Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là một trong số nhiều dự án du lịch ở Quảng Nam đang gặp bế tắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Thời gian qua, dù chính quyền địa phương liên tục chỉ đạo gỡ vướng song mọi thứ giờ đây vẫn chìm trong dang dở, khiến người dân chờ đợi “dài cổ”, sống trong tột cùng nỗi khổ.
Tháng 7, miền Trung nóng như “chảo lửa”. Men theo trục đường biển Đà Nẵng - Quảng Nam trải dài tăm tắp, chúng tôi tìm đến những xóm chài thuộc xã bãi ngang Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xen lẫn giữa hàng nghìn ngôi nhà thấp lè tè, dột nát của người dân là những tòa cao ốc đồ sộ thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Đứng trưa. Lối nhỏ dẫn từ trung tâm xã vào làng Tây Sơn Đông phả hơi nóng hầm hập, bỏng rát mặt người.
Cũng như mọi ngày, bữa cơm trưa của gia đình ông Nguyễn Khuê (60 tuổi, tổ 5, thôn Tây Sơn Đông) được dọn ở khoảnh sân nhỏ trước nhà, dưới tán cây xanh rợp bóng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc “sao trong nhà rộng thênh mà phải soạn mâm cơm ra ngoài”, ông Khuê buông tiếng thở dài, giải thích: “Nhà cửa bao năm thấp tẹt, tối om như cái lò. Nóng nực chịu không thấu, nuốt chi nổi hạt cơm. Cực chẳng đã vợ chồng tôi cùng các con mới bày biện ra đây ăn. Nhờ có bóng cây, gió trời nên cái nóng cũng được xoa dịu đi phần nào”.
Bữa cơm trưa gói gọn trong chưa đầy 15 phút. Phụ vợ dọn dẹp xong xuôi, người đàn ông chạm tuổi lục tuần mới bắt đầu ca thán về cuộc sống, khi cả gia đình ông rơi vào thế dùng dằng giữa đi và ở. Câu chuyện này không chỉ của riêng cá nhân gia đình ông Khuê mà còn là tình cảnh chung kéo dài từ năm này qua năm nọ của hàng trăm hộ dân nằm trong vùng dự án.
Ông Khuê cho hay, năm 2010, hàng nghìn hộ dân vùng Đông của Duy Xuyên tiếp nhận chủ trương nhường đất để phục vụ dự án. 6 năm sau, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với số vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD khởi công những hạng mục đầu tiên.
“Thời điểm đó, nghe quê mình sắp được đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, ai nấy khấp khởi mừng vui. Bà con đồng lòng ủng hộ vì nghĩ rằng một khi du lịch phát triển sẽ giải quyết bài toán công ăn việc làm, lớp trẻ không phải bôn ba tha hương cầu thực.
Ngờ đâu, hơn một thập kỷ trôi qua, phần lớn hộ dân sống trong vùng dự án vẫn chưa được giải tỏa đền bù, hỗ trợ tái định cư”, ông Khuê nói và giãi bày thêm, cũng kể từ thời điểm chính quyền địa phương phê duyệt quy hoạch, người dân bị cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, đặc biệt là xây dựng nhà cửa.
Nhắc đến đây, ông Khuê lại tỏ vẻ ngán ngẩm. Bởi căn nhà cấp 4 được cất công xây dựng từ năm 1990 của gia đình ông đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Bốn bức tường nay đã xuất hiện chi chít những vết nứt, đòn tay đã bị mối mục đục khoét phân nửa, mái ngói bể lỗ chỗ.
Điều khiến ông Khuê đau đáu, “ăn không ngon, ngủ không yên” chính là gian nhà thờ 2 liệt sĩ và 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng của gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ sập lúc nào không hay.
Cách nhà ông Khuê chừng vài bước chân, ngôi nhà được dựng xây từ cách đây gần nửa thế kỷ của hộ ông Nguyễn Tấn Hải cũng đang trong tình trạng báo động.
Ông Hải nhẩm tính, toàn bộ 4.000 m2 đất của gia đình đều đã nằm trong quy hoạch phục vụ dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, trong đó hơn 1.700 m2 là đất ở. Cũng như nhiều hộ dân chưa được giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vợ chồng ông Hải cùng 6 người con hằng ngày phải sống trong tâm thế bất an, thấp thỏm dưới mái nhà chờ…sập.
5 năm trở lại đây, vào mùa mưa bão, ông Hải tạm gác công việc vươn khơi đánh bắt cũng bởi nỗi lo nhà sập. Năm 2019, do ảnh hưởng của bão, nguyên mái ngói của ngôi nhà bị gió cuốn phăng. Lúc ấy, ông Hải đang neo tàu tránh trú ở trong Khánh Hòa. Vợ con gọi điện vào báo tin khiến chân tay ông bủn rủn.
“Từ đó đến nay, cứ những tháng mưa gió là tôi không giong thuyền ra khơi nữa. Nghe đài báo bão là cả nhà sẵn sàng khăn gói sơ tán để đảm bảo an toàn.
Khổ nỗi, nhà cửa hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập mà có tiền cũng không thể sửa sang, xây mới vì vướng dự án. Đơn vị giải phóng mặt bằng đã nhiều lần xuống đo đạc, kiểm kê nhưng tới giờ vẫn chưa bố trí tái định cư cho gia đình tôi. Ngày qua ngày cứ loay hoay, kẹt cứng trong vòng xoay chuyện đi - ở”, ông Hải bộc bạch.
Cách đây 4 năm, vì lo sợ người cha già gần 90 tuổi một mình cư trú trong căn nhà không mấy kiên cố thuộc quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, anh Dương Văn Năm quyết định đón cha vào TP.HCM sống cùng. Khổ nỗi, từ ngày xa quê, cụ Dương Xi (cha anh Năm) vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Anh Năm ngậm ngùi chia sẻ, ngày nào cụ Xi cũng hỏi thăm chuyện giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cha anh vẫn mong mỏi những tháng ngày cuối đời sẽ được tận hưởng cuộc sống nơi quê nhà, quây quần cùng cháu con. Tuy nhiên, việc quy hoạch, giải tỏa kéo dài nhiều năm khiến cả gia đình cứ mòn mỏi đợi chờ. Không ít lần anh Năm thay cha đâm đơn kiến nghị, khẩn thiết mong chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ để thực hiện ước nguyện của cha nhưng bất thành.
Trong khi đó, gần 2 năm sau thảm họa sập nhà, hàng xóm của gia đình anh Năm là bà Nguyễn Thị Thu (67 tuổi, trú tổ 5, thôn Tây Sơn Đông) vẫn chưa dứt nỗi ám ảnh.
Bà Thu nhớ như in, buổi chiều của một ngày đầu tháng 9/2022, trời trút mưa lắc rắc, gió cũng không thổi mạnh. Tầm 15h, bà cùng cậu con trai và 2 đứa cháu nhỏ vừa cất bước lên nhà trên thì giật mình bởi tiếng động lớn.
“Ngoảnh mặt nhìn lại gian nhà dưới thì mọi thứ chỉ còn trong đống đổ nát. May mắn, cả nhà thoát chết trong gang tấc. Ấy nhưng, mái ấm được tậu dựng cách đây 34 năm, sau thời gian dài xuống cấp, đã đổ sập trong nháy mắt. Quá khủng khiếp.
Trước và sau thời điểm nhà sập, tôi đã nhiều lần làm đơn xin sớm bố trí đất tái định cư để cất nhà mới nhưng chờ “dài cổ” vẫn không được giải quyết. Dù ngôi nhà đã được đầu tư gia cố nhưng cứ vào mùa mưa bão, các con tôi nhất quyết thay phiên nhau đón mẹ sang nhà chúng ở để đảm bảo tính mạng” , bà Thu kể.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư, có quy mô gần 900 ha. Trong đó, xã Duy Hải chiếm hơn 560 ha, vì vậy nhu cầu đất để tái định cư cho các hộ dân trong vùng giải tỏa là rất lớn.
Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 481,64 ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74 ha. Diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao: 91,90 ha.
Oái oăm ở chỗ, dù hết thảy người dân chấp hành chủ trương giải tỏa nhưng lại không có đất để bố trí tái định cư.
Chủ tịch UBND xã Duy Hải Trần Văn Siêm bày tỏ sự thấu cảm trước nỗi thống khổ của người dân địa phương khi nhà cửa không được xây dựng, sửa chữa, dẫn đến xuống cấp trầm trọng.
Theo ông Siêm, qua thống kê hồi tháng 4/2024, hơn 185 ngôi nhà thuộc quy hoạch dự án nằm trong diện xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ.
“Thời gian qua, chính quyền xã tiếp nhận không biết bao nhiêu lá đơn đề nghị cho phép xây dựng lại nhà cửa nhưng địa phương cũng đành lực bất tòng tâm vì không đủ thẩm quyền giải quyết, dẫn đến công tác quản lý hiện trạng trong vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hạ tầng của dự án chưa được hoàn thiện khớp nối quy hoạch đã dẫn đến ngập úng cục bộ ở hầu hết các khu dân cư vào mùa mưa. Ngoài ra, đường giao thông ở khu dân cư trong vùng quy hoạch dự án qua nhiều năm sử dụng cũng xuống cấp rất trầm trọng nhưng vẫn không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến việc lưu thông của bà con gặp vô vàn khó khăn”, ông Siêm nói.
Ông cho biết thêm, đa phần các hộ dân ở 2 thôn Tây Sơn Đông, Tây Sơn Tây và một phần của thôn Thuận Trì nằm trong vùng quy hoạch dự án đã được kiểm kê nhiều năm, nhưng đến nay chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ và giải quyết tái định cư để ổn định cuộc sống. Người dân bị đặt trong tình cảnh “đi không được, mà ở cũng không xong”.
Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường giải tỏa và hỗ trợ tái định cư cho người dân nằm trong vùng dự án 4 tỷ USD, trả lời VTC News, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thông tin, trước đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án các khu tái định cư: Sơn Viên, Duy Hải giai đoạn 2 và Duy Hải giai đoạn 3.
Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai dang dở, năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam bàn giao nguyên trạng hiện trường các dự án trên cho UBND huyện Duy Xuyên tiếp nhận để quản lý và tiếp tục đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao hồ sơ các dự án khu tái định cư cho địa phương tiếp nhận, xử lý.
“Sau khi tiếp nhận bàn giao, huyện sẽ lên phương án lập lại tổng mức đầu tư, rồi đi vay tiền hoặc có nguồn vốn từ tỉnh hỗ trợ thì mới triển khai các bước tiếp theo”, ông Đức nói.
Khi PV đặt câu hỏi: Dự kiến đến bao giờ toàn bộ người dân bị ảnh hưởng của dự án khu nghỉ dưỡng sẽ được giải quyết “bài toán” tái định cư, vị lãnh đạo huyện xác nhận chưa thể ấn định chính xác thời gian.
Trong khi chính quyền địa phương vẫn đang “đau đầu” với câu chuyện giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư thì ngày qua ngày, hàng nghìn người dân phải "sống treo” theo dự án 4 tỷ USD. Từ người già tới con trẻ đều mang trong mình nỗi thấp thỏm, âu lo vì từng giây từng phút trôi qua, họ đang “đánh cược” tính mạng với tử thần khi phải sống dưới những mái nhà liêu xiêu, chực chờ đổ sập.
Bà Harris giành ưu thế ở các bang chiến địa, Nga tuyên bố chiếm làng quan trọng, Brazil đề xuất đầu tư 4 tỉ USD vào AI, Israel nói diệt chỉ huy cao nhất của Hezbollah... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 31-7.
Sau khi kính viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã xúc động ghi sổ tang.
Cảnh sát đã chặn đoàn 20 siêu xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây và lập biên bản xử phạt nhiều tài xế chạy quá tốc độ, không có đăng kí, lắp thiếu biển số...
Ngày 5/8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh Bến Tre năm 2024, do bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đến thăm, động viên sinh viên trường Đại học Hoa Sen đang có các hoạt động tình nguyện trên địa bàn huyện Giồng Trôm (Bến Tre).
Chiều 29-1, tại buổi kiểm tra việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã lưu ý nhiều nội dung quan trọng.
33 trường hợp đào đất nông nghiệp làm ao và 7 trường hợp khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười đã bị xử phạt.
Các nhân viên lái tàu ở Anh đã chính thức chấp nhận thỏa thuận về trả lương, chấm dứt tranh chấp kéo dài hai năm với 16 công ty đường sắt. ASLEF, công đoàn đại diện cho các lái tàu đã bỏ phiếu 96% ủng hộ thỏa thuận, trong đó bao gồm mức tăng lương 15% trong ba năm. Chính phủ Đảng Lao động mới đã đưa ra thỏa thuận ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để giải quyết thứ mà nghiệp đoàn ASLEF gọi là 'cuộc đình công của các lái tàu dài nhất' trong lịch sử gần đây.
Đọc bài gốc tại đây.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về vệ sinh an...
Ghi nhận của Lao Động, đến ngày 23.6 đã có 18 tỉnh, thành trên cả nước công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2024- 2025. Điểm chuẩn vào...