Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị FPT, nhân lực AI là vũ khí đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia tiên tiến và chúng ta phải tạo ra thế hệ trẻ triển khai 'Bộ tứ chiến lược.'
Ngày 7/5 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Tại sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã chia sẻ một thông điệp mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế." Tuy nhiên, theo ông Bình, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khí quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.
Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, nếu thời 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
Ông Trương Gia Bình tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng đã chỉ ra ‘bộ tứ chiến lược’ như Thủ tướng. Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân – như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ – tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế."
Cảnh báo về sự tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Bình nói: "Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này."
Cuối cùng, ông Trương Gia Bình kêu gọi: “Từ lời Bác Hồ dạy Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải “dạy lịch sử dân tộc” cho người lính, thanh niên hôm nay cũng cần được hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai Việt Nam tiên tiến. Hãy cùng nhau sáng tạo và đào tạo ra những thế hệ nhân lực AI mới. Khi thế giới lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm, thì Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành trung tâm nhân lực công nghệ toàn cầu.”
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Toạ đàm "Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi nghị quyết 57-NQ/TW."
Tọa đàm xoay quanh các giải pháp và chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các diễn giả cũng đã khẳng định rằng ứng dụng khoa học công nghệ, AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, giáo dục cần phải đổi mới sâu sắc. Việc "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực sẽ thay đổi không chỉ cách học mà còn cả mục tiêu và nội dung của chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Ông Trương Gia Bình cũng chia sẻ về sự cần thiết phải tạo ra nguồn "nhân lực chiến lược" - những con người không chỉ có kiến thức vững vàng mà còn có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ rằng yếu tố con người là chìa khóa để kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả cùng đồng thuận cần chân dung nhân lực mới - có thể gọi là "Kỹ sư 57." Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng các kỹ sư này cần không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Trường Đại học FPT đã triển khai một chương trình đào tạo mới, thiết kế dành riêng cho các sinh viên năm cuối và năm đầu để chuẩn bị cho các dự án thực tiễn.
Những thách thức vẫn còn rất lớn, nhưng với sự quyết tâm và hợp tác của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh mẽ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ xây dựng quốc gia trong thời đại số.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các học viện, đại học đã ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu đã tham gia ký kết gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT.
Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách./.
Thanh Hóa - Điểm mới của kỳ sát hạch GPLX là lực lượng CSGT sẽ tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với học viên trước...
Công an một số tỉnh vừa công bố danh sách phạt nguội , trong đó, lỗi phổ biến vẫn là chạy quá tốc độ quy định.
Một người đàn ông ở Ấn Độ đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi lái chiếc 'giường di động' tự chế trên đường phố.
Theo danh sách phạt nguội công an các tỉnh công bố đến cuối tháng 3, nhiều người lái xe vi phạm lỗi chạy quá tốc độ.
Theo các nhà khoa học, khoáng chất sulfat tồn tại với các lượng nước khác nhau ở hầu hết các vùng trên sao Hỏa và cho phép chúng ta hiểu cách nước di chuyển quanh hành tinh.
Cục Sở hữu trí tuệ phát động hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới; Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về Kinh tế sáng tạo trong âm nhạc.
Sáu 'hố tử thần' xuất hiện ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan sau trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar vừa qua. Tính đến nay, gần 100 dư chấn đã được ghi nhận sau động đất.
Ngày 17.2.2025, Công an tỉnh Bắc Ninh thông báo kết quả phát hiện xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát giao thông và máy đo tốc độ từ 20.1 - 2.2.2025.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, khi con đường phát triển đã rõ ràng, chỉ cần biết cách làm và quyết tâm làm sẽ thành công.