Tin thế giới 15/8: Nga nói Ukraine ‘đã cạn kiệt’, Ba Lan duyệt binh quy mô lớn

21:40 15/08/2023

Nga phá hủy cơ sở sản xuất UAV của Ukraine, MFP phản đối đề xuất thủ tướng của Pheu Thai, chính quyền quân sự Niger triệu Đại sứ ở Bờ Biển Ngà… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

(08.15) Tổng thống Ba Lan Andzrej Duda và Bộ trưởng Quốc phòng tại cuộc duyệt binh ngày 15/8 ở Warsaw. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Ba Lan Andzrej Duda (đứng trên xe, bên trái) tại cuộc duyệt binh ngày 15/8 ở Warsaw. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga không kích miền Tây Ukraine, phá hủy cơ sở sản xuất UAV: Ngày 15/8, Thị trưởng thành phố Lviv, ông Andriy Sadovyi cho biết Nga đã mở một cuộc không kích quy mô lớn ở khu vực này, miền Tây Ukraine và khu vực Tây Bắc Volyn, khiến người dân bị thương và phải sơ tán. Trên Telegram, ông cho hay: “Nhiều tên lửa bị bắn hạ, tuy nhiên cũng có tên lửa trúng mục tiêu ở Lviv”, nhấn mạnh đã có chỉ đạo sơ tán ít nhất một tòa chung cư bị cháy. Hiện chưa rõ quy mô hay thiệt hại chính xác của vụ tấn công.

Trước đó, phát biểu ngày 14/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói: “Đêm qua, Lực lượng vũ trang Nga (VS RF) đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác tầm xa trên biển nhằm vào các địa điểm sản xuất, kho chứa xuồng không người lái cùng các UAV của hải quân Ukraine. Mục tiêu đã hoàn thành. Tất cả các địa điểm này đã bị phá hủy”. (Reuters/TASS)

Tin liên quan
Ba Lan quyết tâm
Ba Lan quyết tâm 'xa lánh' ngũ cốc Ukraine, nhấn mạnh điều quan trọng nhất

* Nga: Năng lực quân sự của Ukraine đã “gần cạn kiệt”: Ngày 15/8, phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ XI, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định: “Bất chấp sự hỗ trợ toàn diện từ phương Tây, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) không thể đạt được kết quả. Kết quả sơ bộ của chiến sự cho thấy các nguồn lực quân sự của Ukraine gần như cạn kiệt”.

Đề cập tới bom và đạn chùm, ông nêu rõ: “Tôi muốn lưu ý rằng chúng tôi cũng có bom, đạn chùm đang được sử dụng, song hiện chúng tôi hạn chế sử dụng chúng vì lý do nhân đạo. Quyết định này có thể được xem xét lại”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu khẳng định mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã vượt quá mức đối tác chiến lược do các hành động của Washington, quốc gia từng tuyên bố Moscow và Bắc Kinh là đối thủ chiến lược của mình. Quan chức này tuyên bố: "Trong điều kiện hiện nay, quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc đã vượt qua mức độ quan hệ chiến lược về mọi mặt, trở nên hơn cả mức độ đồng minh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết nước này sẵn sàng chia sẻ đánh giá về những thiếu sót của khí tài phương Tây với các đối tác: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: Không có vũ khí nào là độc nhất hay không thể phá hủy đối với vũ khí của Nga trên thực địa ngày nay. Trong nhiều trường hợp, thậm chí thiết bị do Liên Xô sản xuất còn vượt trội về đặc tính chiến đấu so với các mẫu phương Tây. Chúng tôi có dữ liệu giám sát khách quan về tiêu diệt xe tăng Đức, xe bọc thép của Mỹ, tên lửa của Anh và các hệ thống vũ khí khác. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những đánh giá về điểm yếu của thiết bị phương Tây với các đối tác của minh”.

Đồng thời, ông Shoigu còn cáo buộc Ukraine lợi dụng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen làm vỏ bọc cho các kho vũ khí và đạn dược của nước này trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Theo đó, Ukraine đã và đang tăng cường sản xuất UAV và xuồng không người lái để tấn công bán đảo Crimea, gần cơ sở lưu trữ ngũ cốc. (AFP/Sputnik)

* Kiev nói về “một số thành công” tại khu vực Đông Nam: Phát biểu ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, nước này đã đạt được “một số thành công” ở hướng Đông Nam. Hiện VSU đang tích cực giành quyền kiểm soát các khu định cư lân cận Urozhainoye. Trước đó, ngày 13/8, quan chức do Nga bổ nhiệm tại Zaporizhzhia thông tin, Kiev muốn chọc thủng phòng tuyến Nga bằng cách kiểm soát cả Urozhainoye và Staromayorskoye.

