Lo lắng dường như là tâm trạng chung của nhiều người Mỹ trước viễn cảnh Trump - Biden tái đấu, khi họ không thực sự đặt niềm tin vào gương mặt nào.
Với chiến thắng vang dội trong ngày Siêu thứ ba, Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa ra tranh cử vào Nhà Trắng năm nay, lặp lại cuộc đối đầu năm 2020.
Dù vậy, trong nhiều tháng qua, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ không mặn mà với màn tái đấu Trump - Biden.
"Bạn đã bao giờ nghe nói 'bạn đang chọn, nhưng đó không phải lựa chọn bạn muốn' chưa?", Shalonda Horton, 50 tuổi, nói khi bước vào một địa điểm bỏ phiếu ở Austin, Texas, để bầu cho ông Biden hôm 5/3. "Khi tôi vào đó, tôi sẽ nói 'lạy Chúa, xin hãy giúp con'".
Tại Los Angeles, Jason Kohler, người tự nhận mình là đảng viên Dân chủ tiến bộ, cho biết ông chỉ miễn cưỡng bỏ phiếu cho Tổng thống Biden.
"Bỏ phiếu là nghĩa vụ của công dân nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm đi bầu", ông nói.
Người Mỹ thường xuyên phàn nàn về các chính trị gia, nhưng giới quan sát cho hay hiếm khi có nhiều người Mỹ không hài lòng với đường lối của đất nước đến vậy trong cuộc đua tổng thống năm nay. Hiếm khi có nhiều cử tri đến vậy nói rằng họ muốn một lãnh đạo khác. Cử tri không thích cả Tổng thống Biden và cựu tổng thống Trump nhiều đến mức giờ đây họ có biệt danh riêng: "những người ghét cả hai".
Kathleen McClellan, 69 tuổi, cử tri Cộng hòa đến từ Louisiana, từng hy vọng Thống đốc Florida Ron DeSantis sẽ là ứng viên mới của đảng Cộng hòa cho năm 2024, nhưng sẽ miễn cưỡng bỏ phiếu cho ông Trump một lần nữa.
"Tôi đã bầu cho Donald Trump vào năm 2020 vì tôi thực sự hài lòng với những thành tích của ông ấy khi tại chức", bà nói. "Năm 2016, tôi bỏ phiếu cho ông ấy phần lớn vì tôi không thể có thiện cảm với Hillary Clinton. Lúc bấy giờ, tôi không biết nên mong đợi điều gì ở ông Trump".
"Tôi sẽ không bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì nhiều lý do, nhưng ngay cả khi tôi cân nhắc điều đó, ứng viên Dân chủ mà tôi lựa chọn không phải là Joe Biden", McClellan cho biết thêm. "Tôi ước gì các ứng viên trẻ hơn của cả hai đảng có cơ hội lần này, nhưng thực tế là như vậy rồi".
Shloka Anantharayanan, 37 tuổi, cử tri Dân chủ đến từ New York, đã bầu cho ông Biden vào 4 năm trước và dự định lặp lại quyết định này trong cuộc bầu cử năm nay.
"Điều khác biệt lần này là chúng ta đã có vaccine Covid-19 và việc đi bỏ phiếu sẽ không giống như một hành trình sinh tử nữa", cô nói. "Nhưng nói về sự sống và cái chết, giờ đây chúng ta phải đối mặt với các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Mặc dù tôi không tán thành cách Tổng thống Biden xử lý những cuộc xung đột đó, tôi chắc chắn không sẵn sàng đổ thêm dầu vào lửa bằng cách bầu cho ông Trump".
Anantharayanan cho hay cô không muốn quay trở lại thời Trump với chủ nghĩa biệt lập, cũng như không muốn thấy Tòa án Tối cao ngày càng nghiêng về đảng Cộng hòa và quyền của phụ nữ và người thiểu số bị hạn chế.
Trong khi đó, Samian Quazi, 35 tuổi, cử tri độc lập từ California, đã bỏ phiếu trắng vào năm 2020, nhưng lần này dự định bỏ phiếu cho ông Trump, dù đây không phải ứng viên anh thực sự thích.
"Năm 2020, tôi cảm thấy cả hai ứng viên đều không có gì nổi bật và phớt lờ những mối quan tâm của người dân Mỹ", anh cho biết. "Bây giờ, khi đã hiểu đủ về cách mỗi ứng viên điều hành trên cương vị tổng thống, tôi thực sự cảm thấy rằng Trump là người đỡ hơn trong hai người tồi tệ và tôi sẽ bầu cho ông ấy lần này".
Là người cực lực chống lại chính sách can thiệp trong quan hệ đối ngoại, Quazi cho rằng Tổng thống Biden đã phớt lờ mối bận tâm của người Mỹ khi xử lý xung đột ở Ukraine và Gaza. "Tôi không ủng hộ việc phung phí tiền của người nộp thuế Mỹ vào những cuộc chiến đó", anh giải thích.
