Với cuộc tấn công vào các vùng biên giới Nga, Ukraine muốn Matxcơva đồng ý khôi phục 'hòa bình chính đáng' càng sớm càng tốt. Nhưng vào lúc này khó làm được điều đó.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tiếp tục tăng nhiệt: ngày 14-8, Ukraine tấn công vào nhiều vùng của Nga bằng tên lửa và drone trong bối cảnh quân đội nước này tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Ngày 14-8, Nga cho biết đã phá hủy ít nhất 117 drone của Ukraine trên lãnh thổ Nga trong đêm, chủ yếu ở các vùng Kursk, Voronezh, Belgorod và Nizhny Novgorod. Họ cũng tuyên bố đã bắn hạ nhiều tên lửa và cho biết máy bay ném bom Sukhoi Su-34 đã tấn công các vị trí của quân Ukraine tại Kursk.
Câu hỏi đặt ra là Ukraine đang muốn gì khi liên tục tấn công các vùng biên giới Nga? Với khoảng 1.000 quân cùng với xe tăng và các thiết bị khác, các lực lượng Ukraine đã tiến vào vùng Kursk của Nga từ hôm 6-8 và kiểm soát hàng chục khu định cư.
Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, cũng là cuộc tấn công lớn nhất của một quân đội nước ngoài trên đất Nga kể từ Thế chiến 2.
Dường như Ukraine đã hé mở về động cơ của nước này trong tuyên bố đưa ra hôm 13-8: muốn Nga chấp nhận khôi phục "hòa bình chính đáng".
Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tykhy tuyên bố Kiev không quan tâm đến việc "chiếm giữ" những phần lãnh thổ Nga mà họ đã kiểm soát. Ông nói: "Nga đồng ý khôi phục "hòa bình chính đáng" càng sớm thì các cuộc đột kích của lực lượng phòng vệ Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ càng sớm chấm dứt".
Cũng trong ngày 13-8, Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky đã ca ngợi về thành công liên tiếp của quân Ukraine ở vùng biên giới phía tây nước Nga, tuyên bố kiểm soát thêm nhiều phần lãnh thổ và bắt giữ binh sĩ Nga - những người mà ông Zelensky nói có thể được dùng để trao đổi tù binh Ukraine.
Theo báo Washington Post, tuyên bố từ ông Zelensky và Syrsky dường như ngụ ý rằng chiến dịch xâm nhập vào lãnh thổ Nga là một phần của chiến lược đàm phán trong tương lai, chứ không phải để chiếm giữ lãnh thổ vô thời hạn. Bình luận của ông Zelensky về bản chất của chiến dịch ở Kursk tương tự như bình luận của ông Tykhy.
Hiện nay giới chức Ukraine không đưa ra mốc thời gian cho việc rút quân. Giới quan sát cho rằng các lực lượng Ukraine vẫn sẽ hiện diện trên các phần lãnh thổ Nga đã kiểm soát cho đến khi Kiev có thể đổi lấy thứ gì đó tốt hơn, chẳng hạn đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Dường như phía Nga cũng thấy được mục đích của Kiev. Hôm 12-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc xâm nhập của Ukraine đã được thực hiện nhằm mục đích cải thiện vị thế đàm phán của Kiev trước khả năng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình.
Còn theo lời một quan chức Mỹ được Hãng tin Reuters dẫn lại hôm 13-8, mục tiêu của Ukraine khi tấn công vào Kursk dường như là để buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine bởi Nga sẽ cần làm vậy để tăng quân bảo vệ lãnh thổ của mình trước cuộc tấn công xuyên biên giới của Kiev.
Theo phân tích của Hãng tin AFP dựa trên dữ liệu do Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cung cấp, tính đến đầu tuần này quân đội Ukraine đã kiểm soát phần lãnh thổ Nga rộng ít nhất 800km2.
