Nơi hành quyết cũng là sân bóng đá

09:10 31/03/2024
Trẻ em Somali vui vẻ đá bóng ngay cạnh nơi hành quyết tồn tại từ năm 1975

Trên một bãi biển ở thủ đô Mogadishu của Somali, sáu chiếc cột bê tông được cắm sát nhau trên nền cát trắng.

Những con sóng của Ấn Độ Dương xanh thẳm nhẹ nhàng xô tới gần đấy và thường chứng kiến những cảnh tượng ghê sợ.

Cảnh báo: Bài viết này chứa mô tả có thể làm cho một số người cảm thấy khó chịu.

Thỉnh thoảng, lực lượng an ninh lại giải những người đàn ông tới đây, dùng dây nhựa trói họ vào những cây cột ấy, rồi trùm khăn đen lên đầu và bắn chết họ.

Các thành viên của đội hành quyết được huấn luyện đặc biệt này cũng che mặt.

Đầu người chết khẽ gục xuống nhưng cơ thể vẫn thẳng đứng do bị buộc vào cột.

Áo rách cùng xà rông của họ bay phần phật trong gió.

Một số người đã bị tòa án quân sự kết tội tham gia lực lượng quân Hồi giáo al-Shabab.

Lực lượng này kiểm soát phần lớn lãnh thổ của đất nước và gieo rắc kinh hoàng ở Somali trong gần 20 năm qua.

Số khác là binh lính bị kết tội giết hại dân thường hoặc giết đồng đội của họ.

Đôi khi, tòa án tuyên tử hình cả những tội phạm thông thường vì tội mà họ phạm phải quá nghiêm trọng.

Ít nhất 25 người đã bị hành quyết trên bãi biển này vào năm ngoái.

Người mới nhất phải đối mặt với màn hành quyết là Said Ali Moalim Daud.

Người này bị kết án tử hình vào ngày 6/3 vì đã nhốt vợ mình là bà Lul Abdiaziz trong phòng và phóng hỏa.

Ông ta khai đã thiêu sống vợ vì bà ấy đòi ly hôn.

Ngay phía sau bãi hành quyết là một khu định cư nhỏ và tạm bợ, thuộc quận Hamar Jajab.

Khu đất này từng là học viện cảnh sát và hiện có khoảng 50 gia đình sinh sống trong những ngôi nhà đổ nát và lều tạm.

Những người bị hành quyết sẽ bị trói vào những chiếc cột này

"Ngay khi năm thằng con trai nhỏ của tôi tan học về nhà, chúng ào xuống bãi biển để chạy nhảy hoặc đá bóng," bà Fartun Mohammed Ismail, một cư dân tại khu vực này, kể.

"Chúng dùng những cột hành quyết làm khung thành," bà nói.

"Tôi lo lắng cho sức khỏe của chúng bởi vì chúng chơi ở nơi máu của những người bị bắn chảy ra.

"Khu vực đó không hề được dọn dẹp sau các buổi hành quyết."

Rải rác xung quanh bãi biển là những nấm mộ của người bị bắn.

Bà Ismail cho biết con cái bà đã quen với cảnh bạo lực và bất ổn vì chúng sinh ra ở Mogadishu, thành phố chịu ảnh hưởng của xung đột đã 33 năm.

Dù vậy, bà cùng các bậc cha mẹ khác vẫn cảm thấy khó chấp nhận được việc trẻ em chơi đùa ở nơi vương vãi máu của tội phạm.

Tuy nhiên, thật khó để ngăn lũ trẻ tham gia cùng bạn bè khi hầu hết các bậc cha mẹ đang phải làm lụng cực nhọc để kiếm sống và không phải lúc nào cũng có mặt để can thiệp.

Các vụ hành quyết thường diễn ra vào sáng sớm, từ 6 đến 7 giờ.

Chỉ có phóng viên được mời chứng kiến các vụ hành quyết, nhưng không ai ngăn cản cư dân địa phương, bao gồm cả trẻ em, tụ tập xung quanh để xem.

Trên thực tế, đây chính là lý do Tổng thống Somali khi đó là ông Siad Barre chọn bãi biển này làm địa điểm hành quyết vào năm 1975, bởi người dân địa phương gần đó có thể xem.

Chính phủ quân sự của ông Barre đã dựng lên các cột trụ này để bắn ngay tại trận một vài giáo sĩ Hồi giáo do phản đối luật gia đình mới. Luật mới này quy định quyền thừa kế bình đẳng giữa nam và nữ.

Ngày nay, các cây cột vẫn còn đó nhưng việc tụ tập không còn được khuyến khích như trước.

Nhưng các bậc cha mẹ vẫn lo lắng rằng lũ trẻ có thể bị bắn trúng khi có người bị xử tử ở bãi biển.

Con trai bà Qasim là một trong số hơn 120 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại Mogadishu vào tháng 10/2022

Người dân cho biết lũ trẻ rất sợ cảnh sát và binh lính do chúng chỉ có thể liên tưởng tới cảnh giết người khi nhìn thấy những lực lượng này.

“Tôi trằn trọc và cảm thấy lo lắng tột độ mỗi đêm,” bà Faduma Abdullahi Qasim, một người sống trong khu phố cách bãi hành quyết vài mét, chia sẻ.

"Thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng súng vào buổi sáng và biết rằng có người đã bị xử tử," bà kể.

"Tôi luôn cố gắng giữ con cái mình ở trong nhà. Chúng tôi buồn bã và uể oải. Tôi ghét việc ra ngoài và nhìn thấy máu thấm vào cát ngay bên cạnh."

Mặc dù hầu hết cư dân trong khu phố đều bị sang chấn tâm lý vì sống quá gần bãi hành quyết, nhiều người Somali vẫn ủng hộ tử hình, đặc biệt là án tử dành cho các thành viên của lực lượng al-Shabab.

Bà Qasim là trường hợp lạ khi phản đối hình phạt này - đặc biệt khi xét tới việc người con trai 17 tuổi của bà, một nhân viên lau dọn tại một quán ăn nhẹ, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe liên hoàn ở thủ đô Mogadishu hồi tháng 10/2022.

Vụ tấn công, được cho là do al-Shabab gây ra, đã khiến hơn 120 người thiệt mạng và 300 người bị thương.

“Tôi không quen biết gì những người bị hành quyết, nhưng tôi tin rằng việc làm này là vô nhân đạo," bà nói.

Không chỉ lũ trẻ từ khu dân cư kế cận mới chơi ở bãi cát gần các cột hành quyết.

Người trẻ từ các khu vực khác của thành phố cũng tụ tập ở đó, đặc biệt là vào thứ Sáu, là ngày cuối tuần ở Somali.

Người dân đổ xô đến khu vực bãi biển vào dịp cuối tuần

Một trong số đó là Abdirahman Adam, 16 tuổi.

"Em trai tôi và tôi đến đây mỗi thứ Sáu để bơi lội và đá bóng trên bãi biển," Adam nói.

"Em gái tôi cũng đến. Nó diện những bộ quần áo đẹp nhất để trông xinh đẹp, rồi chụp ảnh và đăng lên mạng.”

Adam và những người đổ xô tới bãi biển đều biết về các vụ hành quyết cũng như mộ của những người bị bắn ở xung quanh – dẫu vậy, họ vẫn đến.

Đối với họ, vị trí trung tâm và cảnh quan của khu vực này quan trọng hơn

"Bạn cùng lớp của chúng tôi ghen tị khi nhìn thấy những bức ảnh. Chúng nó không hề biết chúng tôi đang tụ tập ở một bãi hành quyết."

Có thể bạn quan tâm
Lớp học có 28/30 học sinh cùng đỗ vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Lớp học có 28/30 học sinh cùng đỗ vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

01:30 18/06/2023

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, 28/30 học sinh lớp 9C1 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trúng tuyển Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học...

Tay lái môtô lao cắm đầu vào xe buýt

Tay lái môtô lao cắm đầu vào xe buýt

09:40 15/12/2023

Chiếc môtô chở hai người vọt tới ngã tư, đâm rầm vào hông chiếc xe buýt ngược chiều đang rẽ.

Xét tuyển đại học sớm như 'con dao hai lưỡi'

Xét tuyển đại học sớm như 'con dao hai lưỡi'

06:50 26/03/2024

Hơn 200 trường xét tuyển sớm với nhiều phương thức phức tạp nhưng chưa được đối sánh chất lượng, dẫn đến lo ngại đây là 'con dao hai lưỡi'.

Trưởng văn phòng công chứng ở Kiên Giang bị bắt

Trưởng văn phòng công chứng ở Kiên Giang bị bắt

17:30 07/11/2023

Ông Trần Thiện Thi, Trưởng văn phòng công chứng An Biên, bị cáo buộc xác nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất có chữ ký giả mạo, gây thiệt hại cho người dân 10 tỷ đồng.

Gaza trải qua ngày chết chóc nhất

Gaza trải qua ngày chết chóc nhất

09:30 25/10/2023

Dải Gaza trải qua đêm chết chóc nhất từ khi nổ ra xung đột, với hơn 700 người chết vì các đòn không kích từ Israel, theo Hamas.

Sau lừa phụ huynh 'con bị tai nạn ở trường', giờ xuất hiện lừa học sinh 'ba con bị tai nạn'

Sau lừa phụ huynh 'con bị tai nạn ở trường', giờ xuất hiện lừa học sinh 'ba con bị tai nạn'

21:00 27/03/2023

Một nam sinh Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP.HCM đứng chờ người thân đến đón ở cổng trường. Một người đàn ông chạy xe máy đến và nói: 'Ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện'.

Thêm 3 trường đại học công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2023

Thêm 3 trường đại học công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2023

22:20 26/06/2023

Theo ghi nhận của Lao Động đến tối 26.6, trên cả nước đã có 33 trường đại học công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2023.

Tránh để học sinh bị động, hồi hộp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Tránh để học sinh bị động, hồi hộp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

17:30 30/05/2023

Ngày 30.5, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP Cần Thơ. Phó Chủ tịch UBND...

Đình chỉ công tác giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn trong lớp học

Đình chỉ công tác giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn trong lớp học

08:40 17/05/2024

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ công tác giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn trong lớp học.

Co loi xay ra
Co loi xay ra