Đến là mất
Tòa nhà Trung Yên 1 (thuộc phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm tại điểm giao cắt của ba tuyến đường Trung Yên - Trần Duy Hưng - Trung Hòa, với khối đế 6 tầng thông nhau dành cho trung tâm thương mại và văn phòng, còn các tầng trên là căn hộ. Có lẽ bởi vị trí khá đặc biệt, khi mà người dân có thể đi từ tòa nhà nọ thông sang bên kia, từ phố này đi sang phố khác mà nó đã bị nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng để "hành nghề".
Bị hại Nguyễn Văn Đ. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) kể lại quá trình giao dịch đầy sơ hở của mình. Gần đây anh Đ. có một chiếc máy tính xách tay muốn thanh lý. Đây là chiếc máy thuộc hệ cao cấp, với cấu hình mạnh và giá "đập hộp" cũng rất cao. Anh rao trên mạng xã hội với giá gần 50 triệu đồng. Sau nhiều ngày "ế khách", chiều ngày 22/4/2023, anh Đ. bất ngờ nhận được lời đề nghị mua lại chiếc máy với vẻ rất hồ hởi.
Gần như không "lăn tăn" về giá, đối tượng yêu cầu anh mang máy đến tòa nhà Trung Yên 1 để giao dịch. Khoảng 17 giờ cùng ngày, khi đến nơi anh Đ. được hướng dẫn đi thang máy lên tầng 2, là văn phòng một công ty nọ. Đón anh Đ. là một thanh niên mặc áo phông trắng, quần âu màu đen, đi giày da có vẻ khá là chỉn chu. Kiểm tra máy một lượt, đối tượng nói anh Đ. ngồi ở ngoài để anh ta mang máy vào trong văn phòng cắm sạc check lại lần cuối trước khi giao tiền.
Anh Đ. định đi theo thì đối tượng bảo khu vực này nghiêm cấm không cho người lạ vào. Sau khi đối tượng đi khuất, anh Đ. bất ngờ nghe thấy tiếng chân người chạy rầm rập ở cầu thang bên trong thì mới giật mình đuổi theo song không thấy đối tượng đâu. Anh tìm khắp nơi mới phát hiện tòa nhà này như một "mê cung" với rất nhiều lối ra, vào. Nhờ camera của tòa nhà, anh Đ. phát hiện đối tượng đã cầm máy chạy theo cầu thang thoát hiểm sang sảnh chung cư ở mặt phố Trung Kính, tẩu thoát. Lúc này anh Đ. chỉ biết đến cơ quan Công an trình báo.
Trường hợp anh T.A (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng dính cái bẫy y hệt. Cuối tháng 3/2023, anh T.A đăng bán chiếc điện thoại Iphone đời mới, cấu hình cao trên mạng Internet. Sau đó có một đối tượng liên hệ với anh T.A và chốt giá gần 30 triệu đồng. Đối tượng hẹn anh T.A từ 12 đến 13 giờ cùng ngày giao hàng đến nơi làm việc của anh ta ở sảnh tầng 2 tòa Trung Yên 1.
Khi anh T.A đến nơi đúng vào thời điểm nghỉ trưa nên tòa nhà văn phòng vắng người qua lại. Đối tượng lấy lý do sợ sếp nhìn thấy nên dẫn T.A vào góc khuất của sảnh. Gã tỏ thái độ nhiệt tình, thân thiện, kiểm tra máy kỹ càng từ loa, đến pin, ngoại hình.... Hắn ta còn xin mật khẩu điện thoại và nhờ thoát icloud để kiểm tra.
Tuy nhiên sau khoảng 5 phút, đối tượng nói anh T.A ngồi chờ để cầm điện thoại vào phòng riêng trong công ty kiểm tra phần mềm iTunes. Nhận thấy có dấu hiệu không bình thường, anh T.A đi theo nhưng kẻ gian "cắt đuôi" bằng cách quay lại để chiếc túi xách da nhờ anh trông giúp. Ít phút sau, anh T.A nghe thấy tiếng đóng cửa thoát hiểm nên chạy theo thì nghi phạm đã biến mất. Còn chiếc cặp da bên trong trống không.
Một nạn nhân khác là anh H. cũng "sập bẫy" tại chính tòa nhà này. Ngày 11/2/2023, anh H. nhận cuộc gọi đặt mua chiếc điện thoại Iphone Pro Max trị giá gần 30 triệu đồng, giao lúc hơn 13 giờ. Vừa ngồi xuống bàn, cầm máy kiểm tra, người mua đã bỏ chạy theo lối cầu thang thoát hiểm. Anh H. la hét, đuổi theo song bất thành.
Được biết, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang tích cực tổ chức điều tra, truy bắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tòa nhà trên. Cũng theo một điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy thì trước đây cơ quan Công an đã phát hiện bắt giữ một đối tượng lừa đảo có thủ đoạn y hệt tại cùng địa điểm trên. Gã là Phùng Văn Thảo (SN 1988, thường trú tại phường Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, Thảo đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách vào mạng xã hội facebook và tham gia nhóm mua bán trao đổi điện thoại Iphone. Khi thấy anh P.V.M. đăng bài cần bán điện thoại Iphone 11 pro max, Thảo đã liên hệ mua chiếc điện thoại này. Sau khi chốt giá, Thảo hẹn anh M. đến tòa nhà Trung Yên 1 để giao dịch.
Đến điểm hẹn, đối tượng đã đưa anh M. lên tầng 2 tòa nhà và giới thiệu rằng mình đang là nhân viên văn phòng tại đây. Thảo nói cần phải kiểm tra máy, kiểm tra sạc pin và được anh M. đồng ý. Lúc này, đối tượng lấy cớ vào văn phòng kiểm tra, rồi đi vòng xuống tầng 1 để bỏ trốn ra bến xe Mỹ Đình. Anh M. đợi mãi không thấy người mua mang tiền, điện thoại ra trả mới biết bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Qua quá trình điều tra khẩn trương, Công an quận Cầu Giấy nhanh chóng làm rõ và bắt giữ đối tượng Phùng Văn Thảo. Khai nhận tại cơ quan Công an sau khi lấy được chiếc điện thoại của anh M., Thảo đón xe khách về Vĩnh Phúc rồi bán chiếc điện thoại trên với giá 21 triệu đồng. Ngoài ra Thảo cũng từng bị Công an quận Đống Đa xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh bác sỹ, lên mạng mua điện thoại để lừa người bán...
Siêu lừa chuyên nhằm vào tài xế xe ôm
Nếu như vị trí tòa nhà Trung Yên 1 bị các đối tượng lợi dụng triệt để nhằm lừa đảo người bán hàng, thì đối tượng Phạm Văn Chiến (SN 1989, trú tại phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội) lại có mánh khóe "điều" các tài xế xe ôm đến khu vực đường ngang ngõ tắt rồi giở màn kịch chiếm đoạt tài sản. Hành vi của Chiến đã bị cán bộ chiến sỹ Công an phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chặn đứng.
Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an, khoảng 10 giờ ngày 4/5/2023, tổ công tác Công an phường Tương Mai trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn, đến khu vực cầu Nguyễn An Ninh phát hiện đối tượng nam giới đang lảng vảng với bộ dạng nghi vấn. Vừa trông thấy bóng dáng lực lượng chức năng, đối tượng định bỏ chạy nhưng không thoát. Kiểm tra hành chính, đối tượng khai nhận tên là Phạm Văn Chiến. Chiến cũng khai nhận đang thực hiện hành vi phạm tội nhằm vào các “xe ôm” công nghệ.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an làm rõ ít nhất 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Chiến gây ra. Thủ đoạn của đối tượng là thuê “xe ôm” chở về địa bàn phường Tương Mai rồi vẽ ra màn kịch mượn điện thoại di động để gọi cho người thân rồi chiếm đoạt.
Đơn cử vào khoảng chiều ngày 25/2/2023, Chiến đến khu vực cổng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) thuê anh Đức, là “xe ôm” công nghệ chở về cầu Nguyễn An Ninh. Đến nơi, Chiến bảo anh Đức dừng xe và hỏi mượn chiếc điện thoại di động Samsung A52 để “gọi cho người quen ra đón”. Lợi dụng lúc anh Đức mất cảnh giác, Chiến lủi vào ngõ 160 Nguyễn An Ninh bỏ trốn cùng chiếc điện thoại di động. Khu vực này vốn có nhiều đường ngang lối tắt, đối tượng cũng rất thông thạo địa hình.
