NATO có hành động bất ngờ với Kiev, Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức, Mỹ quan ngại về động thái của Israel…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
(06.19) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6. (Nguồn: Reuters) |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga ngăn cản Ukraine kiểm soát làng ở Đông Donetsk: Ngày 19/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã chặn Ukraine giành lại quyền kiểm soát ngôi làng Novodonetske tại khu vực nêu trên, nơi Kiev tập trung phản công.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, trong 10 ngày qua, Nga bắt đầu di dời các đơn vị của Nhóm Lực lượng Dnipro (DGF) khỏi bờ phía Đông của sông Dnipro để củng cố vị trí tại Zaporizhzhia và Bakhmut. Theo đó, Nga cho rằng một cuộc tấn công lớn của Ukraine qua sông Dnipro giờ ít có khả năng xảy ra sau sự cố vỡ đập Kakhovka, vốn dẫn tới tình trạng lũ lụt tại đây. (Reuters)
* Nga: Năng lực tác chiến của Ukraine đang suy giảm: Ngày 19/6, Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin nhận định, việc tình trạng nhiều binh sĩ Ukraine do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) huấn luyện thiệt mạng cùng khí tài bị phá hủy sẽ làm suy yếu khả năng tác chiến của quân đội nước này. Trước đó, Moscow nhiều lần tuyên bố Kiev đã gánh chịu tổn thất nghiêm trọng về người và vũ khí trong chiến dịch phản công hiện đang diễn ra. (RIA/Reuters)
* Nga nêu lý do từ chối đề nghị của LHQ: Ngày 19/6, Điện Kremlin giải thích nước này từ chối sự giúp đỡ của Liên hợp quốc (LHQ) tại các khu vực Nga kiểm soát bị lũ lụt sau vụ vỡ đập Kakhovka là do lo ngại an ninh và “các vấn đề khác”.
Trước đó, ngày 18/6, LHQ cho biết Moscow đã từ chối đề nghị hỗ trợ, trong khi số người thiệt mạng tăng cao và tình trạng nước ô nhiễm khiến các bãi biển ở miền Nam Ukraine phải đóng cửa sau vụ vỡ đập Kakhovka ở tỉnh Kherson. Trước đó, sự cố vỡ đập Kakhovka ngày 6/6 khiến nước lũ lan tràn khắp miền Nam Ukraine và các khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Kherson, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm của người dân. (Reuters)
Tin liên quan |
Nga có thể đặt vũ khí hạt nhân tại Belarus vĩnh viễn? Nga có thể đặt vũ khí hạt nhân tại Belarus vĩnh viễn? |
* Ukraine nêu kết quả của chiến dịch phản công: Ngày 19/6, viết trên Telegram, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết: “Trong hai tuần thực hiện các chiến dịch tấn công theo hướng Berdiansk và Melitopol, chúng tôi đã giải phóng được 8 khu định cư”. Trong khi đó, lãnh đạo các khu vực Nga giáp biên với Ukraine cho biết phía Ukraine tiếp tục nã pháo vào các khu vực Belgorod và Kursk, làm 7 thường dân bị thương và gây thiệt hại về hạ tầng. (Reuters)
* Ukraine chưa thể “xuyên thủng” tuyến phòng thủ của Nga: Ngày 18/6, nhà báo Tim Lister của CNN (Mỹ) nhận định đợt phản công của các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) vẫn chưa đạt được đà mong đợi của “một số nhà quan sát quá lạc quan”. Theo đó, hướng Zaporizhzhia được Kiev coi là mục tiêu chính, song Ukraine lại chưa thể xuyên thủng hàng phòng ngự nhiều lớp của Nga. Có dấu hiệu cho thấy Kiev, ngoài Zaporizhzhia, đang tìm cách hoạt động xung quanh Bakhmut, cũng như hướng khác ở miền Đông. Dường như VSU đang cố kéo đơn vị Nga theo các hướng khác nhau để xác định điểm yếu trong tuyến phòng thủ.
