phương Tây và hệ thống thế giới đơn cực.
Theo ông, Iran hướng tới việc "thúc đẩy sự toàn vẹn của khu vực thông qua việc trở thành thành viên tích cực trong các tổ chức khu vực và toàn cầu, qua đó giúp cộng đồng quốc tế thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của các hệ thống thống trị, đưa cộng đồng quốc tế tiếp cận chủ nghĩa đa phương như một phương tiện thực hiện công lý trên trường quốc tế".
Ngoại trưởng Kani cũng chỉ ra rằng, chính quyền Iran dưới sự lãnh đạo cố Tổng thống Ebrahim Raisi và cố Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đã thể hiện "quyết tâm nghiêm túc nhằm bù đắp sự phụ thuộc vào phương Tây bằng cách tập trung vào phương Đông, củng cố bản sắc châu Á và đảm bảo rằng các chính sách hợp tác phục vụ sự phát triển và an ninh chung". (TASS)
* Israel cam kết thực hiện đề xuất ngừng bắn, theo lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Israel ngày 24/6.
Ông Netanyahu khẳng định: “Quan điểm của chúng ta không thay đổi. Israel cam kết thực hiện đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ. Tuy nhiên, Israel sẽ không kết thúc chiến tranh cho đến khi loại bỏ được Hamas”. (Reuters)
* EU trừng phạt bổ sung Hamas và những người định cư Israel: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này đã đạt được thỏa thuận chính trị về các biện pháp trừng phạt tiếp theo, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. (AFP)
* Mỹ không muốn dân thường thiệt mạng trong xung đột Ukraine, theo lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder.
Bình luận liên quan vụ tấn công ở Sevastopol của Nga, ông Ryder nhấn mạnh: "Ukraine tự đưa ra quyết định về các hoạt động và nhắm mục tiêu. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào cho biết liệu dân thường có thiệt mạng hay không. Đó là việc mà chúng tôi sẽ nói chuyện với người Ukraine".
Hôm 23/6, quân đội Ukraine đã tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Sevastopol bằng tên lửa ATACMS mang đạn chùm, khiến 4 thường dân thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, và hơn 150 người khác bị thương. (TASS)
* Bầu cử Mỹ: Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Donald Trump vào ngày 27/6 tới được dự đoán sẽ tập trung vào vấn đề nạo phá thai, trong bối cảnh tròn 2 năm sau khi Tòa án Tối cao nước này tước bỏ các biện pháp bảo vệ của hiến pháp đối với việc nạo phá thai trên phạm vi liên bang.
* Tổng thống Peru Dina Boluarte chuẩn bị thăm Trung Quốc từ ngày 26-28/6 theo lời mời của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình.
Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Peru nhấn mạnh, Trung Quốc duy trì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu đời với quốc gia Nam Mỹ này và chuyến thăm sẽ cho phép Lima củng cố mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. (CGTN)
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon khuyến cáo công dân Việt Nam đang sống tại Lebanon không đi tới các khu vực không đảm bảo an toàn và nơi đông người, trong bối cảnh căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang.
Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã báo trước cho Nga về âm mưu tấn công thứ hai của tổ chức IS nhắm vào một trung tâm thương mại.
Giáo hoàng Francis cho rằng, những mối quan hệ giữa các tôn giáo phải được tăng cường để chống lại chủ nghĩa cực đoan và không khoan dung.
Ngày 2/2, quân đội Hàn Quốc thông báo, Bình Nhưỡng đã phóng nhiều tên lửa hành trình hướng ra ngoài khơi bờ biển phía Tây của Bán đảo Triều Tiên.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Nga Putin tuyên bố ngũ cốc của nước này sẽ được chuyển đến châu Phi trong những tuần tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định Ankara sẽ giúp xử lý các lô hàng này.
Kênh truyền hình ABC News dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km cho Ukraine.
Giữa lúc tình hình tỉnh Kursk ở miền Tây nước Nga nóng lên vì cuộc tấn công của Ukraine, Belarus cũng liên tục có loạt động thái mới trong những ngày qua.
Báo Washington Post đưa tin Mỹ đã đồng ý rút quân khỏi Niger. Quyết định này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell và Thủ tướng Niger Ali Lamine Zeine.
An ninh Ukraine thông báo bắt một cựu binh với cáo buộc chỉ thị cho Nga tập kích các mục tiêu tại tỉnh Kharkov.