Pháp chuyển giao năng lực giúp Việt Nam phát triển bền vững

06:30 08/02/2024

Những ngày cận Tết Giáp Thìn, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet về năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet - Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

"Ngày 12-4-1973, Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là nền tảng để hợp tác song phương ngày càng trở nên phong phú hơn. Nhưng chúng ta biết rằng, lịch sử chung về quan hệ giữa hai nước đã được ghi dấu từ lâu hơn thế, bằng gam màu cả sáng lẫn tối, với cả những bi kịch lẫn những trải nghiệm đặc biệt trong quan hệ nhân sinh. Tôi tin rằng điều này đã giúp xây dựng những nền tảng cho một sự hợp tác đặc biệt mà hai nước chúng ta có thể cùng có lợi" - Đại sứ Pháp Olivier Brochet nói.

*Ông có thể nêu ra một số ví dụ cụ thể về những thành quả trong hợp tác hữu nghị song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực như kinh tế và quốc phòng?

Chúng ta đã có nhiều thành công ở đủ mọi lĩnh vực: văn hóa, quan hệ kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục bậc đại học - sau đại học và nghiên cứu, y tế, quản lý và hành chính, an ninh và quốc phòng.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

Liên quan đến những trao đổi thương mại và đầu tư, các công ty Pháp đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực, như công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và giao thông. Trong số những dự án tiêu biểu, chúng tôi đặc biệt nhắc đến dự án tuyến tàu điện ngầm số 3 của Hà Nội, do Pháp đồng tài trợ, với sự tham gia nhiều công ty của Pháp (Alstom, Thales, Colas Rail, RATP Smart System, Systra); hay dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 do Tập đoàn EDF (Điện lực Pháp) đầu tư, dự kiến có thể đạt công suất hơn 2 GW để hòa vào lưới điện Việt Nam từ năm 2030 nếu báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua trong vài tuần tới.

Đây là một dự án sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Các đầu tư vừa nêu sẽ giúp chuyển giao những năng lực của Pháp và góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Ngoài ra, Pháp và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các chương trình hợp tác giữa những viện và trung tâm nghiên cứu của hai quốc gia đã khích lệ sự sáng tạo và phát triển những dự án chung trong những lãnh vực then chốt.

Tiêu biểu như thỏa thuận về nghiên cứu không gian giữa Trung tâm Nghiên cứu Không gian Quốc gia Pháp (CNES) với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhiều dự án hợp tác giữa các "vườn ươm" của vùng Ile de France và Hà Nội đang được tiến hành, như sự hợp tác giữa Vườn ươm Công nghệ Saclay (IncubAlliance) và Vườn ươm của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Một ví dụ khác, Airbus cung cấp cho nhiều công ty ở Việt Nam các loại máy móc do tập đoàn này sản xuất; và đồng thời, Airbus cũng sử dụng phần mềm Skywise của FPT Software để phân tích tính hiệu quả của các máy bay.

Ở lĩnh vực quốc phòng, với một sĩ quan Pháp phụ trách được điều đến Cục Gìn giữ Hòa bình, chúng ta đang hợp tác về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ một chương trình hợp tác chung của châu Âu. Pháp và Việt Nam cũng hợp tác về hải quân và các tàu của Hải quân Pháp vẫn thường cập bến tại các cảng Việt Nam.

Năm 2023, tàu tuần dương Prairial đã thăm Hải Phòng. Hằng năm, chúng tôi đào tạo nhiều sĩ quan Việt Nam tại các trường sĩ quan của Pháp - Lục quân, Hải quân, Không quân và vũ trụ; tại các trường liên quân chủng; hoặc ở các bệnh viện quân y hay dân sự.

Nhiều tập đoàn quốc phòng của Pháp đã cung cấp các trang thiết bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

*Nghiên cứu và giáo dục cũng là hai lĩnh vực quan trọng trong hợp tác song phương. Pháp làm thế nào để thu hút nhiều hơn các bạn trẻ chọn học tiếng Pháp và du học Pháp, trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của giáo dục bậc đại học và sau đại học của các nước nói tiếng Anh? Sau đại dịch COVID-19, số lượng du học sinh Việt Nam sang Pháp du học đã tăng lên?

Nhân năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vừa qua, chúng tôi muốn cùng với Việt Nam tiến đến kỷ nguyên mới của hợp tác song phương, hướng mạnh mẽ đến đổi mới, sáng tạo, trước những thách thức lớn của toàn cầu như biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng công bằng; và những chương trình đào tạo cần có để giúp các thế hệ tương lai tìm ra giải pháp cho các thách thức này.

Trên tinh thần đó, hợp tác song phương trong các lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục bậc cao (đại học và sau đại học) vốn đã rất năng động, sẽ càng được tăng cường.

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin tại Triển lãm giáo dục ĐH Pháp tại TP.HCM ngày 30-9-2023 - Ảnh: Viện Pháp tại Việt Nam

Về việc học tiếng Pháp, hiện ở Việt Nam có khoảng 45.000 học sinh bậc tiểu học, trung học; và 20.000 sinh viên đại học, sau đại học đang học tiếng Pháp như ngoại ngữ chính. Nhưng tiếng Pháp vẫn có sức "hấp dẫn", nhất là ở bậc đại học khi lựa chọn ngoại ngữ hai để bổ sung cho tiếng Anh.

Trên thực tế, việc thành thạo thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh có thể tạo được sự khác biệt khi bạn đi làm. Việc học tiếng Pháp cũng giúp mở rộng cánh cửa của cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Pháp: đây là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 5 trên thế giới, với 321 triệu người nói tiếng Pháp trên toàn cầu, và 93 triệu học sinh, sinh viên học bằng tiếng Pháp. Đây cũng là ngôn ngữ được dùng nhiều thứ tư trên mạng Internet.

Hợp tác đại học của chúng tôi với Việt Nam rất phong phú, đặc biệt thông qua ba cơ sở đào tạo đại học Pháp - Việt được thành lập đã lâu năm, với sự ủng hộ của hai chính phủ: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Chương trình Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao Việt Nam (PFIEV), và Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG). Có thể kể thêm rất nhiều chương trình hợp tác riêng về đào tạo đại học, sau đại học giữa các trường của Pháp và Việt Nam, cụ thể là hiện ở Việt Nam có khoảng 40 chương trình đào tạo của các đại học Pháp.

Đại sứ Pháp Olivier Brochet thăm và trao đổi về việc giảng dạy tiếng Pháp với ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.HCM - Ảnh: Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Hợp tác về nghiên cứu khoa học giữa hai nước chúng ta cũng rất mạnh. Các trường Pháp - Việt mà tôi vừa kể đều có những cơ sở nghiên cứu riêng, nhưng hợp tác khoa học song phương còn được thực hiện qua các viện nghiên cứu của Pháp hiện diện tại Việt Nam, như Viện Nghiên cứu về Phát triển (IRD), Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD), Viện Pasteur, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), hay Phòng nghiên cứu quốc tế Việt - Pháp về Toán học và các ứng dụng được đồng thành lập bởi Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM).

Những nền tảng vững chắc nói trên làm hơn bao giờ hết, Pháp là một quốc gia hấp dẫn với các sinh viên Việt Nam. Hiện nay, gần 5.500 sinh viên Việt Nam đang theo học bậc đại học và sau đại học ở Pháp.

Lượng du học sinh Việt Nam sang Pháp vẫn tăng đều cho đến hết năm 2019. Sau COVID-19, số lượng này đã dần quay lại như trước đại dịch. Các bạn trẻ Việt Nam chọn sang Pháp học chính là đại diện cho tương lai của mối quan hệ văn hóa, khoa học, kinh tế, ngoại giao của hai nước chúng ta.

* Nhắc đến thể thao, một lĩnh vực cũng rất quan trọng trong đời sống hiện đại, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam có dự định tổ chức sự kiện gì để đánh dấu Thế vận hội Paris 2024?

Paris 2024 diễn ra vào mùa hè năm nay là dịp tốt đẹp cho những chương trình hợp tác Pháp - Việt về thể thao, với những "diện mạo" khác nhau. Giới trẻ sẽ là ưu tiên. Nhiều hoạt động về thể thao học đường sẽ được tổ chức để các bạn trẻ Việt Nam và Pháp có thể cùng nhau tập luyện nhiều môn.

Chúng ta có thể kể ra hai ví dụ, cuộc thi chạy trong khuôn khổ Tháng Pháp ngữ - vào tháng 3 tới; và thi bơi tiếp sức để gây quỹ cho một hiệp hội của Việt Nam chuyên đào tạo các huấn luyện viên bơi lội. Ngoài ra, các cuộc thi và triển lãm sẽ được tổ chức để giúp các em học sinh có thể trình bày về việc tập luyện thể thao của mình, và suy nghĩ về các giá trị mà Thế vận hội mang lại.

Một chương trình do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức cũng sẽ chọn chủ đề về Thế vận hội. Cụ thể, tháng 3-2024, chúng tôi sẽ mời ông Eric Monnin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Olympic tại Pháp - sang Việt Nam và nhân chuyến thăm này sẽ mở tọa đàm về chủ đề chuyên nghiệp hóa trong thể thao, đặc biệt phân tích về thành tích.

Sau đó, chúng tôi dự định tổ chức một sự kiện nhằm vinh danh thành tích của các vận động viên khuyết tật. Có thể kể thêm, một chương trình điện ảnh đặc biệt sẽ diễn ra trong suốt năm 2024.

Sau cùng, tất cả những sự kiện này là nguyên liệu cho một "sản phẩm" độc đáo: sách điện tử giới thiệu phần lớn những chương trình sẽ được tổ chức tại Việt Nam nhân Thế vận hội. Chúng tôi mời các bạn thường xuyên tra cứu sách này để luôn được thông báo về các sự kiện sắp diễn ra, và cùng chúng tôi trải nghiệm Olympic 2024!

3 trụ cột hợp tác

Theo Đại sứ Olivier Brochet, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm vào ngày 20-10-2023 rằng Pháp và Việt Nam sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong 20 năm tới xung quanh ba cột trụ: chủ quyền, phát triển bền vững và những trao đổi giữa nhân dân hai nước.

"Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục tăng cường mối quan hệ song phương theo hướng đó. Những trao đổi giữa hai bên về các chủ đề khu vực, quốc tế và quan hệ đa phương đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt" - ông Brochet nêu.

Có thể bạn quan tâm
Tin tức thế giới 21-6: Ông Putin nói có thể gửi vũ khí cho Triều Tiên; Hezbollah bắn vào Israel

Tin tức thế giới 21-6: Ông Putin nói có thể gửi vũ khí cho Triều Tiên; Hezbollah bắn vào Israel

07:20 21/06/2024

Ông Putin 'không loại trừ' khả năng gửi vũ khí tới Triều Tiên; Ông Biden tuyên bố tình trạng thảm họa tại bang New Mexico... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-6.

Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ dữ dội vụ khinh khí cầu

Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ dữ dội vụ khinh khí cầu

05:30 19/02/2023

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị nói cách Mỹ xử lý vụ khinh khí cầu là 'không thể tưởng tượng được', 'quá kích động' và là hành động 'vô lý' đã vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Nga lên tiếng về tin đồn tướng Surovikin biết trước vụ trùm Wagner nổi loạn

Nga lên tiếng về tin đồn tướng Surovikin biết trước vụ trùm Wagner nổi loạn

20:30 28/06/2023

Điện Kremlin khẳng định có rất nhiều “suy đoán và chuyện tầm phào” về Nga, và tin đồn nhạy cảm về mối liên hệ giữa ông Surovikin với công ty lính đánh thuê Wagner là ví dụ.

Tuyên dương 10 gương mặt trẻ, 92 cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu

Tuyên dương 10 gương mặt trẻ, 92 cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu

20:00 24/03/2023

Ban Tổ chức tuyên dương 92 cán bộ Đoàn tiêu biểu năm 2022; trong đó, có 49 cán bộ Đoàn khối trường học, 33 cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư, 4 cán bộ Đoàn khối lực lượng Vũ trang...

Quốc lộ 1 qua Thủ Đức: Rà nam châm một giờ hút được 2kg đinh

Quốc lộ 1 qua Thủ Đức: Rà nam châm một giờ hút được 2kg đinh

01:10 21/11/2023

Trưa 20-11, nhiều người cầm nam châm hút đinh do “đinh tặc” rải xuống trên quốc lộ 1, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM.

“Nhất quyết không để các em chui rào kẽm gai đến trường”

“Nhất quyết không để các em chui rào kẽm gai đến trường”

20:30 08/04/2024

Liên quan đến vụ học sinh phải chui rào kẽm gai đến trường, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) khẳng định sẽ nhất quyết không để tái diễn tình cảnh này.

Nữ sinh lớp 9 tử vong sau va chạm với ô tô tải

Nữ sinh lớp 9 tử vong sau va chạm với ô tô tải

14:30 16/04/2024

Xe đạp điện do nữ sinh lớp 9 điều khiển khi đến khu vực cổng trường đã va chạm với xe tải khiến nữ sinh tử vong tại chỗ

Nữ bác sĩ gần 30 năm sống trong 'thế giới người điên'

Nữ bác sĩ gần 30 năm sống trong 'thế giới người điên'

12:00 08/03/2024

30 năm nặng lòng với bệnh nhân tâm thần 9h sáng thứ 5, người ra vào thăm khám tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đông đúc hơn mọi ngày. Hàng dài người bệnh xếp hàng trước cửa phòng khám, khuôn mặt ai nấy ủ dột, quầng mắt thâm đen hiện rõ sự mệt mỏi. Trong phòng khám, BS.CKII Phạm Phương Mai, Trưởng khoa Khám bệnh thăm khám cho nam thanh niên 19 tuổi. Trái ngược với dáng người to cao, bề ngoài điển trai, thanh niên này mang tâm...

Gỡ thẻ vàng IUU: Không thể để con sâu làm rầu nồi canh mãi được

Gỡ thẻ vàng IUU: Không thể để con sâu làm rầu nồi canh mãi được

06:30 10/04/2024

Khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại buổi nói chuyện với ngư dân và làm việc với tỉnh Bình Định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 9-4.

Co loi xay ra
Co loi xay ra