Xung đột ở Ukraine đẩy chính quyền ly khai Transnistria ở Moldova vào tình thế khó khăn khi chịu áp lực từ nhiều bên, thúc đẩy họ tìm kiếm sự bảo vệ từ Nga.
Từ tuần trước, điện thoại của Alexandru Flenchea, chủ tịch Hiệp hội Hòa bình 4 Sáng kiến tại Chisinau, thủ đô Moldova, liên tục đổ chuông. Những người quen hỏi ông rằng liệu có an toàn nếu ở lại Moldova trong tình hình hiện nay hay không. "Thật điên rồ", ông nói.
Người dân Moldova ngày càng lo lắng kể từ khi Ghenadie Ciorba, thành viên phe đối lập ở Transnistria, gần đây cho rằng vùng ly khai này có thể tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập vào Nga. Nỗi lo này tăng lên khi các quan chức chính quyền ly khai Transnistria triệu tập một hội nghị đặc biệt hôm 28/2.
Họ chỉ thở phào khi hội nghị này không thảo luận về việc sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, các quan chức Transnistria đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga bảo vệ khu vực này trước sức ép từ Moldova.
"Transnistria đang chịu nhiều áp lực kinh tế và xã hội, điều này mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc và cách tiếp cận của châu Âu trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do thương mại", nghị quyết có đoạn.
Dù chính phủ Moldova cho rằng căng thẳng ở khu vực không có nguy cơ leo thang sau nghị quyết yêu cầu Nga bảo vệ của chính quyền Transnistria, nhiều người lo ngại động thái này có thể dẫn đến nhiều bất ổn trong tương lai, khi chiến sự ở nước láng giềng Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.
Transnistria là dải đất hẹp, dài khoảng 400 km, nằm kẹp giữa bờ đông sông Dniester ở Moldova và biên giới Ukraine, với hơn 465.000 người sinh sống, trong đó phần lớn nói tiếng Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột với quân đội nước này vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm đó.
Nga là thành viên duy nhất của Liên Hợp Quốc công nhận Transnistria là một thực thể độc lập và triển khai 1.500 lính gìn giữ hòa bình tới đây từ năm 1993. Nga cũng cung khí đốt miễn phí cho Transnistria để hỗ trợ chính quyền ly khai, song khu vực này ngày càng bị cô lập khỏi Moskva kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát.
"Những người ở Transnistria có hộ chiếu riêng, song nó không có giá trị ở bất kỳ đâu ngoài Nga", Cristina Afinoghenova, người gốc Transnistria và hiện sống ở Chisinau, nói. Hệ quả là phần lớn người Transnistria đều xin thêm hộ chiếu Moldova, một số được cấp giấy thông hành của Nga hoặc Ukraine.
Ukraine từng duy trì mối quan hệ đặc biệt với Transnistria. Năm 1992, tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kravchuk từng tuyên bố Kiev sẽ "đảm bảo độc lập" cho Transnistria nếu Moldova sáp nhập vào Romania.
Tuy nhiên, quan hệ song phương xấu đi từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine. "Ukraine từ lúc đó thay đổi thái độ với Transnistria, coi quân đội Nga đồn trú ở khu vực là mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ", Anatoli Dirun, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Dịch vụ công ở thủ phủ Tiraspol của Transnistria, nói.
Sau khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Kiev đã đóng cửa biên giới với Transnistria, trong khi Moldova cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với vùng ly khai. "Transnistria bị kẹp giữa Chisinau và Kiev", Dirun nói.
Chiến dịch của Nga ở Ukraine đã ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán ở khu vực, theo người phát ngôn chính phủ Moldova. "Hiện tại, các cuộc đàm phán không thể tổ chức vì hai trong số các bên quan trọng là Nga và Ukraine không thể cùng ngồi xuống nói chuyện", quan chức này cho hay.
Afinoghenova cho biết những người sống ở Transnistria "có quan điểm khác nhau về xung đột Ukraine" đã ngừng gặp gỡ và nói chuyện với nhau.
Xung đột Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của Transnistria. Quyết định đóng cửa biên giới Ukraine với vùng ly khai đã cắt đứt 1/4 hoạt động thương mại của Transnistria. Dù vùng ly khai vẫn nhận được khí đốt miễn phí của Nga, thỏa thuận cho phép vận chuyển nguồn khí đốt này qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào tháng 12 và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được gia hạn.
Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ tác động mạnh tới nền kinh tế Transnistria, mà còn buộc giới lãnh đạo vùng ly khai phải có lập trường "kiềm chế hơn" và "không thể hiện quan điểm thân Nga", theo Dirun.
Giới quan sát cho biết xung đột ở nước láng giềng cũng thúc đẩy Moldova tìm cách giải quyết mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ với Transnistria. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2022 cấp tư cách ứng viên cho Moldova và bật đèn xanh cho quá trình đàm phán gia nhập vào tháng 12/2023.
Trong khi Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết bà sẵn sàng gia nhập EU mà không cần Transnistria, việc giải quyết căng thẳng với vùng ly khai có thể giúp đơn giản hóa quá trình này. Một blog gần đây của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế lập luận rằng "chiến lược của Moldova là đẩy nhanh quá trình bằng cách khiến cuộc sống của Transnistria khó khăn nhất có thể".
Theo hướng này, Chisinau hồi tháng 1 bất ngờ bãi bỏ các biện pháp giảm thuế hải quan cho các doanh nghiệp Transnistria, buộc họ phải trả thuế cho cả vùng ly khai và Moldova.
Dumitru Minzarari, giảng viên nghiên cứu an ninh tại Đại học Quốc phòng Baltic, nói rằng quyết định tổ chức hội nghị đặc biệt của Transnistria "được kích hoạt trực tiếp" bởi quy định áp thuế của Moldova.
"Bằng cách áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho Transnistria trước đây, chính phủ Moldova trên thực tế đã tài trợ cho sự tồn tại của chính quyền ly khai ở Tiraspol", Minzarari nhận định, thêm rằng chính quyền Tổng thống Sandu giờ đây cảm thấy họ không còn phải chịu đựng điều đó thêm nữa.
Trong nghị quyết ngày 28/2, các quan chức vùng ly khai Transnistria đề nghị Hội đồng Liên bang Nga và Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, thực hiện "các biện pháp bảo vệ Transnistria trước áp lực gia tăng từ Moldova".
Đây không phải lần đầu vùng ly khai ở Moldova yêu cầu Nga giúp đỡ. Hồi tháng 5/2023, quan chức chính quyền ly khai Transnistria từng cho biết họ muốn Nga tăng lực lượng đồn trú tại khu vực, nhằm đối phó với quân đội Moldova.
Nga đã không tăng binh sĩ gìn giữ hòa bình đồn trú ở Transnistria, khi nước này phải dồn nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine. Hiện chưa rõ Moskva sẽ đáp ứng đề nghị giúp đỡ của Transnistria như thế nào, trong bối cảnh Nga cũng đang phải chật vật đối phó với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, trong khi cuộc chiến hao người tốn của ở Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, CNN, AFP)
Ngày 22/10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Á và ASEAN (ERIA) nhân dịp ông dẫn đầu đoàn chuyên gia sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Ấn Độ triển khai tàu hải quân tại khu vực do an ninh Biển Đỏ bị đe dọa, ngày 30/1, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết, năng lực, lợi ích và uy tín của New Delhi có thể giúp nước này giải quyết tình huống khó khăn.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ngày 4/7, hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong vụ giẫm đạp hôm 2/7 ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Ngày 27/2, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố đã gửi thư tới những người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU), trong đó hối thúc EU nhanh chóng tìm cách ngăn chặn các chuyến di cư vượt biển nguy hiểm để đến lục địa này.
Kuwait là một quốc gia Arab hiện diện nhiều nét văn hoá, tôn giáo khác nhau điểm xuyết trên một bức tranh lớn với tâm điểm là văn hoá Hồi giáo. Trong nét tổng thể đó, có một góc nhỏ đang được hình thành mang tên Việt Nam.
Ngày 26/6, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Triều Tiên đe dọa trả đũa ngay lập tức nếu Hàn Quốc thả máy bay không người lái (drone) qua Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc tố Bình Nhưỡng gắn thiết bị định vị GPS vào các bóng bay chứa rác.
Ukraine đã và sẽ có thể sở hữu nhiều loại vũ khí quan trọng của phương Tây, tuy nhiên vẫn đang nỗ lực thuyết phục được đồng ý cho sử dụng nhằm tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, với mong muốn thay đổi cục diện xung đột.
Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Huy Tuấn trao khoản quyên góp của Hội ủng hộ chương trình xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên.