Nước Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0: ‘Cuộc cách mạng’ toàn diện và công cuộc tái cấu trúc quyền lực toàn cầu

10:45 16/02/2025

Đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ mới đây của Mỹ ở chính trường châu Âu gây bất an không chỉ ở châu lục mà còn chỉ dấu cho những thay đổi mang tính bước ngoặt trên phạm vi toàn cầu.

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0: ‘Cuộc cách mạng’ toàn diện và công cuộc tái cấu trúc quyền lực toàn cầu
Nước Mỹ đang trải qua một "cuộc cách mạng" toàn diện dưới thời ông Donald Trump 2.0. (Nguồn: Getty)

Trong ba ngày qua, châu Âu trải qua các cú sốc chính trị liên tiếp khi Mỹ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ: Chính quyền Trump thông báo đàm phán trực tiếp với Nga về Ukraine, Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích cách châu Âu đối xử với công dân mình ngay tại Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hegseth khẳng định châu Âu phải tự lo an ninh... Những diễn biến này mới chỉ là bước "dạo đầu", báo hiệu sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, định hình lại quan hệ đồng minh và thiết lập một trật tự thế giới mới.

Nước Mỹ đang trải qua một "cuộc cách mạng" toàn diện dưới thời Tổng thống Donald Trump - một sự chuyển mình mạnh mẽ không chỉ về chính sách đối nội mà còn về chiến lược toàn cầu. Đây không phải là sự điều chỉnh đơn thuần trong chính sách, mà là một sự tái cấu trúc có hệ thống, có chủ đích của chính quyền Trump, nhằm loại bỏ những yếu tố - theo tư duy mới của họ - khiến Mỹ bị kìm hãm suốt nhiều thập kỷ qua: Nợ công chồng chất, bộ máy quan liêu trì trệ, những quy định cứng nhắc bóp nghẹt sáng tạo, và hệ thống đối ngoại không còn phục vụ lợi ích cốt lõi của quốc gia.

Trong khi đó, thế giới đã thay đổi. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trên mọi mặt trận, từ kinh tế, công nghệ, quân sự đến ảnh hưởng chính trị. Còn châu Âu? Lục địa già vẫn đang bị mắc kẹt trong tư duy cũ, không thể thích ứng với một thực tế mới rằng trật tự thế giới mà họ từng biết đã không còn tồn tại. Bài viết này không bàn đến chuyện đúng, sai hoặc hay, dở của chính sách này mà cố gắng phác họa bức tranh chân thực những gì đang diễn ra trên thực tế để có cái nhìn khách quan, toàn diện nhất có thể.

Nước Mỹ của Trump không đơn thuần muốn duy trì vị thế siêu cường, mà còn định hình, "làm mới" lại chính mình để đối mặt với thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI. Washington hiểu rõ: Muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược này, Mỹ cần phải mạnh hơn, chủ động hơn, và linh hoạt hơn.

Nhưng quan trọng hơn cả, Mỹ dưới thời ông Trump 2.0 không chỉ tái cấu trúc dựa trên lợi ích kinh tế và an ninh, mà còn trên nền tảng ý thức hệ bảo thủ. Điều này khiến Mỹ xác định lại bạn và thù theo tiêu chí mới. Nếu như trong quá khứ, Mỹ ưu tiên hợp tác với các đồng minh phương Tây trên cơ sở lịch sử và thể chế chung, thì nay, yếu tố ý thức hệ bảo thủ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Washington.

Thay đổi tư duy về bạn, thù và chủ nghĩa toàn cầu mới

Suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đóng vai trò là người bảo vệ các thể chế toàn cầu, một hệ thống mà Mỹ và các nước phương Tây chi phối và do đó, họ "sẵn sàng" đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Nhưng nước Mỹ dưới thời ông chủ Nhà Trắng thứ 47 đã đặt lại câu hỏi: Liệu mô hình này có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, hay đang làm suy yếu chính nước Mỹ?