Ông Lister cho rằng, VSU có đủ khả năng để chọn khu vực tấn công, bởi phía Nga cần bảo vệ một chiến tuyến quanh co và dài 1.000km. Nhà báo này nhận định: “Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn: Đặc biệt, ở miền Nam, VSU phải tấn công trực diện vào các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và họ đang thiếu nghiêm trọng ưu thế trên không. Người Nga đã có vài tháng để củng cố hệ thống phòng thủ ở đây; chưa bao giờ có một cơ hội để người Ukraine tấn công chớp nhoáng như cách họ làm ở Kharkov mùa Thu năm ngoái”. (CNN)
* Trung Quốc không cấp vũ khí sát thương cho Nga: Ngày 19/6, phát biểu với báo giới sau 2 ngày hội đàm ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Trung Quốc đã bảo đảm với chúng tôi và các nước khác rằng sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sử dụng ở Ukraine, hiện nay và tương lai”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng tiết lộ đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc hết sức thận trọng về khả năng các công ty của nước này có thể cung cấp cho Nga những công nghệ mà Moscow có thể sử dụng trong xung đột tại Ukraine. (AFP/Reuters)
* Nhật Bản sẽ hỗ trợ Ukraine tái thiết: Ngày 19/6 tại buổi lễ ở Tokyo, Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Hiromichi Watanabe và Phó Thủ tướng phụ trách khôi phục Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ký biên bản ghi nhớ liên quan đến sáng kiến hỗ trợ tái thiết dành cho Ukraine. Theo đề nghị từ phía Kiev, Tokyo sẽ truyền lại cho Ukraine lời khuyên và kiến thức có được từ quá trình xây dựng lại các khu vực bị tàn phá dựa trên kinh nghiệm có được từ trận động đất và sóng thần lớn ập vào Đông Bắc Nhật Bản năm 2011. Đồng thời, đất nước châu Á sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc xây dựng lại nhà cửa, trường học, khôi phục hoạt động cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và cơ sở hạ tầng giao thông đã bị tàn phá trong xung đột.
Về phần mình, ông Kubrakov bày tỏ cảm kích với sự giúp đỡ của Nhật Bản nhằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của Ukraine, cho rằng “kinh nghiệm và kiến thức từ Nhật Bản là vô cùng quý giá”. (Kyodo)
* Ngoại trưởng Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc: Ngày 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp bất ngờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Tại đây, ông đã truyền đạt lời của Tổng thống Joe Biden, cho rằng Washington và Bắc Kinh có nghĩa vụ quản lý mối quan hệ song phương và phía Mỹ cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ này.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc tôn trọng các lợi ích của Mỹ và không tìm cách thách thức hay thay thế Mỹ”. Ông cho rằng Bắc Kinh và Washington nên hành động có trách nhiệm với lịch sử, vì nhân dân hai nước và vì thế giới. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, không bên nào nên bắt bên còn lại hành động theo ý muốn của mình. Ông kêu gọi Mỹ có thái độ hợp lý, thực tế và hợp tác với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng 2 cường quốc hàng dầu có thể vượt qua khác biệt và tìm ra con đường đúng đắn để cùng hợp tác.
Về phần mình, trong buổi gặp gỡ ông Blinken trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: “Chúng ta phải có thái độ trách nhiệm đối với nhân dân, lịch sử và thế giới, đồng thời đảo ngược vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ-Trung”.
Ngoài ra, trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp riêng rẽ với người đồng cấp chủ nhà. Phát biểu họp báo kết thúc chuyến thăm, ông nhận định mình đã hội đàm “thẳng thắn và mang tính xây dựng” với các quan chức cấp cao Trung Quốc. (Reuters/Tân Hoa xã)
* Thủ tướng Campuchia quan ngại về tình hình Myanmar: Ngày 19/6, phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy xử lý nước Bakheng, ở quận Chroy Changvar của thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: “Tình hình Myanmar đang ngày một trở nên tồi tệ. Trước đó, “đồng thuận 5 điểm” được đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn bạo lực… song hiện chúng ta cần ngăn chặn các cuộc đụng độ lan rộng”. Nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định mình luôn nêu mối quan ngại này trong các hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng lâm thời Thái Lan Don Pramudwinai, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn hiện đang tham gia cuộc họp không chính thức về tình hình Myanmar, diễn ra tại Thái Lan từ ngày 18-19/6. Cuộc thảo luận trực tiếp này sẽ góp phần tìm ra cách thức triển khai các đề xuất của một số nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào tháng 5/2023, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm, cũng như Bản rà soát và quyết định gồm 15 điểm của lãnh đạo ASEAN về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm. (AFP)
* Kim ngạch Triều Tiên-Trung Quốc giảm: Ngày 19/6, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại tháng. Theo dữ liệu trên, kim ngạch thương mại của nước này với Triều Tiên đạt 189,57 triệu USD trong tháng Năm, giảm so với 199,42 triệu USD trong tháng Tư. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của Bình Nhưỡng từ Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 165 triệu USD tháng qua.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc lại giảm tháng trước. Tuy nhiên, tổng kim ngạch song phương trong giai đoạn từ tháng 1-5/2023 đạt 874,18 triệu USD, tăng 174% so với một năm trước đó. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc và Sinuiju của Triều Tiên đã được nối lại vào tháng Chín năm ngoái, sau năm tháng gián đoạn do dịch Covid-19. (Yonhap)
* NATO không mời Ukraine dự hội nghị thượng đỉnh: Ngày 19/6, phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối đã không mời Ukraine tham dự thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) tháng Bảy tới. Ông nêu rõ: “Tại thượng đỉnh Vilnius và trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện này, chúng tôi không thảo luận về việc gửi lời mời chính thức (tới Ukraine)”. Theo Tổng thư ký NATO, lãnh đạo các nước thành viên sẽ thảo luận về cách thức đưa Ukraine tiến gần hơn tới liên minh quân sự này.
Ngoài ra, ông cũng phản đối quan điểm chấp nhận đóng băng xung đột ở Ukraine để đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh. Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều muốn xung đột kết thúc, nhưng một nền hòa bình công bằng không có nghĩa là đóng băng xung đột và chấp nhận thỏa thuận do Nga đưa ra”. (Reuters)
* NATO kêu gọi dừng leo thang xung đột ở Kosovo: Ngày 19/6, phát biểu tại Berlin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi tất cả các bên ở Kosovo dừng mọi hành động leo thang căng thẳng và ngay lập tức quay trở lại cuộc đối thoại do Liên minh châu Âu khởi xướng. Quan chức này cam kết: “Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo-KFOR tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo môi trường an toàn và an ninh”. Trước đó, NATO nhấn mạnh cam kết “không lay chuyển” của KFOR đối với các nhiệm vụ an ninh ở Kosovo, thể hiện qua động thái bổ sung khẩn cấp 500 binh sĩ tới khu vực thời gian gần đây. (Reuters)
* Thủ tướng Trung Quốc tìm kiếm “bước phát triển mới” với Đức: Ngày 19/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tới Berlin, bắt đầu chuyến Đức. Dự kiến, ông tiếp kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, chủ trì Tham vấn liên chính phủ Trung Quốc-Đức lần thứ bảy cùng với người đồng cấp chủ nhà Olaf Scholz, tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế và kỹ thuật Trung Quốc-Đức, gặp gỡ đại diện các cộng đồng doanh nghiệp và công nghiệp Đức, thăm các công ty Đức tại bang Bavaria.
Phát biểu sau khi tới Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh, Berlin là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống của hai nước, mở rộng lĩnh vực hợp tác và triển vọng mới trong quan hệ song phương.
Ông nhận định rằng, những năm qua, quan hệ song phương chứng kiến đà phát triển ổn định, mở khóa nhiều thành tựu mới từ kinh tế-thương mại, công nghệ, giao lưu văn hóa, cho tới phát triển xanh. Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và thực chất với Berlin dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt nhằm đạt kết quả cùng có lợi.
Theo ông Lý, đây là cơ hội tốt đẹp để tiếp tục khám phá tiềm năng hợp tác, xử lý đúng đắn các bất đồng và làm phong phú thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Các nỗ lực này sẽ gửi đi tín hiệu tích cực và mạnh mẽ nhằm duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định-hòa bình-thịnh vượng của thế giới. (Tân Hoa xã)
* Đức cảnh báo các sản phẩm Huawei có vấn đề an ninh: Ngày 19/6, Bộ Nội vụ nước này đánh giá có dấu hiệu rõ ràng cho thấy hoạt động sử dụng các công nghệ và sản phẩm của Huawei ở quốc gia Tây Âu này có thể ảnh hưởng đến trật tự công cộng hoặc an ninh. Trước nguy cơ đó, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Đức ủng hộ triển khai những biện pháp cứng rắn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Kỹ thuật số và Giao thông Đức lo ngại quyết định từ bỏ công nghệ viễn thông Trung Quốc sẽ gây thiệt hại hàng tỷ Euro. (TTXVN)
* Qatar và UAE khôi phục phái bộ ngoại giao: Ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết nước này và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã nhất trí nối lại hoạt động của các đại sứ quán tương ứng.
Quan hệ song phương bị gián đoạn kể từ giữa năm 2017, sau khi một loạt nước Vùng Vịnh tẩy chay Qatar với cáo buộc hỗ trợ khủng bố. Doha đã một mực bác bỏ cáo buộc này. Đầu năm 2021, dưới nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ và Kuwait, các nước vùng Vịnh đã nhất trí ngừng hoạt động tẩy chay này. (Reuters)
Mỹ quan ngại việc Israel mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây: Ngày 19/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthiew Miller tuyên bố Washington “vô cùng quan ngại” về quyết định của Israel triển khai hơn 4.000 căn hộ định cư ở Bờ Tây. Ông nhấn mạnh chính sách từ trước đến nay của Washington là phản đối những hành động đơn phương cản trở giải pháp hai nhà nước. Washington kêu gọi Nhà nước Do Thái thực hiện cam kết đã đưa ra ở Aqaba (Jordan) và Sharm El Sheikh (Ai Cập), đồng thời quay trở lại đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Trước đó, ngày 18/6, Israel đã công bố kế hoạch phê duyệt 4.560 căn hộ tại Bờ Tây. Nội các nước này cũng nhất trí trao thẩm quyền về các khu vực này, vốn thuộc về Bộ Quốc phòng, cho Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, chính trị gia với lập trường cứng rắn. Mỹ trước đó đã cảnh báo Israel về động thái này, coi đây là trở lực ngăn cản nền hòa bình lâu dài với người Palestine. (Anadolu)
Quỹ Nobel phải dừng việc mời đại sứ Nga, Belarus và Iran tới dự lễ trao giải thưởng thường niên sau khi chịu áp lực từ chính phủ Thụy Điển.
Các cuộc tấn công dồn dập của Israel vào Lebanon trong ngày 23/9 khiến ít nhất 492 người tử vong và hơn 1.600 người bị thương đang gây ra mối đe dọa đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng hơn.
Tàu khu trục USS Carney bắn rơi 14 UAV tự sát xuất phát từ khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát tại Yemen.
Sáng 4/3, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand.
Tổng thống Putin 'chắc chắn rằng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và CHDCND Triều Tiên sẽ được tăng cường theo kế hoạch'.
Ngày 2/3, cơ quan an ninh Ấn Độ đã chặn một tàu đang trên đường từ Trung Quốc đến cảng Karachi của Pakistan do nghi ngờ chở một lô hàng có thể được dùng cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Islamabad.
Trước thông tin Iraq chuẩn bị kết thúc phái bộ của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu ở quốc gia Trung Đông này, Iran lên tiếng đồng tình, trong khi Washington có phản ứng khác.
Dù diễn ra vào thời điểm bắt đầu năm kỷ niệm 75 năm quan hệ Indonesia-Philippines nhưng chuyến công du của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Manila không dừng ở hoạt động kỷ niệm.
Ngày 5/3, tân Tổng thống Hungary Tamas Sulyok đã ký luật chấp thuận Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).