Những 'hiệp sĩ' trên đảo Thạnh An

11:40 05/06/2024

Ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) có những con người sẵn sàng ra tay giúp đỡ người dân khi ốm đau bệnh tật. Họ là những "hiệp sĩ" bất đắc dĩ khi thấy câu chuyện cấp cứu trên đảo còn quá hiểm nguy, vất vả.

Nghe tin xã đảo Thạnh An được bố trí ca nô để cấp cứu cho người dân, ông Trần Văn Thông đã xin ngay về xã đảo để chở bà con, dù mức lương thấp so với công việc trước đó - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong dòng người tiễn đưa Huỳnh Tấn Tài, một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên xã đảo Thạnh An, về nơi yên nghỉ cuối cùng (3-6) có ông Trần Văn Thông - người lái ca nô vận chuyển cấp cứu, Út Lan ba gác và anh Phú xe ôm... Khi Tài còn sống, họ là những ân nhân...

Tình người trên đảo

Cách đây gần một năm, khi chúng tôi có mặt trên đảo Thạnh An đã chứng kiến căn bệnh suy thận kèm biến chứng suy tim của Huỳnh Tấn Tài trở nặng. Mới chỉ 34 tuổi nhưng phần lớn thời gian của Tài chỉ ngồi một chỗ bất lực và chờ ngày đi bệnh viện. Dù trời nắng hay mưa, bình yên hay dông gió, Tài vẫn đều đặn một tuần ba lần rời nhà vượt biển lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận để duy trì sự sống.

Và trong những ngày ấy, hình ảnh "anh Phú xe ôm" vẫn đến đón Tài chở xuống bến đò cách nhà 400m, rồi cũng người đàn ông ấy một tay "bế" Tài lên ghe. Cứ như vậy gần 5 năm nay, từ khi Tài bắt đầu đổ bệnh (năm 2019) đến khi mất, anh Phú vốn làm nghề xe ôm kiêm luôn một nhiệm vụ đặc biệt: đợi cõng Tài lên ghe.

  • Nước sạch về tận nhà, người dân Cần Giờ thôi cảnh nước yếu, đụcĐỌC NGAY

Người đàn ông 42 tuổi, màu da rám đen bởi gió biển, kể có lần gia đình Tài cố gắng nhét tiền vào túi mình để "trả công" nhưng liền bị anh gạt phắt. "Hàng xóm láng giềng giúp nhau đâu cần tính toán vậy. Ai có bệnh khó khăn gì tui cũng giúp hết, bà con trên xã đảo là người một nhà cả", anh hào sảng nói.

Thắp nén nhang tiễn biệt Tài, ông Trần Văn Thông (60 tuổi), người lái ca nô cấp cứu duy nhất trên xã đảo, không khỏi ngậm ngùi tiếc thương cho chàng trai ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Ông bảo rằng từ ngày Tài bị phát hiện suy thận giai đoạn cuối đã không ít lần phải đi cấp cứu, ông đã không quản ngại đêm ngày lái ca nô đưa Tài vào đất liền cấp cứu và quay về xã đảo an toàn.

Không riêng gì Tài, chính ông Thông cũng là người "ra tay" vận chuyển nhiều ca cấp cứu trong đêm mưa to gió lớn. "Người dân ở đảo này ai cũng biết anh Thông. Nếu không có anh ấy, vợ tôi không thể trụ được lâu như vậy, nhiều khi đêm hôm 1 - 2h sáng vợ tôi phải đi cấp cứu, gọi là ổng có mặt liền.

Có hôm đêm dông bão, đường đi nguy hiểm vậy mà anh ấy vẫn lái ca nô chở vợ tôi vào đất liền cấp cứu an toàn" - ông Nguyễn Văn Huynh (68 tuổi), chồng bà H.T.N. đã mất do bị suy thận giai đoạn cuối, chia sẻ.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, nói điều khiển ca nô cấp cứu trên biển đòi hỏi người lái phải thật giỏi và ông Thông là người hiểu được "tính cách" của biển, đoán được hướng gió và phải "bắt bài" được con sóng.

"Nhờ chiếc ca nô và tài lèo lái của ông Thông đã cứu không biết bao nhiêu người khỏi cửa tử. Đặc biệt vào mùa mưa bão, nguy hiểm rình rập khi đi cấp cứu thế nhưng ông ấy vẫn không quản ngại hỗ trợ người dân và nhân viên y tế", bác sĩ Trường bày tỏ.

Câu chuyện ông Thông lái ca nô phục vụ bà con cũng đến từ một chữ "tình thương". Năm 2016, khi đang là nhân viên hợp đồng lái ca nô cho Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, nghe tin xã đảo Thạnh An mới được bố trí ca nô cấp cứu cho bà con, ông Thông đã xin ngay về xã đảo, dù mức lương thấp so với công việc trước đó.

