Ngày biết tin con gái đầu bị ung thư máu, chị Thúy chết lặng, tự hỏi mình đã làm gì nên tội để số phận trừng phạt bằng việc cả ba con đều mắc bệnh nặng.
Nửa năm trước, Nguyễn Phương Thanh, con gái đang học lớp 7 của chị Thúy bỗng dưng nổi hạch ở cổ, ho sốt không dứt. Từ quê nhà ở thôn Vầu, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình xuống Bệnh viện K Tân Triều ở Hà Nội kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán cô bé 13 tuổi bị u lympho non Hodgkin, một dạng của ung thư máu. Căn bệnh đã ở giai đoạn bốn.
Nhận kết quả, người mẹ 38 tuổi không còn nước mắt để khóc.
Chị Phương Thúy có ba con. Phương Thanh là con gái lớn, dưới còn hai em, một trai một gái. Cuộc sống hạnh phúc giản dị của gia đình nhỏ chỉ được vài năm sau khi các con chào đời. Tai họa bắt đầu ập đến khi con gái thứ hai không đi lại được sau trận sốt thập tử nhất sinh. Được chẩn đoán viêm đa rễ dây thần kinh, dù chạy chữa hơn hai năm ở Hà Nội nhưng không thể cứu được một bên chân. Từ đó, cô bé đến trường với sự giúp sức của bố và bạn bè cùng lớp.
Khó khăn tiếp tục đeo bám gia đình khi cậu con trai út xuất hiện những nốt xuất huyết dưới da, chảy máu cam không ngừng. Theo chị gái xuống Hà Nội thăm khám, bác sĩ kết luận cậu bị giảm tiểu cầu, phải uống thuốc suốt đời, nếu không sẽ bị xuất huyết não ảnh hưởng tới tính mạng.
Hai con mắc trọng bệnh đẩy gia đình chị Thúy vào danh sách những hộ nghèo nhất của xã Tân Hòa.
Bất hạnh chưa dừng lại ở đó, tháng 4/2023, cô chị cả Phương Thanh lại trở thành bệnh nhân ung thư. "Chẳng ai biết cái nào sẽ đến trước, ngày mai hay là tai họa. Điều này hoàn toàn đúng với gia đình chúng tôi", người mẹ ba con nói.
Đối mặt với căn bệnh ung thư của con gái đang vào tuổi lớn, chị Thúy không biết mở lời thế nào bởi sợ cô bé không chấp nhận thực tế. Nhưng Phương Thanh lại biết rất rõ căn bệnh của mình thông qua những gì tìm hiểu được trên Internet.
"Bệnh con nặng lắm phải không?", nhiều lần thấy mẹ trốn ra ngoài hành lang đứng khóc một mình, Thanh lại gặng hỏi. "Con có thể ở cùng gia đình được bao lâu nữa?". Nghe con hỏi, chị Thúy, người tự đánh giá bản thân là "không thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc" ôm chặt lấy con gái, òa khóc nức nở.
Mẹ một bệnh nhân cùng phòng từng nói với chị Thúy rằng, khi một đứa trẻ mắc ung thư, cả gia đình sẽ bước vào một thế giới "giống như rơi vào địa ngục".
Hơn nửa năm Thanh nằm viện điều trị, thời gian của hai mẹ con không tính lịch, cũng chẳng có khái niệm ngày hay đêm. Chị Thúy chỉ quan tâm khi nào hết thuốc truyền, khi nào con cần ăn, cần vỗ về sau những lần vật vã do phản ứng với thuốc. Người mẹ ví von, căn bệnh của Thúy giống như tiếng súng nổ trong cuộc thi chạy tốc độ, chỉ khác là không được thông báo trước. Phản ứng duy nhất của bố mẹ lúc này là cắm đầu cắm cổ chạy, càng nhanh càng tốt để ganh đua với thời gian.
Nhưng mệt mỏi của người lớn không thấm vào đâu so với những cơn đau mà bệnh nhân ung thư phải chịu đựng, đặc biệt với một đứa trẻ.
Những lần đầu thuốc vào mạnh, cơ thể Thanh phản ứng dữ dội. Cô bé không thể ăn uống, cả ngày chỉ nôn khan, miệng lại lở loét, tay chân đau đớn khó cử động. Nửa năm trị bệnh, Thanh giảm hơn 10 kg, người khô như tàu lá héo. Những lúc đau đớn không thể chịu nổi, mong muốn lớn nhất của cô bé 13 tuổi là được mẹ ôm vào lòng. "Khi đó em thấy mẹ đang truyền hơi ấm sang mình", Thanh nói.
Rồi những lần chọc dò tủy để làm xét nghiệm tủy đồ. "Dù đau muốn chết" như Thanh miêu tả nhưng chưa bao giờ cô bé giãy giụa, chống đối. Thanh tin lời mẹ, nếu cố gắng chịu đau vài lần, ung thư sẽ được chữa khỏi. Như thế, cô bé sẽ thực hiện mơ ước trở thành giáo viên dạy Văn, được đứng trên bục giảng như cô giáo của mình.
Cũng từ ước mơ đó, khi chưa phát bệnh Thanh từng nói với mẹ sẽ nuôi tóc dài hiến tặng bệnh nhân ung thư, giống một cô giáo em từng biết. Thời điểm đó, cả Thanh và mẹ đều không hiểu ung thư là gì, chỉ biết việc hiến tóc là một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng khi đã trở thành bệnh nhân, Thanh vẫn muốn giữ nguyên lời hứa của mình.
Trước ngày hóa trị, cô bé quyết định cắt mái tóc dài hàng chục phân để hiến tặng, dù nhiều người ngăn nên để lại làm tóc giả cho chính mình hoặc bán đi gom chút tiền đóng viện phí, nhưng cô bé từ chối. "Đó là mong ước của con. Con muốn làm chút gì đó có ích cho đời", Thanh giải thích với mẹ.
Mái tóc của cô bé một phần được hiến tặng, phần còn lại rụng dần theo các đợt hóa trị.
Để điều trị bệnh, Thanh phải nghỉ học từ cuối năm lớp 7. Những ngày điều trị trong viện, Thanh năn nỉ mẹ mua cho mình bộ sách giáo khoa lớp 8. Ý nguyện sau này được giáo viên chủ nhiệm và nhà trường biết tới, gửi tặng bộ sách mới. Mỗi khi cơn đau giảm bớt, cô bé lại cố gắng lật giở từng trang vì không muốn bỏ lỡ việc học ở trường.
Mừng vì Thanh tìm thấy niềm vui trong học tập nhưng nỗi sợ con gái không đáp ứng phác đồ điều trị luôn ám ảnh người mẹ mỗi ngày. Hàng ngày chứng kiến không ít bệnh nhi bị bệnh viện trả về đã bóp nghẹn trái tim chị Thúy. Chăm con ốm, sức khỏe người mẹ cũng xuống theo. Chị giảm cả chục kg, mắt thâm quầng vì lo lắng và mất ngủ triền miên.
Từ ngày Thanh phát bệnh, cuộc sống vốn chật vật của gia đình nay lại thêm nhiều lo toan. Để chữa bệnh cho con, những gì giá trị nhất trong nhà đã bán hết, còn lại vay mượn bạn bè, người thân. Đến giờ, số tiền nợ đã lên tới 200 triệu đồng. Gần đây, cô con gái thứ hai của chị Thúy lại phát hiện thêm một khối u trong mũi, nghi bị ung thư và đang chờ kết quả sinh thiết.
Dù tai họa liên tiếp ập xuống gia đình nhưng với chị Thúy, còn sống là còn hy vọng. "Ông trời đã cho tôi là một người mẹ, bởi vậy tôi sẽ chiến đấu tới cùng với bệnh tật của các con", chị nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Hiện chương trình nhận được sự ủng hộ của Câu lạc bộ thiện nguyện Ấm tình yêu thương.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Hải Hiền
Chiều cuối tháng, anh Trần Thanh Thuấn chạy xe máy hơn 7 km từ bệnh viện về nhà thắp hương lên bàn thờ vợ như một thói quen gần năm qua.
Đêm nghệ thuật 'Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử' thật hoành tráng, hào hùng đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem tại TP Điện Biên Phủ cũng như khán giả truyền hình cả nước.
Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của tác giả Đào Thị Diến cho người đọc hình dung rõ hơn về một số lát cắt của lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc.
125 gương chỉ huy Đội, đội viên tiêu biểu nhận giải thương Kim Đồng năm học 2023-2024 là những tấm gương sáng của sự nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Anh Thiệu Minh Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình khóa IV, nhiệm kỳ 2019-2024 tái đắc cử Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình khóa V, nhiệm kỳ 2024-2029.
Trong khuôn khổ chương trình 'Xuân biên giới - Tết biển đảo', đoàn công tác của T.Ư Đoàn đã trao tặng hơn 600 suất quà Tết đến với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Nghi Xuân và xã Nghi Hưng (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Thanh Hóa - Mặc dù đã được cơ quan chức năng tiến hành gia cố cách đây không lâu, tuy nhiên, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Hoa...
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức gặp mặt, tuyên dương đội tuyển bóng đá Đại học Huế - đơn vị vừa xuất sắc giành cúp vô địch giải bóng đá thanh niên sinh viên Việt Nam lần thứ I, năm 2023.
Cần Thơ - Đường Trần Quốc Toản (phường Tân An, quận Ninh Kiều) được mệnh danh là đường bích họa nổi tiếng thu hút du khách. Thế nhưng hiện nay,...