Đang ở giữa một cuộc đòi lương, Thương nhận được tin nhắn từ trường của con gái mời lên nhận tiền hỗ trợ học phí theo chính sách của thành phố.
Thông báo của trường cho biết, theo Nghị quyết của HĐND TP HCM về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn năm học 2022-2023, tiền hỗ trợ đã được chuyển khoản về trường. Nay nhà trường tiến hành quyết toán phần chênh lệch cho học sinh, mời phụ huynh đến nhận.
Con gái Thương đang học mẫu giáo một trường ngoài công lập. Theo chính sách, mỗi tháng thành phố sẽ hỗ trợ 140.000 đồng. Thời gian áp dụng 9 tháng. Số tiền này được trả một lần. Thương nhận được tổng cộng 1.260.000 đồng.
Từ khoảng giữa năm nay, sau khi con gái đến tuổi đi mẫu giáo, Thương xin việc trở lại, vào một công ty bất động sản. Làm được sáu tháng, bị nợ lương bốn tháng, cận Tết, không thể cầm cự được nữa, cô nghỉ việc. Thương cùng những người chung cảnh ngộ kéo đến công ty căng băng-rôn, đề nghị ban giám đốc đối thoại, giải quyết.
"Tin nhắn đến tự nhiên làm mình dịu hẳn lại", Thương nói, giọng như cũng dịu lại.
Năm nay không có thưởng Tết. Lương cũng chưa chắc đã đòi được. Số tiền nho nhỏ bỗng thành to. Một bộ quần áo mới cho con, tấm vé xe khách về quê ăn Tết... giữa lúc khó khăn, một triệu đồng vá víu được nhiều thứ.
Hàng trăm nghìn phụ huynh TP HCM sẽ được nhận lại tiền hỗ trợ học phí, tùy cấp học mà số tiền hàng tháng thành phố chi cho mỗi trường hợp từ 100.000 đến 300.000 đồng. Tổng số tiền thành phố chi ra cho năm học này là 1.847 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 được chính quyền TP HCM trình HĐND thành phố vào kỳ họp thứ 13 diễn ra cuối năm ngoái. Một trong những lý do được lãnh đạo thành phố đưa ra là năm 2023, kinh tế đã từng bước ổn định, phục hồi nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Doanh nghiệp giảm lao động, nhiều người mất việc, không còn thu nhập. Do đó, hỗ trợ học phí là cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng với phụ huynh, học sinh.
Khi tham dự để đưa tin về kỳ họp này, tôi đã rất xúc động khi nghe lãnh đạo thành phố đọc tờ trình, bởi cảm giác được chia sẻ. Trước đó, TP HCM cũng công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. 2023 là một năm khó khăn khi một số chỉ tiêu của thành phố không đạt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của thành phố 5,81%, thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 7,5 đến 8%.
Thu ngân sách của thành phố chỉ bằng 94,69% cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Sở Tài chính.
Nhưng hỗ trợ học phí không phải là gói quà đầu tiên thành phố này dành cho người dân của mình.
Hồi bùng dịch, TP HCM liên tiếp dành ra ba gói hỗ trợ để giúp đỡ người dân, với tổng số tiền lên đến gần 14.000 tỷ đồng. Thành phố cũng cấp 14.000 tấn gạo và hơn hai triệu túi an sinh cho người dân. Năm 2021 là năm GRDP của thành phố lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và của các địa phương khác, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước.
Số người được hỗ trợ lên đến hàng triệu nhưng trong quá trình triển khai chính sách giữa lúc giãn cách, tiền không đến được tay nhiều người. Dân từng căng băng-rôn, kéo nhau đi hàng dài yêu cầu thành phố chi trả.
Tôi, là một người đưa tin, lúc đó, cũng đi bên lề dòng người ấy, để tìm câu trả lời, trong sự bức bối, khó chịu.
Mãi đến tháng 4 năm sau, trong một cuộc họp của mà tôi được dự, Sở Tài chính báo cáo thành phố dự toán cần hơn 32.400 tỷ đồng để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân nhưng chỉ cân đối được khoảng 18.000 tỷ, thiếu hơn 15.000 tỷ đồng. Với số tiền còn thiếu, Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13%. Chuyện trả chậm, trả thiếu, còn có nguyên nhân nọ kia, nhưng chủ yếu do thành phố phải loay hoay lấy chỗ nọ đắp chỗ kia để lấp chỗ hụt còn lại. Sự khó chịu trong tôi được trút bỏ phần nào.
Cuối ngày, tôi gọi điện cho Thương để cập nhật tình hình đòi lương. Thương nói Ban giám đốc chưa hứa hẹn gì cả. Nhưng ngày mai, Thương cứ đến trường để nhận khoản hỗ trợ trước đã.
"Như một món quà Tết", Thương nói với tôi.
Lê Tuyết
Đọc bài gốc tại đây.
Ngư dân Việt Nam cứu được 12 thuyền viên nước ngoài trên tàu hàng bị chìm ở vùng biển Côn Đảo. Hiện còn ba người đang mất tích.
Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ theo hạng, giáo viên hạng cao nhất không cần bằng thạc sĩ là những chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 ở TP.HCM sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa (268 Lý Thường Kiệt, Q.10) vào chủ nhật 3-3.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu quy định cấm nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
TS Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng sẽ Phụ trách Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh từ ngày 1.5.2023.
Vụ điện giật thương tâm xảy ra tại huyện Ia Pa, Gia Lai làm chết ba cha con trong một gia đình.
Nhiều trường đại học đã mời học sinh trung học phổ thông đến tham quan, trải nghiệm 1 ngày làm sinh viên.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời đang làm thủ tục đề xuất chế độ đối với thiếu tá CSGT hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Ngày 19-5, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Dương Đông (TP Phú Quốc).