Câu trả lời rõ ràng là Mỹ cần một mô hình mới, không từ bỏ vị thế siêu cường nhưng cũng không chấp nhận gánh vác những trách nhiệm vô ích.

Quan hệ đồng minh không còn là mặc định. Mỹ không còn tập hợp đồng minh dựa trên lịch sử, mà dựa trên tiêu chí ai có thể đóng góp thực sự vào lợi ích chung, cả về kinh tế, quân sự lẫn ý thức hệ.

Về tái cấu trúc NATO và các quan hệ an ninh, các đồng minh, đặc biệt là châu Âu, không còn được hưởng sự bảo trợ vô điều kiện. Họ buộc phải chứng minh vai trò của mình trong hệ thống mới, nếu không, Mỹ sẽ tìm kiếm những đối tác khác phù hợp hơn.

Việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ theo hướng linh hoạt hơn. Nếu trước đây Mỹ tập trung vào các thể chế đa phương như EU hay WTO, thì nay Washington ưu tiên hợp tác song phương, nơi có thể đảm bảo tính hiệu quả cao hơn và tránh những ràng buộc chính trị không cần thiết.

Sự thay đổi này đặt châu Âu vào thế bị động. Mỹ giờ đây không còn coi châu Âu là "người anh em" tư tưởng như trước, mà xem họ như một thực thể rời rạc bị chi phối bởi chủ nghĩa cấp tiến, khó có thể đóng góp thực chất vào chiến lược mới của Mỹ. Đức, Anh, và Pháp – ba đồng minh chủ chốt của Mỹ – hiện đều nằm dưới sự lãnh đạo của các đảng cánh tả hoặc bị ảnh hưởng mạnh bởi chủ nghĩa cấp tiến. Trong khi đó, ông Trump và phe bảo thủ Mỹ nhìn nhận thế giới qua một lăng kính khác: Ý thức hệ bảo thủ là trụ cột để xác định đối tác chiến lược.

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0: ‘Cuộc cách mạng’ toàn diện và công cuộc tái cấu trúc quyền lực toàn cầu

Cách tiếp cận "mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh" đang phủ sóng mọi sách lược, chiến lược từ đối nội đến đối ngoại của Washington. (Nguồn: CNN)

Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng mạnh hơn, chủ động hơn và ít phụ thuộc hơn

Dưới thời ông Trump 2.0, kinh tế Mỹ đang trải qua một cuộc tái cấu trúc toàn diện nhằm gia tăng sức mạnh nội tại và giảm thiểu sự lệ thuộc vào các nền kinh tế khác. Chính quyền mới xác định rằng một siêu cường thực sự không thể dựa dẫm vào nguồn lực từ bên ngoài, mà phải tự chủ và chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nổi bật là chính sách thương mại không khoan nhượng. Tất cả các hiệp định thương mại, dù là với đồng minh hay đối thủ, đều được đặt lên bàn để đánh giá lại. Nếu các hiệp định này không mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ, chúng sẽ được điều chỉnh, đàm phán lại hoặc bị hủy bỏ bỏ. Mỹ cũng áp dụng các biện pháp thuế quan mạnh mẽ đối với những quốc gia mà Washington cho rằng đang "lợi dụng" hệ thống thương mại quốc tế.

Nhằm bảo vệ ngành công nghiệp chiến lược, Washington chủ trương ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận những lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp quân sự của Mỹ. Các chính sách bảo hộ này nhằm đảm bảo rằng những ngành then chốt của nền kinh tế Mỹ không bị kiểm soát bởi các quốc gia bên ngoài.

Xứ cờ hoa từng bước giảm phụ thuộc vào các đồng minh truyền thống. Châu Âu không còn là đối tác không thể thay thế trong chiến lược kinh tế của Mỹ. Washington đã mở rộng quan hệ với các thị trường mới tại châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, tạo ra một mạng lưới kinh tế linh hoạt hơn, ít rủi ro hơn.

Tất cả những điều này phản ánh một tư duy kinh tế bảo thủ, đó là tự chủ, ít phụ thuộc và đặt lợi ích dân tộc lên trên tất cả. Mỹ đang cố gắng xây dựng một nền kinh tế không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn chủ động hơn trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu.

Chuẩn bị cho cuộc đối đầu quyết định - Định hình lại các trung tâm quyền lực

Thế kỷ XXI không còn là cuộc đối đầu Đông - Tây truyền thống, mà là một cuộc cạnh tranh khốc liệt để xác định ai sẽ dẫn dắt trật tự thế giới mới.

Trong bối cảnh đó, Mỹ không chỉ là một cường quốc phòng thủ mà còn chủ động định hình luật chơi. Mỹ tái định nghĩa quan hệ với Nga, thay vì coi Moscow là đối thủ truyền thống, Washington nay đang xem xét Nga như một đối tác chiến lược nhằm cân bằng quyền lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với chủ trương mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực trọng yếu, Mỹ đang củng cố các vị trí chiến lược, từ việc gia tăng kiểm soát kênh đào Panama cho đến ý định mua Greenland, nhằm kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump 2.0 tái định nghĩa quan hệ với Nga. (Nguồn: Getty)
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump 2.0 tái định nghĩa quan hệ với Nga. (Nguồn: Getty)

Washington giải quyết các cuộc xung đột khu vực để tập trung vào mục tiêu chính, do không muốn bị phân tán bởi những xung đột thứ yếu. Vì vậy, Mỹ tìm cách giảm bớt cam kết ở Ukraine, Iran và Trung Đông, để tập trung toàn lực vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Dù không tuyên bố công khai, nhưng chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump 2.0 đều hướng tới một mục tiêu duy nhất: Tạo ra một hệ thống liên minh mới, một vị thế chiến lược tối ưu giúp Washington đối phó hiệu quả nhất với cái họ gọi là "mối đe doạ" hay "nguy cơ" lớn và nguy hiểm nhất, đó là Trung Quốc. Nói một cách khác, Trung Quốc là mục tiêu bao trùm mọi sách lược, chiến lược từ đối nội đến đối ngoại của chính quyền Trump 2.0, cũng như cách tiếp cận "mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh".

***

Dưới chính quyền ông Donald Trump 2.0, Mỹ không chỉ tìm cách duy trì vị thế siêu cường mà còn quyết liệt tái cấu trúc để gia tăng sức mạnh nội tại và kiểm soát trật tự toàn cầu. Từ điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại đến chiến lược đối ngoại, Washington đặt mục tiêu giảm phụ thuộc, củng cố vị thế độc lập và thiết lập một hệ thống đồng minh mới dựa trên lợi ích thực tế hơn là ràng buộc lịch sử và gánh nặng của quá khứ.

Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. Trong nước, chính quyền Trump đang đối mặt với không ít sự phản kháng từ giới chính trị, doanh nghiệp và cả những nhóm lợi ích đã hưởng lợi từ trật tự cũ. Trên trường quốc tế, các đồng minh truyền thống như EU, Canada, Nhật Bản không che giấu sự hoài nghi về hướng đi mới của Mỹ, trong khi các đối thủ như Trung Quốc, Nga đang tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng.

Để hiện thực hóa các tham vọng này, Washington không chỉ cần quyết tâm, sức mạnh, tầm nhìn mà còn phải có sự linh hoạt cũng như chiến lược dài hạn để đảm bảo không đi chệch mục tiêu trong một thế giới đầy biến động. Washington không chờ đợi ai, nhưng sự chậm trễ trong việc ra quyết sách hoặc bỏ lỡ cơ hội sẽ khiến cả đồng minh lẫn kẻ thù phải trả giá rất đắt.

Có thể bạn quan tâm
Cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bị tước bằng thạc sĩ

Cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bị tước bằng thạc sĩ

09:45 01/07/2025

Trường Đại học Nữ sinh Sookmyung hủy bằng thạc sĩ của cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee với lý do gian lận trong luận văn tốt nghiệp.

