Thủ tướng Đức Scholz lần đầu trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Nga Putin sau gần hai năm, khiến lãnh đạo Ukraine lên tiếng chỉ trích.
Trong cuộc điện đàm ngày 15/11 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz "lên án chiến dịch của Nga tại Ukraine, kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt hoạt động quân sự và rút quân", theo Steffen Hebestreit, người phát ngôn của ông Scholz.
Lãnh đạo Đức còn "kêu gọi Nga thể hiện thiện chí đàm phán với Ukraine nhằm đạt được hòa bình công bằng và lâu dài", phát ngôn viên Hebestreit cho biết thêm. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Đức và Nga kể từ tháng 12/2022.
Điện Kremlin xác nhận ông Putin và ông Scholz đã điện đàm, thêm rằng cuộc gọi được tiến hành theo đề nghị của phía Đức.
Phía Nga cho biết đây là "cuộc trao đổi thẳng thắn, chi tiết về tình hình Ukraine", trong đó Tổng thống Putin nói bất kỳ thỏa thuận nào về chấm dứt chiến sự ở Ukraine đều cần phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, xuất phát từ "thực tế mới về lãnh thổ" và quan trọng nhất là "giải quyết gốc rễ" của xung đột.
Nga trước đó nêu điều kiện hòa đàm với Ukraine là Kiev phải từ bỏ 4 vùng lãnh thổ Moskva đã sáp nhập, song chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã từ chối.
Ông Zelensky phản ứng giận dữ trước việc Nga và Đức khôi phục đường dây liên lạc, gọi đây là hành động "mở chiếc hộp Pandora", ám chỉ việc làm có thể gây ra các hậu quả không thể lường trước.
"Đây chính là thứ ông Putin mong muốn từ lâu. Bớt bị cô lập là điều vô cùng quan trọng với ông ấy", Tổng thống Zelensky nói.
Phát ngôn viên Hebestreit cho biết ông Scholz đã gọi điện cho ông Zelensky trước và sau cuộc điện đàm với ông Putin, song việc này không thể xoa dịu mối lo ngại của Ukraine.
"Cần phải có những hành động cụ thể, mạnh mẽ nhằm buộc ông ấy chấp nhận hòa bình, chứ không phải thuyết phục hay cố gắng xoa dịu, điều ông ấy coi là dấu hiệu của sự yếu đuối và sẽ tận dụng", Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, đề cập Tổng thống Nga Putin.
Ngoài Ukraine, Thủ tướng Scholz còn báo trước cho Mỹ, Anh và Pháp về cuộc điện đàm với ông Putin, theo nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Người này cho biết ông Scholz không tiết lộ thông điệp sẽ gửi tới ông Putin, song phía Pháp kỳ vọng sẽ được thông báo sau.
Một nguồn tin từ chính phủ Đức nói trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ, Thủ tướng Scholz đã "lên án các cuộc không kích của Nga nhằm vào hạ tầng dân sự tại Ukraine", thêm rằng hai lãnh đạo đã đồng ý duy trì liên lạc và Berlin sẽ thông báo nội dung trao đổi cho các đồng minh.
Ông Putin ít khi nói chuyện với giới lãnh đạo NATO và các nước phương Tây kể từ năm 2022, thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp đặt những biện pháp trừng phạt quy mô lớn với Nga sau khi nước này mở chiến dịch tại Ukraine.
Đức là một trong các quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, chỉ sau Mỹ về viện trợ quân sự cho Kiev. Nhưng sự kiện ông Donald Trump, người chỉ trích hoạt động viện trợ cho Ukraine, đắc cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Washington và các đồng minh phương Tây có tiếp tục hậu thuẫn Kiev khi chiến sự kéo dài hay không.
Phạm Giang (Theo AFP)
Ngày 1/8, Nga và Belarus đã tiến hành trao đổi với Mỹ cùng 4 nước phương Tây khác tổng cộng 24 tù nhân, qua quốc gia trung gian Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow nêu thương vong của VSU ở Bakhmut và Novodruzhesk, Hungary nói về người di cư từ láng giềng… là một số tin tức đáng chú ý về xung đột Nga-Ukraine.
Nhiều người Israel coi Hezbollah là mối đe dọa an ninh lớn hơn Hamas và tin rằng một cuộc chiến mới ở Lebanon là điều không thể tránh.
Hàng nghìn người Armenia biểu tình tại thủ đô Yerevan, yêu cầu Thủ tướng Pashinyan từ chức vì nhường lại quyền kiểm soát 4 làng biên giới cho Azerbaijan.
Iran tuyên bố sẽ dồn toàn bộ sức mạnh quân sự để hỗ trợ Hezbollah nếu Israel tấn công, song nhấn mạnh Tehran không muốn xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Nhật áp luật mới, cho phép trục xuất người bị từ chối đơn xin tị nạn ba lần, dù đây là một trong những nước ít tiếp nhận người tị nạn nhất.
Ngoại trưởng Nigeria xác nhận các đại sứ ở nước ngoài đều đã được triệu hồi, làm dấy lên khả năng sẽ có những điều chuyển nhân sự mới, trong động thái nhằm củng cố bộ máy chính quyền của Tổng thống.
Ukraine đã nỗ lực thúc đẩy các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Lực lượng Nga đang chủ động tiến công ở mặt trận Zaporizhzhia, tái chiếm một số cứ điểm chiến lược mà Ukraine kiểm soát trong đợt phản công mùa hè.