Thứ trưởng Hanna Maliar nêu rõ: “Đụng độ đang diễn ra gần khu vực Urozhaine nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này. Hiện đã có một số thành công ở trục phía Nam và phía Đông Nam gần làng Staromayorskoye”. Tại Bakhmut, VSU đã giành lại gần 5 km2 lãnh thổ trong tuần vừa qua, trong khi VS RF đang tập hợp lực lượng và tiếp tục các đợt tấn công mới ở thị trấn Kupyansk và Lyman.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận các nỗ lực của VSU đang gặp nhiều khó khăn do vô số bãi mìn và công sự vững chắc do Nga triển khai trên diện rộng. Thứ trưởng Hanna Maliar nêu rõ: “VSU đang phải đối mặt với các bãi mìn rải rác khắp lãnh thổ, các công sự bằng xi măng tại nhiều cao điểm, cùng các đợt pháo kích bằng súng cối, pháo binh và ném bom với tần suất gần như liên tục”. (Reuters)

* Chuyên gia: Trung-Nga-Belarus có thể thúc đẩy đàm phán về cuộc xung đột Ukraine: Ngày 15/8, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình đã có bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) với một số nội dung đáng chú ý. Cụ thể, bình luận về chuyến thăm Nga và Belarus của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc ngày 14-19/8, ông lưu ý ba nước có cùng quan điểm về nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng, bao gồm phản đối chủ nghĩa bá quyền phương Tây do Mỹ lãnh đạo cũng như ủng hộ một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương. Theo đó, Trung Quốc có thể thúc đẩy đàm phán về khủng hoảng Ukraine với Nga và Belarus.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh, Moscow và Minsk muốn tăng cường hợp tác quân sự trong một động thái có lợi cho nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Cả ba cũng có thể tăng cường hợp tác quân sự trong tập trận chung, chống khủng bố và công nghệ quốc phòng. (TASS)

Đông Nam Á

* Thái Lan: MFP không ủng hộ đề cử thủ tướng của Pheu Thai: Ngày 15/8, Tổng thư ký đảng Tiến bước (MFP) Chaithawat Tulathon tuyên bố đảng này sẽ không ủng hộ ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) ra tranh cử chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu quốc hội sắp tới. Ông nêu rõ các nhà lập pháp thuộc MFP đều phản đối xác nhận đề cử của Pheu Thai. Quan chức này khẳng định: “Giờ đây việc thành lập chính phủ không còn phản ánh tiếng nói của người dân. Rõ ràng các nghị sỹ và các chính đảng khác muốn giải thể MFP”.

Quyết định của MFP, vốn là đảng giành nhiều ghế nhất trong tổng tuyển cử ngày 14/5, có thể cản trở nỗ lực của Pheu Thai trong mục tiêu giành được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết nhằm thành lập chính phủ, cũng như kéo dài thế bế tắc chính trị. Hiện Quốc hội Thái Lan vẫn chưa ấn định thời điểm bầu thủ tướng. (Reuters)

* Indonesia sẽ mua thêm 18 chiếc Rafale: Ngày 15/8, Lực lượng Không quân Indonesia (TNI-AU) cho biết sẽ mua thêm 18 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Cụ thể, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 42 chiếc Rafale. Sau khi lô hàng đầu tiên gồm 6 máy bay chiến đấu hoàn thành, nước này sẽ mua thêm 18 chiếc máy bay chiến đấu Rafale. Từ năm 2022, trong bối cảnh khu vực biến động khó lường, Indonesia đã tích cực đầu tư nhằm nâng cao năng lực quốc phòng. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Đài Loan (Trung Quốc) theo dõi sát hoạt động của PLA: Ngày 15/8, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn cơ quan phòng thủ Đài Loan Tôn Lập Phương cho biết họ không thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai tập trận hay hành động quy mô lớn nào. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định các lực lượng sẽ tiếp tục cảnh giác cao độ và sẵn sàng theo dõi mọi hoạt động của Trung Quốc gần hòn đảo.

Trước đó, Bắc Kinh đã chỉ trích chuyến thăm của phó lãnh đạo đảo Đài Loan Lại Thanh Đức tới Mỹ. Ông Lại, một trong những ứng viên hàng đầu cho vị trí người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc), khẳng định mình sẽ không đổi tên chính thức của hòn đảo này, nhấn mạnh đảo Đài Loan “sẽ không khuất phục”. (Reuters)

* Trung Quốc phản đối Thủ tướng Nhật Bản gửi đồ lễ tới đền Yasukuni: Ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm phản đối sau khi ông Kishida Fumio gửi đồ lễ tới đền Yasukuni ở Tokyo. Địa điểm này bị Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng của quá khứ quân phiệt Nhật Bản. (Reuters)

* Nga kêu gọi hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên: Trong thông điệp chúc mừng gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhân Ngày Giải phóng 15/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì lợi ích củng cố ổn định và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á”. (AFP)

* Mỹ-Nhật-Hàn có thểlập đường dây nóng: Ngày 15/8, tờ Nikkei (Nhật Bản) nhận định trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David (Mỹ) tới đây, nguyên thủ ba nước sẽ nhất trí thành lập đường dây nóng. Theo đó, một nguồn tin có quan hệ trong chính phủ Mỹ cho biết, Washington sẽ tìm kiếm một biện pháp để có thể tăng cường hơn nữa sự kết nối trong hợp tác an ninh với Tokyo và Seoul. Hiện Mỹ-pNhật-Hàn đang tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Tuy nhiên, nguồn tin này không quá kỳ vọng vào khả năng ba nước sẽ thiết lập một khuôn khổ an ninh mới.

Dự kiến, tuyên bố chung của hội nghị sẽ đề cập đến vai trò quan trọng của bảo đảm hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan. Cả ba nước muốn thể hiện quan điểm đoàn kết nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, để tránh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiếp tục điều chỉnh từ ngữ sử dụng trong nội dung tuyên bố chung. (Nikkei)

Châu Âu

* Anh bắt giữ ba người nghi làmviệc cho tình báo Nga: Họ đều là công dân Bulgaria và bị cáo buộc làm việc cho các cơ quan an ninh của Nga. Theo đó, những người này đã bị giam giữ kể từ tháng 2/2023 theo Đạo luật bí mật chính thức bởi các điều tra viên chống khủng bố tại Sở Cảnh sát đô thành London, cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động gián điệp, trước khi được tại ngoại.

Ban đầu, trong vụ bắt giữ nêu trên, cảnh sát Anh xác nhận đã buộc tội 3 người do vi phạm về giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, 3 người trong số này sau đó bị buộc tội sở hữu giấy tờ tùy thân giả mạo với mục đích không chính đáng. (Reuters/ TTXVN)

* Ba Lan duyệt binh quy mô lớn: Ngày 15/8, nước này đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn nhất tại Warsaw kể từ thời Chiến tranh Lạnh mà theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói trước đó hai ngày, đây là “cuộc duyệt binh khác với những lần trước", chứng tỏ "quá trình hiện đại hóa quân bị của Quân đội Ba Lan đang có những bước tiến”.

Cuộc duyệt binh được tổ chức nhân Ngày Lực lượng Vũ trang, kỷ niệm 103 năm ngày chiến thắng của Ba Lan trước Liên Xô trong Trận chiến Warsaw. Ước tính, hơn 2.000 binh sĩ từ Ba Lan và các nước khác thuộc NATO đã diễu hành qua thủ đô, cùng với 200 quân trang và 92 máy bay. Các trang thiết bị được phô diễn bao gồm xe tăng M1A1 Abrams mua của Mỹ, xe tăng K2 của Hàn Quốc và pháo tự hành K9, cùng các bệ phóng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và hệ thống phòng không Patriot. Xe chiến đấu bộ binh Borsuk do Ba Lan sản xuất và xe bọc thép chở quân Rosomak cũng tham gia sự kiện này. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Đảo chính ở Niger: Chính quyền quân sự triệu hồi đại sứ tại Bờ Biển Ngà,ECOWAS sẽ nhóm họp về can thiệp quân sự: Ngày 14/8, chính quyền quân sự ở Niger đã triệu hồi Đại sứ tại Abidjan sau khi Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara có phát ngôn “ca ngợi hành động vũ trang” chống lại Niamey.

Trước đó, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tại Abuja hôm 10/8, Tổng thống Ouattara cho biết nguyên thủ các nước ECOWAS nhất trí rằng một chiến dịch quân sự cần “mở màn sớm nhất có thể”, lưu ý nước này sẽ đóng góp 850 đến 1.100 binh sĩ cùng Nigeria và Benin.

Cùng ngày, người phát ngôn ECOWAS cho biết lãnh đạo quân đội các nước Tây Phi sẽ nhóm họp tại thủ đô Accra, Ghana ngày 17-18/8 để chuẩn bị cho khả năng can thiệp quân sự, khôi phục trật tự dân chủ ở Niger. Cuộc họp nêu trên - dự kiến tổ chức vào cuối tuần trước song bị hoãn lại - diễn ra sau khi lãnh đạo các nước ECOWAS tuần trước thông qua việc triển khai “lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự hiến pháp” ở Niger.

Trong một diễn biến liên quan, nhận định về khả năng chính quyền quân sự Niger xét xử Tổng thống Mohamed Bazoum, đại diện ECOWAS nói hành động này là “một hình thức khiêu khích khác”. Mỹ cũng “vô cùng thất vọng” trước kế hoạch nêu trên của phe đảo chính. Trước đó, sau cuộc gặp gỡ giữa Tướng Abdourahamane Tchiani và một số giao sĩ Nigeria, phe đảo chính khẳng định họ sẵn sàng cho các biện pháp ngoại giao.

