Dù được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhiều người Bhutan cảm nhận được nhu cầu cấp thiết phải chuyển mình trước biến chuyển của thời đại.
Nằm trên dãy Himalaya, kẹp giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan từ lâu được thế giới biết đến là nơi khai sinh và áp dụng Chỉ số Hạnh phúc (GNH) làm thước đo tiến bộ quốc gia thay vì các chỉ số kinh tế như GDP.
Quốc gia 700.000 dân là nước cuối cùng trên thế giới phổ cập truyền hình, khi các chương trình chỉ được phát sóng thường xuyên từ năm 1999, thời điểm chính phủ dỡ lệnh cấm với truyền hình và Internet.
Khi dần mở cửa, Bhutan trở thành điểm du lịch tôn giáo, thiên nhiên hấp dẫn, được biết đến với chính sách tính phí phát triển bền vững (thuế du lịch) 100 USD mỗi ngày đối với du khách.
Văn hóa Phật giáo truyền thống trên dãy Himalaya đã tách biệt Bhutan khỏi xu hướng phát triển toàn cầu. Bhutan cũng được nhiều người coi là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới". Chỉ số GNH năm 2023 cho thấy 93,6% dân số Bhutan coi mình là người hạnh phúc.
Nhưng trong bảng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (WHR) năm 2024 của Liên Hợp Quốc và Đại học Oxford, Bhutan chỉ xếp hạng 95 trên 143 quốc gia, phần lớn là do Bhutan không giàu mạnh. Ngày nay, nhiều người Bhutan cũng có quan điểm trái ngược về cuộc sống hạnh phúc.
"Cuộc sống ở Bhutan với tôi rất yên bình, rõ ràng là vậy. Tôi rất hạnh phúc khi được ở đây. Điều đầu tiên người ngoại quốc nói đến Bhutan là chỉ số GNH", KJ Temphel, nhà sáng lập nhóm bảo tồn Green Bhutan, nói.
Trong khi đó, Tandin Phubz, quản trị viên trang Facebook Humans of Thimpu (Con người Thimpu), khẳng định người dân Bhutan từng "thực sự hạnh phúc", nhưng khi công nghệ hiện đại xuất hiện, người Bhutan đang dần mất kết nối với nhau và có xu hướng chán chường.
"Bhutan là quốc gia Phật giáo, nơi tâm linh có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Nhưng bằng cách nào đó, smartphone, TV đang khiến mọi người quên cầu nguyện mỗi sáng và tối. Thay vào đó, họ lướt TikTok, vuốt lên vuốt xuống tối ngày", Phubz cho biết.
Người Bhutan tự hào rằng Thimpu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông và các hàng quán đều do người Bhutan sở hữu và điều hành. Đây cũng là quốc gia hiếm hoi không có nhiều thương hiệu quốc tế.
Doanh nhân Chokey Wangmo cho rằng khó có khả năng các tập đoàn như McDonald's và Starbucks tìm đến Bhutan, không phải do chính sách hay phong tục địa phương, mà bởi họ đánh giá Bhutan không phải thị trường sinh lời.
"Dân số của chúng tôi quá nhỏ, hồi vốn trong mô hình nhượng quyền 10 năm tới là bất khả thi. Kể cả khi toàn dân đến uống một ly cà phê mỗi ngày, doanh nghiệp chưa chắc đã trả được phí nhượng quyền", nữ doanh nhân Wangmo, sở hữu một quán cà phê ở thị trấn Gelephu phía nam, cho biết.
Rời Himalaya để khám phá thế giới không phải nhiệm vụ dễ dàng ở Bhutan. Nước này chỉ có ba đại sứ quán ở thủ đô Thimpu, đồng nghĩa hầu hết quan hệ quốc tế đều cần Ấn Độ làm trung gian. Đồng tiền của Bhutan, ngultrum, được neo giá bằng đồng rupee của Ấn Độ. Hầu hết hàng quán, doanh nghiệp chấp nhận cả hai đồng tiền.
Sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan, Paro International (PBH), được xem là một trong những sân bay có đường băng đẹp nhất thế giới, nhưng lại nằm ở thung lũng giữa hai ngọn núi, chỉ những chiếc máy bay cỡ nhỏ mới có thể ra vào an toàn. Vì lý do này, PBH chỉ cung cấp các chuyến bay ngắn đến Bangkok, Dhaka, Kathmandu và New Delhi gần đó.
Thu nhập bình quân đầu người ở Bhutan là 1.400 USD mỗi năm. Với giá vé khoảng 350 USD cho một chuyến bay từ PBH đến Bangkok, du lịch quốc tế vẫn nằm ngoài tầm với của đa số dân bản địa.
Bất chấp điều kiện này, số lượng thanh niên rời Bhutan để học tập và làm việc ở nước ngoài đang gia tăng, trong đó có Phubz đang học thạc sĩ truyền thông ở Australia. Anh là một phần của thế hệ trẻ Bhutan, những người nỗ lực cân bằng tình yêu cho gia đình, di sản quốc gia với mong muốn khám phá thế giới.
"Người Bhutan thường làm giống như những gì láng giềng làm. Nếu hàng xóm nuôi bò sữa, họ sẽ nuôi bò. Nếu hàng xóm làm đồng, họ cũng sẽ làm đồng. Chuyện gửi con cái đi du học cũng vậy", Phubz nói.
Nhà sáng lập Green Bhutan KJ Temphel cũng lo ngại xu hướng này có thể khiến quốc gia mất cân bằng tuổi tác dân số, tương tự các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, người nước ngoài muốn định cư ở Bhutan cũng không dễ dàng. Chỉ công dân Bhutan mới có thể mua đất và cách duy nhất để có được quốc tịch Bhutan là được nhà vua chấp thuận, ngay cả khi đã kết hôn với người Bhutan.
Sau nhiều năm du học Ấn Độ, Wangmo tự tin có thể quan sát Bhutan từ cả góc nhìn trong và ngoài nước.
"Lối sống của Bhutan hiện nay đã cũ kỹ. Chúng ta cần học và chấp nhận những điều mới mẻ", Wangmo nói, nêu một số ví dụ về văn hóa công sở mà cô cho là đã gây khó dễ cho các chủ doanh nghiệp, như Bhutan không có ngân hàng xử lý hồ sơ trực tuyến, buộc khách hàng phải đến làm việc trực tiếp.
Dù Bhutan có hệ thống chăm sóc y tế miễn phí, Wangmo tin rằng nhận thức về sức khỏe tâm thần ở nước này chưa cao.
Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào du lịch, một trong những nguồn thu chính của Bhutan, khiến kinh tế sụt giảm, nhiều người gặp khó khăn. "Nhiều người cũng gặp vấn đề tâm lý khi cách ly xã hội. Họ giảm giao tiếp vì Covid-19, trong khi mức độ tương tác, kết nối cộng đồng trước đại dịch là rất cao", Wangmo cho biết.
Nhưng nữ doanh nhân này cũng tỏ ra tích cực khi Bhutan dần chuyển mình. Tại quán cà phê mèo nơi cô sở hữu và quản lý ở Gelephu, khách hàng được khuyến khích trò chuyện với nhau về sức khỏe tâm thần.
Gelephu, thị trấn 10.000 dân gần biên giới Ấn Độ, vừa được vua Gyalpo Jigme Khesar Namgyel Wangchuck chọn làm địa điểm xây dựng "Tân Thành phố Chánh niệm". Trong dự án này, Bhutan sẽ xây một sân bay quốc tế mới, rộng hơn, với đường băng dài hơn, cho phép các máy bay cỡ lớn có thể bay tới Trung Đông, châu Âu và xa hơn nữa.
"Quá trình thay đổi của Bhutan sẽ tác động mạnh đến chúng tôi. Một số người không vui, một số người sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, liệu họ có thể thích nghi hay không. Nhưng khi có cùng niềm tin rằng Bhutan không thể không thay đổi, chúng tôi sẽ làm được mọi chuyện", Wangmo nói.
Đức Trung (Theo CNN)
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường hợp tác với Nga.
Tổng thống Zelensky thông báo cách chức tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine Zaluzhny trong cuộc cải tổ quân sự lớn nhất từ khi xung đột với Nga bùng phát.
Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan tị nạn EU cho thấy trong năm 2022 đã có gần 1 triệu đơn xin tị nạn được nộp vào 27 quốc gia thành viên của khối, cùng với Thụy Sĩ và Na Uy.
Các học viên biên phòng Lào sẽ được bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về công tác quản lý, bảo vệ biên giới, công tác quân sự, nghiệp vụ biên phòng.
Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong tuần từ 6-13/5.
Lực lượng Hezbollah tại Lebanon được cho là đang sở hữu nhiều tên lửa diệt hạm, có thể đe dọa tàu chiến Mỹ hiện diện ngoài khơi Israel.
Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah là nhân vật trái chiều cả trong và ngoài Lebanon sau 32 năm chèo lái tổ chức này.
Các phi công Ukraine đang sử dụng chiến thuật “chồn hoang”, để cho radar phòng không đối phương phát hiện mình, theo dõi nguồn sóng radar và tấn công ngược lại.
Mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ về khoảnh khắc ông trải qua vụ ám sát chấn động tại cuộc vận động tranh cử diễn ra tại Pennysylvania diễn ra vào tối thứ Bảy vừa rồi.