Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duyệt cho Thụy Điển vào NATO nếu quốc hội Mỹ cùng lúc chấp thuận bán F-16 cho nước này.
"Các vị nói rằng sẽ thực hiện những bước tiếp theo sau khi quốc hội thông qua. Chúng tôi cũng có quốc hội", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trong cuộc họp báo ngày 8/12, đề cập tới Mỹ.
"Nếu chúng ta là hai quốc gia đồng minh NATO, các vị có thể cùng lúc thực hiện phần việc của mình trên tinh thần đoàn kết và quốc hội của chúng tôi sẽ thực hiện công việc của họ", ông Erdogan cho biết.
Bình luận của Tổng thống Erdogan được đánh giá là tín hiệu rõ ràng về việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển nếu quốc hội Mỹ duyệt bán F-16 cho nước này, bao gồm hàng chục tiêm kích cùng phụ tùng thay thế.
Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ để gia nhập NATO. Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh, trong khi Thụy Điển vấp phải phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tổng thống Erdogan hồi tháng 7 rút lại phản đối tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, sau khi quốc gia Bắc Âu đáp ứng một số yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến những nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/11 thông báo hoãn bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển do cần thuyết phục các nghị sĩ nước này. Động thái này tiếp tục cản trở nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển sau hơn một năm chờ đợi.
Sau khi Ủy ban Đối ngoại phê duyệt, toàn thể quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mới tiếp tục bỏ phiếu. Tổng thống Erdogan cuối cùng sẽ ký phê chuẩn.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thay thế phi đội tiêm kích đã cũ, song nỗ lực này gặp trở ngại sau khi Mỹ loại quốc gia này khỏi chương trình F-35. Quyết định này nhằm trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga mà NATO coi là mối đe dọa tới hoạt động của lực lượng thuộc liên minh.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần cam kết xúc tiến thương vụ bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này bị một số lãnh đạo quốc hội Mỹ phản đối. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi Thổ Nhĩ Kỳ tức giận vì quan điểm của Mỹ với Israel trong xung đột tại Dải Gaza.
Tổng thống Erdogan ngày 8/12 nói ông chưa có ý định sớm gặp Tổng thống Biden. "Cuộc gặp với Tổng thống Biden không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Các bạn đều rõ lập trường về Gaza của họ thế nào", ông Erdogan nói.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Chiến dịch của ông Biden nói ông Trump 'dối trá và xúc phạm người nhập cư' khi đề xuất cấp thẻ xanh cho du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ
Đại diện Bộ Tư pháp Na Uy nhận định Breivik, kẻ từng sát hại 77 người, 'vẫn rất nguy hiểm' và cần phải bị biệt giam trong tù.
Lãnh tụ tối cao Iran lệnh cho quân đội tấn công lãnh thổ Israel để trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và chuẩn bị kế hoạch phòng thủ, theo các nguồn tin giấu tên.
Phát biểu khi đi thị sát, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng đất nước sẽ nâng cao mức độ sẵn sàng hạt nhân trong tương lai gần để đối phó với mọi thách thức.
Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời cá hilsa đã gây ra một cuộc căng thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và Bangladesh, đồng thời làm khủng hoảng ẩm thực hai nước.
Điện Kremlin cho biết ông Putin sẵn sàng thảo luận với ông Trump về xung đột Ukraine, nhưng không sẵn sàng thay đổi các yêu cầu của Moskva.
Tư lệnh quân đội Ukraine nói tình hình của lực lượng nước này mặt trận miền đông rất khó khăn, khi Nga tích cực tìm cách xuyên thủng phòng tuyến.
Daniel Martindale, công dân Mỹ nằm vùng tại Ukraine và từng chuyển nhiều thông tin giá trị cho Nga, xuất hiện trong cuộc họp báo ở Moskva.
Cơ quan hàng hải Anh cho biết tàu hàng Tutor bị Houthi tập kích bằng xuồng tự sát tuần trước có thể đã chìm ở Biển Đỏ.