Sách văn học Việt Nam xuất bản ra nước ngoài còn khiêm tốn
Hội Nhà văn Việt Nam hơn ai hết là tổ chức thấu hiểu rõ mục tiêu và ý nghĩa sâu xa của việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra toàn cầu. Do đó, Hội đã tổ chức thành công các sự kiện Liên hoan thơ quốc tế, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam. Nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả, các nhà xuất bản quốc tế đã tham dự các sự kiện trên, và các tác giả văn thơ Việt Nam cũng đã được trao cơ hội tiếp xúc với các đầu mối dịch và xuất bản tác phẩm của thế giới.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là số lượng đầu sách văn học Việt Nam được xuất bản ra nước ngoài qua các kỳ tổ chức sự kiện quảng bá văn học nói trên vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu nguồn kinh phí công đầu tư cho việc dịch và quảng bá văn học, thiếu một thủ lĩnh đủ tầm, tài, đủ quan hệ quốc tế và trong nước, biết tận dụng các nguồn lực cả trong và ngoài nước để dồn vào một việc duy nhất là dịch, xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam kể từ khóa 9 đến khóa 10 đều đã lập chiến lược, viết dự án dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra toàn cầu. Tuy nhiên, các dự án này còn chưa được Chính phủ duyệt cấp kinh phí, do đó, sự đầu tư để dịch và xuất bản từng tác phẩm có tiếng vang, có giá trị theo thang bậc của Hội vẫn hạn chế, chủ yếu là xin kinh phí lẻ đầu tư cho từng tác phẩm, hoặc chắt chiu tiết kiệm kinh phí Đối ngoại được Nhà nước cấp hàng năm để đầu tư (kinh phí này vốn chỉ được cấp để dành cho các hoạt động tọa đàm, hội thảo có yếu tố nước ngoài, đón các đoàn khách nhà văn quốc tế vào thăm và làm việc với Hội, hoặc đoàn các hội viên của Hội đi công tác nước ngoài...).
Do hạn chế như vậy, nên số đầu sách mà Hội Nhà văn đầu tư để dịch và xuất bản nước ngoài mỗi năm chỉ được từ 2 - 4 cuốn. Còn việc tìm các mạnh thường quân tài trợ in sách ở nước ngoài, theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì “các nhà tài trợ hiện nay không mặn mà với việc chi kinh phí dịch và xuất bản sách Việt Nam ở nước ngoài”.
Các cá nhân tự quảng bá tác phẩm
Trong lúc các tổ chức còn đang lúng túng và cần chờ đợi quy trình xét duyệt cho một đề án lớn về dịch và quảng bá văn học Việt Nam, thì tôi để ý thấy có những cá nhân nổi trội lên trong việc tự thực hiện dịch và quảng bá tác phẩm của chính mình. Đó là hai tác giả Mai Văn Phấn và Nguyễn Phan Quế Mai.
Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai có lợi thế giỏi tiếng Anh và có chồng là người nước ngoài, cô sống và di chuyển nhiều quốc gia khác nhau, có điều kiện mở rộng tầm nhìn và quan hệ với các đại diện văn học, các biên tập viên nhà xuất bản quốc tế. Cô cũng có khả năng sáng tác song ngữ nên càng thuận lợi hơn.
Khi tác phẩm “Núi hát” của cô viết bằng tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ, đã được quảng bá rộng rãi và sau đó còn được dịch thêm ra 5 ngôn ngữ khác. Tiếp tục đà thành công ấy, Nguyễn Phan Quế Mai viết thêm tác phẩm “Bụi đời” bằng tiếng Anh và chỉ việc chạy trên con đường riêng mà cô đã khai phá.
Còn tác giả Mai Văn Phấn cũng biết tiếng Anh, nhưng anh chỉ sáng tác bằng tiếng Việt và thuê các dịch giả chuyển ngữ tác phẩm cho mình. Với lợi thế giao tiếp được bằng tiếng Anh, Mai Văn Phấn kết nối được với nhiều đồng nghiệp quốc tế, và nhờ mối giao lưu thân tình, tác phẩm của anh cũng được bạn đồng nghiệp quốc tế dịch ra tới 40 ngôn ngữ khác nhau.
Từ câu chuyện của hai cá nhân tiêu biểu trong việc tự quảng bá tác phẩm của mình ra thế giới kể trên, tôi nghiệm ra một điều rằng, còn có một con đường đi khác, ngay bây giờ, không cần chờ đợi.
Thời điểm từ 2015 - 2019, tôi có điều kiện sống cùng gia đình ở Châu Âu, nên trong môi trường ấy, tôi dùng ngôn ngữ Anh, tư duy bằng ngôn ngữ này, và đã viết tập thơ “Ẩn số” bằng tiếng Anh. Tập thơ đó được nhà thơ Ý - Laura Garavaglia chuyển ngữ tiếng Ý, viết lời giới thiệu, và được nhà xuất bản Ý - Quaderni del Bardo Edizioni xuất bản năm 2020, phát hành rộng rãi không chỉ ở Ý mà còn trên kênh Amazon, đến với bạn đọc toàn cầu.
Ngay khi tập thơ “Ẩn số” xuất bản, hơn chục đầu báo chí ở Ý đã đưa tin và phỏng vấn tác giả. Xuất phát từ thực nghiệm của chính mình, tôi thấy rằng mình nên giúp các nhà văn, nhà thơ khác, không giỏi ngoại ngữ, có thể đưa tác phẩm của họ đến với bạn đọc toàn thế giới. Tôi coi đó là sứ mệnh thứ hai của mình, sau việc sáng tác văn học. Và kể từ khi đó, tôi dành thời gian quý giá của mình, trau dồi kiến thức và năng lực để làm công việc của một đại diện văn học - một nghề hiếm ai làm tại Việt Nam.
Qua nỗ lực hàng ngày của mình, tôi đã kết nối được với các đầu mối xuất bản ở Châu Âu, Á, Mỹ. Tôi cũng vinh dự được tạp chí NEUMA của Romania, tạp chí Humanity của Nga mời làm Biên tập viên cho họ, được NXB Canada Ukiyoto mời làm Đại sứ cho NXB tại Việt Nam.
Để công việc được rộng mở, tôi thành lập nhóm nữ dịch giả Hà Nội gồm 5 thành viên do tôi làm trưởng nhóm, trong đó kết nạp được các nữ nhà văn, nhà thơ, dịch giả gồm Khánh Phương, Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Phạm Vân Anh. Cùng với nhóm và các cộng tác viên khác, chúng tôi đã tổ chức xuất bản được hơn chục đầu sách văn học Việt Nam tại nước ngoài trong hơn một năm qua, phát hành rộng rãi trên kênh của các nhà xuất bản nước ngoài và kênh Amazon.
Trong số các tác giả có tác phẩm được nhóm nữ dịch giả Hà Nội tổ chức xuất bản ở nước ngoài có tác giả từng đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học, giải thưởng văn học Asean, giải nghệ thuật Danube của Hungary, giải thưởng văn học Nanum của Hàn Quốc, và nhiều giải thưởng văn học trong nước. Tất cả các tác giả đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội văn học nghệ thuật địa phương và đều có nhiều đầu sách đã xuất bản trong nước.
Hãy để Nhà nước và nhân dân cùng làm
Công việc của tôi và nhóm nữ dịch giả Hà Nội làm được trong thời gian qua có nhiều người khen, nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ, cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ và có quy chế cho việc xuất bản ở nước ngoài để không lọt tác phẩm “dở” ra quốc tế. Có ý kiến lo sợ rằng, bạn bè quốc tế sẽ hiểu lệch lạc về chân dung văn học Việt Nam!
Thực ra, tôi từng đi hơn 30 quốc gia trên thế giới, tham dự các diễn đàn của nhà văn quốc tế, tìm hiểu sâu xa việc này, thì thấy rằng, mỗi nhà văn quốc tế, để đến với các diễn đàn văn học thế giới, họ đều có tác phẩm được dịch ít nhất ra 5 ngoại ngữ, có khả năng tự diễn đạt ý mình trước công chúng yêu văn chương hoặc đồng nghiệp bằng ngôn ngữ Anh, hoặc Pháp, Đức...
Họ cũng chẳng chờ đợi được tài trợ bởi Nhà nước hoặc các tổ chức khác để dịch và quảng bá tác phẩm của mình, mà tự thân vận động, tự kết nối, trao đổi để dịch tác phẩm, đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc càng nhiều quốc gia càng tốt.
Tôi cho rằng, trong việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra toàn cầu, hãy để Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hãy để trăm hoa đua nở, để tự nhiên lên tiếng. Đừng dùng thước đo tâm hồn nhà thơ. Đừng dùng việc xét nét hay - dở để chống lại xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn chương, và chớ dẫm đạp lên khao khát tự thân của mỗi nhà thơ, nhà văn muốn tiếng nói của mình được cả thế giới nghe thấy. Chớ dùng việc xét nét đúng - sai để phê phán điều người khác làm.
Hãy tự hỏi mình làm được điều gì để đưa tâm hồn thơ của mình xích lại gần bạn hữu quốc tế, để thế giới này thêm yêu thương, thấu cảm, bớt đi xung đột và gánh nặng khổ đau cho muôn loài?
Bởi điều hôm nay đúng, ngày mai có thể sai, và ngược lại. Làm sao để vượt qua cái tôi nhỏ bé, chung tay hành động, để biết thế giới, để biết chính mình? Vả lại, trào lưu xác định giá trị văn học của thế giới đã đổi chiều: Người cầm cờ là những cá nhân uy tín, sáng tạo, can đảm, chứ không là việc chỉ dành cho Chính phủ hay các tổ chức lớn như trước.
Ví dụ giải Nobel năm 2022 trao cho nhà văn nữ người Pháp - Annie Ernaux với những câu chuyện nhỏ bé mà chân thực của bà. Nhà phê bình Văn Giá của Việt Nam cũng đã nêu ý này vào năm 2018 nhưng có lẽ ít ai để ý, rằng: Những tiếng nói bé nhỏ, chân thực, khuất xa đã được lắng nghe chăm chú...
Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động, NSND Minh Vương nói, sau 12 năm thực hiện ca ghép thận, mỗi tháng ông đều vào bệnh viện thăm khám để...
Từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm thuốc lá, chính phủ New Zealand sắp bãi bỏ điều luật này.
Ngày 23/4, tại Thái Nguyên, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát tổ chức vòng bán kết khu vực Đông Bắc bộ Sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham gia tranh tài của 12 đội.
Chỉ thị của Thủ tướng về phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2023 nhấn mạnh đến giải pháp chống gian lận, hỗ trợ thí sinh.
Giải đua mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ nhất diễn ra trong 2-12 tại địa điểm khu vực đồi chè, đồi dứa thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên.
Bé trai 9 tuổi bị co giật, động kinh kháng thuốc, được bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lần đầu mổ cắt nửa bán cầu não thành công.
Sáng 8/7, Tỉnh Đoàn Bình Định tổ chức Lễ xuất quân các đội thanh niên tình nguyện (TNTN) chuyên ngành cấp tỉnh năm 2024.
Trần Mạnh Hùng, 44 tuổi, bị cáo buộc vi phạm quy định về an toàn lao động trong vụ tai nạn khiến 7 người chết, 3 người bị thương ở Nhà máy xi măng Yên Bái.
Sáng 3/7, Huyện đoàn Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đoàn trường Đại học Ngoại thương tổ chức chương trình ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2023 tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng.