Mồ côi cả cha lẫn mẹ, tân SV ĐH Kinh tế TP.HCM Bùi Thị Yến Ngân (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tân sinh viên ngành kế toán Đại học Kinh tế TP.HCM) và anh trai đùm bọc vượt qua giông bão cuộc đời.
Trong căn nhà cấp 4 trống trơn, hai anh em Ngân sống lặng lẽ như hai con chim non. Căn nhà này là tài sản giá trị nhất mà người mẹ để lại cho hai đứa con. Vậy nhưng, trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà chưa thể trả được khoản nợ 120 triệu đồng…
Khi Ngân Vừa lên 3 tuổi thì cha mất trong một tai nạn. Đến năm bạn lên 16 tuổi thì mẹ bạo bệnh qua đời. Anh trai 21 tuổi làm chỗ dựa cho em chưa kịp trưởng thành.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh trai Bùi Quốc Tiến xúc động kể dấu mốc 2021, mẹ đổ bệnh nặng. Tiến một mình dìu mẹ đi khắp Sài Gòn để khám, trị bệnh. Thế rồi, lần đầu tiên trong đời Tiến thật sự hoảng loạn khi nghe tin mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chàng trai đến từ làng quê như ngã khụy khi biết chi phí khám chữa bệnh cho mẹ quá lớn, vượt ngoài khả năng. Hai mẹ con bất lực, lặng lẽ về quê.
Căn nhà của ba mẹ con khi đó chỉ là căn chòi liêu xiêu, chắp vá, xập xệ. Cả ba mẹ con chỉ biết ôm nhau nghẹn ngào. "Nhà tôi lúc đó hễ nắng thì nóng kinh khủng, còn mưa thì nước chảy lênh láng. Tôi thấy nhiều đêm mẹ cứ trằn trọc, không ngủ được".
Thế rồi người mẹ bỗng nhiên kêu thợ cất nhà.
"Tôi không biết mẹ lấy tiền ở đâu mà cất. Lúc đó tôi sợ nhất là mẹ chết. Anh em tôi nói mẹ đừng cất nhà nữa, hãy dành tiền đi chữa bệnh, nhưng mẹ nhất quyết không chịu", Tiến bùi ngùi kể lại.
Nhà xây xong thì cũng là lúc bà Bảy buông tay rời xa thế gian trước sự thương xót, đau đớn của hai đứa con.
Vài ngày sau khi bà Bảy mất, các chủ nợ lần lượt đến đòi. Tổng số tiền nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Anh em Tiến khá bất ngờ. "Khi các cô chú chủ nợ đến yêu cầu chúng tôi trả nợ thì tôi mới biết mẹ đã vay tiền cất nhà cho anh em tôi. Mẹ đau không ăn uống gì nổi mà vẫn lo cho con không nơi nương tựa. Lúc đó tôi ước gì có mẹ ở bên cạnh để ôm mẹ và khóc một lần", Tiến khóc trong nỗi nhớ mẹ vô bờ.
Không người mẹ nào muốn để lại nợ cho con nhưng có lẽ không có mái nhà vững chắc cho con ra vào chắc mẹ đau đớn không yên lòng được.
Đôi mắt đỏ hoe khi nghe anh trai tâm sự, Ngân nghẹn ngào nói: "Lúc biết tin mình đậu đại học, tôi và anh trai vui lắm. Trước khi mất, mẹ ôm tôi căn dặn phải gắng học, vô đại học, đừng bỏ cuộc. Giờ tôi đỗ đại học rồi, nhưng hai anh em chưa biết sẽ như thế nào vì tiền đâu mà học, sinh hoạt ở TP.HCM mấy năm trời…".
Trong khi đó, nhắc đến việc đưa em gái vào TP.HCM nhập học rồi lo cho em 4 năm đại học, tâm trạng Tiến đầy ưu tư. "Hồi tôi với mẹ ở TP.HCM, chai nước, hộp cơm, miếng bánh… đều phải có tiền. Giờ vào lại trong đó nhưng không có tiền, khó khăn chắc chắn là rất lớn, rất thử thách cho em", Tiến không giấu được nỗi lo.
Nhớ mãi lời dặn dò của mẹ trước lúc vĩnh viễn đi xa là phải ráng lo cho em ăn học tới nơi tới chốn, Tiến chăm chỉ làm việc, cóp nhặt và tiết kiệm từng đồng vừa trả dần nợ cũ và để lo cho em gái.
Tìm hiểu thông tin, Tiến biết được để một sinh viên trọ học tại TP.HCM, tằn tiện lắm cũng phải mất 3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó đối với nhiều người là không lớn, nhưng với anh em Tiến là một nỗi lo "khổng lồ". Bởi lẽ hiện tại mọi chi phí sinh sống của hai anh em, cũng như tiền trả nợ nần xây nhà chỉ dựa vào thu nhập duy nhất từ việc làm thuê của Tiến ở gara ô tô với lương 4,5 triệu đồng/tháng.
"Tôi ở quê nên đồ ăn cũng rẻ, sẽ cố gắng tiết kiệm để lo cho em. Tôi tin mình sẽ làm được", Tiến quả quyết.
Ông Nguyễn Duy Thương (49 tuổi, hàng xóm) sang chơi, mở cửa tủ lạnh, thấy trống hoác. Ông nói: "Tiến nó thương em lắm. Con Ngân đi chợ 1 tuần 1 lần, toàn trứng với rau về để tủ lạnh ăn dần, chứ hai đứa nó không có thời gian đi chợ. Giờ Ngân vô đại học, gánh nặng sẽ càng đè lên vai thằng Tiến. Tôi mong mọi người giúp đỡ để hai cháu nó vượt qua nghịch cảnh, hoàn thành ước mơ", ông Thương tâm sự.
Ngân là cô gái ít nói nhưng rất thông minh và ánh mắt rất sáng. Trong căn nhà trống trải, không gian ấm áp nhất có lẽ là bàn học của Ngân bởi vì vị trí đó là trung tâm của ngôi nhà. Bàn học của Ngân rất đơn sơ, chỉ vài quyển sách và vở nhưng chủ yếu là sách về môn Hóa học. Ngân nói rằng mình thích nhất là môn này vì cảm thấy hứng thú với các loại hoạt chất và những thí nghiệm hoá học.
Hóa học mang nhiều phản ứng kỳ diệu và thú vị khiến Ngân không ngừng cố gắng và khám phá nó. Ngân kể mỗi lúc học bài, mình đều cố gắng học thật nhanh các môn khác để dành thời gian tìm hiểu thêm về Hóa học. Bởi vậy, từ năm lớp 8, điểm trung bình của Ngân môn này luôn đạt điểm 9 trở lên.
Xung quanh tường là những tờ giấy khen được Ngân nâng niu, dán đều cạnh nhau. Suốt 12 năm học, Ngân đều được học sinh giỏi và dẫn đầu lớp. Lúc mẹ Ngân còn sống, bà luôn xem những giấy khen này là "báu vật" của riêng mình.
Bên trên là bàn thờ của cha, phía dưới là bàn thờ của mẹ. Mỗi lúc một mình, Ngân nói mình sẽ chỉ nghĩ về cha, mẹ và việc học. "Nhiều lúc tôi lo mình sẽ không thể nào học tiếp vì nhà quá khó khăn. Tôi chỉ biết khấn nguyện với cha và mẹ che chở cho anh em tôi. Chỉ có đi học mới giúp anh em tôi thoát khỏi cơ cực", Ngân nói.
Nói về hai đứa cháu, ông Bùi Thanh Bình (50 tuổi, chú của Tiến và Ngân) trải lòng: "Gia đình chúng tôi nghèo, thỉnh thoảng có mấy ký gạo thì tôi lại đem qua cho hai cháu. Lúc nghe tin Ngân đậu ĐH Kinh tế TP.HCM, chúng tôi chỉ biết gượng cười vì mình cũng khổ nghèo, lấy đâu ra tiền giúp đỡ cháu".
Còn ông Thái Văn Thuận - chủ tịch UBND xã Phước Lộc - bày tỏ: "Tôi biết nhà cháu Ngân hoàn cảnh đặc biệt. Cháu học giỏi có tiếng ở xã. Trước đây hai cháu thuộc diện hộ nghèo, giờ anh của Ngân đi làm đã có thu nhập. Nhưng giờ Ngân vào đại học thì một mình anh trai Ngân với thu nhập từng ấy chắc khó nuôi nổi", ông Thuận chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thi (giáo viên của nhiệm cấp 3) nói Ngân là học sinh mà ông ấn tượng nhất từ trước tới nay. Theo lời thầy Thi, Ngân là một cô gái giàu nghị lực, thông minh và có khả năng lãnh đạo tốt.
"Ngân học giỏi cả ba năm THPT. Ngân là học sinh giỏi rất toàn diện. Đặc biệt, Ngân rất nổi bật ở môn Hóa học. Tuy hoàn cảnh gia đình em đặc biệt khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghe Ngân than trách số phận. Em ấy luôn cố gắng vươn lên và rất ham học. Tôi đặt niềm tin vào Ngân", thầy Thi mong muốn nói.
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Cúng giao thừa là lễ cúng tế thần Hành khiển năm cũ và năm mới, gọi là 'tống cựu nghênh tân' (tiễn thần Hành khiển năm cũ về trời, đón thấn Hành khiển năm mới tới).
Ngày 10/4, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang phối hợp Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức Hội thi Tin học trẻ.
Trong gần một giờ nói lời sau cùng, bà Lan nhiều lần khóc, nhìn nhận trách nhiệm với hậu quả xảy ra tại SCB, song vẫn cho rằng không tham ô tài sản, xin tòa xem xét.
Lễ hội chùa Hương, đền Trần, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính năm nay có một số thay đổi ở hình thức bán vé, thời gian hoạt động và phần hội.
Bé trai 12 tuổi đang chơi pháo tự chế mua trên mạng, bất ngờ vật này phát nổ, chấn thương nặng nhiều nơi trên cơ thể.
Đang chơi đùa, bé trai 3 tuổi bị hai con chó bécgiê nhà hàng xóm lao vào tấn công khiến trẻ nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, đa chấn thương, vỡ thận.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đặt niềm tin vào thanh niên, trao cho thanh niên nhiều trọng trách, kỳ vọng rất cao ở thanh niên. Một trong những kỳ vọng đó là phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp phát triển; chăm lo, đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho thanh niên phấn đấu để hình thành con người mới có lý tưởng độc lập, dân tộc và chủ nghĩa...
Theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử đoàn 15 đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự Chương trình giao lưu với Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ tại Ấn Độ năm 2025.
TPHCM - Sau khi Bộ Y tế cảnh báo về dịch bệnh dại bùng phát tại một số tỉnh, tại Viện Pasteur TPHCM, số người dân bị động vật cắn...