Nói về quyết định này, ông Thông bảo lựa chọn về xã đảo bởi tình thương người dân nơi đây. "Thời điểm đó cả xã đảo chưa ai có kinh nghiệm lái ca nô, nếu tôi chần chừ sẽ có người không được cấp cứu kịp", ông Thông quả quyết.

Và suốt 8 năm qua, người dân xã đảo quen thuộc với hình ảnh người đàn ông cao gầy, nét mặt phúc hậu đã giúp đỡ hàng trăm người thoát khỏi cửa tử. Với ông Thông, những khó khăn hiểm nguy ấy chả hề hấn gì so với niềm vui sau lần chuyển bệnh lại thấy bà con khỏe mạnh quay về.

Và cũng như bao người con của xã đảo, ông không khỏi xót xa khi nghĩ về những người mình đưa đi cấp cứu ra đi mãi mãi hoặc mất đi thời gian vàng điều trị.

"Tôi ước cho người dân xã đảo và khu vực xung quanh có phương tiện cấp cứu lớn hơn, có đầy đủ trang thiết bị y tế để sơ cứu. Vì những trường hợp khẩn cấp nếu đi trong mưa, dông bão rất nguy hiểm không chỉ cho riêng bệnh nhân mà cho tất cả mọi người", ông Thông trải lòng.

Khi cấp cứu, thời gian vàng của bệnh nhân tính bằng giây, bằng phút nên tôi cố di chuyển càng nhanh càng tốt, làm sao phải chuyển người bệnh đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất.
Ông TRẦN Văn Thông (người lái ca nô duy nhất trên đảo Thạnh An)
Ông Út Lan xung phong tình nguyện lái xe miễn phí cho xã đảo - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Có Út Lan trên đảo, tôi yên tâm"

Người không thể thiếu trên xã đảo Thạnh An có lẽ là Út Lan (tên thật là Đỗ Văn Tiến), bởi phía sau những ca cấp cứu được chuyển ra bến đò vào đất liền đều có bóng dáng của người đàn ông năm nay bước sang tuổi 55. "Có Út Lan tôi mới yên tâm vì không ai qua được về sự chuyên nghiệp cũng như sốt sắng như ông ấy", bác sĩ Luân Thanh Trường nói.

Cuối giờ chiều 23-5, khi Út Lan đang chuyển đồ thuê, điện thoại reo lên réo rắt. Trên màn hình điện thoại hiển thị tên "Bác sĩ Trường", thông báo giọng gấp gáp về một ca bệnh cần chuyển cấp cứu. "Ông C. đang đau thắt ngực, khó thở lắm rồi, tôi cần anh hỗ trợ chuyển ra bến đò đi cấp cứu ngay".

Nhận được "mệnh lệnh", mặc cho công việc còn dang dở, Út Lan giải thích ngắn gọn cho người thuê rồi "phóng" chiếc xe Dream cũ đến trạm y tế. Đến nơi, Út Lan nhanh chóng khởi động chiếc xe điện chạy đến nhà ông C. cách đó vài trăm mét cùng mọi người hỗ trợ đưa bệnh nhân lên xe.

Với tài đánh lái điêu luyện, chiếc xe điện luồn lách qua các con hẻm ngoằn ngoèo chạy thẳng ra bến đò. Cụ ông nhanh chóng được đưa lên ca nô. Chiếc ca nô chở các y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà lao vun vút ra biển hướng về đất liền. Đứng dõi theo bóng ca nô khuất dần tầm mắt, Út Lan lẩm bẩm cầu khấn: "Mong ông cụ qua cơn nguy hiểm".

Đó chỉ là một trong rất nhiều lần "ra tay nghĩa hiệp" mà Út Lan làm bao nhiêu năm nay. Từ năm 2018, bà con xã đảo vui mừng được đầu tư một xe điện vận chuyển cấp cứu. Nhưng có xe rồi, bác sĩ Luân Thanh Trường, người đã gần 20 năm gắn bó với bà con Thạnh An, vẫn không hết lo lắng: "Người lái xe phải có kinh nghiệm mới đảm bảo an toàn và đặc biệt không đặt nặng vật chất và giờ giấc".

Đang loay hoay tìm kiếm người "đủ tiêu chuẩn", bất ngờ Út Lan xung phong. "Đúng Út Lan phù hợp nhất" - bác sĩ Trường gật đầu. Trong đợt dịch COVID-19 kéo dài vừa qua, bác sĩ Trường bảo Út Lan như một "nhân sự cơ động" của trạm y tế. Ông xắn tay tham gia từ chở nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm, chích ngừa, chở F0 đi cách ly. Không những thế, mỗi lần có rau củ quả gửi từ đất liền ra đảo cũng một tay Út Lan đi nhận rồi về mang phân phát cho bà con xã đảo.

Cũng đôi lần bác sĩ Trường kiến nghị bổ sung ông vào nhân sự bảo vệ của trạm để có "đồng ra đồng vào", Út Lan liền gạt ngang. "Tiền bạc ai cũng cần cả, nhưng cứ để tui giúp bà con thì tốt hơn. Nhiều đêm ngồi lại tâm sự cùng vợ hoài, chừng nào mình đi không nổi, nằm tại chỗ mới chịu "bó tay", còn đi nổi còn cầm vô lăng thì mình vẫn tiếp tục làm", Út Lan cười nói.

Giúp nhau vượt khó

Giữa khó khăn trở ngại về cấp cứu, cán bộ và người dân trên xã đảo duy nhất của TP.HCM đã giúp đỡ nhau cùng vượt khó.

Vốn mưu sinh bằng nghề bán nước ở bến đò Thạnh An, mỗi lần thấy Út Lan chạy chiếc xe điện chở người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Tân (40 tuổi) lại xắn tay cõng hoặc khiêng bệnh nhân xuống ca nô. Nhiều hôm thấy bệnh nhân ít người nhà đi cùng, anh Tân lại bỏ dở công việc leo lên ca nô đưa bệnh nhân tới bờ bên kia mới an tâm trở về. "Ở xã đảo này không chỉ riêng tôi, ai cũng vậy hết", anh Tân bộc bạch.

Câu chuyện hành trình gian nan chạy thận của Tài cũng nhận được sự chung tay đùm bọc của nhiều người. Như chiếc máy trợ thở là món quà do ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư xã đảo Thạnh An, vận động nhà hảo tâm mua tặng; chiếc võng Tài ngả lưng của chú Tĩnh - người trông coi bến đò Cần Thạnh; còn chiếc giường và chiếc quạt là của vợ chồng chú Sáu bán hủ tiếu.

Có thể bạn quan tâm
Vinh danh những Ngòi bút trẻ tiêu biểu 2024

Vinh danh những Ngòi bút trẻ tiêu biểu 2024

10:50 20/06/2024

Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM đã tổ chức lễ trao giải thưởng Ngòi bút trẻ lần thứ 11, tôn vinh 28 phóng viên và biên tập viên tiêu biểu trong lĩnh vực báo chí.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về lượng du khách đến Hàn Quốc

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về lượng du khách đến Hàn Quốc

02:00 26/05/2024

Trong 4 tháng đầu năm 2024, hơn 167.000 du khách Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc, dẫn đầu số lượng trong khu vực Đông Nam Á.

Bên nhau trọn đường, em nhé

Bên nhau trọn đường, em nhé

04:00 03/06/2024

Chào em - cô gái dịu dàng, hiền lành, hiếu thảo mà anh đang tìm kiếm.

Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên biểu diễn cồng chiêng tại Bình Định

Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên biểu diễn cồng chiêng tại Bình Định

05:00 17/12/2023

Tối 16-12, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2023.

Người chết não hiến mô tạng không tăng trong suốt 10 năm

Người chết não hiến mô tạng không tăng trong suốt 10 năm

18:30 08/04/2024

Mỗi năm, Việt Nam thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng số người chết não hiến tạng lại thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tỉ lệ người chết não hiến mô tạng không tăng trong suốt 10 năm qua.

Những người đàn ông chịu đau đớn để thoát lùn

Những người đàn ông chịu đau đớn để thoát lùn

02:30 23/07/2024

Những ca mổ tốn kém và đau đớn, từng chỉ dành cho người mắc bệnh về xương hoặc bị tai nạn, nay được người khỏe mạnh sử dụng như 'thần dược' để tăng chiều cao nhanh chóng.

Hà Tĩnh, Nghệ An quyết tâm dẹp mê tín dị đoan, trục lợi

Hà Tĩnh, Nghệ An quyết tâm dẹp mê tín dị đoan, trục lợi

15:30 22/02/2024

Trong dịp Tết, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại các di tích, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối...

Cần Thơ sử dụng máy xạ trị lạc hậu, trong nước, thế giới không còn nơi nào dùng

Cần Thơ sử dụng máy xạ trị lạc hậu, trong nước, thế giới không còn nơi nào dùng

13:20 10/07/2024

Cobalt 60 là chiếc máy xạ trị duy nhất được trang bị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ . Các bệnh viện trong nước và trên thế giới...

Trực thăng bay đêm đưa 2 bệnh nhân nguy kịch từ Trường Sa về đất liền điều trị

Trực thăng bay đêm đưa 2 bệnh nhân nguy kịch từ Trường Sa về đất liền điều trị

04:10 28/09/2024

Bệnh viện Quân y 175 cùng đội ngũ trực thăng Binh đoàn 18 vừa phối hợp đưa 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch từ đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về đất liền điều trị.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới