Gây áp lực, hạ thấp uy tín của đối phương có thể là chiến thuật ông Trump đang sử dụng để thúc đẩy Ukraine chấp nhận thỏa thuận với Nga hoặc khiến châu Âu phải làm nhiều hơn.
Ngoài các vai trò nổi tiếng như tổng thống Mỹ, ông trùm bất động sản, ngôi sao truyền hình thực tế, ông Donald Trump còn từng là tác giả cuốn sách bán chạy một thời.
Trump: The Art of The Deal (Trump: Nghệ thuật đàm phán), xuất bản lần đầu năm 1987 từng nằm trong danh sách bán chạy nhất của NY Times trong gần một năm. Đó là cuốn hồi ký kiêm sổ tay kinh doanh của ông Trump, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tính cách và cách ông đạt được các thỏa thuận.
"Phong cách đàm phán của tôi khá đơn giản và dễ hiểu. Tôi đặt mục tiêu rất cao và sau đó không ngừng thúc đẩy để đạt được nó", Trump viết trong sách.
Khi nói đến việc đánh bại đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh, ông Trump viết rằng "đôi khi một phần trong nỗ lực đạt thỏa thuận là phải hạ thấp đối thủ".
Jonathan Este, nhà phân tích cấp cao của The Conversation, chỉ ra đây là chiến lược ông Trump đã sử dụng để ứng phó với các đối thủ ngay từ khi vận động tranh cử, khi ông liên tục chỉ trích và hạ thấp uy tín của cựu tổng thống Joe Biden cùng cựu phó tổng thống Kamala Harris. Este cho rằng ông chủ Nhà Trắng cũng đang áp dụng cách này khi tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine, chỉ có điều ông lại thực hiện điều đó với bên vốn là đồng minh.
Ông Trump những ngày qua chỉ trích gay gắt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong các bài phát biểu trước báo chí hoặc trên mạng xã hội. Ông đổ lỗi cho Ukraine bắt đầu cuộc chiến, gọi ông Zelensky là "kẻ độc tài không được bầu", "diễn viên hài không mấy thành công" hay "người đã làm công việc tồi tệ, khiến đất nước bị tàn phá và hàng triệu người chết vô ích".
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ lên tiếng cho rằng Ukraine là bên bắt đầu cuộc xung đột. Ông Biden trong gần ba năm qua liên tục cáo buộc Nga là bên gây chiến và khẳng định Ukraine có quyền tự vệ. Ông Trump cho rằng mọi thứ đã khác nếu ông là tổng thống Mỹ năm 2022.
"Tôi đáng lẽ có thể thực hiện một thỏa thuận giúp Ukraine giữ được toàn bộ đất đai và không có người nào bị giết, không thành phố nào bị phá hủy, không công trình nào bị đổ sập. Nhưng họ đã chọn không làm theo cách đó", ông nói.
Stephen Hall, chuyên gia về chính trị Nga tại Đại học Bath ở Anh, nhớ lại các cuộc đàm phán đầu tiên về xung đột Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc chiến nổ ra. Ông cho rằng ý tưởng Ukraine nên đồng ý thỏa thuận hòa bình hồi tháng 3-4/2022 là vô lý.
"Nếu Ukraine đồng ý một thỏa thuận dựa trên cuộc đàm phán ở Istanbul, rất có thể quốc gia này sẽ trở nên giống như một tỉnh của Nga, khi được lãnh đạo bởi một chính phủ thân Moskva và cấm Kiev gia nhập các liên minh với phương Tây", Hall nhận định.
Vào thời điểm đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine và cả chính phủ của cựu tổng thống Joe Biden không ủng hộ ý tưởng xoa dịu Nga bằng cách nhượng bộ như vậy. Nhưng bây giờ, dưới chính quyền của Tổng thống Trump, mọi thứ có thể sẽ thay đổi. Giới quan sát lo ngại Ukraine có thể phải chấp nhận những nhượng bộ đáng kể để chấm dứt xung đột với Nga.
"Cuối cùng chúng tôi giành chiến thắng bằng cách khiến người khác mệt mỏi. Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc, trong khi đối thủ dần đuối sức", ông Trump từng viết trong sách The Art of The Deal.
Tuy nhiên, cũng có cách nhìn khác về các động thái của ông Trump. Các nhà bình luận của CNN cho rằng "sự thay đổi tâm trạng thất thường" của ông Trump chưa thể hiện Mỹ sẽ thay đổi toàn diện chính sách đối ngoại, rời xa các đồng minh lâu năm ở châu Âu và hướng tới Điện Kremlin.
Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump tại Washington cho rằng Tổng thống có thể đang có một kế hoạch lớn. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer cho rằng ông Trump đang tạo ra điều kiện thuận lợi để phía Nga chấp nhận lắng nghe các lập trường của mình.
Một người trung thành gần đây đã nói chuyện với Tổng thống ở Florida cho biết ông Trump chỉ trích Kiev để thể hiện sự gay gắt nhằm cảnh báo châu Âu phải chi nhiều tiền hơn để bảo vệ Ukraine.
Trong The Art of The Deal, ông Trump kể về một người đàn ông mà ông đã thuê làm quản lý bất động sản tại khu chung cư Swifton Village ở Cincinnati. Irving. Trump gọi ông ta là "một gã lừa đảo, một trong những gã nói dối giỏi nhất tôi từng gặp".
Khi đi thu tiền thuê nhà, Irving đã tán tỉnh một người phụ nữ và chửi thề trước mặt con gái bà ta, khiến người chồng cao to, nặng hơn 100 kg xông vào văn phòng để đối đầu với Irving. Irving nổi điên, tỏ ra nguy hiểm và dọa nạt lại ông này: "Tôi sẽ giết anh. Tôi sẽ hủy hoại anh. Đôi tay này là vũ khí chết người". Người chồng liền rời đi.
Ông Trump rút ra được bài học từ câu chuyện rằng phải giữ một vị thế mạnh mẽ khi đàm phán. "Bạn không thể sợ hãi. Bạn làm công việc của mình, giữ vững lập trường, bạn đứng thẳng thật ngạo nghễ", ông viết.
Nguồn tin gần đây gặp ông Trump nói rằng "những tuyên bố gây sốc thực chất mang chiến lược và có cách để phản hồi chúng", dẫn chứng Đan Mạch đã cam kết tăng chi tiêu cho vũ khí.
Một cố vấn của ông Trump cũng đồng tình với quan điểm này khi nói với CNN: "Nếu các nước châu Âu khác nhiệt tình phản ứng bằng một nửa Đan Mạch thì đó đã là chiến thắng lớn".
Cựu thủ tướng Anh Boris Johnson bác bỏ hầu hết các tuyên bố của Tổng thống Mỹ nhưng cho rằng ông Trump đang thúc đẩy một quan điểm lớn hơn.
"Khi nào châu Âu mới ngừng hoang mang về Donald Trump và bắt đầu giúp ông ấy chấm dứt cuộc chiến này?", Johnson viết. "Tất nhiên Ukraine không phải là bên bắt đầu cuộc chiến. Tất nhiên một quốc gia đang trong thời chiến không nên tổ chức bầu cử. Không có cuộc tổng tuyển cử nào ở Anh từ năm 1935 đến năm 1945. Tất nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky không phải là 4%. Trên thực tế, tỷ lệ của ông ấy gần bằng ông Trump".
"Những tuyên bố của Trump không nhằm mục đích kể chính xác về mặt lịch sử mà nhằm gây sốc cho người châu Âu để họ hành động", Johnson viết.
Các hội nghị được sắp xếp vội vã của các lãnh đạo châu Âu trong tuần qua, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, cho thấy những tuyên bố của ông Trump đang được nhìn nhận rất nghiêm túc.
Ông Macron sẽ tới Washington vào tuần tới để họp với ông Trump. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ có động thái tương tự. Ông Starmer hôm 16/2 viết trong một bài xã luận trên Telegraph rằng Anh sẵn sàng gửi quân đội để hoạt động như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Chủ đề được lặp đi lặp lại trong The Art of The Deal là luôn cởi mở tiếp nhận các phương án. "Tôi để ngỏ rất nhiều phương án, bởi vì hầu hết các thỏa thuận đều thất bại, bất kể ban đầu chúng có vẻ hứa hẹn ra sao. Ngoài ra, một khi đã đạt thỏa thuận, tôi luôn nghĩ ra ít nhất nửa tá cách để thực hiện thỏa thuận đó, bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, ngay cả với những kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng nhất", Trump viết.
Trong sách, Trump cũng nói rằng ông có ít thời gian quan tâm đến những lời chỉ trích và tin vào bản năng của mình. "Tôi nghĩ rằng việc tạo ra thỏa thuận là một khả năng mà bạn sinh ra đã có. Nó nằm trong gene. Không phải là tôi đang tỏ ra tự cao tự đại đâu. Trí thông minh không phải yếu tố quyết định. Tất nhiên, việc này đòi hỏi trí thông minh nhất định, nhưng chủ yếu là về bản năng", ông viết.
Về Ukraine, ông Trump tự tin rằng mình là người gìn giữ hòa bình. "Chúng ta đang đàm phán thành công với Nga để chấm dứt xung đột, điều mà tất cả mọi người đều thừa nhận rằng chỉ có Trump mới làm được", Tổng thống phát biểu hôm 19/2.
"Chính quyền Trump sẽ làm được điều đó. Tôi nghĩ ông Putin thậm chí đã thừa nhận điều đó", ông nói thêm.
Thùy Lâm (Theo CNN, The Conversation, National Post)
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 24/2.
Trong 3 năm, Mỹ viện trợ khoảng 95 tỉ USD cho Ukraine, trở thành quốc gia hỗ trợ nhiều nhất; Ukraine mất khoảng 11% lãnh thổ vào tay Nga.
Xung đột Nga - Ukraine ba năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho hai nước và tạo ra nhiều biến động trên thế giới, với triển vọng kết thúc chưa thực sự rõ ràng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Leavitt bày tỏ vinh dự được làm việc cùng Tổng thống Trump, mô tả ông là người biết lắng nghe và luôn nói thẳng.
Nga triển khai biên đội máy bay Tu-95MS và Su-35S trên vùng trời gần bang Alaska, khiến không quân Mỹ điều động chiến đấu cơ tàng hình F-35A giám sát.
Điện Kremlin nói Nga sẽ 'không bao giờ bán' các vùng đã kiểm soát trong chiến dịch ở Ukraine, bày tỏ ủng hộ những phát biểu của ông Trump.
Ngày 23/2, một số vụ nổ bom đã xảy ra tại các tỉnh miền Nam Thái Lan gây thương vong. Đáng chú ý, có vụ nổ xảy ra ngay trước khi phái đoàn của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tới.
Ông Putin tuyên bố Thượng đế và định mệnh đã giao phó cho ông và quân đội sứ mệnh bảo vệ nước Nga - một nhiệm vụ ông cho là khó khăn nhưng vinh quang.
Cuộc đàm phán với Mỹ ở Arab Saudi có thể giúp Nga chấm dứt thế cô lập của phương Tây, mở ra cơ hội kết thúc chiến sự Ukraine theo hướng có lợi cho Moskva.