Trong những bình luận đầu tiên đưa ra về chiến dịch xâm nhập bất ngờ của Ukraine, ngày 13-8 Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cuộc tấn công này "tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự" cho ông Putin.
Tuy nhiên, vào lúc này Matxcơva đã cho thấy sự cứng rắn. Tổng thống Putin nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine đều không thể diễn ra nếu các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và nguy cơ với các nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa chấm dứt.
Ngày 14-8, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik tuyên bố với việc tấn công vùng Kursk, chính Ukraine đã khiến chuyện đàm phán hòa bình với Nga "bị tạm ngưng lâu dài", theo Tass. Giới quan sát cho rằng nếu Nga đã không chịu nhượng bộ trước để ngồi vào bàn đàm phán, và nếu Ukraine cũng không chịu rút quân trước thì tình hình có khả năng tiếp tục leo thang và không tìm ra lối thoát.
Không chỉ Kursk mà một số vùng biên giới khác của Nga cũng đang chứng kiến căng thẳng tăng cao. Ngày 14-8, thống đốc vùng Belgorod của Nga, ông Vyacheslav Gladkov, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn vùng vì các cuộc tấn công liên tục của Ukraine.
Tuy nhiên, cần lưu ý cuộc tấn công xuyên biên giới cũng mang lại rủi ro cho Ukraine: các phần lãnh thổ ở Ukraine có thể dễ bị tổn thương khi họ tăng cường lực lượng tấn công lãnh thổ Nga. Hiện Nga đang kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine và tiếp tục có các bước tiến trong những tháng gần đây.
Nhà Trắng cho biết họ không liên quan và cũng không được Ukraine thông báo trước về chiến dịch gần đây của Kiev vào vùng Kursk của Nga.
"Không, chúng tôi không liên quan gì đến việc này" - thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 13-8. Tuy nhiên, bà cho biết Mỹ vẫn tiếp tục chính sách cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ mà họ cần để đối phó các cuộc tấn công của Nga.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chỉ đạo công ty lâm nghiệp, địa phương cần kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng, lấn chiếm...
Bước đâu, Công an xã Phù Long xác định, Lê Mạnh Đạt (SN 1991, thường trú tại xã Phù Long, xe ôm), Phan Văn Quỳnh (SN 1971, trú huyện Thái Thụy, Thái Bình, nhân viên bến phà Cái Viềng), Đỗ Đức Tuyệt (SN 1990, trú xã Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng, nhân viên bến phà Cái Viềng) đã cấu kết nhận tiền của các tài xế xe khách rồi dẫn qua trạm thu vé mà không phải xếp hàng. Căn cứ kết quả xác minh, UBND xã Phù Long lập hồ sơ đối với những người vi...
TP.HCM đang có hiện tượng 'chảy máu chất xám' trong khu vực công, một bộ phận công chức, viên chức xin nghỉ việc do thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống.
Anh đã huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ sơ tán các nhân viên ngoại giao Xứ sở sương mù cùng các thành viên gia đình của họ nhanh chóng rời khỏi Sudan.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ, nhân dân Việt Nam vui mừng đón cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet trở lại thăm Việt Nam như đón một người...
Ghi nhận của phóng viên cho thấy đến nay, có bãi rác tự phát chưa được thu dọn, có bãi rác hôi thối nồng nặc đã 'tìm đến' sống chung với khu dân cư hơn ba tháng nay...
Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hải Phòng, sáng 29/11, tại Hội trường UBND xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hải Phòng, Văn phòng Dịch vụ Một điểm đến (OSSO) phối hợp BHXH Thành phố tổ chức “Truyền thông về di cư an toàn - Trao BHYT cho phụ nữ hồi hương”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 được Trung ương...
Nhà Trắng tuyên bố Mỹ không có ý định triển khai quân đội sau các cuộc tấn công vào Israel của phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas.
Nước Pháp đang trong tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, sau khi phe cánh tả đánh bại phe cực hữu trong cuộc bầu cử.