"Tôi hy vọng ông Trump có thể thúc đẩy khẩu hiệu 'nước Mỹ trên hết' để chúng ta có thể đảo ngược hướng đi khỏi chính sách đối ngoại đáng lo ngại của ông Biden", Quazi nói thêm.
Fred Bright, 60 tuổi, cử tri Cộng hòa ở Nevada, người đã không bầu cho ai năm 2020, giờ cũng đang cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
"Tôi thấy chán nản trước viễn cảnh ông Trump có khả năng trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa. Tôi rất buồn khi đảng Dân chủ đang kiên quyết ủng hộ một người quá lớn tuổi và rõ ràng thiếu minh mẫn", ông nói. "Không ai xứng đáng trở thành tổng thống. Nếu không có những diễn biến bất ngờ mà bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng ra, tôi sẽ không bỏ phiếu cho cả Trump lẫn Biden".
Bright hy vọng sẽ có một ứng viên trung dung ở đảng thứ ba ra tranh cử để ông có thêm lựa chọn. "Tôi không tán thành quan điểm rằng ứng viên từ đảng thứ ba sẽ làm tổn hại ứng viên của đảng này hơn đảng kia", ông nói. "Tôi cũng không chấp nhận quan điểm nực cười rằng 'nếu bạn không bỏ phiếu cho X thì bạn thực sự đang đứng về phía Y'".
Ebun Ekunwe, 75 tuổi, cử tri Dân chủ đến từ Texas, bầu cho ông Trump vào năm 2016, sau đó chuyển sang bỏ phiếu ủng hộ ông Biden năm 2020. Bà dự định bầu cho ứng viên đảng Dân chủ một lần nữa vào tháng 11.
"Không còn đảng Cộng hòa ở đất nước này nữa", bà cho hay. "Giờ đây, nó là đảng của Trump, như Donald Trump Jr. đã tuyên bố với chúng ta vài năm trước. Người có thể buộc đảng của mình tuân theo chương trình nghị sự do ông ta đề ra sẽ dễ dàng đưa quốc gia vào chương trình nghị sự của gia đình Trump. Đó có thể là dấu chấm hết đối với nền dân chủ".
"Biden có thể yếu về vấn đề nhập cư, ông ấy có thể già và chính sách kinh tế có thể không mang lại tác động quá lớn, nhưng ông ấy là một người tốt", Ekunwe nhấn mạnh.
Jim Sullivan, 52 tuổi, cử tri Cộng hòa bang Indiana, nói rằng ông đang phải đối mặt với một "câu hỏi hóc búa" trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Ông sẽ không bầu cho Tổng thống Biden nhưng tin rằng cựu tổng thống Trump là nhân tố gây chia rẽ.
Sullivan từng đặt hy vọng vào Nikki Haley, tin rằng bà sẽ có cơ hội tốt hơn nếu đối đầu với Tổng thống Biden. Theo ông, Trump từng là "nhân tố mới" trong cuộc bầu cử năm 2016 và tình hình quốc tế thời điểm đó cũng ổn định, khiến ông được bầu.
"Nhưng bối cảnh hiện nay không như vậy", ông cho hay. "Trump là một người có tâm lý không ổn định, vì vậy, sau khi ông ấy giành được đề cử, tôi sẽ xem ông ấy tập hợp quanh mình những ai, trong đó có lựa chọn phó tổng thống. Nếu Trump có thể thu hút những người thực sự nghiêm túc, điều đó có thể tạo ra khác biệt. Chúng ta cần một người thực sự trưởng thành xử lý mọi vấn đề".
Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)
IDF tấn công mục tiêu thuộc Hezbollah ở miền đông Lebanon, sau khi nhóm vũ trang phóng rocket vào lãnh thổ Israel để hướng ứng cuộc tập kích của Iran.
Lực lượng Ukraine liên tiếp khai hỏa đạn pháo, tên lửa, drone tập kích đoàn xe tăng, thiết giáp Nga ở mặt trận phía đông, ngăn chặn đợt tiến công quy mô lớn.
Ngày 20/7, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã điện đàm và đưa ra lời chỉ trích với người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal về việc Nga ngừng cung cấp dầu do lệnh trừng phạt của Kiev.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết cuộc đàm phán đang diễn ra có thể là 'cơ hội cuối' để các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ukraine thông báo rút quân khỏi làng Lastochkyne gần thành phố Avdeevka sau khi thành phố này thất thủ, rơi vào tay quân đội Nga.
Dù được cho là thảo luận cả các vấn đề dân sự nhưng cuộc gặp của Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb thực chất nghiêng về lĩnh vực quân sự.
Điện Kremlin tuyên bố hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ không mang lại kết quả nào, khi không có sự tham gia của Nga.
Nhiều nước lên tiếng về tình hình căng thẳng Trung Đông tại Liên Hiệp Quốc; Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui tới Nga... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 29-10.
Nghị sĩ Cộng hòa cho biết nghi phạm ám sát hụt ông Trump đã chuẩn bị kế hoạch kích nổ bom từ xa để đánh lạc hướng mật vụ và tẩu thoát.