Cuộc đàm phán với Mỹ ở Arab Saudi có thể giúp Nga chấm dứt thế cô lập của phương Tây, mở ra cơ hội kết thúc chiến sự Ukraine theo hướng có lợi cho Moskva.
Sau cuộc đàm phán về xung đột Ukraine tại Riyadh, Arab Saudi, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí thành lập các nhóm thảo luận về vấn đề Ukraine, đồng thời nêu lên triển vọng "cơ hội kinh tế và đầu tư lịch sử" cho Nga nếu xung đột kết thúc.
Ông Rubio nói mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đạt thỏa thuận "công bằng, lâu dài, bền vững và có thể chấp nhận được đối với các bên liên quan".
Giới chức Mỹ không nói rõ Ukraine sẽ đóng vai trò gì trong các cuộc đàm phán tương lai, khi họ đã không được mời tham gia cuộc họp kéo dài 4 tiếng rưỡi tại Riyadh ngày 18/2. Điều đó khiến Ukraine càng thêm lo lắng và bất bình.
Song Nga dường như hài lòng với kết quả đàm phán.
"Nga từ lâu mô tả cuộc chiến ở Ukraine bắt nguồn từ đà mở rộng sang phía đông của NATO và cuộc gặp song phương này dường như đã giúp duy trì lập luận đó", Nick Paton Walsh, nhà phân tích của CNN, nhận định.
Được thành lập năm 1949, NATO ban đầu là một khối an ninh của phương Tây phục vụ mục tiêu đối đầu Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô tan rã năm 1990, NATO không còn mục tiêu chính để tồn tại, nhưng khối này dần biến thành một tổ chức quân sự của thế kỷ 21 và ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên ở Đông Âu.
Sau năm 1997, thời điểm NATO kết nạp loạt nước Đông Âu, giấc mơ trở thành thành viên của khối trỗi dậy và lớn dần lên ở Ukraine, nhất là khi tổng thống Mỹ George W. Bush bày tỏ ủng hộ ý tưởng đó vào năm 2008, hứa hẹn rằng "một ngày nào đó, NATO sẽ kết nạp Ukraine" nhưng không đưa ra khung thời gian cụ thể.
Nga xem đây là mối đe dọa với an ninh nước này. Cốt lõi của hiệp ước NATO là Điều 5, cam kết một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào đều được xem là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Điều này có nghĩa nếu Ukraine gia nhập NATO, bất kỳ động thái quân sự nào của Nga với Ukraine đều sẽ khiến Moskva vướng vào xung đột với cả liên minh.
Ông Lavrov trong cuộc họp ở Riyadh khẳng định Nga không thể chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO hay triển khai quân đội NATO trên lãnh thổ Ukraine. Điện Kremlin tái khẳng định yêu cầu đàm phán về cấu trúc an ninh của NATO ở châu Âu như một phần thỏa thuận chấm dứt xung đột.
"Tôi có lý do để tin rằng phía Mỹ đã nhận thức rõ hơn về lập trường của chúng tôi. Nga và Mỹ đã nhất trí rằng khi có bất đồng về lợi ích, chúng ta sẽ cần giải quyết vấn đề hơn là kích động xung đột", ông Lavrov nói.
Trong khi cuộc họp tại Arab Saudi đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu từ Moskva, nói rõ hơn yêu cầu mới từ Nga. Bà nói NATO không chỉ phải từ chối kết nạp Ukraine, mà còn phải ra tuyên bố từ bỏ lời hứa đưa ra vào năm 2008.
Tổng thống Trump cùng ngày đổ lỗi cho Kiev vì khơi mào cuộc chiến với Nga. "Ukraine đáng lẽ không nên bắt đầu nó", ông nói với phóng viên tại Mỹ.
Ngày 21/2, khi được Fox News hỏi về phát ngôn này, ông Trump nói "Nga đã tấn công, nhưng lẽ ra họ không nên để Nga tấn công", cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden đáng lẽ cần có hành động để ngăn Nga mở chiến dịch.
Ông Trump cũng bày tỏ ủng hộ tổ chức bầu cử ở Ukraine nếu nước này muốn tham gia đàm phán, lặp lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hết vào năm 2024, nhưng các cuộc bầu cử tổng thống bị trì hoãn do luật pháp Ukraine cấm tổ chức bầu cử khi đất nước đang áp thiết quân luật.
Các trợ lý của Tổng thống Trump mô tả cuộc họp ở Riyadh giúp mở cánh cửa cho triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine, cũng như mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến của ông Trump và ông Putin.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nó cũng đánh dấu việc phá vỡ lập trường "không có quyết định nào về Ukraine được đưa ra nếu Kiev không tham gia" mà cựu tổng thống Mỹ Joe Biden cùng đồng minh phương Tây duy trì những năm qua.
Trong khi đó, chính quyền Trump lưu ý rằng Washington đã thảo luận sâu rộng với Ukraine suốt 3 năm qua nhưng không kết nối với Nga. "Nếu bạn muốn hòa giải, bạn phải nói chuyện với cả hai bên", Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz nói.
Waltz thêm rằng Tổng thống Trump quyết tâm "hành động nhanh" và các cuộc đàm phán tương lai sẽ xác định liệu Nga có thể giữ lãnh thổ mà họ kiểm soát hay không.
Trong khi chính quyền ông Trump mô tả cuộc nhóm họp là bước đầu tiên cho nỗ lực hòa bình lớn, giới chức Nga nói đây là cơ hội chấm dứt giai đoạn trừng phạt cả về kinh tế và chính trị, cũng như củng cố quan hệ với siêu cường hạt nhân.
"Điều quan trọng ở đây là bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa chúng tôi và Washington", trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nói tại Riyadh.
Nga đã nhận được những kết quả thực tế. Ngoại trưởng Rubio cho biết các đại sứ quán Mỹ và Nga sẽ nối lại hoạt động đầy đủ hơn sau khi bị cắt giảm thời gian qua. Hai bên cũng nhất trí tìm cách hợp tác kinh tế và các chính sách đối ngoại nếu xung đột kết thúc và quan hệ được cải thiện.
Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Nga và hiện là chuyên gia tại Trung tâm Carnegie, nói Nga đã giành được lợi thế sau khi "phá băng" bằng cuộc đối thoại cấp cao.
"Bây giờ bất chấp thực tế là giao tranh vẫn tiếp tục, các quan chức cấp cao Mỹ đã ngồi vào bàn và nói chuyện với người Nga. Đó là chiến thắng lớn đối với ông Putin vì Ukraine hay châu Âu không góp mặt", bà nói.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga, nói Moskva đã đưa ra các đề xuất hợp tác kinh doanh và năng lượng mới với Washington, bày tỏ lạc quan hai bên có thể ký kết các thỏa thuận trong vòng vài tháng.
"Cả thế giới đang xem liệu Mỹ và Nga có thể cải thiện quan hệ hay không. Điều đó cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Chúng tôi thấy hợp tác kinh tế rất quan trọng", Dmitriev nói.
Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil từng hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga để thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, nhưng đã rút khỏi dự án vào năm 2018 vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở Bắc Cực trong nhiệm kỳ này, điển hình là loạt tuyên bố sẽ mua Greenland và không loại trừ biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát hòn đảo chiến lược.
Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan và hiện làm việc tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết nỗ lực ngoại giao của chính quyền ông Trump có thể mang lại kết quả nếu Nhà Trắng không để sự nhiệt tình thúc đẩy quan hệ với Nga của họ lấn át nhu cầu bảo vệ lợi ích cho Ukraine.
"Có ý kiến cho rằng chúng ta không nên gặp Nga khi họ đang tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Điều quan trọng hơn là khi nói chuyện, chúng ta cần duy trì lập trường vững chắc để không trở thành những gã khờ", ông nói.
Thùy Lâm (Theo CNN, Washington Post, WSJ)
Ngày 23/2, một số vụ nổ bom đã xảy ra tại các tỉnh miền Nam Thái Lan gây thương vong. Đáng chú ý, có vụ nổ xảy ra ngay trước khi phái đoàn của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tới.
Ông Putin tuyên bố Thượng đế và định mệnh đã giao phó cho ông và quân đội sứ mệnh bảo vệ nước Nga - một nhiệm vụ ông cho là khó khăn nhưng vinh quang.
Cảnh sát Thái Lan và Campuchia đột kích tòa nhà ở thị trấn biên giới trong cuộc truy quét các trung tâm lừa đảo, giải cứu 215 người nước ngoài.
Ba năm trước, vào rạng sáng ngày 24/2/2022, một sự kiện làm rung chuyển trật tự thế giới thời hậu 'chiến tranh lạnh' đã bất ngờ nổ ra khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có nhằm vào nước láng giềng lớn nhất ở phía Tây là Ukraine.
267 máy bay không người lái (drone) của Nga đã tấn công Ukraine từ đêm 22 đến sáng 23-2, theo giới chức Kiev. Đây là số lượng kỷ lục kể từ khi xung đột bùng nổ.
Quân đội Mỹ đang nghiên cứu ý tưởng chỉnh sửa hồng cầu để giúp binh sĩ có thể chống chọi hiệu quả hơn trong môi trường khắc nghiệt.
'Đêm trôi qua trong yên bình, Giáo hoàng đã nghỉ ngơi', Tòa thánh Vatican cho biết trong bản cập nhật chỉ một câu vào sáng 23-2 (giờ địa phương).
Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, xung đột ở Ukraine cho thấy tính hiệu quả của quân đội Nga dù phải đối đầu với gần như toàn bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ukraine nói Nga đã phóng 267 UAV vào lãnh thổ nước này, số lượng nhiều nhất trong một cuộc tấn công kể từ đầu xung đột.