Tây Nguyên cạn nước, hàng ngàn ha cây trồng sắp chết khô

11:10 09/04/2024

Nắng nóng khốc liệt kéo dài đã khiến nhiều ao hồ, sông suối nhỏ, hồ chứa thủy lợi các tỉnh Tây Nguyên cạn nước.

Người dân tại huyện Đắk Mil, Đắk Nông ngóng nước mạch chảy ra các hố đào giữa lòng hồ để tưới cho cây trồng - Ảnh: ĐỨC LẬP

Nông dân khu vực này đang khẩn trương bằng mọi cách tìm nguồn nước cứu hạn cây trồng.

Khoan giếng tìm nguồn nước

Tại Gia Lai, trước tình trạng cạn nước ngọt, để đảm bảo nước tưới tiêu, nông dân tỉnh này phải khoan giếng tìm nguồn nước ngầm bơm tưới cho cây cà phê đang độ ra quả.

Tại vùng cà phê xã Ia Sao (huyện Ia Grai), hiện các hồ chứa thủy lợi đã cạn kiệt, bà con đang dựa hoàn toàn vào nguồn nước từ giếng khoan.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Trung (nông dân ở xã Ia Sao) cho hay hơn 10ha cà phê của gia đình hiện trông chờ vào các giếng khoan vì ao hồ đã khô cạn từ lâu.

Để tìm nguồn nước, gia đình bà Trung đã bỏ khá nhiều tiền khoan hơn chục giếng. Có giếng khoan trúng mạch ngầm đủ nước tưới, nhưng có giếng rất ít nước, mỗi lúc bơm tưới chỉ được hơn một giờ rồi phải chờ đợi.

Nông dân khu vực này cho biết hiện nay cà phê đang độ ra quả non nên việc đảm bảo đủ nước tưới rất quan trọng. Nếu thiếu nước vào dịp này, cà phê sẽ bị rụng hoặc teo nhỏ, dẫn tới năng suất giảm thấp. Do đó nông dân đang tìm mọi cách khoan giếng tìm nước chống hạn thay vì chờ đợi nước mưa.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết từ tháng 4 tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ gia tăng tại nhiều địa phương. Đặc biệt là các nơi không chủ động nguồn nước, xa công trình thủy lợi.

Lượng mưa và dòng chảy các sông suối thời điểm này cũng rất ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều hồ chứa thủy lợi lượng nước chỉ còn dưới 50% và nhiều đập dâng đã hết nước. Từ đầu năm tới nay, hơn 170ha lúa và hoa màu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Phú Thiện, Chư Păh, Kbang.

Theo cơ quan này, thời gian tới sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục có giải pháp ứng phó hạn hán. Trong đó ưu tiên nguồn nước tưới cho những cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng sắp tới thời kỳ thu hoạch.

Tỉnh đã chỉ đạo công ty thủy lợi, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước đủ cho cây trồng, nhất là những vùng trồng cây chủ lực hiện đang có giá cao. Về lâu dài tiếp tục tính toán, đầu tư thêm hồ chứa để đảm bảo đủ nước cho các vùng.
Ông Phạm Tuấn Anh (giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông)
Do nguồn nước ao hồ, sông suối cạn kiệt, người dân Đắk Lắk phải thuê khoan giếng để cứu cây trồng - Ảnh: TÂM AN

Hàng ngàn ha cây trồng sắp chết khô

Tại Đắk Lắk, đi dọc các cánh đồng lúa huyện Krông Bông, huyện Lắk dù nguồn nước chưa đến mức cạn kiệt nhưng đang có dấu hiệu thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Đinh Văn Lý có gần 1ha hoa màu ở xã Yang Ré, huyện Krông Bông, đang như ngồi trên lửa. Ông Lý cho biết nguồn nước tưới cho cây trồng sắp cạn kiệt.

Nếu nắng nóng kéo dài thì toàn bộ diện tích lúa, hoa màu của gia đình ông cũng như toàn khu vực sẽ bị chết trắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ

10 - 30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo đến cuối vụ, toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.000ha cây trồng các loại thiếu nước tưới.

Tại Đắk Nông, hạn hán còn khắc nghiệt hơn, nhất là các huyện phía bắc như Đắk Mil, Cư Jut, Krông Nô. Phần lớn các ao, hồ, sông, suối đã cạn, phải điều nước từ những nơi khác về để cứu cây trồng từ tháng 3.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, chỉ tính riêng hai xã Nam Xuân và Đắk Sôr hiện đang có khoảng 1.500ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Tại huyện Đắk Mil gần 8.000ha đối diện với nguy cơ chết khô vì thiếu nước.

Ông Doãn Gia Lộc, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, nói mực nước 12 hồ đập thủy lợi trên địa bàn đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với mọi năm.

"Nếu mùa khô kéo dài đến tháng 6 thì một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối diện nguy cơ chết trắng vì hết nước tưới", ông Lộc lo lắng.

Để cứu hạn, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tiết hai đợt nước về trên suối Đắk Sôr từ huyện Đắk Mil và Đắk Song với khối lượng 300.000 - 500.000m3/đợt.

Thêm vào đó, nguồn nước cũng được bổ sung từ các hồ thủy điện để cung ứng nước tưới cho người dân. Ông Trần Văn Khánh, giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp, cho biết bước vào cao điểm mùa khô, lượng nước về hồ Buôn Tua Srah khoảng 16 - 20m3/s nhưng đơn vị đang xả hơn 60m3/s.

"Nguồn nước hỗ trợ này giúp bà con hạ du các xã Quảng Phú, Nâm N'Đir, Đức Xuyên... có nước tưới giữa mùa khô hạn", ông Khánh nói.

Ông Phạm Tuấn Anh, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới một số cây trồng chủ lực của Đắk Nông và dự báo sẽ mất mùa trong niên vụ tiếp theo.

Đến nay có 18 công trình cạn kiệt nguồn nước, dự kiến xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 1.810ha cây trồng.

Nông dân Kon Tum phải khoan giếng tìm nước tưới cho cây cà phê qua đợt hạn - Ảnh: T.H.

Khô hạn còn khốc liệt

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng El Nino, nền nhiệt khu vực mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời mùa khô sẽ kéo dài hơn do mùa mưa đến muộn, mưa trái mùa có diễn biến cực đoan như mưa đá, mưa kèm dông lốc, sét.

Ông Nguyễn Văn Huấn, trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nói từ nay tới cuối tháng 4 khu vực có khả năng sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Do đó, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn nhiều năm.

Để hạn chế nguy cơ thiệt hại, chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Đặc biệt các cơ quan cần theo dõi nguồn nước trên các hồ chứa, sông ngòi để cân đối nguồn nước.

Theo ông Huấn, dự báo mùa mưa Tây Nguyên năm nay tại một số nơi sẽ đến trễ khoảng 15 - 20 ngày so với các năm. Ngay trong mùa mưa vẫn có khả năng thiếu nước do mưa gián đoạn trong thời kỳ các tháng đầu mùa mưa (tháng 6, tháng 7), do vậy khô hạn vẫn có thể xảy ra.

Nhiều hồ chứa nước ở Đắk Nông trơ đáy - Ảnh: ĐỨC LẬP

Trận "mưa vàng" cứu hàng trăm ha cà phê

Trong khi đó tại Kon Tum, nông dân các vùng trồng cà phê tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, vừa thở phào nhẹ nhõm khi đón cơn mưa lớn trái mùa. Ông Trần Đức Trọng, chủ tịch UBND xã Hà Mòn, nói trận "mưa vàng" sau nhiều tháng nắng nóng đã cứu hạn cho hàng trăm ha cà phê và hoa màu xã này khỏi nguy cơ khô cháy.

Trước đó, hồ thủy lợi C3 với dung tích 370.000m3 phục vụ tưới tiêu cho xã này gần như đã khô kiệt sau thời gian dài chống chọi với mùa khô. Theo ông Trọng, người dân địa phương đang trông đợi sẽ có thêm nhiều đợt mưa lớn trái mùa để các vườn cà phê đủ nước tưới trong những ngày tới.

Ninh Thuận: tính phương án nhờ nước từ hồ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Dưới cái nắng hầm hập của những ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Lòng hồ đã cạn trơ đáy. Ông Đỗ Hội (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) vất vả vét ao trong lòng hồ để tưới ruộng hành tím.

Ông Hội nói: "Hiện không còn nguồn nước tưới nào khác là phải đào ao để trữ nước bơm từ các giếng khoan từ hơn năm năm trước. Nguồn nước này đang bị nhiễm phèn, nhưng đây cũng là nguồn nước duy nhất để cứu hành tím đang chuẩn bị thu hoạch".

Cách rẫy ông Hội khoảng 2km, gia đình ông Trần Văn Phước (ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải) cũng đang xoay xở nước tưới cho 6 sào (6.000m2).

Để giảm bớt thiệt hại do thiếu nước, ông cắt giảm diện tích trồng hành. Lượng nước giếng khoan còn lại ông dành cho đàn bò 10 con.

Ông Nguyễn Khắc Hòa, phó chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết các khu vực chịu ảnh hưởng bởi nắng hạn mùa khô gồm các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải và khu vực hồ Thành Sơn thuộc xã Xuân Hải với diện tích hơn 150ha.

Một số khu vực trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do thiếu hụt nguồn nước, cần đấu nối hệ thống cấp nước, điều tiết bổ sung hoặc chở nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các khu vực sử dụng nước từ hệ thống cấp nước Mỹ Tường.

Ông Trương Khắc Trí, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết tính đến ngày 7-4 tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 188 triệu m3 (chiếm 43% tổng dung tích thiết kế).

Do tình hình nắng nóng gay gắt nên hiện nay dung tích một số hồ đã giảm đáng kể, trong đó 3/23 hồ chứa đã xuống đến mực nước chết gồm Tà Ranh, Bầu Zôn (huyện Ninh Phước), Ông Kinh (huyện Ninh Hải). "Các diện tích tại các hồ chứa này sẽ dừng sản xuất", ông Trí nói.

"Trong thời gian tới nếu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục không có mưa sẽ có một số hồ chứa khả năng dung tích hạ thấp xuống dưới mực nước chết gồm Phước Nhơn (huyện Bác Ái), Tân Giang, Sông Biêu (huyện Thuận Nam), Lanh Ra (huyện Ninh Phước), CK7 (huyện Thuận Nam) và Suối Lớn.

Với tình hình thời tiết khắc nghiệt lượng nước hao hụt rất nhanh, nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới rất lớn, chúng tôi ưu tiên lượng nước tại các hồ chứa để cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các lĩnh vực thiết yếu khác...khuyến cáo nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước", ông Trí nhấn mạnh.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra hai phương án điều tiết đủ nước tưới cho cây trồng sản xuất vụ hè thu. Cụ thể, trong điều kiện tháng 5 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có lượng nước đến bổ sung thì sẽ nhờ nước từ hồ Đơn Dương (Lâm Đồng).

Đây là hồ nước lớn của Lâm Đồng, có sẵn hệ thống xả nước xuống Ninh Thuận thông qua thủy điện.

Trường hợp trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích 23 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đều đạt trên 50% dung tích thiết kế, tỉnh sẽ có kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất cho toàn bộ khu vực nằm trong hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm (huyện Ninh Sơn) và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý với tổng diện tích 29.265ha (gồm lúa 14.467,5ha, màu 14.797,5ha).

Bình Thuận: 1.000ha cây trồng có nguy cơ thiệt hại

Tỉnh Bình Thuận đang căng mình chống hạn, tìm mọi nguồn nước còn lại cho người dân sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô đang khốc liệt này.

Theo thông tin từ tỉnh này, hiện khoảng 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống của 75.918 người. Trong đó, vùng dự án Hồ chứa nước Ka Pét là xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) đang gay gắt nhất.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối tháng 3 lượng nước hữu ích còn lại ở các hồ chứa là khoảng 115,14/363,55 triệu m3.

Với tổng lượng nước như vậy, đơn vị tính toán chỉ đạt khoảng 31% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 38,85 triệu m3. Tương tự, mực nước hữu ích tại các hồ thủy điện của tỉnh Bình Thuận hiện cũng chỉ đạt khoảng 60% thiết kế.

Công ty cho biết thêm hiện có khoảng 365ha (chủ yếu là thanh long và hoa màu) đang thiệt hại do thiếu nước trong mùa khô năm nay. Diện tích cây trồng đang có nguy cơ thiệt hại tiếp tục là hơn 1.000ha.

Với tình hình này, địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo chống hạn, xây dựng kế hoạch cấp nước, tranh thủ nạo vét để tận dụng nguồn nước mặt còn lại tại các công trình thủy lợi... Tuy nhiên, các hồ chứa nước quy mô nhỏ không còn khả năng trữ nhiều, hệ thống kênh phần lớn là mặt đất nên thất thoát lớn và không hiệu quả.

Điểm nóng nhất về hạn hán của tỉnh Bình Thuận là các vùng hạ du của dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, lượng nước hiện nay tại các hồ chứa như Sông Móng, Đu Đủ, Ba Bàu, Tân Lập, Tà Mon... chỉ còn khoảng 17.116 triệu m3.

Theo huyện Hàm Thuận Nam, từ cuối tháng 2 đến nay, nơi thiếu nước sản xuất tập trung ở hai xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh.

Đây là những xã hưởng lợi đầu tiên nếu dự án Hồ chứa nước Ka Pét hình thành. Ngoài ra, hai điểm còn lại ở phía nam của huyện là thị trấn Thuận Nam, Tân Lập cũng đang thiếu nước do không có hệ thống thủy lợi, nông dân không bố trí sản xuất.

Trước tình hình này, huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng nhiều phương án điều tiết để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cấp nước cho đàn gia súc.

Đối với nước cho sản xuất, huyện điều tiết nước giữa các hồ còn nhiều nước sang cho hồ ít hơn. Song song với việc điều tiết ở các hồ chứa, huyện cũng khuyến cáo người dân biết về nguồn nước để sản xuất và phòng chống hạn cho phù hợp.

Còn với nước phục vụ sinh hoạt, khi các hồ đã ngưng tưới cho sản xuất thì các nhà máy sử dụng nguồn nước thô còn lại để cấp. Huyện còn dự báo nguồn nước thô này chỉ cầm chừng đến hết tháng 6 là cạn kiệt.

Riêng các vùng nằm ngoài hệ thống cấp nước sinh hoạt như xã Tân Lập nếu sau ngày 30-5 trời không mưa sẽ thiếu nước cho khoảng 232 hộ.

Tương tự, tại xã Mỹ Thạnh (nơi dự kiến là hồ Ka Pét), nếu sau ngày 30-5 trời không mưa sẽ thiếu nước sinh hoạt khoảng 278 hộ, tức toàn xã.

Riêng xã Hàm Cần nếu sau ngày 30-4 trời không mưa sẽ thiếu nước sinh hoạt khoảng 209 hộ nằm rải rác ở thôn xã khu cấp nước sinh hoạt, nông dân không có khả năng lắp đặt đồng hồ nước.

Miền Tây: thường xuyên kiểm tra độ mặn trong nước

Ngày 8-4, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết hạn hán những ngày qua làm các kênh rạch trong vùng ngọt Cà Mau khô cạn nước. Đến nay đã có 132 tuyến kênh mương xảy ra sạt lở, sụt lún với 600 điểm.

Tổng chiều dài sạt lở, sụt lún đất hơn 15,8km, ước thiệt hại trên 22 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hơn 2.600 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, hơn 35.000ha rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo nguy cơ cháy từ cấp cao đến cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau đã triển khai lắp đặt 60 bồn nước quy mô nhóm hộ gia đình cho các cộng đồng dân cư ở nơi gặp khó khăn về nước sạch, đang chuẩn bị lắp thêm 12 bồn, nâng tổng số lên 72 bồn.

Các ngành chức năng tỉnh cũng đã bố trí lực lượng, phương tiện chở 400m3 nước ngọt ra đảo Hòn Khoai để hỗ trợ cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Cùng ngày, Quân khu 9 cũng đã triển khai ba tàu chở nước đến Cà Mau để cấp nước cho người dân vùng khô hạn. Lượng nước được cấp miễn phí cho người dân Cà Mau lần này lên đến 1.700m3.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên tăng dần từ nay đến ngày 11-4. Nơi này khuyến cáo người dân sống cách cửa sông từ 73km trở xuống cần kiểm tra độ mặn thường xuyên trước khi vận hành cống và sử dụng nước sông trực tiếp.

Có thể bạn quan tâm
Cô giáo Lê Thị Dung được giảm án, chỉ còn bị giam 15 ngày

Cô giáo Lê Thị Dung được giảm án, chỉ còn bị giam 15 ngày

20:50 13/06/2023

Chiều 13/6, sau 2 ngày xét xử công khai, HĐXX phúc thẩm vụ án 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ' đối với bị cáo Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên án. Theo đó, HĐXX đã tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù giam, tính từ ngày tạm giam (28/3/2022). Như vậy bị cáo Dung chỉ còn bị giam 15 ngày. Nói lời nói sau cùng, bị cáo Lê Thị Dung mong rằng hội...

Đường Trường Sơn - 'bát quái trận xuyên rừng' đánh Mỹ

Đường Trường Sơn - 'bát quái trận xuyên rừng' đánh Mỹ

22:30 17/05/2024

Mạng lưới đường chằng chịt 26 trục dọc ngang, xuyên ba nước Đông Dương đã đưa hơn hai triệu bộ đội vào Nam ra Bắc dưới bom đạn, khiến quân Mỹ “không cách nào ngăn cản nổi”.

Vụ chuyến bay giải cứu: Vợ đôn đáo nộp tiền thay cho cựu Thư kí Thứ trưởng

Vụ chuyến bay giải cứu: Vợ đôn đáo nộp tiền thay cho cựu Thư kí Thứ trưởng

12:10 18/07/2023

Hà Nội - Trước việc chồng là Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình liên quan vụ chuyến...

Đi tập thể dục, tá hỏa phát hiện người chết trong khuôn viên chung cư

Đi tập thể dục, tá hỏa phát hiện người chết trong khuôn viên chung cư

11:50 26/04/2024

Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ trường hợp tử vong trong khuôn viên một chung cư ở TP Thủ Đức, TPHCM.

Điểm chuẩn 12 trường thành viên Đại học Huế 2023

Điểm chuẩn 12 trường thành viên Đại học Huế 2023

00:30 23/08/2023

Điểm chuẩn 13 trường thành viên Đại học Huế: Năm nay, Đại học Huế tuyển sinh hơn 15.000 sinh viên vào 12 trường thành viên và 1 phân hiệu. Đại học Huế áp dụng 6 phương thức xét tuyển: Xét kết quả học tập THPT; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp kết hợp với điểm thi năng khiếu; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển theo phương thức riêng của các...

Lắp máy lạnh vào lớp học dễ mà không dễ

Lắp máy lạnh vào lớp học dễ mà không dễ

08:50 11/11/2023

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đang xúc tiến các thủ tục để trình dự án lắp máy lạnh các phòng học đang được dư luận quan tâm nhiều ngày qua.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu bế mạc Chương trình Lãnh đạo cao cấp 2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu bế mạc Chương trình Lãnh đạo cao cấp 2024

14:00 04/04/2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chương trình VELP lần thứ 9 đã thành công với 10 chuyên đề rất thiết thực và hữu ích đối với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Tai nạn giao thông trên Quốc lộ 14 khiến 2 người tử vong tại chỗ

Tai nạn giao thông trên Quốc lộ 14 khiến 2 người tử vong tại chỗ

20:30 18/05/2024

Sau khi xảy ra tai nạn với xe taxi, 2 người đi trên xe máy tiếp tục va chạm với xe khách và tử vong trên Quốc lộ 14 (đường...

Hạ Long xác minh quán cơm có giòi và xử phạt 14,5 triệu đồng

Hạ Long xác minh quán cơm có giòi và xử phạt 14,5 triệu đồng

11:40 26/07/2024

Từ phản ánh về suất cơm có giòi, qua xác minh kiểm tra, TP Hạ Long ( Quảng Ninh ) đã xử phạt một quán cơm trên địa bàn 14,5...

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới