TP - “Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề lãng phí. Đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc này. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải tìm ra người chịu trách nhiệm, đơn vị, cá nhân nào để xảy ra lãng phí. Lãng phí đó gây ra hậu quả như thế nào, để từ đó phân loại, xử lý nghiêm minh, có như vậy mới đảm bảo sức răn đe”, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trao đổi với Tiền Phong.
TS. Nguyễn Thị Việt Nga nói: Tình trạng lãng phí không phải bây giờ chúng ta mới đề cập tới. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, năm nào cũng đề cập đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với tham nhũng, lãng phí đã được nhắc đến nhiều, và đến bây giờ, chống lãng phí vẫn là cuộc chiến rất cam go. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm đã rất quan tâm, có những chỉ đạo sâu sắc về vấn đề này.
Tiền Phong Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) hơn 5.550 tỷ đồng nằm im suốt 15 năm; ngày 31/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án. Ảnh: TP 1 |
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) hơn 5.550 tỷ đồng nằm im suốt 15 năm; ngày 31/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án. Ảnh: TP |
Lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội
Lãng phí thường xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lĩnh vực nào, điều quan trọng, chúng ta cần phải nhận diện, để từ đó đưa ra thuốc “đặc trị” cho “căn bệnh” lãng phí này, thưa bà?
Đúng là đầu tiên, chúng ta cần phải nhận diện cho được về các loại hình gây lãng phí. Bởi lâu nay, số đông vẫn hiểu đơn giản là lãng phí về vật chất, tiền của Nhà nước và xã hội. Thế nhưng, ngoài vật chất, lãng phí còn được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau, rất khó nhận diện, ví dụ như lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội… Thời gian chính là vàng, và lãng phí thời gian cũng chính là lãng phí cơ hội. Điều này đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua.
Trong nhiều công việc, có thể chúng ta rút ngắn được thời gian, giải quyết chỉ trong một thời gian nhất định, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình giải quyết công việc bị kéo dài. Lãng phí thời gian dẫn đến lãng phí cơ hội, chính là lãng phí tiền bạc, vì có những cơ hội chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định, trong một khoảnh khắc nhất định.
Ngoài ra, có tình trạng lãng phí khác lâu nay ít người nói đến, đó là lãng phí năng lực. Đối với mỗi cá nhân, chúng ta chưa thực sự tận dụng hết khả năng của bản thân trong giải quyết công việc. Báo cáo của Chính phủ những năm gần đây thường nhắc đến tồn tại, hạn chế là, một bộ phận cán bộ, công chức còn chần chừ trong công việc, rồi né tránh, đùn đẩy, e ngại, sợ sai… Đó chính là lãng phí năng lực.
“Trên thực tế thì hậu quả, thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng. Bởi đôi khi, hậu quả của lãng phí không đo đếm ngay được, ví dụ như lãng phí về cơ hội, làm sao mà đo đếm được”.
Tiền Phong 1TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Trong 3 năm liên tiếp, chỉ tiêu tăng năng suất lao động của chúng ta không đạt, nhưng đến năm 2024, đã vượt chỉ tiêu đề ra, vì sao? Chính phủ đã đôn đốc quyết liệt ngay từ đầu năm trong việc thực thi công vụ, đã thành lập rất nhiều tổ công tác, trực tiếp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án. Đối với các dự án lớn, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã trực tiếp đi kiểm tra. Với sự nỗ lực như thế đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, năng suất lao động của chúng ta tăng lên đáng kể.
Kết quả đó cho thấy điều gì? Phải chăng, những năm trước, không phải chúng ta không có năng lực mà do chưa sử dụng hết nó, dẫn đến trong công việc còn chần chừ, thong thả, ỷ lại? Đó là một hình thái rất khó nhận diện và cũng chính là lãng phí. Như vậy, lãng phí chính là chúng ta chưa sử dụng một cách tối ưu nhất những nguồn lực sẵn có.
Hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng
Điều đáng nói là, trong khi các vụ việc liên quan đến tham nhũng đã bị xử lý rất nhiều, thì dường như số vụ việc bị xử lý do để xảy ra lãng phí còn rất hạn chế. Với những trường hợp để xảy ra lãng phí lớn, đặc biệt đối với các dự án có mức đầu tư lớn, đã đến lúc cần phải xử lý nghiêm minh để cảnh tỉnh, răn đe?
Rõ ràng, đối với các dự án, công trình đầu tư công có vốn lớn, nếu để xảy ra chậm tiến độ, sẽ là một sự lãng phí lớn. Thậm chí, công trình đầu tư xong rồi, nhưng hoạt động không hiệu quả, hoặc không đưa vào khai thác, sử dụng được, đó là một hình thức lãng phí rất lớn. Đây là một loại lãng phí vật chất, rất dễ nhận diện và đã được đề cập đến trong nhiều năm nay. Mặt khác, trong lãng phí có cả bóng dáng của tham nhũng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư.
Lãng phí dường như chúng ta vẫn còn nương nhẹ. Không phải vì không chỉ ra được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, mà nó vẫn còn nằm trong quan điểm, cho rằng, điều đó chưa quan trọng bằng việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hậu quả, thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng. Bởi đôi khi, hậu quả của lãng phí không đo đếm ngay được, ví dụ như lãng phí về cơ hội, làm sao mà đo đếm được. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua liên quan đến vấn đề lãng phí. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc này. Muốn vậy, trước tiên, chúng ta phải tìm ra người chịu trách nhiệm, đơn vị, cá nhân nào để xảy ra lãng phí? Lãng phí đó gây ra hậu quả như thế nào?
Từ các vụ việc điển hình gây lãng phí sẽ phân loại ra, xử lý nghiêm trách nhiệm cụ thể, có như vậy mới đảm bảo sức răn đe. Còn nếu không có chế tài cụ thể, không có người chịu trách nhiệm cụ thể, thì những điều chúng ta nói về lãng phí cũng chỉ dừng lại trên lý thuyết. Như vậy, lãng phí vẫn tiếp tục xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào, không có người chịu trách nhiệm. Điều nguy hiểm hơn, người ta thấy để xảy ra lãng phí cũng chẳng làm sao cả, cùng lắm chỉ đối mặt với một số kêu ca, phàn nàn, rồi sau đó lại trôi qua. Nhưng nếu chúng ta có chế tài rõ ràng, xử lý một vài vụ điển hình để răn đe, lãng phí sẽ được hạn chế rất nhiều.
Phân cấp, phân quyền để ngăn chặn lãng phí
Vừa qua, khi trình Quốc hội việc sửa đổi luật, Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm về triệt để phân cấp, phân quyền, Trung ương đóng vai trò kiến tạo, còn địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Theo bà, đây có phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn lãng phí thời gian, cơ hội và nguồn lực?
Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương và quan điểm này. Trên thực tế, có những công việc, thủ tục hành chính của chúng ta mất quá nhiều thời gian, đặc biệt trong đầu tư công. Thống kê cho thấy, có những công trình, dự án triển khai, có khi mất đến hai năm lo các thủ tục hành chính. Đối với một doanh nghiệp, một dự án, hai năm là khoảng thời gian rất dài. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay, hai năm có thể thay đổi cả cục diện thế giới.
Đó chính là lãng phí rất lớn về cơ hội mà không thể cân đong, đo đếm được. Muốn khắc phục điều này, trước tiên phải cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa những thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, còn giải pháp quan trọng khác, đó chính là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Bởi khi đó sẽ tạo ra sự chủ động, linh hoạt hơn, tránh tình trạng cứ phải chạy đi xin ý kiến hết bộ này đến ngành kia. Với những thủ tục hành chính, cần ý kiến 5 - 7 bộ ngành, như vậy đã mất cả năm trời. Chính bởi vậy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là chủ trương vô cùng đúng đắn.
Tôi được biết, nhiều nước trên thế giới, họ phân cấp phân quyền rất triệt để, giao cho địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra, đi kèm với đó phải có lộ trình nhất định, tránh trường hợp phân cấp, phân quyền đột ngột, gây quá tải đối với một số địa phương. Nghĩa là, có những công việc lâu nay Trung ương vẫn giải quyết, giờ để cho địa phương tự quyết, tự làm, có nơi làm tốt, nhưng có nơi sẽ không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Do vậy, việc phân cấp, phân quyền cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Cảm ơn bà!
Những vụ bạo lực học đường, đánh nhau ở lứa tuổi thiếu niên có nguyên nhân bắt nguồn từ việc bênh con của cha mẹ.
Qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất...
Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ bắn nhau làm 1 người chết, 3 người bị thương trước quán karaoke XO.
Thêm một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2024. Một trường nhận hồ sơ xét tuyển năm 2024 từ tháng 12-2023.
Người đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu Long Biên, Hà Nội.
Các hoạt động đo đạc, san lấp mặt bằng để xây dựng khu tái định cư Làng Nủ sẽ được triển khai từ 16/9, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12.
Biệt danh này được nhiều người yêu mến dành cho cô giáo Trần Thị Minh Hiền - hiệu trưởng Trường mầm non xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi.
Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2023 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại thương năm 2023 vào các nhóm ngành cao nhất là 28,5 ở tổ hợp D01 đối với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại. Theo sát là mức điểm 28,3 của tổ hợp A00 đối với ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và chuyên ngành Thương mại quốc tế....
Công chức, viên chức khi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính không được yêu cầu người dân phải cung cấp giấy tờ, xác nhận việc đổi tên khu phố.