Liên quan khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn xã Canh Nậu (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) do Công ty Trường Lộc quản lý, liên tục bị tàn phá (Khoa học Đời sống số 22 ngày 1/6 đã phản ánh), làm việc với phóng viên, đại diện UBND huyện Yên Thế cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Công ty Trường Lộc. Tuy nhiên, công ty này không đồng tình với kết luận nêu trên.
UBND Huyện: Doanh nghiệp buông lỏng quản lý
Làm việc với PV, ông Trần Thế Tùng - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Thế - đã cung cấp 2 văn bản: Số 132/BC-UBND do ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế ký ngày 27/3, gửi UBND tỉnh Bắc Giang, về "Tình hình công tác quản lý bảo vệ, sử dụng diện tích đất rừng được UBND tỉnh giao cho Công ty Trường Lộc thuê trên địa bàn huyện Yên Thế"; số 182/BC-UBND ngày 18/4, về "Kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật của Công ty Trường Lộc trên địa bàn xã Xuân Lương, Canh Nậu".
Theo văn bản số 132/BC-UBND, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế báo cáo việc để xảy ra tình trạng xâm canh, phát rừng, lấn chiếm, tranh chấp dẫn đến mất an ninh trật tự và mất rừng tự nhiên là do sự quản lý của Công ty Trường Lộc còn hạn chế, lỏng lẻo; công ty còn yếu kém về năng lực tài chính, quản lý, sản xuất…; có biểu hiện buông lỏng quản lý đối với diện tích rừng được thuê.
Công ty chưa chủ động phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để bảo vệ rừng và giải quyết tranh chấp, phát phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, cháy rừng... trên diện tích được thuê. Sự phối hợp của Công ty Trường Lộc với các cơ quan, đơn vị của huyện, Hạt Kiểm lâm, UBND xã và thôn, bản trong việc ngăn chặn, phát hiện, xác minh, làm rõ, xử lý đối tượng phát, phá rừng hiệu quả chưa cao.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để rừng tự nhiên ở xã Canh Nậu bị tàn phá, trong văn bản số 182/BC-UBND ngày 18/4, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho rằng: "Trách nhiệm chính và trước tiên thuộc về chủ rừng là Công ty Trường Lộc... Ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Lộc - phải là người chịu trách nhiệm chính".
Đồng thời, UBND huyện Yên Thế yêu cầu Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, UBND xã Canh Nậu và UBND Xuân Lương “rút kinh nghiệm”.
Liên quan sự việc này, ông Trần Thế Tùng - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Thế - cho biết thêm, sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, huyện đã thành lập tổ rà soát, giao Công an huyện lập hồ sơ vụ án.
“Công an huyện đang mời chuyên gia gỗ về giám định. Trong quá trình điều tra, nếu đủ điều kiện, cơ quan công an sẽ xem xét khởi tố vụ án”, ông Tùng thông tin.
Công ty Trường Lộc nói gì?
Làm việc với PV, ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Trường Lộc - thừa nhận, đầu năm 2023, khu vực rừng tự nhiên ở xã Canh Nậu, do công ty quản lý, xảy ra 3 vụ phá rừng. Trong đó, một vụ bị Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Đối với hai vụ còn lại, ông Trường khẳng định, Công ty Trường Lộc không phá rừng, cũng không cắt cây gỗ tự nhiên.
Theo ông Trường, công ty có sai sót trong quá trình quản lý khi để xảy ra việc rừng tự nhiên bị phá và đã nghiêm túc kiểm điểm đội ngũ lãnh đạo, cán bộ. Tuy nhiên, ông không đồng tình với nguyên nhân để xảy ra những vụ phá rừng tự nhiên mà Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nêu trong văn bản số 132, cho rằng: “Công ty Trường Lộc yếu kém về năng lực quản lý, năng lực tài chính, năng lực sản xuất...".
Ông Trường lý giải, khi được UBND tỉnh Bắc Giang giao cho thuê 1.394,9 ha đất trên địa bàn huyện Yên Thế, theo quyết định 254/QĐ-UBND ngày 13/7/2011, Công ty Trường Lộc rất vất vả cùng các cơ quan chức năng vận động, thu hồi đất rừng từ phía người dân, cử lực lượng bảo vệ khu vực được bàn giao.
Giai đoạn đầu năm 2015, công ty mở một con đường để người dân đi lại. Cũng từ thời điểm này, những vụ cháy rừng liên tục xảy ra, vì nhiều người lấy cớ vào rừng bắt ong, hái măng... để phát, phá rừng tự nhiên.
Sau đó, công ty báo cáo chính quyền để xây dựng trạm barie trên đường vào khu Nhoan, cử người trông coi 24/24, với mục đích kiểm soát, hạn chế người vào rừng, đồng thời kiểm soát ô tô, công nông vào rừng chở keo, bạch đàn. Tuy nhiên, đến ngày 2/3, người dân kéo đến phản đối, đòi phá barie để tự do ra, vào rừng.
Ông Ngô Xuân Trường cho rằng, trong công tác bảo vệ rừng tự nhiên, Công ty Trường Lộc có phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, luôn đi cùng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế và có báo cáo tất cả sự việc xảy ra với Hạt Kiểm lâm. Công ty Trường Lộc không buông lỏng quản lý rừng…
Những vi phạm của Công ty Trường Lộc được nêu trong báo cáo của UBND huyện Yên Thế.
Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 18/4 của UBND huyện Yên Thế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn xã Canh Nậu xảy ra 3 vụ phá rừng (ngày 8/2, 6/3, 17/3).
Vụ vi phạm thứ nhất: Công ty Trường Lộc ký hợp đồng khoán cho hộ ông N.V.T. phát dọn để trồng rừng. Tổng diện tích Công ty Trường Lộc tổ chức phát dọn để trồng rừng là 4,69 ha. Diện tích công ty phát vào rừng tự nhiên là 0,89 ha tại các lô 12a, 13a, 16, 16c, 25, 27 khoảnh 1, khu rừng Nhoan, bản Chay (xã Canh Nậu) (hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng, thuộc loại rừng sản xuất).
Hành vi này ngay lập tức được người dân thông báo tới chính quyền địa phương. Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế sau đó lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính số tiền 20 triệu đồng đối với ông T.
Vụ vi phạm thứ hai: Tại lô 14, khoảnh 2, bản Chay (xã Canh Nậu), rừng tự nhiên do Công ty Trường Lộc quản lý bị phát hiện chặt phá với diện tích 1,28 ha (hiện trạng rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh, thuộc loại rừng sản xuất).
Vụ vi phạm thứ 3: Diện tích rừng bị chặt phá 0,58 ha, thuộc lô 15, khoảnh 5, khu rừng Nhoan, bản Chay (xã Canh Nậu), do Công ty Trường Lộc quản lý (hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh, thuộc rừng sản xuất).
Riêng vụ vi phạm thứ 2, 3 đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “hủy hoại rừng”, đã được Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Viện KSND huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường. Công an huyện Yên Thế đang điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chợ Hôm (phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng là khu chợ truyền thống sầm uất giữa lòng Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ế khách,...
Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali nhấn mạnh, Tehran quan tâm đến việc hợp tác với Nga và vận chuyển khí đốt của Moscow qua lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
Quảng Ngãi - Sau nhiều năm lùng nhùng, dở dang và bế tắc, tỉnh Quảng Ngãi quyết định thu hồi khu đất dự án bệnh viện nghìn tỉ đồng xây...
Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước” trong dự thảo Luật Đất...
Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2023, theo phân tích dữ liệu mới nhất từ Liên hợp quốc. Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học và liệu Ấn Độ có tận dụng được lợi thế này để vượt lên Trung Quốc?
Từ ngày 11/5, Đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan làm trưởng đoàn đã bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế và kết nối địa phương.
Lãnh đạo khu công nghiệp cho rằng nước thải chảy ngược vào khu vực bể lắng nước mưa. Trong khi người dân khẳng định ngược lại.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo 'bỏ thầu giá thấp'.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng quyết định thanh lý tài sản tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề 05-06 (cũ), khu đất dành cho...