Nhiều người Israel hoài nghi động cơ trong loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah, trong khi người Lebanon giận dữ và đòi hỏi phản ứng tương xứng.
Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm đã phát nổ tại Lebanon chiều 17 và 18/9, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương. Chính quyền Lebanon, nhóm vũ trang Hezbollah và Iran đều quy trách nhiệm cho Israel. Giới chuyên gia khu vực cũng dồn mọi chú ý vào Tel Aviv.
Giới chức Israel không lên tiếng về những thông tin này. Các nhà bình luận chính trị và chuyên gia phân tích ở Israel đang trăn trở với những câu hỏi về thời điểm xảy ra sự việc, cũng như hệ lụy tiềm tàng đối với cuộc xung đột ở biên giới Israel - Lebanon.
Loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah xảy ra sau khi Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo cập nhật danh sách mục tiêu trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, bổ sung nhiệm vụ giúp cư dân đã phải sơ tán khỏi khu vực biên giới Lebanon - Israel được trở về nhà an toàn.
Động thái trên có khả năng sẽ trở thành lý do thỏa đáng cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nếu ông quyết định phát động chiến dịch quân sự trên bộ tại Lebanon.
"Mục đích của cuộc chiến chống lại Hezbollah là gì? Những mục tiêu có thể đạt được là gì? Liệu có thể khôi phục hòa bình ở biên giới phía bắc và giữ Hezbollah tránh xa biên giới không?", nhà bình luận chính trị Avi Issacharof đặt hàng loạt câu hỏi trong bài viết trên tờ Ynet của Israel hôm 18/9.
"Hành động của Israel không thể khiến Hezbollah ngừng tấn công vào những khu định cư ở biên giới phía bắc, mà càng khiến căng thẳng leo thang", Issacharoff cảnh báo.
Israel từng nhiều lần tiến hành các chiến dịch tấn công từ xa nhằm vào những quốc gia họ coi là kẻ thù, nhưng hiếm khi bình luận hay nhận trách nhiệm. Dù vậy, loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah vẫn khiến giới quan sát chính trị bất ngờ.
Hezbollah, đồng minh của Hamas ở Gaza, đã giao tranh gần như hàng ngày với quân đội Israel dọc theo biên giới Lebanon - Israel kể từ tháng 10/2023. Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm tay súng Hezbollah, binh sĩ Israel và dân thường thiệt mạng, buộc hàng chục nghìn người ở cả hai bên biên giới phải sơ tán.
Ngày 19/9, Israel thông báo triển khai chiến đấu cơ không kích hàng trăm mục tiêu của Hezbollah, trong cuộc tấn công dữ dội nhất vào miền nam Lebanon suốt gần một năm qua.
Giáo sư Eyal Zisser, phó hiệu trưởng Đại học Tel Aviv, không thể hiểu những vụ nổ có thể giúp gì cho mục tiêu đưa người Israel đã sơ tán trở về nhà của họ. "Kể từ ngày 8/10/2023, hai bên giao tranh nhưng thực chất có kiềm chế để tránh nổ ra xung đột toàn diện, việc leo thang căng thẳng có thể phá vỡ 'quy tắc ngầm' này", Zisser nói.
Tờ Jerusalem Post đăng bài xã luận chúc mừng "bất kỳ lực lượng nào đứng sau loạt vụ nổ thiết bị cầm tay của Hezbollah", nhưng cũng bày tỏ lo ngại về hậu quả với dân thường ở miền bắc Israel. "Dù bước tiến mới này mang lại lợi thế cho Israel, không thể phủ nhận thực tế là Hezbollah sẽ trả đũa và miền bắc Israel sẽ gánh chịu hậu quả", bài viết có đoạn.
Trong bài phân tích trên tờ Haaretz, nhà báo Amos Harel cho biết loạt vụ nổ đã phơi bày điểm yếu và giáng đòn nặng nề vào Hezbollah. Tuy nhiên, ông phân vân liệu đây có phải thời điểm phù hợp để tiến hành chiến dịch như vậy hay không.
"Thủ tướng Netanyahu cách đây không lâu hứa với công chúng rằng Israel chỉ cần một bước nhỏ nữa là chạm tới chiến thắng hoàn toàn trước Hamas, nhưng giờ đây có vẻ chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến xung đột quy mô lớn với Hezbollah. Vẫn chưa thấy chiến thắng trên mọi mặt trận đâu cả", ông cho hay.
Một số chính trị gia đối lập cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đang xao lãng mục tiêu của chiến dịch ở Dải Gaza. Mặc dù Mỹ, đồng minh của Israel, đang nỗ lực thúc đẩy Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc, viễn cảnh này đang ngày càng xa vời.
Bầu không khí hoang mang và bất an đang bao trùm Lebanon, cùng với đó là những tiếng nói giận dữ.
Sarah Farhat đang ở trung tâm chăm sóc sức khỏe tại khu phố Haret Hreik, phía nam thủ đô Beirut, vào thời điểm xảy ra các vụ nổ máy nhắn tin. Ban đầu cô chỉ nghĩ đó là pháo hoa.
"Khi ra phố, tôi thấy máu ở khắp nơi và nhận ra đây là cuộc tấn công ở quy mô hoàn toàn khác. Đây là điều chưa từng xảy ra. Những người bị nhắm đến thậm chí không phải các tay súng triển khai gần biên giới. Họ ở ngay gần dân thường chúng tôi", Farhat nói.
Người phụ nữ 30 tuổi không rõ Hezbollah sẽ trả đũa toàn diện hay kiềm chế để tránh làm tình hình tồi tệ hơn. "Mỗi lần chúng tôi nghĩ rằng mình đã chứng kiến điều tồi tệ nhất, Israel lại có hành động bất ngờ và vượt qua mọi giới hạn. Ở chiều ngược lại, Hezbollah đang tự đặt ra giới hạn cho chính mình trong cuộc chiến này", cô cho hay.
"Tôi chỉ muốn tất cả chấm dứt", Mohammad, cư dân 30 tuổi ở thành phố Bint Jbeil, miền nam Lebanon, cho hay nhưng khẳng định "mọi người sẽ ủng hộ phản ứng của Hezbollah, bất kể là gì".
Iqbal, chủ một siêu thị ở Nabatieh, miền nam Lebanon, nhấn mạnh những gì xảy ra đã để lại vết thương sâu sắc. "Đó là cú sốc, một thảm họa... Chúng tôi chấp nhận mọi thứ ngoại trừ điều này. Chúng tôi vẫn chưa hiểu được những gì đã xảy ra, nhưng phải tự vực mình dậy", bà nói và kêu gọi Hezbollah "phản ứng tương xứng, nếu không muốn nói là lớn hơn".
Foutoun, 65 tuổi, gọi tình hình ở Nabatieh vào ngày 17/9 là "cảnh tượng điên rồ" và yêu cầu Hezbollah "phải hành động thật mạnh mẽ".
Zeinab, cư dân thành phố Sour, cũng đồng tình với quan điểm trên. "Loạt vụ nổ không nhắm vào cá nhân hay đảng phái đơn lẻ nào, mà là cuộc tấn công vào toàn bộ Lebanon", bà nhấn mạnh.
Sour là thành phố lớn, nằm cách biên giới với Israel khoảng 10 km. Sau hai ngày hỗn loạn, cuộc sống đã trở về bình thường, chỉ có trường học đóng cửa theo quyết định của Bộ Giáo dục Lebanon. Tuy nhiên, Zeinab cho biết bà cảm nhận được nỗi tức giận và mong muốn trả thù ở hàng xóm của mình, ngay cả những người không có liên hệ với Hezbollah.
"Những gì Israel làm là không bình thường. Chúng tôi đang chờ đợi phản ứng mang tầm quốc gia", bà cho hay.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)
Tối ngày 18/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cam kết chính phủ liên minh mới của ông sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo và bài trừ tình trạng quan liêu trong dịch vụ công.
Ngày 18/6, Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino tái khẳng định chủ quyền của nước này với quần đảo Malvinas, hiện đang tranh chấp với Anh mà London gọi là Falklands.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, nước này và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế thông qua đầu tư sâu hơn vào cơ sở hạ tầng, hạ nguồn, an ninh lương thực và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phát ngôn viên quân đội Israel nói rằng lực lượng Hamas 'không thể bị loại bỏ', khiến chính phủ lập tức lên tiếng bác bỏ.
Hải quân Pháp đăng video tàu chiến nước này đánh chặn tên lửa đạn đạo diệt hạm của Houthi ở Biển Đỏ, đánh dấu lần đầu hạ vũ khí này.
Chính thức trở thành ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, ông Trump tuyên bố nước Mỹ cần được giải cứu khỏi 'sự lãnh đạo thất bại' của ông Biden.
Hezbollah thể hiện năng lực răn đe khi bắn hạ chiếc Hermes 900, loại UAV mà Israel từng tin rằng nằm ngoài khả năng đánh chặn của lực lượng này.
Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật sự cố tràn dầu ngoài khơi Philippines sáng 25/7, sau khi tàu MT Terra Nova treo cờ Philippines bị lật và chìm ở Vịnh Manila.
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân vào ngày 21-11 được Malaysia tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia thăm chính thức.