Nội các chiến tranh Israel được thành lập để đoàn kết dân tộc chống lại Hamas, song bất đồng giữa các thành viên về chiến sự Gaza đã khiến bộ máy sụp đổ.
Hơn 8 tháng sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 17/6 thông báo giải tán nội các chiến tranh.
Nội các chiến tranh, đóng vai trò thay thế cho nội các an ninh, được Thủ tướng Netanyahu thành lập để xây dựng chính sách thống nhất cho cuộc chiến chống Hamas. Nó cũng được tạo ra nhằm đáp ứng yêu cầu của người đứng đầu đảng Thống nhất Quốc gia Benny Gantz nhằm đoàn kết dân tộc trong khủng hoảng.
Nội các chiến tranh ban đầu được thành lập với 6 thành viên, gồm 3 lãnh đạo chủ chốt là Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng ba quan sát viên là các bộ trưởng chính phủ Aryeh Deri và Gadi Eisenkot, Bộ trưởng Chiến lược Ron Dermer.
Dù được kỳ vọng sẽ là cơ quan đoàn kết các chính đảng, phe phái chính trị ở Israel giữa khủng hoảng, nội các chiến tranh đã chứng kiến những bất đồng ngày càng lớn liên quan đến chiến lược xử lý cuộc chiến ở Gaza, vốn đã kéo dài hơn 8 tháng.
Haaretz của Israel hồi tháng 1 đưa tin lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid tiết lộ bất đồng giữa ông Gallant và Thủ tướng Netanyahu lớn đến mức hai người "không còn nói chuyện với nhau" và các cuộc họp nội các chiến tranh đã trở thành "nơi đấu đá và những cuộc thảo luận không mang lại kết quả".
Ông Gantz cũng công khai nói rằng ông không còn ảnh hưởng nhiều tới các quyết định về cuộc chiến. Ngày 9/6, cả ông Gantz và quan sát viên Eisenkot, đều thuộc đảng Thống nhất Quốc gia, tuyên bố rời nội các chiến tranh vì cho rằng ông Netanyahu không có kế hoạch hiệu quả cho chiến dịch ở Gaza.
Một tuần sau, Thủ tướng Netanyahu quyết định giải tán nội các chiến tranh, đánh dấu sự đổ vỡ của cơ chế đoàn kết dân tộc trong xử lý cuộc chiến ở Gaza. "Nội các được thành lập theo thỏa thuận với ông Gantz. Ngay sau khi ông Gantz rời đi, nội các này không cần duy trì nữa", ông Netanyahu nói.
Sau khi giải tán nội các chiến tranh, ông Netanyahu dự kiến tổ chức "các diễn đàn nhỏ hơn để thảo luận những vấn đề nhạy cảm", nhằm loại bỏ các bộ trưởng cực hữu trong liên minh cầm quyền tham gia vào những quyết sách quan trọng liên quan đến cuộc chiến, như những gì ông đã làm trong 8 tháng qua, theo quan chức Israel.
Nhóm điều hành nhỏ hơn dự kiến gồm Bộ trưởng Quốc phòng Gallant, Bộ trưởng Chiến lược Dermer, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi và Aryeh Deri.
Giải tán nội các chiến tranh cũng có thể giúp ông Netanyahu tránh được quyết định khó khăn về việc bổ nhiệm chính trị gia khác vào nhóm, trong đó có các thành viên cực hữu trong liên minh của ông như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich.
Quan điểm cứng rắn của Ben Gvir và Smotrich về người Palestine và mong muốn tái kiểm soát Gaza để làm nơi định cư cho người Do Thái có thể khiến họ trở thành những chính trị gia gây nhiều tranh cãi trên trường quốc tế.
Cả Ben Gvir và Smotrich đều là thành viên nội các an ninh lớn của ông Netanyahu. Ngay từ trước xung đột với Hamas, sự hiện diện của họ trong nội các an ninh đã gây ra nhiều lo ngại. Nhiều người từng hy vọng nội các chiến tranh, không gồm hai chính trị gia này, sẽ giúp giảm lo ngại và mang lại tín nhiệm cao hơn đối với các quyết sách của Tel Aviv trong chiến dịch ở Gaza.
Việc loại trừ các thành viên cực đoan như Ben Gvir và Smotrich khỏi nội các chiến tranh có thể giúp ông Netanyahu giành được ủng hộ từ công chúng với nỗ lực chiến tranh. Hai chính trị gia trước đó liên tục gây áp lực buộc ông Netanyahu phản đối kế hoạch ngừng bắn nhằm giải cứu 120 con tin còn lại ở Gaza.
Điều này đã khiến chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đối mặt làn sóng biểu tình rầm rộ của gia đình các con tin và nhiều người ủng hộ họ trên khắp Israel.
Cả hai chính trị gia cực hữu từng dọa sẽ từ chức nếu Israel không tiến hành cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza, chiến dịch mà nhiều đồng minh của Israel và cộng đồng quốc tế lên án. Họ cũng tuyên bố sẽ rút khỏi chính phủ nếu ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn trước khi Hamas "bị hủy diệt".
Ben Gvir và Smotrich nói rằng Thủ tướng Netanyahu cần phải giữ lời hứa "giành chiến thắng hoàn toàn" trước Hamas, nhóm vũ trang đã tấn công miền nam Israel hồi tháng 10 năm ngoái khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc khoảng 250 người sang Gaza.
Quyết định từ chức của ông Gantz và Eisenkot tuần tước cũng được cho là một phần do ảnh hưởng liên tục từ hai chính trị cực hữu, ngay cả khi họ không thuộc nội các chiến tranh. Gantz và Eisenkot, hai người theo chủ nghĩa trung dung, cho biết họ tham gia nội các để đảm bảo chiến dịch Gaza được tiến hành có trách nhiệm, song sau đó kết luận không thể tiếp tục làm việc với Thủ tướng Netanyahu.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo quyết định giải tán nội các chiến tranh của ông Netanyahu có thể phản tác dụng. Động thái có thể ngăn hai chính trị gia cực hữu Ben Gvir và Smotrich vào nội các chiến tranh, nhưng không thể ngăn họ tiếp tục có ảnh hưởng lớn hơn trong bối cảnh nội các an ninh sẽ nhóm họp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, rạn nứt lớn dần giữa ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant có thể đặt ra các thách thức cho những quyết sách sắp tới của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Bộ trưởng Gallant đã tuyên bố "ngừng bắn chiến thuật" mỗi ngày tại hành lang nhân đạo ở miền nam Dải Gaza, nhưng động thái này bị Thủ tướng Netanyahu phản đối.
Trong cuộc họp nội các hàng tuần ngày 16/6, ông Netanyahu nói "để đạt được mục tiêu loại bỏ năng lực quân sự của Hamas, tôi đã ra những quyết định không phải lúc nào cũng được giới lãnh đạo quân sự chấp nhận".
"Chúng ta có một đất nước có quân đội, chứ không phải một quân đội có đất nước", ông nhấn mạnh.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Washington Post, JP, Al Jazeera)
Dự kiến Thủ tướng Algeria Mohamed Nezir al-Arbawi sẽ chào đón Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz tại sân bay quốc tế Houari Boumediene.
Lãnh đạo tỉnh biên giới Nga cho biết Ukraine triển khai UAV tập kích hạ tầng năng lượng tại đây trong đêm, gây ra hỏa hoạn lớn ở nhà máy lọc dầu.
Công dân Trung Quốc này bị cáo buộc làm gián điệp, tiết lộ nhiều bí mật quốc gia khi thỉnh giảng tại một trường đại học của Mỹ năm 2013.
Ai Cập điều 40 xe tăng, thiết giáp, củng cố tường biên giới với Dải Gaza do lo ngại làn sóng người vượt biên tránh chiến sự Israel - Hamas.
Xung đột ở Ukraine, Nga quyết duy trì lực lượng hạt nhân ở mức “đủ”, Bình Nhưỡng khẳng định sát cánh cùng Moscow cho tới khi chiến thắng, phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Mỹ và Anh thông báo phối hợp không kích lực lượng Houthi tại Yemen để đáp trả các vụ tập kích liên tục nhằm vào tàu thuyền trong khu vực.
Tình báo Israel đã thất bại khi dự báo phản ứng của Iran với vụ không kích tòa lãnh sự ở Syria, không tin rằng Tehran sẽ đáp trả bằng đòn tấn công quy mô lớn.
Ngày 27/12, Mỹ thông báo về gói viện trợ quân sự cuối cùng trong năm 2023 dành cho Ukraine, trong khi một tướng quân đội của quốc gia Đông Âu thừa nhận năng lực của Nga chống lại các vũ khí chính xác mà Kiev nhận từ phương Tây.
Nga cho rằng việc phiến quân IS đủ khả năng tấn công khủng bố nhà hát ở ngoại ô Moskva cuối tuần trước là điều 'cực kỳ khó tin'.