Quán tạp hóa nhỏ bên quốc lộ 27 ở Ninh Thuận vài năm trước được người mẹ dành dụm, vay mượn thêm dựng lên để mấy mẹ con đắp đổi qua ngày.
Mấy hôm nay ngôi nhà được dựng bằng những tấm tôn tạm bợ, nằm trên khoảnh sân chừng 30m2 của nhà ngoại cho ở nhờ ấy vui nhưng cũng lo nhiều lắm. Sắp tới, cô con gái lớn Vũ Thị Thảo Vi sẽ vào Trường ĐH Đà Lạt, ngành ngôn ngữ Anh.
Sau hai lần hôn nhân đổ vỡ, chị Nguyễn Thị Thu Vân sớm hôm một mình tần tảo nuôi con. Không đất đai, không ruộng rẫy, cả chục năm nay người mẹ quần quật kiếm sống cùng hai cô con gái.
Quán tạp hóa cho các con kiếm đồng ra đồng vào mỗi ngày. Còn chị mua ít trái cây, rau củ ra chợ bán. May hôm nào chợ đông, hàng bán hết sớm. Gặp phải hôm ế, chị lại gắng chạy thêm một, hai chợ khác bán cho hết mới về.
Tất bật cả ngày nhưng chị kể ngày lời lắm cũng chừng trăm ngàn chứ bình thường kiếm được vài chục ngàn đã là vui rồi.
Cơ cực thế nhưng người mẹ đơn thân ấy bảo vất vả đời mẹ có là gì! Mỗi ngày thức dậy, chị lại tự nhủ thầm phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa vì tương lai các con.
"Tôi học hành không đến nơi đến chốn nên không thể để các con cũng phải khổ như mình. Hai đứa con như những cánh cò non giữa đời, đã thiệt thòi vì không có cha để nương tựa, tôi dặn mình phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phải ráng để hai con được học", chị Vân tâm sự.
Không phụ lòng, Vũ Thị Thảo Vi cùng em gái luôn ngoan, biết đỡ đần mẹ và chăm học. Suốt những năm học phổ thông, Vi đều là học sinh khá giỏi. Cô em gái năm nay lên lớp 6 cũng tiếp bước gương chị, học hành giỏi giang.
Như bao bạn khác, Vi cũng muốn vào đại học. Nhưng hôm nhận kết quả đậu ngành ngôn ngữ Anh, Thảo Vi rối bời vì biết mẹ khó có khả năng lo cho mình đi học. Vi kể nhận tin đậu đại học mừng chứ nhưng nghĩ đến học phí, rồi chi phí ăn ở khi xa nhà không biết mẹ sẽ xoay xở thế nào.
Hơn tháng nay, Vi xin phụ làm ở quán cơm, cà phê gần nhà. Khi có tiệc, Vi lại chạy xuống TP Phan Rang - Tháp Chàm cách nhà hơn 10 cây số phục vụ tiệc cưới, tiền công 150.000 đồng/buổi với hy vọng dành dụm được chút nào hay chút đó, đỡ gánh nặng cho mẹ khi nhập học.
Cô gái từng tỉ tê với mẹ hay thôi không đi học nữa. Những lúc ấy, mẹ khóc rất nhiều, nói dù có vất vả thế nào mẹ vẫn cố hết sức để lo cho hai chị em tiếp tục học hành. Mẹ đã cố và đặt niềm tin như vậy, Vi càng hạ quyết tâm phải vào đại học.
Học để đổi đời cho mình, cho cả mẹ và em. Bạn tính nhập học ổn sẽ tìm việc làm thêm ở mấy quán ăn gần trường để phụ mẹ tự trang trải.
Mừng vì con gái biết thương mẹ, học tốt. Nhưng lòng mẹ cũng ngổn ngang trăm mối. Chị Vân nhẩm tính: "Con đi học xa chi phí chắc chắn lớn, buôn bán nhỏ lẻ như mình chắt chiu từng đồng, lo lắm mà không dám nói ra. Nhưng khó cỡ nào cũng phải cố, không thể chặt đứt con đường học tập của các con được. Tôi không muốn đời con khổ chồng khổ".
Thầy Lê Văn Tịnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thảo Vi - nói gia đình Vi thuộc diện hộ cận nghèo, một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi hai chị em ăn học. Thấu hiểu khó khăn, Vi nỗ lực và luôn đạt học sinh khá giỏi. Bạn còn là bí thư chi đoàn gương mẫu, tích cực trong các phong trào của nhà trường.
"Vi từng có ý định chỉ thi tốt nghiệp THPT rồi kiếm việc làm phụ mẹ nuôi em. Chúng tôi đã động viên em gắng thêm chút nữa vì sức học của Vi tốt. Chặng đường phía trước hẳn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin em sẽ vượt qua được", thầy Tịnh chia sẻ.
Cuộc hội ngộ đặc biệt một chiều giữa tháng 8 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Dù lịch sinh hoạt nhiều khi phải thay đổi liên tục nhưng khi mời họp Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ai cũng sắp xếp công việc để cùng có mặt.
Họ đến trao cho Tuổi Trẻ 1,5 tỉ đồng, tương đương 100 suất học bổng Tiếp sức đến trường năm nay cho tân sinh viên con em quê hương xứ Quảng. Ông Phạm Phú Tâm - chủ nhiệm câu lạc bộ - nói điều thôi thúc mọi người cùng đến đây không gì khác ngoài trăn trở khi còn đó những tân sinh viên con em quê mình đang vượt khó vào đại học.
Hầu như ai cũng bận, phần vì kinh tế nhiều trở ngại nhưng chỉ cần thông báo họp mặt chuẩn bị trao học bổng cho tân sinh viên nghèo, ai nấy đều chủ động. Năm thứ 20 hoạt động, số thành viên rời đi rất ít, số người kết nạp mới ngày lại tăng.
"Đó phải là tình cảm với quê hương, tình thương với các bạn trẻ vượt khó vươn lên. Chúng tôi muốn truyền đi cảm xúc tích cực, sự động viên kịp thời để các em có thêm nghị lực vào đời, trước hết là mở cánh cổng giảng đường", ông Tâm nói.
Bà Kiều Thị Kim Lan - phó chủ nhiệm câu lạc bộ - nhớ năm trước khi số tân sinh viên đăng ký đổ về vượt quá dự định khiến mọi người khá áp lực. Năm nay cũng không ngoại lệ khi các thành viên gặp khó trong tình hình kinh tế chung. Mà 15 triệu đồng tiền học bổng cũng đã là khó với sinh viên vì mọi chi phí đều tăng hiện nay.
"Có áp lực đó nhưng tôi cứ vận động, gọi hết những ai quen, mình biết có điều kiện, mỗi người một ít cũng được mà", bà Lan cười.
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hoàng Nguyên bày tỏ cùng với những tấm gương nghị lực phi thường của học trò xứ Quảng, động lực, "nguồn sống" của Tiếp sức đến trường chính là tinh thần sẻ chia, nỗ lực của câu lạc bộ.
"Mọi sự chia sẻ đều đáng quý, nhất là với tình hình hiện nay, cái chìa tay san sẻ bớt gian truân cùng các tân sinh viên nghèo lại càng quý", ông Nguyên chia sẻ.
Sáng 1-1, Thành Đoàn TP.HCM tổ chức tuyên dương giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023 với 14 thanh thiếu niên tiêu biểu.
Sáng 27-10, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 5 tỉnh này.
Để đánh giá tổng thể hang Vân Tiên có suối ngầm, đồng thời người dân nói có một số hang động chưa được khám phá, ngành du lịch Quảng Trị đề xuất mời Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát.
Ngày 5-8, 25 đoàn đua thuyền thuộc nhiều tỉnh thành đã cùng nhau tranh tài tại Lễ hội Sông nước TP.HCM.
Trong lúc đang hướng dẫn người bệnh ghi hồ sơ, nam điều dưỡng bất ngờ bị người nhà bệnh nhân này tấn công gây thương tích.
Liên đoàn phi công, tiếp viên trên thế giới đồng loạt kêu gọi hành khách 'thắt dây an toàn' sau khi chuyến bay Singapore Airlines gặp nhiễu động, khiến một người chết.
Ngày 19-6, báo Tuổi Trẻ vinh dự đón tiếp Đoàn Ban Bí thư Trung ương Đoàn cùng nhiều đoàn đại diện các sở ngành, quận huyện, đoàn thể; các bệnh viện, trường đại học, các lực lượng... đến thăm, chúc mừng nhân dịp 21-6.
Đề cương văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn còn nguyên giá trị, nhưng vận dụng phải linh hoạt ở mỗi thời kỳ chứ không đóng khung chết cứng. Đã đến lúc phải đầu tư cho văn hóa một cách tỉnh táo, để văn hóa nở hoa nhưng bớt sâu bọ.
Sáng nay, tại Hà Nội, không ít người tỏ ra ngỡ ngàng, thích thú với khung cảnh Thủ đô chìm trong sương mù dày đặc. Khung cảnh đẹp thơ mộng ngỡ như đang 'săn mây trên đỉnh Tà Xùa' hay ở tận nơi “xứ sở sương mù” được nhiều bạn trẻ ghi lại.