Nỗ lực làm thân với Trump bên lề thượng đỉnh NATO

16:10 12/07/2024

Loạt quan chức NATO đang tận dụng hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Washington để tiếp cận đồng minh của Trump, khi khả năng ông tái đắc cử ngày càng cao.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, quan chức các nước thành viên đã tới nhiều địa điểm tại thủ đô Mỹ để gặp gỡ những người thân tín với cựu tổng thống Donald Trump nhằm nắm bắt suy nghĩ của Donald Trump, ứng viên tổng thống hàng đầu đảng Cộng hòa.

Họ cùng dùng bữa sáng và tối với Richard Grenell, người thường được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho vị trí ngoại trưởng Mỹ nếu Trump đắc cử. Và họ đã tổ chức các cuộc họp với những cựu cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu, như Keith Kellogg hay John Bolton, để thảo luận về an ninh châu Âu.

"Mọi người liên tục hỏi chúng tôi có gặp đồng minh của ông Trump không", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho hay. "Câu trả lời tất nhiên là có. Tất cả chúng tôi đều như vậy. Chúng tôi đã làm điều này suốt nhiều năm, nhưng cơ hội tiếp xúc gần như trong tuần qua là rất hữu ích".

Một cựu quan chức chính quyền Trump cho biết mặc dù ông đã thảo luận với các quan chức châu Âu về thế giới quan của cựu tổng thống suốt nhiều năm, "mọi câu chuyện đã trở nên sâu hơn trong 4 tuần qua".

"Họ quan tâm rất nhiều tới suy nghĩ của ông Trump về NATO", người này nói. Đây được coi là bước chuẩn bị của các nước châu Âu trong nỗ lực "làm thân" với Trump, khi kịch bản ông trở lại Nhà Trắng ngày càng có khả năng trở thành hiện thực.

Trump gần đây khiến các nước châu Âu bất an, khi tuyên bố ông có thể để Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO không thực hiện đúng cam kết chi tiêu quốc phòng, khẳng định ông có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine "trong 24 giờ" song không nêu cụ thể kế hoạch. Bởi vậy, dù đã chứng kiến những gì Trump đã làm trong 4 năm nhiệm kỳ, châu Âu vẫn còn nhiều câu hỏi về chính sách mà ông có thể thực hiện nếu trở lại Nhà Trắng.

Cuộc họp cấp cao nhất diễn ra ngày 11/7, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người công khai ủng hộ Trump, tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Nam Florida để trò chuyện với cựu tổng thống sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc.

Một số quan chức nước ngoài, những người vừa muốn "làm thân" với Trump vừa lo sợ kịch bản ông lên nắm quyền, nhiều khả năng sẽ đến dự đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, vào tuần tới. Các đại sứ tại Washington được mời tham dự cả hai đại hội đảng, nhưng nhiều đại diện châu Âu đã đặt vé máy bay và phòng khách sạn tại Wisconsin.

Các chính phủ nước ngoài luôn tìm cách liên lạc với chính quyền tiềm năng của Mỹ trước thềm bầu cử, nhưng nỗ lực này năm nay gắn liền với cảm giác lo ngại, theo giới quan sát. Ở nhiều nước NATO, mối lo về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đang bao trùm, bởi kịch bản này có thể tác động rất lớn tới sự đoàn kết trong khối cũng như khả năng hỗ trợ Ukraine. Việc kết nối và trò chuyện sớm với đội ngũ mà họ sắp lên nắm quyền thường hữu ích với việc lên kế hoạch và chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.

Khi được yêu cầu bình luận, Karoline Leavitt, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Trump, chỉ nhấn mạnh quan điểm rằng khi cựu tổng thống trở lại Phòng Bầu dục, "ông sẽ khôi phục hòa bình và xây dựng lại sức mạnh cũng như khả năng răn đe của Mỹ trên toàn cầu".

Bolton, cố vấn an ninh quốc gia dưới chính quyền Trump, cho biết ông đã có nhiều cuộc trò chuyện với các đồng minh và đối tác NATO trong tuần qua, dù ông không còn nằm trong vòng tròn thân tín của cựu tổng thống.

Bolton luôn nói với các quan chức NATO mà ông gặp rằng cựu tổng thống sẽ rút Mỹ khỏi liên minh nếu đắc cử, động thái mà ông suýt thấy khi Trump dự hội nghị NATO hồi năm 2018.

Cách ông Trump làm rung chuyển hội nghị thượng đỉnh NATO 2018

Phản ứng từ các đồng minh với phát biểu của Bolton là hoài nghi. "Nhưng dù tôi mang đến sự u ám và hoảng loạn, họ cũng nên tin điều đó", ông nói.

Song những thân tín vẫn được ông Trump trọng dụng, như Grenell, mới là "thỏi nam châm" thu hút các đồng minh NATO. Grenell hôm 7/7 ăn tối cùng Thủ tướng Macedonia Hristijan Mickoski và ăn sáng cùng các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm sau tại Waldorf, nơi từng là khách sạn của cựu tổng thống trên đại lộ Pennsylvania.

Trong một số trường hợp, các quan chức nước ngoài nói rằng những cuộc gặp này đã xoa dịu nỗi lo sợ tồi tệ nhất của họ về việc ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu đắc cử.

Thông điệp chung mà họ nghe được đến nay là các quốc gia nên thực sự chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, nhưng Trump vẫn sẽ ủng hộ liên minh và hỗ trợ Ukraine đối đầu Nga, ngay cả khi gần đây đang xuất hiện tin tức rằng ông có thể xem xét cắt giảm chia sẻ thông tin tình báo với châu Âu nếu trở lại Nhà Trắng.

"Mọi thứ sẽ không tệ đến vậy", một quan chức cấp cao châu Âu đã gặp các cựu quan chức chính quyền Trump ở Washington, nói. "Ông Trump sẽ tập trung nhiều hơn vào việc trừng phạt các đối thủ chính trị ở Mỹ hơn là NATO. NATO sẽ sống sót".

Quan chức này rút điện thoại di động ra và mở một bài đăng của ông Trump trên mạng xã hội Truth hôm 9/7 để dẫn chứng về việc cựu tổng thống không thù địch với NATO như cách ông thể hiện.

"Nếu tôi không làm tổng thống, có lẽ bây giờ đã không có NATO", Trump viết trong bài đăng, nhưng thêm rằng "Mỹ đang trả phần lớn số tiền để giúp Ukraine đối đầu Nga. Châu Âu ít nhất nên tham gia một cách bình đẳng!".

Nhưng lời kêu gọi "bình đẳng" đó cũng chính là những gì mà các đồng minh NATO đang cố gắng đưa ra để giảm bớt lập trường gay gắt của Trump. Một số quan chức đã bắt đầu điều chỉnh thông điệp của họ để làm hài lòng ông, so sánh việc trả phí câu lạc bộ chơi golf với việc các đồng minh đóng góp phần công bằng cho NATO.

"NATO là một câu lạc bộ có những quy tắc riêng và bạn phải tôn trọng chúng. Bạn cũng mong đợi rằng mọi người sẽ tôn trọng những quy tắc đó", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur tuần qua phát biểu. "Nếu muốn chơi golf, bạn phải trả phí, không quan trọng hầu bao của bạn to nhỏ thế nào".

Trong một cuộc phỏng vấn riêng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Pevkur cho hay còn quá sớm để châu Âu bắt đầu lập kế hoạch dự phòng cho sự trở lại của Trump.

"Lời khuyên của tôi là không nên suy đoán, hãy chờ kết quả bầu cử để xem chính sách thực tế sẽ như thế nào, bởi một bên là chiến dịch chính trị, còn một bên là bạn điều hành văn phòng thực tế. Vì vậy, hãy chờ đợi và sau đó, chúng ta có thể thực hiện những cải tiến", ông nói.

Câu hỏi về Trump đã phủ bóng các cuộc thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh NATO, giữa những lời xì xào về sức khỏe thể chất và tinh thần của Tổng thống Joe Biden.

"Bạn có thể cảm nhận được mối lo lắng thực sự về việc Mỹ sẽ đi về đâu", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết. "Tình trạng ổn định của Mỹ rất quan trọng đối với chúng tôi, nhưng mọi người đều cảm thấy thực sự bất an về điều đó".

Tại Washington hôm 9/7, Tổng thống Biden có bài phát biểu mạnh mẽ ca ngợi sức mạnh NATO cũng như những hỗ trợ của liên minh dành cho Ukraine. "NATO hiện tại hùng mạnh hơn bao giờ hết", ông nói với các quan chức NATO.

Trong lúc đó, Trump nói với những người tham dự cuộc vận động tranh cử ở Doral, Florida, rằng trước khi trở thành tổng thống, ông "không biết NATO là thứ quái gì".

"Nhưng tôi không mất nhiều thời gian để nắm bắt tình hình, trong khoảng hai phút, và điều đầu tiên tôi nhận ra là họ không trả tiền. Chúng ta đã trả tiền, chúng ta đã chi gần như toàn bộ cho NATO và tôi thấy điều đó là không công bằng", cựu tổng thống tuyên bố trước đám đông người ủng hộ.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, các nước thành viên tập trung vào nỗ lực đề ra các chính sách, biện pháp "không thể đảo ngược" để hỗ trợ Ukraine, nhằm ngăn nguy cơ chúng bị hủy nếu cựu tổng thống trở lại nắm quyền. Nhưng đảng Cộng hòa và các đồng minh của Trump đã cảnh báo rằng việc công khai bàn luận về cách bảo vệ liên minh trước cựu tổng thống có thể "phản tác dụng".

Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, lưu ý những nỗ lực như vậy là "sai lầm nghiêm trọng". "Họ tin rằng người của ông Trump sẽ không phát hiện ra họ đang làm gì ư?", ông đặt câu hỏi. "Họ có nghĩ họ đang khiến ông ấy thích NATO hơn không? Họ đang làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".

Nhưng ngay cả khi thúc đẩy nỗ lực làm thân với Trump, hầu hết các quan chức châu Âu cho biết họ vẫn tập trung vào việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với chính quyền Biden.

"Điều quan trọng là tập trung vào một chính quyền ở một thời điểm", quan chức cấp cao NATO giấu tên nói.

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Liều thuốc kích thích mới cho Kiev

Liều thuốc kích thích mới cho Kiev

07:20 04/10/2023

Với sự có mặt đông đảo của Ngoại trưởng các nước thành viên tại Kiev trong 'cuộc họp đặc biệt, không báo trước' ngày 2/10, Liên minh châu Âu đã gửi đi thông điệp gì tới Kiev và các bên liên quan về cuộc xung đột ngày càng diễn biến phức tạp ở Ukraine.

Hamas không thể tìm đủ 40 con tin theo yêu cầu ngừng bắn

Hamas không thể tìm đủ 40 con tin theo yêu cầu ngừng bắn

07:10 11/04/2024

Nhóm vũ trang Hamas cho biết họ không thể tìm đủ 40 con tin còn sống để đáp ứng điều khoản thỏa thuận ngừng bắn đang đàm phán với Israel.

Trung Quốc khai mạc kỳ họp Chính hiệp năm 2024

Trung Quốc khai mạc kỳ họp Chính hiệp năm 2024

17:40 04/03/2024

Chiều 4/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) - cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc - đã khai mạc Kỳ họp lần thứ hai khóa XIV.

Ukraine tuyên bố bắn hạ 28 drone của Nga, Kiev bị không kích ác liệt

Ukraine tuyên bố bắn hạ 28 drone của Nga, Kiev bị không kích ác liệt

15:20 20/06/2023

Chính quyền Ukraine tuyên bố bắn hạ gần 30 máy bay không người lái (drone) của Nga trên khắp lãnh thổ Ukraine rạng sáng 20-6. Trong đó, riêng Kiev tiêu diệt khoảng 20 mục tiêu.

Đại sứ quán Việt Nam theo dõi sát vụ việc các trường hợp được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Pháp

Đại sứ quán Việt Nam theo dõi sát vụ việc các trường hợp được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Pháp

22:10 29/09/2023

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ngày 27/9, cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone, thành phố Lyon, Pháp.

Khu vực Rostov - Nga đang bình thường trở lại

Khu vực Rostov - Nga đang bình thường trở lại

21:40 25/06/2023

Mọi thứ đang dần trở lên bình thường tại Rostov - Nga, khi các hạn chế giao thông đã được dỡ bỏ.

Thế khó khiến vùng ly khai Moldova cầu cứu Nga

Thế khó khiến vùng ly khai Moldova cầu cứu Nga

19:50 01/03/2024

Xung đột ở Ukraine đẩy chính quyền ly khai Transnistria ở Moldova vào tình thế khó khăn khi chịu áp lực từ nhiều bên, thúc đẩy họ tìm kiếm sự bảo vệ từ Nga.

Indonesia gấp rút phát triển nhà máy hạt nhân đáp ứng ‘nhu cầu điện khổng lồ’

Indonesia gấp rút phát triển nhà máy hạt nhân đáp ứng ‘nhu cầu điện khổng lồ’

13:40 23/08/2023

Ngày 23/8, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia (BRIN) Indonesia khẳng định, Jakarta hiện đang trong quá trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân, với mục tiêu phục vụ các chương trình phát triển quốc gia.

Xung đột ở Ukraine: Tổng thống Biden cảnh báo kịch bản nguy hiểm, Kiev có thể vĩnh viễn không vào được NATO, ông Trump nói 'Nga đang thắng'

Xung đột ở Ukraine: Tổng thống Biden cảnh báo kịch bản nguy hiểm, Kiev có thể vĩnh viễn không vào được NATO, ông Trump nói 'Nga đang thắng'

07:50 05/06/2024

Mới đây, cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 là các ông Joe Biden và Donald Trump đều đưa ra những bình luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Co loi xay ra
Co loi xay ra