Về phần mình, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự Mali Assimi Goita, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Niger. Điện Kremlin dẫn lời ông nêu rõ: “Cần phải nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình liên quan đến Cộng hòa Niger chỉ bằng cách thực thi các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình”.

Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Tây Phi, Bộ trưởng phát triển Đức Svenja Schulze khẳng định vụ đảo chính ở Niger “gây cản trở, làm trầm trọng thêm các thách thức phát triển phức tạp ở quốc gia này và xa hơn là khu vực Sahel”. Bà nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục đầy đủ trật tự hiến pháp tại Niger”. (AFP/Reuters/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Italy ‘giục’ EU ngăn chặn dòng người di cư trái phép, tránh tái diễn các thảm kịch

Thủ tướng Italy ‘giục’ EU ngăn chặn dòng người di cư trái phép, tránh tái diễn các thảm kịch

06:30 01/03/2023

Ngày 27/2, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố đã gửi thư tới những người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU), trong đó hối thúc EU nhanh chóng tìm cách ngăn chặn các chuyến di cư vượt biển nguy hiểm để đến lục địa này.

Mông Cổ sẵn sàng tăng cường hợp tác với WHO trong khuôn khổ các chương trình quốc gia

Mông Cổ sẵn sàng tăng cường hợp tác với WHO trong khuôn khổ các chương trình quốc gia

01:40 12/07/2023

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thăm Mông Cổ từ ngày 10-12/7 theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà U. Khurelsukh.

Đảng Cộng sản Ai Cập luôn quan tâm đến chính sách đổi mới và kinh nghiệm của Việt Nam

Đảng Cộng sản Ai Cập luôn quan tâm đến chính sách đổi mới và kinh nghiệm của Việt Nam

10:00 13/10/2023

Ngày 12/10, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã có cuộc gặp gỡ với đồng chí Salah Adly, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ai Cập tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.

Hà Lan cam kết chuyển thêm tiêm kích F-16 cho Ukraine

Hà Lan cam kết chuyển thêm tiêm kích F-16 cho Ukraine

09:50 06/02/2024

Giới chức Hà Lan thông báo sẽ gửi thêm 6 chiếc F-16 cho Ukraine sau khi hủy bán số tiêm kích này cho một nhà thầu tư nhân.

Nga coi một cựu thủ tướng là 'đặc vụ nước ngoài'

Nga coi một cựu thủ tướng là 'đặc vụ nước ngoài'

09:40 25/11/2023

Bộ Tư pháp Nga liệt cựu thủ tướng Mikhail Kasyanov vào danh sách 'đặc vụ nước ngoài', sau khi ông này rời Nga để phản đối chiến sự Ukraine.

Vũ khí 'chưa từng có' cả Nga và Triều Tiên đều manh nha phát triển, đối đầu dưới đại dương sẽ sang 'kỷ nguyên mới'?

Vũ khí 'chưa từng có' cả Nga và Triều Tiên đều manh nha phát triển, đối đầu dưới đại dương sẽ sang 'kỷ nguyên mới'?

07:30 23/01/2024

Sự tồn tại của những vũ khí chưa từng có mà Nga và Triều Tiên tuyên bố đang phát triển chứng minh rằng việc đối đầu dưới nước sẽ có thể bước sang một 'kỷ nguyên mới'.

Trực thăng Mỹ gặp nạn trên đường chuyển quân

Trực thăng Mỹ gặp nạn trên đường chuyển quân

20:10 08/02/2024

Trực thăng CH-53E Super Stallion chở 5 lính thủy quân lục chiến Mỹ bị rơi trên đường di chuyển từ Nevada đến California.

Hàn Quốc đang theo sát động thái mở cửa biên giới của Triều Tiên

Hàn Quốc đang theo sát động thái mở cửa biên giới của Triều Tiên

17:40 23/08/2023

Ngày 23/8, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, Seoul đang theo dõi thời điểm Triều Tiên chính thức mở cửa với Trung Quốc, trước tình hình biên giới nước này đã mở một phần sau thời gian dài phong toả vì đại dịch Covid-19.

G7 sẵn sàng đáp trả hành động gây bất ổn của Iran

G7 sẵn sàng đáp trả hành động gây bất ổn của Iran

08:10 15/04/2024

G7 bày tỏ ủng hộ Israel sau vụ tập kích của Iran, tuyên bố sẵn sàng thực hiện biện pháp để đáp trả động thái gây bất ổn từ Tehran.

Co loi xay ra
Co loi xay ra