Sân bay ở Moscow nguy cơ bị tấn công, Nga nói Mỹ không muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Italy nêu giải pháp khả thi nhất cho xung đột Israel-Hamas... là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Triều Tiên Choe Son Hui tại Moscow ngày 16/1. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
*Ukraine mua thêm tên lửa dẫn đường và pháo Caesar của Pháp: Ngày 18/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết Ukraine đã mua 6 khẩu pháo tự hành Caesar của Pháp.
Trong lần đầu tiên Ukraine mua vũ khí của Pháp kể từ khi nổ ra xung đột với Nga, ông Lecornu cho biết Kiev đã mua 6 lựu pháo với giá từ 3 đến 4 triệu euro/khẩu.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu cũng cho biết thêm, Paris sẽ cung cấp 50 tên lửa dẫn đường chính xác A2SM mỗi tháng tháng tới Kiev để hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch đặc biệt của Nga. Loại tên lửa do Safran sản xuất này có thể mang bom có trọng lượng từ 125, 250, 500 và 1.000 kg. (Reuters)
Tin liên quan |
Tin thế giới 17/1: Nga nói Ukraine bị biến thành Tin thế giới 17/1: Nga nói Ukraine bị biến thành 'con bài mặc cả'; Iraq đã căng với Iran; Trung Quốc 'trấn an' Australia |
*Một sân bay ở Moscow phải tạm dừng các chuyến bay do nguy cơ bị tấn công: Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời các nhà chức trách hàng không Nga cho biết sân bay Vnukovo của Moscow đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi trong ngày 18/1.
Theo các quan chức hàng không Nga, các sân bay ở Nga đôi khi tạm dừng các chuyến bay trong thời gian ngắn để đề phòng trước mối đe dọa từ máy bay không người lái của Ukraine. (AFP)
*Nga tiếp tục kêu gọi Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO: Ngày 18/1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một trong những điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Lavrov nhấn mạnh rằng phương Tây chứ không phải Ukraine sẽ quyết định các điều kiện để kết thúc chiến tranh, song cho biết ông không nghĩ phương Tây muốn bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này. (TASS)
*Ukraine tố Nga tấn công ồ ạt bằng UAV vào Kharkov: Ngày 18/1, Ukraine thông báo lực lượng Nga đã phóng hơn 30 máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất vào Ukraine trong đêm và phóng tên lửa dẫn đường vào thành phố Kharkov ở phía Đông.
Trong một tuyên bố, lực lượng không quân Ukraine cho hay các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 22 UAV, và lực lượng Nga đã bắn 2 tên lửa phòng không S-300 dẫn đường từ khu vực biên giới Belgorod. (AFP)
*Nhật Bản mua 400 tên lửa tầm xa của Mỹ: Ngày 18/1, Chính phủ Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Mỹ mua 400 tên lửa Tomahawk tầm xa nhằm tăng cường năng lực quân sự đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Thương vụ trị giá lên tới 2,35 tỷ USD cho 2 loại tên lửa Tomahawk, có tầm bắn 1.600 km, đã được Washington phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái.
Phát biểu với các phóng viên sau khi thỏa thuận được ký kết ở Tokyo, một quan chức quốc phòng Nhật Bản chia sẻ: "Việc ký kết này sẽ khởi động hoạt động mua sắm tên lửa Tomahawk, tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng của đất nước".
Đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc và một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng theo tiêu chuẩn của NATO là 2% GDP vào năm 2027. (Yonhap)
*Ấn Độ nêu điều kiện nới lỏng hạn chế đầu tư của Trung Quốc: Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp kiêm Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Ấn Độ, ông Rajesh Kumar Singh cho biết các quy tắc đầu tư “có thể thay đổi một khi mối quan hệ Ấn - Trung ở biên giới ổn định. Về mặt đầu tư cũng vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, tôi chắc chắn chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường”.
Ông Singh nói: “Bạn không thể vừa để ai đó gặm nhấm biên giới của mình lại vừa trải thảm đỏ cho các khoản đầu tư từ đó”. Bất chấp các vấn đề biên giới, Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, với thương mại song phương tăng 32% kể từ khi căng thẳng năm 2020 lên tới gần 114 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023. (The Hindustant Times)
*Indonesia chi hơn 16 tỷ USD cho bầu cử và lễ lớn năm 2024: Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ngày 18/1 cho biết đã thông qua kế hoach phân bổ số tiền lên tới 260.000 tỷ Rp (16,63 tỷ USD) để phục vụ các ngày lễ lớn trong năm 2024, trong đó bao gồm chi phí cho bầu cử, tháng lễ Ramadan và lễ Eid al-Fitr.
Phó Thống đốc BI Doni Primato Joewono cho biết số tiền này lớn hơn 35% so với số tiền được BI phân bổ cho tháng Ramadan và Eid al-Fitr 2023.
Vào dịp lễ hằng năm, các doanh nghiệp thường sẽ thưởng cho người lao động để họ có thể mua sắm phục vụ dịp lễ. Do đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao hơn trong các dịp lễ Ramadan và Eid al-Fitr. (Straits Times)
*Campuchia - Pháp tăng cường hợp tác: Theo mạng tin BNN Breaking (Hong Kong), trong chuyến thăm chính thức Pháp ngày 15/1, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã ký 6 bản ghi nhớ (MoU) với các công ty Pháp, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và đầu tư. Theo BNN Breaking, các MoU được ký kết bao gồm hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, xây dựng sân bay, sản xuất truyền thông và nông nghiệp…
Theo Thủ tướng Hun Manet, kim ngạch thương mại song phương giữa Campuchia và Pháp đạt 515,21 triệu USD vào năm ngoái, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch thương mại của châu Âu là 4,6 tỷ USD vào năm 2023. Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh vai trò then chốt của Pháp với tư cách là đối tác phát triển, vốn đã góp phần đáng kể vào thành công kinh tế của Campuchia.
Campuchia dự kiến đăng cai Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ vào năm 2026, một sự kiện quan trọng cho các cuộc thảo luận của doanh nghiệp và chính phủ. (Khmer Times)
*Tập đoàn chip lớn của Đài Loan sắp khai trương xưởng sản xuất tại Nhật Bản: Ngày 18/1, Chủ tịch Tập đoàn chip khổng lồ TSMC của Đài Loan Mark Liu cho biết tập đoàn này sẽ chính thức khai trương xưởng sản xuất chip mới tại đảo Kyushu của Nhật Bản vào ngày 24/2 tới.
Trong một thông báo, ông Liu tiết lộ: “Chúng tôi sẽ tổ chức lễ khai trương nhà máy này vào ngày 24/2 tới và việc sản xuất số lượng lớn sẽ diễn ra đúng tiến độ vào quý IV/2024”. (AFP)
*Malaysia cam kết ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc": Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong năm 2024, Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 18/1 ra thông cáo báo chí nêu rõ Malaysia tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với chính sách "Một Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Malaysia (Wisma Putra) nhấn mạnh rằng Malaysia đã luôn và sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc", vốn là nền tảng của mối quan hệ đối tác bền chặt và cùng có lợi này. Năm 2013, Malaysia và Trung Quốc đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Malaysia và Trung Quốc thiết lập quan hệ song phương chính thức vào ngày 31/5/1974, sau khi ký kết Thông cáo chung giữa Thủ tướng lúc đó là Tun Abdul Razak và Thủ tướng Chu Ân Lai. (Straits Times)
*Nga nêu điều kiện thảo luận với Mỹ về kiểm soát vũ khí hạt nhân: Ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không thảo luận về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ mà không tính đến tình hình ở Ukraine.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng Washington đã đề xuất tách biệt hai vấn đề này và nối lại các cuộc đàm phán về “ổn định chiến lược” giữa hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới cho đến nay. Tuy nhiên, ông Lavrov tuyên bố Moscow không chấp thuận đề xuất này vì phương Tây ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc phương Tây thúc đẩy Ukraine sử dụng ngày càng nhiều vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Các cuộc tấn công như vậy đã gia tăng trong những tuần gần đây, bao gồm cả vụ tấn công vào thành phố Belgorod phía Nam nước Nga khiến 25 người thiệt mạng vào ngày 30/12. (TASS)
*Nga, Triều Tiên thảo luận về lĩnh vực hợp tác mới: Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/1 cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận với người đồng cấp Triều Tiên Choe Son Hui về việc thực hiện các thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Kim Jong-un đã đưa ra.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga hôm 16/1, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui tuyên bố mối quan hệ song phương đang phát triển phù hợp với kế hoạch của lãnh đạo hai nước, động thái mà Mỹ và các đồng minh của nước này tỏ ra lo ngại. (TASS)
*Nga tố Mỹ không muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine: Ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách duy trì sự thống trị toàn cầu cùng ưu thế quân sự của mình và không hề muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu họp báo, ông Lavrov nhấn mạnh Moscow tin rằng việc nối lại đối thoại với Washington về ổn định chiến lược là không thể xảy ra vào lúc này. (Sputnik News)
*Ngoại trưởng Italy nêu giải pháp khả thi nhất cho xung đột Israel-Hamas: Ngày 18/1, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Gaza cần một “chính phủ dân sự” và tất cả các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột.
Phát biểu họp báo về các ưu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm 2014 của Italy, Ngoại trưởng Tajani nói: “Tôi sẽ nhắc lại với chính quyền Israel rằng Italy hướng tới một ‘chính phủ dân sự’ ở Palestine, hướng tới giải pháp hai nhà nước. Hai dân tộc, hai quốc gia là giải pháp khả thi duy nhất, mặc dù là một giải pháp khó khăn”.
Trước đó, Mỹ đã đề xuất một Chính quyền Palestine được hồi sinh sẽ chịu trách nhiệm ở Gaza sau khi xung đột kết thúc, thống nhất chính quyền với Bờ Tây, một đề nghị mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối chấp nhận. (Reuters)
*Iran triệu đại biện lâm thời Pakistan sau vụ tấn công ở biên giới: Ngày 18/1, Iran đã triệu đại biện lâm thời của Pakistan tại Tehran sau vụ tấn công bằng tên lửa của Pakistan nhằm vào khu vực biên giới khiến ít nhất 7 người thiệt mạng.
Hãng tin Tasnim đưa tin: "Sau cuộc tấn công vào sáng sớm của Pakistan nhằm vào một ngôi làng biên giới ở tỉnh Sistan Baluchistan, một giờ trước, đại biện lâm thời Pakistan ở Tehran đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao để giải thích (về vụ việc này)".
Vụ bắn tên lửa của Pakistan nhằm vào khu vực biên giới giữa hai nước là nhằm đáp trả vụ Iran không kích vào lãnh thổ Pakistan ngày 16/1 với lý do “tấn công chống lại một nhóm khủng bố” tại đó. Sau vụ việc, khiến quan hệ Islamabad – Tehran xấu đi nhanh chóng. (AFP)
*Australia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về vụ sóng siêu âm: Ngày 18/1, Australia đã bác bỏ những bình luận đổ lỗi của đại sứ Trung Quốc liên quan đến vụ các thợ lặn quân sự Australia bị thương trong một sự cố gần Nhật Bản vào tháng 11/2023.
Thủ tướng Anthony Albanese cho biết ông không bị "dao động" trước bình luận của đại sứ Trung Quốc Tiếu Thiên hôm 17/1 rằng tàu hải quân Trung Quốc không sử dụng sóng siêu âm khi thợ lặn Australia đang ở dưới nước, và một chiếc thuyền của Nhật Bản có thể là nguyên nhân. Thủ tướng Australia khẳng định: "Sự việc xảy ra rất rõ ràng, vụ việc đó không nên diễn ra".
Trung Quốc trước đó đã bác bỏ nhận định của Australia về vụ việc. Tại một cuộc họp báo, Đại sứ Tiếu Thiên khẳng định Trung Quốc "không kích hoạt sóng siêu âm". Ông cho rằng có một tàu hải quân Nhật Bản ở gần đó và "có sóng siêu âm hay không, chúng tôi không biết".
Trong khi đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Australia cho biết họ không hiểu điều mà Đại sứ Trung Quốc đề cập đến và khẳng định: "Nhật Bản và Australia có mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuân thủ luật pháp và đang thúc đẩy hợp tác an ninh trên nhiều lĩnh vực". (Reuters)
*Mỹ cấm cựu Tổng thống Guatemala nhập cảnh vì "tham nhũng": Ngày 17/1, Mỹ liệt cựu Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei, người vừa rời nhiệm sở đầu tuần này, vào danh sách không đủ điều kiện để nhập cảnh Mỹ do liên quan đến tham nhũng. Lệnh cấm nhập cảnh còn bao gồm 3 người con trưởng thành của ông Giammattei.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cựu Bộ trưởng Năng lượng Guatemala, ông Alberto Pimentel Mata, vì liên quan đến các chương trình hối lộ hợp đồng của chính phủ.
Ông Giammattei vừa đến Mỹ vào tuần trước, thăm trụ sở của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) tại Washington trong bối cảnh tổ chức này đã kêu gọi chính phủ của ông tôn trọng nền dân chủ bằng cách tạo điều kiện cho tân Tổng thống Bernardo Arevalo nhậm chức. (AFP)
Trại tị nạn và trại giam ở đông bắc Syria giữ hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều phiến quân IS và những người liên quan nhóm này, gây lo ngại về sự hồi sinh của bóng ma khủng bố.
Hezbollah tuyên bố phóng tên lửa nhắm vào trụ sở cơ quan tình báo Mossad của Israel để trả thù chuỗi nổ thiết bị liên lạc và ám sát lãnh đạo lực lượng này.
Đại sứ quán Ukraine tại Mexico đề nghị chính phủ nước này bắt ông Putin nếu ông tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Claudia Sheinbaum.
Thủ tướng Lebanon nói rằng Hezbollah và Israel có thể đạt thỏa thuận ngừng giao tranh trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngày 30/8, cảnh sát Đức cho biết đã xảy ra vụ tấn công bằng dao trên xe buýt làm 5 người bị thương. Hung thủ là một phụ nữ 32 tuổi đã bị bắt giữ ngay sau đó.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 4/3.
Thời gian quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, bảo đảm di cư an toàn, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
NATO có hành động bất ngờ với Kiev, Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức, Mỹ quan ngại về động thái của Israel…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngày 27/4, Nga tuyên bố sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt của EU liên quan tới khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Cùng ngày, Italy thông báo đã triệu Đại sứ Nga về việc quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài.