Jordan Bardella, chính trị gia 28 tuổi, giúp đảng cực hữu Pháp thắng lớn ở bầu cử Nghị viện châu Âu nhờ sức thu hút với cử tri trẻ.
"Thế hệ những nhà hoạt động yêu nước của tôi sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo. Chúng tôi sẽ không chỉ chiến thắng bầu cử Nghị viện châu Âu, mà còn sẽ thắng bầu cử tổng thống. Tương lai sẽ đổi khác hoàn toàn", Jordan Bardella, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (RN), tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME vào giữa tháng 5.
Tuyên bố của Bardella đã trở thành hiện thực một nửa. Gần hai năm sau khi kế nhiệm bà Marine Le Pen trong vai trò lãnh đạo đảng, chính trị gia 28 tuổi này đã gây chấn động chính trường khi dẫn dắt RN giành chiến áp đảo trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cuối tuần qua.
Các cuộc thăm dò cho thấy RN nhận được 33% phiếu bầu, gấp đôi mức mà đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron giành được. Choáng váng trước thất bại này, Tổng thống Pháp đã quyết định giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, với hy vọng chặn đà tiến của RN và các đảng cực hữu.
Tạp chí TIME gọi Bardella là "gương mặt mới của phong trào cực hữu tại châu Âu". Marine Le Pen, 55 tuổi, cựu chủ tịch RN và là ứng viên tổng thống Pháp, từng gọi Bardella là "chú sư tử con" khi chọn ông làm người kế nhiệm ghế chủ tịch đảng. Giờ đây, bà gọi Bardella là "sư tử" của chính trường Pháp.
"Chúng ta đang chứng kiến 'Hiện tượng Bardella'. Cử tri muốn nhìn thấy ông Macron bị đánh bại. Bardella, bằng một cách nào đó, đã biến mình thành lựa chọn chính trị mới cho người dân, đại diện cho cánh hữu và cực hữu", cố vấn đảng Người Cộng hòa (LR) bình luận với Politico vào cuối tháng qua.
Bardella, sở hữu tài khoản TikTok với hơn 1,2 triệu người theo dõi, có sức ảnh hưởng lớn đến người trẻ tại Pháp.
Theo khảo sát của hãng Ipsos và báo Le Monde hồi tháng 4, khoảng 1/3 cử tri Pháp trong độ tuổi 18-24 cho hay họ ủng hộ cá nhân lãnh đạo RN khi đi bầu cử. Trên mạng xã hội Pháp, không ít người trẻ gọi Bardella là thần tượng, hay người đại diện cho "nước Pháp bị lãng quên", và tự hào chia sẻ những bức ảnh selfie cùng chính trị gia trẻ tuổi.
"Ông ấy đã sử dụng thành công mạng xã hội để tiếp cận thế hệ trẻ và vận động tranh cử hiệu quả", Anne Muxel, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị (CEVIPOF) thuộc Đại học Khoa học Chính trị Pháp, bình luận.
"Le Pen đã tận dụng lá bài cử tri trẻ suốt nhiều năm, nhắc đến họ trong mọi diễn văn, dù là nhắm vào nhóm cử tri nông thôn, lao động, thất nghiệp lẫn những cộng đồng không được xã hội coi trọng. RN là một trong những đảng cởi mở nhất với người trẻ. Bardella là biểu tượng của chiến lược này", Muxel nói.
Lãnh đạo RN được xây dựng hình ảnh kỹ lưỡng để tạo hiệu ứng cao nhất với cử tri trẻ. Jordan Bardella xuất thân từ gia đình trung lưu, người nhập cư gốc Italy thuộc tầng lớp lao động, với mẹ làm bảo mẫu trong trường mẫu giáo và bố kinh doanh máy bán nước ngọt.
Ông lớn lên trong khu nhà ở xã hội Gabriel Peri ở Saint-Denis, ngoại ô phía bắc Paris, khu vực thường được nhắc đến trong những bản tin về tội phạm ma túy và bạo lực trên truyền thông. Bố mẹ ly dị khi Bardella còn nhỏ và ông sống với mẹ. Bardella tham gia RN khi còn là thiếu niên, rồi bỏ ngang đại học để hoạt động chính trị.
Vừa có nguồn gốc nhập cư, hoàn cảnh trưởng thành gần gũi với nhóm người trẻ nhiều bất bình với xã hội, vừa mang hình ảnh tham vọng và thành đạt sớm, Bardella là sự kết hợp "trong mơ" của bà Marine Le Pen để dẫn dắt RN trong các cuộc bầu cử lớn.
Bà từng thừa nhận Bardella là thế hệ mới của phong trào cánh hữu khi "không vướng vào mọi sự kỳ thị từng bủa vây lá phiếu Mặt trận Quốc gia", trong đó có tai tiếng phủ nhận Holocaust (Nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến II).
"Người trẻ thường ái mộ những ai không chìm trong rắc rối cuộc sống. Tôi đã gặp nhiều người trẻ từ mọi nhóm xã hội. Dù họ là dân thành thị hay nông thôn, họ đều hào hứng. Bardella có nét tương đồng với Macron vào năm 2017. Ông ấy vừa điển trai, vừa truyền cảm hứng chiến thắng", Pierre-Romain Thionnet, chủ tịch phong trào thanh thiếu niên của RN, bình luận.
Không chỉ thu hút được phiếu bầu của cử tri trẻ, "Hiện tượng Bardella" còn tác động lên nhóm cử tri cao tuổi vốn khó thay đổi lập trường. Khảo sát từ hãng IFOP vào tháng 4 ghi nhận khoảng 23% cử tri trên 65 tuổi ủng hộ Bardella và đảng RN, cao hơn mức 19% từng được ghi nhận vào năm 2019.
Dù vậy, bước thăng tiến của Bardella trên chính trường Pháp cũng vướng phải nhiều tranh cãi.
Truyền thông Pháp hồi tháng 1 từng cáo buộc ông sử dụng tài khoản nặc danh trên mạng xã hội X để bình luận và chia sẻ nội dung mang tính kỳ thị người da màu. Giới quan sát cũng hoài nghi Bardella thêu dệt câu chuyện "vượt khó", cho rằng bố ông cũng thuộc diện khá giả, đủ tiền để cho ông theo học trường tư và đi du lịch nước ngoài.
Các chính trị gia đối đầu với RN cũng chỉ trích Bardella quá chú tâm vào quảng bá hình ảnh, nhưng thiếu thực lực và chưa đủ am hiểu về chính trị. Manon Aubry, chính trị gia cực tả tại Nghị viện châu Âu, mỉa mai lãnh đạo RN là "nghị sĩ bóng ma" vì thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp.
"Trong khi tôi có bọng mắt và rụng tóc, cậu ấy lúc nào cũng bảnh bao, mặc suit và đầu tóc chải chuốt", một chính trị gia trong đảng Phục hưng của Macron từng bình luận.
Dẫu vậy, với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay, sức ảnh hưởng của Bardella trên chính trường Pháp đã được công nhận. Theo Mathieu Gallard, giám đốc nghiên cứu của hãng khảo sát Ipsos, việc ông Macron hồi tháng 1 bổ nhiệm ông Gabriel Attal, 34 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp "chắc chắn một phần nhằm đối phó với đà thăng tiến của Bardella".
Cuộc bầu cử quốc hội Pháp sắp tới, dự kiến tổ chức vòng thứ nhất vào ngày 30/6 và vòng thứ hai vào ngày 7/7, sẽ trở thành cuộc đấu giữa hai "học trò" của Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Thủ tướng Attal kiên định tầm nhìn về nước Pháp gắn kết chặt chẽ với thị trường chung không biên giới của Liên minh châu Âu (EU), công bằng xã hội và chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Bardella ủng hộ chính sách chống nhập cư của bà Le Pen, chủ nghĩa bảo hộ "Nước Pháp trước tiên" và đòi "thay đổi cách vận hành" của chính trị châu Âu.
"Nước Pháp đã ra phán quyết và không thể kháng nghị. Người dân không chỉ thể hiện khát vọng thay đổi, mà còn đã chọn xong con đường tương lai", Bardella bình luận vào ngày 9/6, ủng hộ bầu lại quốc hội Pháp. "Đất nước muốn EU thay đổi định hướng. Làn gió hy vọng này chỉ mới là sự khởi đầu".
Thanh Danh (Theo AFP, Le Monde, TIME, Politico)
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - Lào - Campuchia nhất trí tăng hợp tác ba nước, đề cao tin cậy, đoàn kết và gắn bó giữa ba quốc gia.
Nhóm phiến quân Myanmar xác nhận đã rút khỏi Myawaddy, thị trấn giáp biên giới với Thái Lan, sau khi quân đội phản công.
Ngày 24/7, chính phủ Cuba cho biết, một nhóm tàu thuộc Hạm đội Baltic của Hải quân Nga sẽ đến thăm Havana từ ngày 27-30/7.
Ông Putin nói Volodymyr Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine do nhiệm kỳ đã kết thúc, nhấn mạnh Moskva cần xác định người đại diện cho Kiev khi đàm phán.
Nga thông báo bắn hạ 110 UAV Ukraine trên lãnh thổ, trong khi Kiev tuyên bố chặn 44 trong 49 phi cơ tự sát được Moskva triển khai.
Hãng RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/5 tuyên bố đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các kho đạn dược của Ukraine.
Ngày 15/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Mỹ (CMDA) lần thứ XVI khai mạc tại tỉnh Mendoza, Argentina.
Một tàu chở dầu nữa vừa chìm ngoài khơi Philippines, trong bối cảnh hậu quả từ vụ chìm một tàu chở 1,4 triệu tấn dầu cách đây ba ngày vẫn chưa được khắc phục.
Ngày 28/7, theo thông tin từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, các tàu của Hải quân Nga và Trung Quốc đã triển khai đợt tuần tra chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương.