Những ngày đầu tháng 11, phóng viên Báo Lao Động có dịp về thăm huyện Thuận Châu, một huyện vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống... Đến đây, mọi người đều có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh của những người phụ nữ dân tộc Thái mặc áo cóm, “Tẳng cẩu”. Đây là giá trị văn hoá truyền thống mà người phụ nữ Thái gìn giữ bao đời nay.
“Tẳng cẩu” trong quan niệm của phụ nữ Thái
Vượt quãng đường hơn 30km từ thành phố Sơn La, phóng viên Báo Lao Động đã có mặt ở một xã vùng cao. Người dân sinh sống tại nơi đây chiếm đa số là dân tộc Thái, hầu hết phụ nữ vẫn còn lưu giữ và bảo tồn cho mình giá trị văn hoá truyền thống, phong tục “Tẳng cẩu”.
Chị Lường Thị Hương (34 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu) chia sẻ: “Hầu hết phụ nữ Thái trên địa bàn lấy chồng đều sẽ thực hiện nghi lễ “Tẳng cẩu” để có thể phân biệt giữa người con gái chưa có gia đình và đã lập gia đình. Đối với mình phong tục “Tẳng cẩu” của người phụ nữ Thái là một bản sắc văn hoá rất đẹp, được lưu giữ qua nhiều thế hệ”.
Còn với bà Lò Thị Mún (50 tuổi, trú tại xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu), thì phong tục “Tẳng cẩu” không chỉ là búi tóc lên đỉnh đầu, mà nó còn biểu hiện lòng thủy chung son sắt trong lối sống, đạo đức hôn nhân người Thái. Người phụ nữ kể từ ngày “Tẳng cẩu” không bao giờ được thả tóc xuống nữa, kể cả khi làm việc hay đi ngủ vẫn phải “Tẳng cẩu”.
“Búi tóc chỉ được tháo xuống khi chồng mất, đoạn tang chồng thì lại búi tóc lên. Nếu người chồng còn sống, thì phải “Tẳng cẩu” cho đến già, đến hết đời” - bà Mún cho hay.
Theo những già làng ở huyện Thuận Châu, phong tục “Tẳng cẩu” là một nghi thức đặc biệt trong dịp hôn nhân như để nhận biết một người phụ nữ đã có chồng.
“Tẳng cẩu” là búi tóc gọn gàng trên đỉnh đầu dùng một chiếc trâm bạc điểm xuyến qua búi tóc, là một luật tục của đồng bào dân tộc Thái thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng trong hôn nhân.
Nghi thức “Tẳng cẩu” trong hôn nhân của phụ nữ Thái
Là một người am hiểu về nghi thức “Tẳng cẩu” cho cô dâu trong dịp hôn nhân, bà Lò Thị Chiêm (48 tuổi, trú tại xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: “Suốt hơn 10 năm qua, khi con cháu trong nhà hay mọi người trong bản làng nhờ làm đại diện trong lễ “Tẳng cẩu”, tôi đều đồng ý nhận lời tới giúp, nhiều lần đến nỗi không thể đếm xuể”.
Theo bà Chiêm, để tiến hành phong tục này thường nhà trai sẽ xem giờ đẹp, ngày lành, tháng tốt (khoảng tháng 10-11-12 hằng năm). Nghi lễ sẽ diễn ra trong khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ.
Trong dịp này, nhà trai sẽ nhờ hai người phụ nữ (Me lam) đại diện đến giúp làm lễ “Tẳng cẩu” cho cô dâu. Hai người này phải là những người có gia đình êm ấm, hạnh phúc, khéo ăn nói, hiểu biết về phong tục tập quán. Họ cũng chính là người trực tiếp chải chuốt “Tẳng cẩu” cho cô dâu, dặn dò cô dâu những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng.
Bên cạnh đó, các đồ vật làm lễ “Tẳng cẩu” cũng rất cầu kỳ. Nhưng trong đó nhất định phải có một cái lược để chải tóc cho cô dâu, một bát nước lã (bên trong có sỏi, búi rau, mần trầu) để nhúng vào lược chải tóc cho cô dâu.
Nghi lễ “Tẳng cẩu” được thực hiện theo từng bước rất độc đáo. Đầu tiên là phần gội đầu cho cô dâu mới. Khi sương sớm vừa tan, bên bờ suối, hai người phù dâu sẽ giúp cô dâu xõa tóc và gội đầu bằng Nặm khảu má (nước ngâm gạo nếp) đựng sẵn trong ống tre cùng với nước đun lá bưởi, lá sả, tre ngà...
Khi thực hiện nghi thức “Tẳng cẩu”, hai Me lam sẽ đứng bên cạnh cô dâu, một Me lam gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra, chải thật mượt để kết cùng hai bó tóc rời. Khi tóc đã chải mượt thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc, cuộn tròn, phần trên để tóc hơi chùng, bồng ra và chải mượt.
Cuối nghi thức “Tẳng cẩu”, Me lam sẽ dùng hai tay vuốt ngược tóc từ sau gáy và giắt quanh búi tóc. Vừa làm Me lam vừa khẽ hát những lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương, sau đó nhà trai có thể xin đón cô dâu về nhà.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn - cho biết: “Xã Thôm Mòn có gần 99% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, người dân nơi đây luôn giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hoá, phong tục “Tẳng cẩu” của người phụ nữ Thái”.
Không phải ai đi lấy chồng cũng sẽ làm lễ “Tẳng cẩu”. Tuy vậy, những người phụ nữ Thái ở vùng cao Sơn La vẫn luôn chọn “Tẳng cẩu” trong hôn nhân, qua đó, thể hiện được nét đẹp riêng, nét văn hóa truyền thống đặc sắc không lẫn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cứ đầu hè, 311 người trong đại gia đình ông Ngãi lại tổ chức lễ báo cáo thành tích học tập của con cháu và chuẩn bị cho chuyến du lịch chung của cả nhà.
Từ khi có Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng có điều...
Kết thúc bình chọn trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online, đã có 216.483 lượt bình chọn cho 14 ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2023.
Ngày 5-5, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình nhà văn Sơn Tùng, trong đó có bản thảo viết tay tác phẩm ‘Búp sen xanh’, nhiều bản thảo viết tay khác về Bác Hồ và bức hoành phi ‘lận đận’.
Người phụ nữ (61 tuổi) ở Quảng Ninh mắc cùng lúc hai loại ung thư: ung thư buồng trứng và ung thư trực tràng.
UK/Vietnam Season 2023 sẽ bao gồm nhiều hoạt động xoay quanh hai chủ đề Việt Nam và Anh cùng quan tâm là “Ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Di sản chung của chúng ta.”
Áp lực trước việc nuôi dạy con, một số bậc cha mẹ đăng ký các lớp học để trở thành cha mẹ thông thái. Nhưng trước một rừng khóa học cùng những khuyến mãi, cha mẹ không biết đâu mà lần.
Ngày 14/1, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tổ chức chương trình “Xuân yêu thương - Tết sẻ chia”, tặng quà con em công nhân và tuyên dương thanh niên khởi nghiệp.
Đêm 12-9, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đăng tải hơn 12.000 trang sao kê, dân mạng đã dành cả đêm check var người nổi tiếng, bạn bè…