Được về nhà sau một năm bị Nga bắt làm tù binh, Yury Feniuk quyết định tiếp tục đến chiến trường, dù gia đình cầu xin anh ở lại.
Feniuk, 34 tuổi, từng tham gia trận chiến bảo vệ Mariupol trước khi bị thương và bị lực lượng Nga bắt làm tù binh cùng hơn 2.400 quân nhân Ukraine khi thành phố này thất thủ hồi tháng 5/2022.
Gần một năm sau, anh được trả tự do trong trạng thái suy kiệt về sức khỏe. Nhưng anh vẫn quyết tâm quay lại chiến trường, bất chấp những lời ngăn cản của gia đình.
"Người thân không ai muốn tôi quay lại chiến đấu, ít nhất là bởi tôi đã bị thương và bị giam cầm", anh nói với AFP từ thị trấn tiền tuyến Lyman với tiếng pháo vang vọng gần đó. "Nhưng đây là quyết định của tôi. Tôi là một người đàn ông trưởng thành. Nhiều người không hiểu rằng nếu không hành động, chúng tôi sẽ chỉ có một kết cục duy nhất".
Feniuk cho biết cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và anh cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác, khi những người lính trẻ đang chết dần và kinh nghiệm chiến trường của anh vẫn có thể hữu ích.
"Chúng ta phải tiếp tục vì mọi thứ sẽ không kết thúc dễ dàng như vậy", anh nói thêm, bác bỏ ý kiến cho rằng Nga sẽ sớm đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba.
Lời kể của Feniuk đã cho thấy động lực khiến nhiều binh sĩ Ukraine vẫn kiên trì chiến đấu dù đã quá mệt mỏi sau hai năm chiến sự. Kiev đang rơi vào tình thế nguy hiểm trên chiến trường do thiếu hụt nghiêm trọng đạn dược và nhân lực.
Trong hàng loạt cuộc phỏng vấn mà AFP thực hiện ở khu vực miền đông Donetsk, nhiều binh sĩ Ukraine cũng nêu lý do giống Feniuk.
Lực lượng Ukraine cho biết sau một số cuộc trao đổi tù binh, khoảng 900 binh sĩ bị bắt ở Mariupol vẫn nằm trong tay Nga. Họ từ chối cho biết có bao nhiêu người được Moskva trả về đã quay trở lại mặt trận như Feniuk, vì lo ngại việc này có thể gây khó khăn cho những cuộc trao đổi tù binh khác.
Svyatoslav Siryi, 28 tuổi, cũng bị lực lượng Nga bắt khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra lệnh cho các quân nhân cố thủ trong hầm ngầm dưới nhà máy thép Azovstal ở Mariupol ngừng giao tranh.
"Cảm giác lúc đó rất tồi tệ. Trước hết, đó là nỗi hổ thẹn khi thất bại", anh nói. "Sau tất cả những điều kinh khủng đã trải qua, bạn vẫn phải đầu hàng. Số phận của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào đối phương".
Siryi vẫn nhớ những trận chiến hỗn loạn chống lại quân đội Nga có nhân lực và hỏa lực áp đảo, khiến anh bị thương với mảnh đạn găm vào chân.
Cả Siryi và Feniuk đều bị giam trong nhà tù Olenivka ở vùng Donetsk, nơi từng bị pháo kích hồi tháng 7/2022 khiến hàng chục tù nhân thiệt mạng. Kiev và Moskva đổ lỗi cho nhau về cuộc tấn công này.
Với Siryi, quyết định quay lại mặt trận là điều tất yếu, bất chấp nỗi kinh hoàng và mệt mỏi sau gần một năm bị giam cầm.
"Sau khi được thả, chúng tôi thậm chí không nói một lời nào về việc đó. Chúng tôi chỉ nói về thời điểm quay lại và làm thế nào để quay lại mặt trận càng sớm càng tốt", anh cho hay.
Siryi mới cưới vợ. Cặp đôi đều hiểu với nhau rằng anh chắc chắn phải quay lại chiến trường.
"Cô ấy biết rõ tôi muốn gì. Vợ có chung niềm tin với tôi và nếu tôi không đi, cô ấy sẽ là người đi", Siryi nói.
Trên khắp miền đông Ukraine, những bảng quảng cáo tuyển quân được dựng lên khắp nơi. Tòa thị chính ở trung tâm thủ đô Kiev đang treo một tấm biểu ngữ lớn kêu gọi Nga trao trả tự do cho những quân nhân Mariupol vẫn bị bắt giam.
Hàng chục người Ukraine đã tụ tập ở trung tâm Kiev mỗi tuần để giơ biểu ngữ và kêu gọi chính quyền thúc đẩy Nga thả những người bị bắt còn lại.
Cả Siryi và Feniuk đều cho biết động lực khiến họ tiếp tục muốn chiến đấu còn nằm ở việc một số đồng đội của họ vẫn bị giam trong các nhà tù Nga.
"Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những người mà tôi đã ở bên và hy vọng họ sẽ sớm quay trở lại. Đó là nỗi ám ảnh và gánh nặng không bao giờ rời bỏ bạn", Siryi cho biết. "Không thể thoát khỏi chúng cho đến khi tất cả những người anh em của bạn được trả tự do".
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Xe tải Nga tham chiến ở Ukraine được phủ lớp ngụy trang dày bằng rơm để che giấu tín hiệu nhiệt khỏi UAV chuyên tập kích ban đêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này từ chối cho Ngoại trưởng Iran thăm Washington, cho rằng đáp ứng đề nghị này là không phù hợp.
Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1 chiếc máy bay không người lái (drone) của Ukraine đã bị bắn hạ gần thủ đô Matxcơva và 2 chiếc drone khác cũng bị bắn rơi ở vùng Rostov, phía nam Nga, vào sáng sớm 7-9.
Vào ngày 8/5 cách đây 35 năm, Việt Nam và Brazil đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp Đại sứ.
Jordan Bardella, chính trị gia 28 tuổi, giúp đảng cực hữu Pháp thắng lớn ở bầu cử Nghị viện châu Âu nhờ sức thu hút với cử tri trẻ.
Trong hơn 70 năm, dân làng Tự Do sống trong nỗi sợ tiềm ẩn giữa cảnh làng quê thanh bình, trong khi lượng dân ngày càng giảm do người trẻ rời đi.
Nhóm lính Mỹ bắn chết một đặc vụ Italy đang hộ tống con tin ở Iraq năm 2005, trở thành sự cố ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước.
Việc Trung Quốc chọn Quảng Tây để đón Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc đối với vai trò nhịp cầu kết nối của Quảng Tây với Việt Nam.