"Tiểu Lý Quảng" là biệt danh mà báo giới miền Nam từ trước 1945 đến tận cuối thập niên 1950 gọi tay đấm quyền anh huyền thoại Lý Văn Quảng.
Ông đoạt chức vô địch Sa Đéc 1934 vào năm 19 tuổi, vô địch Nam Kỳ 1935, vô địch Trung Kỳ 1940-1941, vô địch Bắc Kỳ 1941-1942, vô địch Nam Kỳ 1942-1943 và 1943-1944, vô địch Nam Đông Dương 1943-1944.
Ở cả ba miền, võ sĩ Tiểu Lý Quảng đều từng vô địch, suốt hơn 10 năm liền, ngay từ khi người Pháp mang boxing vào Việt Nam, đất thượng võ. Thập niên 1930 - 1940, nhiều tay boxing Việt ở miền Nam đã xuất hiện, trở thành huyền thoại lớn: Young Typhon (Nguyễn Văn Hiển), Kid Dempsey (Nguyễn Văn Phát), Võ vương Minh Cảnh (Nguyễn Văn Cảnh)…
Tiểu Lý Quảng có tên trong những huyền thoại lớn đó và được xếp vào hàng tay đấm trí thức khi là người đầu tiên của thể thao Việt Nam học cao đẳng thể thao, chuyên ngành Quyền thuật ở nước ngoài (Pháp). Ngày ông về nước, năm 1948, báo chí Sài Gòn đưa tin rầm rộ.
Ký giả Bút Sắt viết trên Đặc san Lực Sĩ tháng 4-1959: "Những nhà hâm mộ thể thao thuộc thế hệ trước 1945, hẳn không xa lạ với cái tên "Tiểu Lý Quảng" - biệt danh của võ sĩ Lý Văn Quảng, một tay vô địch về quyền anh, nổi tiếng nhờ lối đánh "khoa học," trông rất đẹp mắt. Những trận anh đấu với các võ sĩ Bắc Hà như Lân, Khuê, Đường đã từng làm sôi nổi trong làng thể thao một thời".
Những trận đấu ấy diễn ra khi ông đã là vô địch Nam Kỳ. Cuối năm 1939, nhân xem tờ "Ngọ Báo" xuất bản tại Hà Nội về các trận đấu quyền anh sôi động ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, ông liên hệ với Vũ Công Uẩn, Mạc Đoàn viết trang thể thao của tờ báo này mong được đấu.
Những ngày so găng với võ sĩ Bắc Kỳ ấy, như trận đấu đầu tiên của ông ở Hải Phòng đêm 15-8-1940, theo tờ Lực Sĩ, "trước trận đấu vài ngày, thôi thì báo chí, bích chương cũng như giấy quảng cáo tung bay khắp hai thành phố lớn của Bắc Việt. Buổi tối đấu, buổi sáng báo ra số đặc biệt bán một xu. Chỉ một hàng chữ Lý Văn Quảng Saigon (ở Saigon ra) đấu với Nguyễn Lân Hải Phòng là đủ hấp dẫn mọi tầng lớp đồng bào".
Trận đó ông thắng. Sau đó, liên tục là những trận đấu Quảng - Thường, Quảng - Đường, Quảng - Khuê… ở Hà Nội. Tiếp tục những trận thắng của ông. Ông nhớ mãi một kỷ niệm và kể với ký giả Bút Sắt:
"Một buổi chiều trời oi ả. Sau trận tái đấu với anh Nguyễn Lân ở Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội ít lâu. Tôi và mấy người bạn rủ nhau lên Cổ Ngư thuê chiếu ngồi hứng gió ở bờ đê, bỗng phía sau chúng tôi, có hai chú bé bán lạc rang, tuổi độ 12 hay 13 gì đó đi tới.
Tiếp tục câu chuyện dở dang đang nói của hai chú khi đến ngang chỗ chúng tôi ngồi.
- Được rồi, tao làm Lân, mày làm Quảng, sợ gì.
Hai đàng ưng thuận và hai thùng lạc tháo bỏ để xuống đất, thứ thùng thiếc đựng dầu lửa.
Rồi thì cũng thủ, cũng công, hai chân nhảy có nhịp có nhàng, đó là mấy chú bắt chước lối chơi "jeu de jambe" của các võ sĩ. Đấm nhau rất mạnh mà lại không có găng. Chúng tôi vô tình được xem một trận đấu có thể nói là rất kịch liệt gay go, nhưng kết quả, dường như đã được... định sẵn; vừa định can hai chú ra, vì để đánh mãi như thế, e nguy hiểm chứ chẳng chơi, tuy họ chỉ là... đóng kịch. Bỗng nhiên, chú đóng vai Quảng trượt chân ngã và chú kia leo lên lưng ngồi, nhưng tiếp tục... đấm.
Chú nằm dưới kêu oai oái:
- Ơ kìa! Tao làm Quảng thì phải được chứ.
Ngoan ngoãn và chắc là biết... lỗi của mình nên chú kia tụt xuống nằm song song bên cạnh... võ sĩ Quảng, để rồi chú này leo lên đấm thêm vài quả.
Anh bạn ngồi bên tôi kể như... trận đấu đã kết liễu, nắm tay chú nọ giơ lên và... tuyên bố:
- Võ sĩ Quảng thắng điểm!
Hai chú bé đồng đứng dậy phủi quần áo và cười khề khề, rồi thì hai thùng lạc lại chế ngự lên hai cái vai bé bỏng và dắt tay nhau cùng đi".
Tổng cuộc Quyền thuật Nam Kỳ ngày 19-12-1946 công bố số liệu về võ sĩ quyền anh Lý Văn Quảng, biệt danh "Tiểu Lý Quảng": Đấu 157 trận, thắng 131 trận (36 trận thắng điểm và 95 trận thắng knock - out), hòa 20, thua 6.
Con đường đến với quyền anh của ông: Hồi 16 tuổi, năm 1931, người thiếu niên Lý Văn Quảng đi coi nhiều trận đấu quyền anh ở võ đài Pellerin (nay là đường Pasteur, TP.HCM) do nhà tổ chức René Tellier tổ chức.
Lúc đó, theo ông, mỗi khi có tàu ngoại quốc ghé bến Sài Gòn, đều có những cuộc so găng giữa những võ sĩ phương xa đến đấu với võ sĩ Sài Gòn. Tên những võ sĩ ngoại quốc và Việt Nam ở Sài Gòn lúc đó đều rất quen thuộc với khán giả Đô thành: Diop Amadou, Kid Chocolat, (da đen), Sosa, Puncher, O' Campo, Young Aman (Phi Luật Tân), Nguyễn Văn Tộ, Young Typhon…
Coi, mê và học, được võ sĩ Young Typhon đưa về phòng tập riêng ở Chợ Lớn chỉ dạy quyền anh lẫn "võ ta" (đánh tự do, bất chấp cân nặng, hai bên ưng là ban tổ chức cho đấu). Vì vậy, lúc đó ông nặng 52 ký mà cáp độ với võ sĩ nặng đến 60, 62, 64, hay 68 ký là bình thường. Chuyện không bình thường là ông thường thắng. Năm 1934, 19 tuổi, ông nhận đai vô địch đầu tiên: vô địch tỉnh Sa Đéc.
Cũng thú vị khi ông không chỉ biết đấm đá. Năm 1936, nhân khánh thành đường xe lửa xuyên Đông Dương và khánh thành hồ tắm Georges Rivoal (nay là hồ bơi An Đông), ông còn thi bơi ở hồ tắm Lido gần cầu Băng Ky, đoạt giải Critérium Indochinois 400m tự do trước các tuyển thủ Trung, Nam, Bắc.
Ông cũng lập Kỷ lục Nam Kỳ năm 1936 với 100m ngửa tại hồ tắm Rivoal với 1 phút 32 giây… Cũng năm đó, ông về hạng tư giải "Băng sông Saigon" (Traversée de Saigon à la nage) năm cây số, từ cầu Tân Thuận đến cầu Thị Nghè (nhất, nhì là hai thủy thủ Pháp, ba là Nguyễn Văn Hoài).
Nhắc về ông, con trai Võ vương Minh Cảnh (tay đấm một thời được báo giới Sài Gòn xưa xếp trên Huỳnh Tiền, Văn Hoán và Văn Đại và chỉ xếp sau Kid Dempsey - Kid Dempsey là anh của Huỳnh Tiền): "Lý Văn Quảng là đàn anh, trên ông già xa. Nghe ông già kể lại là cũng phục ổng. Ông già tui đã phục là người đó có tài lắm".
Trận thượng đài cuối của ông vào tháng 7-1948, đấu với Bertoux (21 tuổi, võ sĩ vào chung kết Giải vô địch Pháp quốc tài tử năm 1947) tại Salle Japy, Paris 10. Hết quả: hòa. Lúc này ông 33 tuổi (sinh năm 1915). Lý do có trận đấu: lúc này ông đang tòng học ở Trường cao đẳng thể dục Joinville, chuyên ngành quyền thuật, bạn bè khích "võ sĩ Việt đấm bốc cỡ nào so với võ sĩ Pháp", thế là thượng đài.
Thật ra ông gốc Bắc Hòa Bình, vợ ông gốc Hà Nội; đôi bên thành thân năm 1942. Khi thi đấu ở Hà Nội năm 1940, ông ở nhà người chị trên phố Hàng Ngang. Giọng ông sặc miền Bắc.
Ở vùng Ông Tạ cả chục năm, vợ ông đi chợ Ông Tạ thường bữa. Bạn bè các con ông toàn dân Ông Tạ nên giọng chúng nghe là biết giọng Bắc Ông Tạ, nhất là thằng con út, Lý Văn Quyến, cùng lứa với tôi và chúng tôi biết cả nhà nhau mấy chục năm nay…
Luôn về chót trong các bài tập thể lực môn boxing, Thanh Vỹ tìm đến chạy bộ, rồi bén duyên trở thành runner dẫn dắt phong trào marathon tại Đà Nẵng.
Hội ngộ tại đám cưới của Quang Hải, huấn luyện viên Park Hang-seo đã để lại lời nhắn dí dỏm, trêu đùa học trò cũ Đoàn Văn Hậu.
Cuộc thi thuyền buồm và giải đua SUP lần thứ 3 được tổ chức tại Đà Nẵng diễn ra sôi nổi, gay cấn thu hút 50 vận động viên trẻ đến từ các tỉnh thành lớn tham dự.
Tiền vệ Nguyễn Quang Hải và bà xã Chu Thanh Huyền gửi toàn bộ 250 triệu đồng tiền bán xe VF43 để ủng hộ đồng bào vùng lũ, tổng cộng đã quyên góp 500 triệu đồng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch tỉnh cùng dàn lãnh đạo sẽ chạy 5km để hoà mình vào không khí thể thao sôi động của VnExpress Marathon Quy Nhơn mùa thứ 5.
Sân Gelora Bung Tomo ở Surabaya, Indonesia là nơi tổ chức các trận đấu ở giải U19 Đông Nam Á 2024. Nơi này nằm cạnh một khu xử lý rác thải khổng lồ mang đến nỗi lo cho các đội tuyển tham dự.
Nước chủ nhà Campuchia điều động nhiều lực lượng để đảm bảo an ninh cho lễ khai mạc SEA Games 32 .
Chủ nhà Bờ Biển Ngà hạ Nigeria 2-1 trong trận chung kết giải vô địch châu Phi (AFCON) 2023 tối 11/2, hoàn tất trọn vẹn câu chuyện cổ tích sau khi vượt qua vòng bảng bằng vị trí thứ ba.
Tối 1/6, Lễ khai mạc Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 đã diễn ra tại Cung thể thao Tiên Sơn, thành phố Đà Nẵng.