Điểm tin thế giới sáng 27/6: Ấn Độ nói 'không' tại hội nghị SCO, Mỹ ký thỏa thuận với Trung Quốc, họp thượng đỉnh EAEU tại Belarus

Điểm tin thế giới sáng 27/6: Ấn Độ nói 'không' tại hội nghị SCO, Mỹ ký thỏa thuận với Trung Quốc, họp thượng đỉnh EAEU tại Belarus

13:00 28/06/2025

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 27/6.

Cách Mỹ áp dụng chiến thuật 'giương đông, kích tây' để ném bom Iran

Cách Mỹ áp dụng chiến thuật 'giương đông, kích tây' để ném bom Iran

09:45 26/06/2025

Mỹ triển khai một số oanh tạc cơ B-2 'trống giong cờ mở' bay về hướng tây để đánh lạc hướng, trong lúc phi đội chính lặng lẽ hướng về phía đông để tập kích Iran.

Thượng đỉnh G7 bế mạc: Phá vỡ thông lệ khi không thể ra tuyên bố chung, cũng chẳng có quan điểm thống nhất về Ukraine

Thượng đỉnh G7 bế mạc: Phá vỡ thông lệ khi không thể ra tuyên bố chung, cũng chẳng có quan điểm thống nhất về Ukraine

14:45 25/06/2025

Tối 17/6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Alberta (Canada) đã bế mạc.

Ông Trump đăng tin nhắn của Tổng thư ký NATO lên mạng xã hội

Ông Trump đăng tin nhắn của Tổng thư ký NATO lên mạng xã hội

12:45 25/06/2025

Ông Trump đăng tin nhắn của Tổng thư ký NATO lên mạng xã hội Truth Social, trong đó ông Rutte ca ngợi 'hành động quyết đoán' của Tổng thống Mỹ tại Iran.

Xung đột Israel-Iran: Lệnh ngừng bắn còn chưa kịp 'nóng', tên lửa đạn đạo đã trút xuống Israel, IDF quyết đáp trả dữ dội

Xung đột Israel-Iran: Lệnh ngừng bắn còn chưa kịp 'nóng', tên lửa đạn đạo đã trút xuống Israel, IDF quyết đáp trả dữ dội

21:00 24/06/2025

Ngày 24/6, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã phát hiện các quả tên lửa được phóng từ Iran về phía nước này chỉ vài giờ sau khi hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Hun Sen nêu lý do cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan bị rò rỉ

Ông Hun Sen nêu lý do cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan bị rò rỉ

01:00 23/06/2025

Ông Hun Sen cho biết một quan chức Campuchia 'trong lúc tức giận' đã rò rỉ cuộc điện đàm của ông với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn, khiến tình bạn với gia tộc Shinawatra đổ vỡ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác ASEAN với nước sở tại

Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác ASEAN với nước sở tại

16:45 22/06/2025

Ngày 17/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ASEAN tại Kuwait (ACK) trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.

Lính Nga 'ngồi ở Moskva, lái drone cáp quang tại Ukraine'

Lính Nga 'ngồi ở Moskva, lái drone cáp quang tại Ukraine'

00:00 20/06/2025

Nga thử nghiệm hệ thống điều khiển từ xa, cho phép binh sĩ ở Moskva trực tiếp lái drone cáp quang tại mặt trận Ukraine, cách họ gần 800 km.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Du học Nhật Bản, Học bổng Nhật Bản, Việc làm tại Nhật Bản, Dịch vụ ở Nhật Bản, Aishin Hà Nội
Du học Nhật Bản
Thông tin du học
Toyota hiace van, commercial van, campervan, toyota hiace van for sale
Toyota hiace van, commercial van, campervan, toyota hiace van for sale
Toyota hiace van for sale
Commercial van for sale
Campervan for sale