Cũng với thủ đoạn này, cuối tháng 3/2023, Chiến thuê anh Nguyễn Gia Phương tại ngã ba Nguyễn Đức Cảnh – Trương Định di chuyển về cầu Nguyễn An Ninh, rồi cũng trốn vào ngõ 160 Nguyễn An Ninh cùng chiếc điện thoại iPhone 11 Pro Max trị giá khoảng 11 triệu đồng.
Khoảng một tháng sau, Chiến lừa lấy được chiếc iPhone 11 của anh Ngô Xuân Trường, khi thuê anh Trường chở từ ga Hà Nội về ngõ 160 Nguyễn An Ninh. Chưa dừng lại ở đó, ngày 21/4/2023, Chiến tiếp tục thuê “xe ôm” của anh Đỗ Đức Cường tại Chùa Bộc (quận Đống Đa) về cầu Nguyễn An Ninh. Đến nơi Chiến xuống xe và mượn điện thoại iPhone 11 Pro Max của anh Cường để "xin một cuộc điện thoại". Chỉ vài giây không để ý, anh Cường đã bị mất luôn chiếc điện thoại cần câu cơm.
Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản của bị hại, Chiến mang bán rồi tiêu xài cá nhân hết. Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàng Mai đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Chiến về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp, Nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, thủ đoạn vờ mua hàng, xem hàng rồi thừa lúc bị hại sơ hở chiếm đoạt tài sản nhiều năm trước đã từng xảy ra. Thậm chí có vụ việc bị hại bị chiếm đoạt số tiền lên đến cả tỷ đồng.
Như trường hợp anh H.V.N được một đối tượng hẹn qua văn phòng của gã trên phố Đội Cấn để giao dịch. Anh N. xách theo một túi xách, trong có chứa số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khi đến nơi, đối tượng nói anh chờ ở tầng 1, còn hắn sẽ mang tiền lên tầng 2 để đếm. Song không ngờ chỉ ít phút sau, anh N. lên tầng 2 để tìm mới phát hiện đối tượng đã biến mất theo lối thoát hiểm.
Cũng theo Thượng tá Đáp, trong những vụ lừa đảo trên đối tượng thường đánh vào sự thiếu cảnh giác của bị hại, khi tỏ ra "hào sảng", khi giao dịch không thèm kỳ kèo về giá cả. Do tâm lý chuẩn bị bán được món hàng với giá tốt nên bị hại ít nhiều tỏ ra sơ hở, không quản lý chặt tài sản của mình. Bên cạnh đó, đối tượng gây án thông thường sẽ đi từ 2-3 người, một người vào giao dịch, một kẻ nổ xe máy chờ sẵn để tẩu thoát, còn một tên cảnh giới để báo động hoặc ngăn chặn nếu bị đuổi bắt. Bọn chúng cũng thường chọn thời điểm gây án là ngày nghỉ, hoặc giờ nghỉ trưa khi các sảnh vắng người qua lại.
Cơ quan Công an cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch mua bán tài sản có giá trị cao. Cần phải luôn giữ tài sản trong tầm kiểm soát, hoặc rủ thêm 1-2 người bạn khi thực hiện giao dịch, để có thể kịp thời hỗ trợ nhau. Các tài xế xe ôm khi cho khách mượn điện thoại cũng phải luôn để mắt đến tài sản của mình...
Năm 2025, với phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, Greenwich Việt Nam không còn áp dụng xét trung bình chung điểm tổng kết tất cả các môn, mà xét theo tổng điểm của tổ hợp 3 môn.
Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Việc tham dự APEC 2024 và thăm Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tính đến tối 19-7, đã có hơn 70 đại học, trường đại học, học viện công bố điểm sàn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Bị lập biên bản xử phạt vì xây dựng công trình trái phép, ông L. mang hai cái hòm đến để tại công trình với lý do... làm từ thiện.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường và đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần hết sức cân nhắc việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách...
Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM đã cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớp vì đi học muộn.
Tại phiên họp ngày 7.9 của UBND tỉnh Hải Dương , Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu xử lý đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí...
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức xét tuyển gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội.