Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển cộng đồng.
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 5/8, tiếp tục chuyến thăm chính thức Indonesia, tại thủ đô Jakarta, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách đối ngoại.
Bài phát biểu có chủ đề: “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển.”
Dự diễn đàn có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác liên nghị viện thuộc Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Chủ tịch Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) Dino Patti Djalal; đông đảo học giả, sinh viên Indonesia...
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tới thăm và trao đổi với Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia-Trung tâm nghiên cứu chính sách hàng đầu của Indonesia và khu vực.
Đề cập đến việc hai nước có sự gần gũi văn hóa sâu sắc từ thế kỷ thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Indonesia là người bạn tình nghĩa, là người láng giềng tốt luôn đồng hành cùng Việt Nam. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 1955. Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 nhà lãnh đạo đáng kính của Indonesia là Sukarno và Hatta cùng chia sẻ tầm nhìn về thế giới hòa bình và phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những chuyển biến sâu sắc trong hơn hai thập kỷ qua khẳng định, trong thế kỷ 21, an ninh và phát triển thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với an ninh và phát triển thịnh vượng của các quốc gia và toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Để gìn giữ bầu trời hòa bình trong xanh, môi trường yên bình, thịnh vượng cho mai sau, mọi quốc gia cần chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.”
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trải qua gần 6 thập niên hình thành và phát triển, ASEAN chưa bao giờ ở vị thế tốt như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Ông nhấn mạnh ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển cộng đồng.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lấy 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo của ASEAN.
Một là thống nhất trong giữ vững nguyên tắc thể hiện ở việc giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Theo đó, một “ASEAN tầm vóc” phải kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào.
Hai là thống nhất trong duy trì đồng thuận thể hiện ở việc ASEAN duy trì đồng thuận trong các vấn đề an ninh, phát triển quan trọng của khu vực, cùng nhau bảo vệ lập trường, quan điểm chung của ASEAN theo “phương cách ASEAN,” Hiến chương ASEAN.
Cụ thể, trước những diễn biến phức tạp, gây nguy cơ căng thẳng gần đây ở Biển Đông, cần đoàn kết kiên trì thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ASEAN cần thống nhất kiên định mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ “Đồng thuận 5 điểm.” Ông khẳng định Việt Nam ủng hộ nước Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tích cực, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên.
Ba là thống nhất trong xây dựng cộng đồng còn thể hiện ở việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần thúc đẩy kết nối về thể chế, hạ tầng và con người để khơi dậy tiềm năng phát triển, hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Về hợp tác Việt Nam và Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, hai nước càng hợp tác chặt chẽ thì càng có đóng góp cho ASEAN tiến xa.
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Indonesia năm 2017: “Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm của Việt Nam luôn ủng hộ “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” trong đường lối chính sách đối ngoại.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.
Việt Nam nêu cao chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết hoà bình tranh chấp, củng cố các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đó là những nguyên tắc nền tảng, cốt lõi tạo nên thành công của Việt Nam trên chặng đường 37 năm Đổi mới và Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu bật thành tích về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua cũng như những mục tiêu mà Việt Nam đặt ra, giải pháp để Việt Nam đạt được những mục tiêu đó.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam xác định ngoại giao nghị viện đóng vai trò hết sức quan trọng, phát huy sức mạnh mềm để góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng, các Nghị viện có vai trò hết sức quan trọng với chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân, qua đó phối hợp, hỗ trợ Chính phủ các nước xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập đến kế hoạch Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vào tháng 9/2023. Hội nghị có chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.”
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nghị viện các nước thành viên AIPA và các đối tác tích cực đồng tình, ủng hộ và tham gia sự kiện hết sức quan trọng này.
Nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để cùng nhau vượt lên giành thêm nhiều thành tựu mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra một số hướng cụ thể về hợp tác chính trị, quốc phòng-an ninh, đa phương; tăng cường gắn kết kinh tế; giao lưu nhân dân; hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; tăng cường hợp tác ngoại giao nghị viện để cùng nhau hướng tới nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Nhắc lại quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Chủ tịch Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indone sia (FPCI) Dino Patti Djalal rằng Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiềm năng hợp tác của hai nước là rất lớn, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như dòng chuyển động nhanh của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong một không gian Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta chưa thể hình dung thế giới vào năm 2045, thời khắc hai nước cùng kỷ niệm 100 năm lập quốc. Nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng, Indonesia và Việt Nam có đầy đủ ý chí, khát vọng và quyết tâm hợp tác để cùng nhau hiện thực hóa khát vọng trở thành những quốc gia phát triển giàu mạnh.”
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi, chia sẻ với các đại biểu tham dự diễn đàn muốn tìm hiểu về các nội dung gồm: Đánh giá lịch sử của mối quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia; tiềm năng hợp tác hai nước trong các lĩnh vực; vai trò của Ngoại giao Nghị viện trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, kết nối nhân dân; lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển của mỗi quốc gia trong ASEAN và của Cộng đồng ASEAN...
Các đại biểu mong muốn tìm hiểu về “bí quyết” khi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, có mức tăng trưởng kinh tế nhanh và khả năng thích ứng cao, vẫn đạt tăng trưởng dương trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...
Chủ tịch Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia Dino Patti Djalal đánh giá, qua nghiên cứu cũng như khi sang thăm Việt Nam, ông được chứng kiến sự phát triển năng động của Việt Nam.
Ông cho rằng, chính tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự giúp mình, tính kỷ luật, tinh thần lạc quan về tương lai là những yếu tố góp phần giúp Việt Nam hóa giải những khó khăn và đạt được chiến thắng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đạt những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.
Giá heo hơi tại khu vực miền Bắc ghi nhận đồng loạt tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg trong tuần qua, trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Ngày 17-11, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024.
Chính phủ yêu cầu không để xảy ra 'vàng hóa' nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Ngày 15/6, Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Oita (một địa phương phía Nam Nhật Bản) cho biết đã buộc phải tiêu hủy hơn 70 tấn sữa tươi nguyên liệu do trục trặc tại một khâu thu mua nguyên liệu từ trường Đại học Nông nghiệp tỉnh Oita khiến cho chất tẩy rửa bị trộn lẫn vào sữa.
Chiều 17/11, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình “Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản”. Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).
Nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm tại Hong Kong, Trung Quốc có nhiều chính sách thu hút sự đầu tư của dân giàu có ở đại lục.
Dù hoạt động bị thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực chung tay trợ giúp người dân vùng bão lụt bằng nhiều cách khác nhau.
Cà Mau - Sự kiện Festival Tôm tỉnh Cà Mau năm 2023 sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023 sau 4 năm lỗi hẹn do COVID-19.
Ngày 24/6, tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc về giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “bàn để quyết chứ không bàn để đấy' theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ thời hạn hoàn thành.