Chạy liên tục 13,5 tiếng, đoàn tiền trạm 20 thành viên của nhóm Hội phản ứng nhanh PUN75 của Huế đã tới TP Hải Phòng lúc 8h30 sáng nay.
"Trước mắt chúng tôi cây xanh đổ ngã, mái tôn, bảng quảng cáo, kính vỡ, sắt thép đầy đường", Nguyễn Đình Anh Khoa, trưởng đoàn PUN75 nói.
Ngay khi đến nơi, đoàn họp nhanh với Thành Đoàn Hải Phòng để triển khai các công việc tại hiện trường. Từ hơn 10h sáng 9/9, các thành viên của PNU75 đã bắt tay ngay vào xử lý các hậu quả sau bão tại sân vận động Đồ Sơn. Nơi đây đang vô cùng nhếch nhác, cây cối ngã tứ tung.
Dự kiến 15h30 chiều nay, 50 tình nguyện viên khác của nhóm sẽ lên tàu từ Huế ra Hải Phòng.
Anh Khoa cho biết rút kinh nghiệm từ những đợt bão, lũ gây thiệt hại lớn ở Huế, khi đoàn hỗ trợ hai miền Bắc - Nam ra tới nơi thì lực lượng địa phương đã dọn dẹp gần xong nên nhóm muốn đến hỗ trợ sớm nhất có thể. Tuy ý tưởng có từ sớm họ vẫn mất một ngày để liên hệ ra vùng tâm bão, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết.
7h sáng 9/9, hơn 35 thành viên nhóm Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi. "Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi cơn bão đi qua nên mong muốn đóng góp sức nhỏ của mình cho bà con vùng tâm bão Yagi", anh Lưu Lê Dũng, trưởng nhóm Jungle Boss nói.
Nhóm tập hợp người địa phương ở Phong Nha, Quảng Bình, làm trong công ty được đào tạo bài bản kỹ năng cứu hộ cứu nạn qua quá trình thám hiểm hang động. Họ mang theo trang thiết bị an toàn và leo trèo chuyên dụng trong trường hợp cần dùng đến.
Anh Dũng cho biết nhiệm vụ của nhóm các ngày tới chủ yếu là dọn dẹp cây cối, sửa chữa lại các trường học hoặc bệnh viện bị bão làm hư hỏng. "Hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương trợ và cũng là nghĩa tình lúc hoạn nạn có nhau", anh nói.
Ngoài các hội nhóm, rất nhiều người dân miền Trung cũng mong muốn được sẻ chia khó khăn với đồng bào miền Bắc. Ở xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, những ngày qua chị Phan Khánh Thìn, 36 tuổi, một lòng hướng về miền Bắc.
"Quê hương tôi miền Trung hàng năm chịu nhiều thiên tai bão lũ, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người từ miền Bắc và miền Nam. Nay bà con miền Bắc gặp nạn, chúng tôi vô cùng lo lắng, không biết ngoài đó ít bão bà con có kinh nghiệm chống bão, có tích trữ được đồ ăn, bảo vệ được nhà cửa hay không?", chị nói.
Chị Thìn kể đến giờ vẫn không thể quên mùa bão lũ 2016 khi mới sinh con thứ ba, bão vào làm tốc mái. May nhờ hỗ trợ, gia đình mới có tiền để lợp lại mái và lương thực chống đói, quần áo, chăn màn, sách vở cho gia đình bắt đầu lại cuộc sống.
"Ân tình đó tôi ghi nhớ suốt cuộc đời", chị nói. "Kể từ đó vợ chồng tôi bảo nhau cố phấn đấu cho kinh tế khá lên, mai này có điều kiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác".
Từ sự giúp đỡ ấy, gia đình chị Thìn có thêm động lực thoát nghèo bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Hàng năm, chị Thìn luôn chia sẻ lại hình ảnh gia đình nhận được sự hỗ trợ của đoàn thiện nguyện như một sự nhắc nhớ bản thân.
Sau khi đọc thông tin bão Yagi gây thiệt hại lớn, chị bàn với chồng là anh Trương Huy Sơn sẽ làm gì đó để giúp đỡ lại bà con miền Bắc. Hiện chị đã liên hệ với các đầu mối tiếp nhận hỗ trợ ở miền Bắc, song song kêu gọi bà con quê mình chung tay đóng góp tiền và vật lực để giúp đỡ bà con miền Bắc.
Chị Lê Linh, trưởng nhóm tiếp nhận tình nguyện viên ở TP Hải Phòng, cho biết sau bão Yagi, huyện Tiên Lãng, quận Đồ Sơn, Cát Bà và Cát Hải là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh. Sáng nay 9/9, quận Đồ Sơn vẫn mất điện, mất nước, không mạng wifi.
Hai ngày tới, Đồ Sơn sẽ diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống (10/8 âm lịch). Tình hình về thực phẩm, kinh tế của người dân ổn định nhưng rất cần nguồn lực con người để khắc phục hậu quả sau bão.
May mắn đã có hàng trăm tình nguyện viên đổ về ngay trong đêm. "Tôi rất xúc động trước tinh thần tương trợ này", chị Linh nói.
Ngọc Ngân - Phan Dương
TPHCM - Chuyên ngành cấp cứu ngoại viện, mặc dù những năm qua có sự phát triển, nhưng hiện nay vẫn cần có cơ chế đặc thù để hút nhân...
Hành trình 30 năm hoạt động tình nguyện hè của tuổi trẻ TP.HCM in dấu chân của bao chiến sĩ. Họ đã lớn lên cùng các chiến dịch theo năm tháng.
Thể hiện phong độ qua các phần thi, bạn Dư Thị Thanh Xuân đã xuất sắc đoạt giải Nhất hội thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi tỉnh Bình Phước năm 2023.
Dù có thu nhập gần 50 triệu một tháng thế nhưng người đàn ông 40 tuổi không dám tiêu tiền, thậm chí anh chia sẻ “không dám cầm đồng tiền chứ đừng nói đến tiêu tiền” và được bác sĩ chản đoán mắc hội chứng sợ tiền.
Huế tổ chức tuần lễ ẩm thực truyền thống, giới thiệu các món ngon địa phương và ba miền đất nước, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế dịp lễ 30/4 và 1/5.
Ủy ban Y tế Israel cho biết đã chiết xuất tinh trùng của 39 người thiệt mạng trong chiến tranh để gia đình họ sử dụng với mục đích thụ tinh nhân tạo trong tương lai.
Tính đến nay ngày 1-10 (sau 16 ngày), hệ thống bếp cơm di động dã chiến do Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam vận hành, cung cấp 56.000 phần cơm miễn phí cho người dân vùng lũ 5 tỉnh thành phía Bắc.
Chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” năm 2023 tại Trường Sa là một điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hành trình 10 năm Hội Sinh viên Việt Nam đưa sinh viên đi thăm, thực hiện loạt công trình, phần việc ý nghĩa tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Xe 29 chỗ chở bé trai bị bỏ quên thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà (trụ sở ở Thái Bình), được Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cấp phù hiệu xe hợp đồng.