Ukraine cáo buộc Nga tập kích Dnipro bằng ICBM, nhưng Moskva gọi đây là tên lửa tầm trung, dường như do định nghĩa phức tạp của mẫu khí tài này.
Không quân Ukraine hôm 21/11 cáo buộc Nga khai hỏa một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tấn công doanh nghiệp và hạ tầng thiết yếu ở thành phố Dnipro. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó tuyên bố "mọi thông số như độ cao và tốc độ của quả đạn đều khớp với ICBM".
Thông tin lập tức gây chấn động, vì đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một quả tên lửa xuyên lục địa được sử dụng trong thực chiến. Nga giữ im lặng trong nhiều giờ tiếp theo, trước khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đây không phải ICBM, mà là tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm phi hạt nhân Oreshnik, một trong những vũ khí mới nhất của Nga.
Ông Putin nhấn mạnh đây là động thái trả đũa vụ Ukraine dùng tên lửa ATACMS, Storm Shadow do phương Tây viện trợ để tấn công tỉnh Kursk và Bryansk của Nga. Moskva cũng khẳng định đã báo trước với Washington về vụ phóng.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cùng ngày nói rằng Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) mang tính thử nghiệm, được phát triển dựa trên thiết kế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh. Trong khi đó, giới chức Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) nói rằng chưa thể xác thực thông tin do Ukraine đưa ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, tên lửa đạn đạo được chia thành 4 loại chính, gồm tầm ngắn (SRBM) với khả năng bay dưới 1.000 km, tầm trung (MRBM) có tầm bay 1.000-3.000 km, tầm xa (IRBM) đạt tầm bắn 3.000-5.500 km và ICBM có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách trên 5.500 km.
Nguyên nhân khiến các nước đưa ra đánh giá khác nhau về Oreshnik dường như bắt nguồn từ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, trong đó cấm hai bên thử nghiệm hoặc triển khai tên lửa hành trình, đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, tức là bao gồm một phần tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cùng toàn bộ dòng tầm trung và tầm xa.
Nga bị cáo buộc bí mật phát triển các dòng tên lửa bị cấm theo INF, trong đó có dòng RS-26. Mẫu tên lửa này được Moskva mô tả là "tên lửa xuyên lục địa" có tầm bắn trên 5.500 km, không thuộc phạm vi điều chỉnh của INF, song giới chuyên gia phương Tây nhận định nó thực chất là tên lửa tầm xa với khả năng mang nhiều đầu đạn.
Theo chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ, RS-26 là tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn đặt trên bệ phóng di động, được Viện Công nghệ Nhiệt Moskva phát triển từ năm 2008 dựa trên thiết kế của ICBM RS-24 Yars. Tên lửa có chiều dài ước tính 12 m và đường kính 1,8 m, nặng 36 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng 800 kg.
Trong lần phóng thử đầu tiên diễn ra hồi tháng 9/2011 tại sân bay vũ trụ Plesetsk, tên lửa RS-26 bay chệch hướng và lao xuống khu vực cách bệ phóng khoảng 8 km.
Cuộc thử nghiệm thứ hai được Nga tiến hành vào tháng 5/2012 và thành công. Tên lửa mang một đầu đạn mô phỏng hạng nhẹ và bay được 5.800 km, phù hợp với định nghĩa về ICBM. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây nhận định tầm bắn này chỉ đạt được nếu RS-26 lắp đầu đạn nhẹ hoặc không lắp đầu đạn.
Ba đợt phóng thử tiếp theo diễn ra từ năm 2012-2015 đều thành công. Trong loạt vụ thử này, Nga trang bị đầu đạn nặng hơn và chỉ phóng tên lửa ở tầm 2.000 km. "Điều này chứng tỏ RS-26 chỉ đạt tầm bay của tên lửa đạn đạo tầm xa nếu trang bị đầu đạn chiến đấu thật sự, không phải vũ khí xuyên lục địa", cây bút Thomas Newdick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Cây bút David Axe của Forbes nhận định để lách các quy định của INF, Nga đã chọn góc phóng nhất định để RS-26 có thể bay xa hơn mốc 5.500 km, dù thiết kế của nó phù hợp để bắn mục tiêu ở khoảng cách 2.000-3.000 km.
"Tùy thuộc vào góc bắn, tên lửa Rubezh có thể bay xa hơn mốc 5.500 km, khiến nó được gọi là ICBM. Tuy nhiên, trên thực tế, nó vẫn là tên lửa tầm xa với tầm bắn dưới 5.500 km", Axe nêu quan điểm.
TASS hồi tháng 3/2018 dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết dự án RS-26 đã bị đình chỉ đến ít nhất là sau năm 2027, nhằm dồn nguồn lực cho chương trình phát triển phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard.
Sau khi Mỹ rút khỏi INF năm 2019, Nga cũng tuyên bố có động thái tương tự và không còn bị ràng buộc về việc hạn chế thử nghiệm tên lửa tầm trung hay tầm xa.
Chưa rõ khác biệt giữa dòng Oreshnik và Rubezh, cũng như hình ảnh và thông số cụ thể của quả đạn.
Tổng thống Putin cho biết Oreshnik có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa gần 11.000 km/h, gấp 10 lần âm thanh. "Các hệ thống phòng thủ hiện có trên toàn cầu, bao gồm cả lá chắn được Mỹ triển khai ở châu Âu, không thể chặn loại đầu đạn này", ông nói.
Trong video hiện trường được Ukraine công bố, hàng loạt vệt sáng liên tiếp lao xuống Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash, còn có tên là Pivdenmash), với tốc độ cao và tạo ra những tiếng động lớn. Đây là cơ sở chuyên chế tạo tên lửa đẩy, tên lửa đạn đạo và nhiên liệu lỏng cho tên lửa của Ukraine, cũng như nhiều sản phẩm công nghiệp và phục vụ thị trường dân sự.
Không có vụ nổ lớn nào xảy ra tại hiện trường, khiến các chuyên gia đặt ra nhiều nghi vấn về loại đầu đạn được sử dụng.
Hãng tin RIA Novosti của Nga nêu giả thuyết tên lửa Oreshnik chỉ dùng đầu đạn mô hình để thử nghiệm, nhưng động năng khổng lồ trong quá trình hồi quyển với tốc độ siêu vượt âm của chúng vẫn đủ sức gây thiệt hại cho mục tiêu. Một khả năng khác là tên lửa được trang bị đầu đạn xuyên phá, nhằm đánh sập mạng lưới hầm ngầm dày đặc bên dưới nhà máy Yuzhmash.
Phạm Giang (Theo RIA Novosti, War Zone, Forbes)
Nhóm chiến đấu cơ Ukraine định tấn công biên đội oanh tạc cơ Nga, nhưng nhanh chóng rút lui khi bị Su-35S khóa mục tiêu, theo phi công Nga.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 18/9.
Ngày 6/12, quân đội Mỹ cho biết đã tạm thời ngừng hoạt động toàn bộ phi đội Osprey trên toàn thế giới sau vụ tai nạn vào tuần trước ngoài khơi Tây Nam Nhật Bản.
Tướng Ramzan Kadyrov cho biết ông đã bổ nhiệm cháu trai 27 tuổi làm người đứng đầu Hội đồng An ninh của Cộng hòa Chechnya.
Pháp huy động hàng trăm sĩ quan truy lùng các tay súng đã phục kích xe cảnh sát để giải cứu kẻ buôn ma túy Mohamed Amra.
Sáng 12-11 (giờ Việt Nam), Đảng Cộng hòa được cho là tiếp tục kiểm soát thêm Hạ viện Mỹ sau khi giành lại quyền kiểm soát Thượng viện từ tay Đảng Dân chủ.
Ông Anwaar-ul-Haq Kakar đảm nhiệm vai trò Thủ tướng tạm quyền Pakistan để giám sát các cuộc bầu cử sắp tới.
Ứng cử viên tổng thống Prabowo Subianto đã gia tăng cách biệt lên hơn 20 điểm so với 2 đối thủ còn lại trước thềm cuộc bầu cử ngày 14/2/2024, theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 10/12.
Kết thúc phiên điều trần với Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sỹ Viola Amherd, Ủy ban tài chính Hạ viện nước này thông tin, quân đội không gặp vấn đề về kinh phí mà là vấn đề về thông tin.