Hàng ngàn giáo viên tại Đắk Lắk lo lắng trước thông báo truy thu tiền phụ cấp ưu đãi trong nhiều năm do nhiều địa phương chi trả số tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức quy định.
Những ngày qua, hàng ngàn giáo viên tại Đắk Lắk bất ngờ và lo lắng trước thông báo truy thu tiền phụ cấp ưu đãi trong nhiều năm. Nguyên nhân, do nhiều địa phương đã thực hiện chi trả số tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức quy định.
Mới đây, nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đồng loạt ban hành văn bản xử lý thu hồi tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi vượt định mức quy định.
Cụ thể, ngày 27/8/2024, Ủy ban Nhân dân huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ban hành văn bản yêu cầu các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn các xã Ea Lai, Ea Riêng, Ea M’Lay và thị trấn M’Đrắk tiến hành thu hồi phụ cấp ưu đãi cho giáo viên và nộp vào ngân sách huyện.
Đối với giáo viên Mầm non, Tiểu học, thu hồi 15% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 50% xuống còn 35%. Đối với giáo viên các trường Trung học Cơ sở, thu hồi 5% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 35% xuống còn 30%. Thời gian phải thu hồi được tính từ ngày 1/6/2021 đến ngày 31/8/2024.
Ngày 11/9, Huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có văn bản số yêu cầu các trường trên địa bàn 5 xã, thị trấn gồm Xã Hòa An, xã Ea Kly, xã Ea Kuăng, xã Hòa Tiến và thị trấn Phước An thu hồi tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi đã chi từ tháng 1-8/2024.
Tại huyện Cư M’gar, ngày 30/8/2024, Ủy ban Nhân dân huyện có văn bản yêu cầu các trường thu hồi chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đóng trên địa bàn 3 xã là Quảng Tiến, Ea Kpam và thị trấn Quảng Phú theo đúng quy định.
Cụ thể, các trường thu hồi tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi đã chi từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2023. Giao các trường rà soát, chủ động phân kỳ thu hồi tạm nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị và xử lý nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2025, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2025; thu hồi tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi đã chi từ tháng 1- 8/2024, thời gian thu hồi từ tháng 9-11/2024. Số tiền thu hồi tạm nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị và xử lý nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2024.
Ngay sau khi các địa phương ban hành quyết định yêu cầu thu hồi chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, nhiều giáo viên “hoang mang” vì số tiền phải trích từ lương ra trả hàng tháng khá cao.
Trường hợp bà T.T.T (giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cho biết, mới đây giáo viên tại trường nhận được văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu truy thu tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức quy định đối với 3 xã trên địa bàn. Đây là tin rất "sốc" đối với bản thân bà và giáo viên toàn trường, bởi trước đó, nhà trường chưa hề nhận được văn bản nào nói về chuyện truy thu này.
Bà T cho biết, theo văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện, đối với giáo viên Trung học Cơ sở thu 5% phần chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng; đối với giáo viên Tiểu học, Mầm non thu 15%. Thời gian truy thu được tính từ tháng 6/2021 đến ngày 31/8/2024 (tức gần 4 năm).
Có những giáo viên lâu năm bậc Tiểu học, số tiền bị truy thu lên đến 60-80 triệu đồng, còn đối với bậc Trung học cơ sở trung bình mỗi giáo viên sẽ bị truy thu từ 30-50 triệu đồng. Theo nhiều giáo viên, truy thu trong thời gian ngắn như vậy sẽ ảnh hưởng không ít đến đời sống của họ.
“Tiền chúng tôi hưởng không phải lỗi của giáo viên mà do cấp trên nghiên cứu sai. Do đó, chúng tôi cho rằng, sai ai thì người đó chịu. Nếu như trước đó mà có quyết định không được hưởng, thì chúng tôi cũng không được hưởng số tiền này. Tiền của nhà nước phát về cho giáo viên trong thời gian gần 4 năm chúng tôi đã tiêu rồi. Nếu buộc phải truy thu để nhập vào ngân sách nhà nước thì cấp tỉnh, huyện phải có lộ trình truy thu cho hợp lý để không ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên. Đồng thời, phải thực hiện lấy ý kiến của giáo viên các trường,” bà T. nhấn mạnh.
Tương tự, trường hợp bà P.T.T (giáo viên tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) đã công tác trong ngành giáo dục 18 năm. Bà T chia sẻ, cả hai vợ chồng đều làm trong ngành Giáo dục, mức thu nhập sau khi trừ chi phí còn chưa đầy 10 triệu đồng/người/tháng.
Với số tiền trên, vợ chồng bà T phải tính toán, thậm chí tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối để làm thêm bên ngoài mới có kinh phí để lo cho 2 con ăn học và trang trải sinh hoạt gia đình. Khi huyện có quyết định thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024, vợ chồng bà rất hoang mang, thậm chí đã nhen nhóm ý định nghỉ việc.
"Theo tính toán sơ bộ, bản thân tôi phải trả lại khoảng 40 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo. Theo văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện, việc thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi sẽ thực hiện trong thời gian hơn 1 năm. Điều đó đồng nghĩa mỗi tháng, tôi sẽ bị truy thu số tiền hơn 2,6 triệu đồng. Thậm chí có những giáo viên sẽ bị truy thu khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo chính sách, quy định của pháp luật, nhưng, rất mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giãn thời gian truy thu bằng thời gian mà giáo viên đã nhận được khoản tiền phụ cấp ưu đãi để giáo viên yên tâm công tác và ổn định cuộc sống," chị T. chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn, sáng 17/9, Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’gar đã tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ sở giáo dục bị truy thu chế độ phụ cấp ưu đãi vượt mức quy định để bàn bạc, lấy ý kiến các nhà trường tìm hướng khắc phục.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Lê Ngọc Vinh cho biết, theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (quyết định này thay thế cho Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017). Theo quyết định 861, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 54 xã so với Quyết định 582 ngày 28/4/2017) gồm: 54 xã khu vực III (hay còn gọi là xã đặc biệt khó khăn), 71 xã khu vực II và 5 xã khu vực I.
Ông Lê Ngọc Vinh cho biết, sở dĩ 54 xã còn lại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi Quyết định 861 có hiệu lực (từ ngày 4/6/2021) vì chiếu theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 thì các xã này không đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 2 là có tổng số hộ dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.
Ông Vinh cho rằng, ngay sau khi các Quyết định 861 có hiệu lực pháp luật, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk có văn bản triển khai quyết định này về tới tận cơ sở từ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan đến huyện, xã, thôn, buôn. Cho tới nay, qua nắm bắt ở cơ sở cho thấy, người dân từ các thôn, buôn đều hiểu rất rõ Quyết định 861.
Tuy nhiên, không rõ do nguyên nhân từ đâu mà một số địa phương lại không biết xã không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn tới chi trả chế độ chính sách cho giáo viên chưa đúng quy định và phải thu hồi.Dẫn đến tình trạng này, ông Vinh cho rằng, trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị trực tiếp tham mưu, nghiên cứu, cập nhật các văn bản, chế độ chính sách ở cấp địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được kịp thời.
“Qua đây, chúng tôi đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải quán triệt cho công chức, những người tham mưu trực tiếp cho thủ trưởng đơn vị về việc thực hiện các chế độ chính sách, các chế độ chi cho giáo viên phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng phải thu hồi sau khi bị phát hiện của cơ quan có thẩm quyền,” ông Vinh nhấn mạnh.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện thị xã Buôn Hồ chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2024 không đúng hướng dẫn. Chỉ tính riêng tại thị xã Buôn Hồ, việc chi trả sai đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng. Ngoài thị xã Buôn Hồ, qua khảo sát tại một số đơn vị cấp huyện còn lại cho thấy, các đơn vị cũng đang chi trả chế độ phụ cấp theo mức ưu đãi khu vực miền núi cho tất cả giáo viên đang giảng dạy tại các trường đóng chân trên địa bàn là không đúng quy định.
Từ thực trạng trên, Thanh tra tỉnh đã báo cáo và xin chủ trương thống nhất của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 5,6 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ đã chi trả không đúng quy định. Đồng thời, áp dụng biện pháp thu hồi nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền chi không đúng về ưu đãi cho giáo viên ở các đơn vị còn lại trên địa bàn tỉnh.
Để công tác lập, giao dự toán, quyết toán kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đúng chế độ, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương thanh tra chuyên đề về việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo thời kỳ 2021-2024 để kịp thời xử lý, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất, chỉ đạo thực hiện chung trên địa bàn toàn tỉnh./.
Theo hãng tin Reuters (Anh), khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu vẫn đi qua tuyến trung chuyển tại Ukraine. Trong khi đó, nửa còn lại chảy qua đường ống dẫn khí đốt Turkstream nằm dưới Biển Đen.
Một nhà máy chè quy mô lớn xây dựng trái phép ở huyện Tam Đường, dù bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ nhiều lần nhưng cho đến nay vẫn...
Điện Biên - Trong 2 ngày 23-24.12, nhiệt độ tại khu vực Đèo Pha Đin giảm sâu, có lúc xuống dưới 4 độ C, người dân co ro trong giá...
Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông. Báo cáo tại hội nghị, Bộ tưởng Văn hóa...
50 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của 15 công ty Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế tại triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị Kinh doanh Quốc tế Selangor (SIBS) ở Malaysia.
Ngư dân đã tận mắt chứng kiến chiếc trực thăng chao đảo, xoay vòng bay đi bay lại rồi lao nhanh xuống biển phát nổ.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo đủ điều kiện chuyển nhượng 128 thửa đất chưa đúng quy định tại dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch (khu số 1) xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành.
Luật Đất đai mới đã bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Trọng tài thương mại.
Hà Nội đang bước vào mùa hoa ban tím nở rực rỡ, không chỉ trên các tuyến phố trung tâm như: Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Du,…mà ngay tại các khu đô thị, khu chung cư ở Hà Nội cũng rực rỡ hoa ban tím, thu hút người dân chụp ảnh 'check in'.