Trải qua nhiều thế hệ, đoàn kết đã trở thành một phẩm chất tự giác, có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào để giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn hay những khúc quanh của lịch sử.
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9: Đoàn kết vì vị thế quốc gia phát triển |
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 13/8/2024, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ý nghĩa của kỳ đại hội sắp tới như là “khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”.
Để sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược, Tổng Bí thư quán triệt một trong những quan điểm then chốt là phải “không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất và tập trung dân chủ trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân”.
Là một hiện tượng xã hội có thể xuất hiện trên nhiều cấp độ (nhóm, cộng đồng, quốc gia), đoàn kết được hiểu là sự đồng thuận, gắn kết, thống nhất chặt chẽ giữa nhiều cá nhân, cả về nhận thức và hành động, trước các mục tiêu chung.
Cơ sở nền tảng cho sự đoàn kết là sự chia sẻ những nhu cầu, giá trị, niềm tin, được cụ thể hóa thành các mục tiêu cho hành động thực tiễn. Trước những vấn đề chung, đoàn kết là nhu cầu tất yếu để hình thành và gia tăng sức mạnh cho các nỗ lực hành động mang tính tập thể.
Từ hơn 50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra trong bản Di chúc để lại cho Đảng và Nhân dân: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta… Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Quả vậy, trong lịch sử hình thành và phát triển, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đối diện với hai mối đe dọa mang tính tập thể, đó là họa ngoại xâm và nạn thiên tai. Chính những thách thức nan giải, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc, một quốc gia đã khơi dậy, rèn luyện, vun đắp ý thức và bản năng đoàn kết trong mỗi người Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, đoàn kết đã trở thành một phẩm chất tự giác, có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào để giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, hay những khúc quanh của lịch sử.
Được thành lập trong những thập niên đầu thế kỷ 20, khi đất nước đang bị cai trị bởi các thế lực ngoại bang, sau hơn bốn thập kỷ nỗ lực, Đảng cộng sản Việt Nam đã hiện thực hóa được cam kết chính trị với nhân dân, đó là giành lại nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong rất nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng, không thể phủ nhận vai trò nổi bật của hai yếu tố, đó là sự trung thành của các đảng viên với các mục tiêu cách mạng và sự đoàn kết trong Đảng cũng như sự gắn kết giữa Đảng với các lực lượng xã hội.
Đoàn kết là một trạng thái đồng thuận cả về tâm lý, ý chí và hành động. Vì liên quan đến nhiều người cho nên trên thực tế, sự đoàn kết luôn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bối cảnh, có thể khái quát thành nhóm lực “hút”, động lực cho sự đoàn kết và nhóm lực “đẩy”, tác nhân đe dọa sự đoàn kết.
Nếu lực “hút” là những giá trị, niềm tin, nhu cầu hay lợi ích chung mà mỗi cá nhân không thể tự đạt được, thì lực “đẩy” là những yếu tố có tính chất riêng lẻ, có thể xung đột với những giá trị, lợi ích, nhu cầu chung của tập thể.
Vì thế, với mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, để duy trì và vun đắp sự đoàn kết thì cần xác định được những lực “hút” để phát huy và lực “đẩy” để tìm cách quản lý. Trong lịch sử cách mạng nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận diện chính xác những yếu tố có thể kiến tạo và vun đắp sự đoàn kết, đó là nhu cầu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (trước năm 1975) và đổi mới và hội nhập quốc tế để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế - xã hội (sau năm 1975).
Tuy nhiên, quá trình đổi mới tiến hành từ năm 1986 đến hiện nay cũng xuất hiện nhiều lực “đẩy” khác nhau, ngày càng lớn mạnh, có tác động đến sự đoàn kết, cả trong Đảng cũng như trên bình diện cộng đồng xã hội. Có thể thấy, ba yếu tố sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sự đoàn kết, bao gồm: vị thế lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Vị thế lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, cùng với đó là thẩm quyền quản lý các cơ hội và nguồn lực trên phạm vi quốc gia đã giúp một bộ phận đảng viên được đảm nhiệm các vị trí công quyền, có thể chi phối và quyết định việc phân phối các cơ hội và nguồn lực của quốc gia. Nếu không ý thức rõ bổn phận phụng sự cộng đồng thì cá nhân nắm giữ công quyền sẽ từng bước rời xa khối đoàn kết trong Đảng và sự gắn kết với nhân dân.
Khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa, rồi kinh tế thị trường, các lợi ích cá nhân được tôn trọng, các quyền sở hữu tư nhân được bảo vệ, các quy luật thị trường như cạnh tranh, giá trị… ngày càng lớn mạnh, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức cũng như hành động của mỗi cá nhân, trong đó có cán bộ, đảng viên. Nếu không kiểm soát được bản thân, để các lợi ích vị kỷ chi phối thì cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí công quyền sẽ có thể bị lôi kéo vào các ê kíp tìm kiếm lợi ích cá nhân, nhóm, từng bước xa rời khối đoàn kết.
Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế không chỉ đặt đất nước vào các quan hệ lợi ích và quyền lực phức tạp, mà còn du nhập những quan điểm, cách thức giải quyết khác nhau đối với các vấn đề chính sách. Nếu không ý thức rõ và kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc thì cá nhân nắm giữ quyền lực Nhà nước có thể ban hành những quyết định chính sách gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì thế mà xa rời khối đại đoàn kết toàn dân.
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9: Đoàn kết vì vị thế quốc gia phát triển |
TS. Nguyễn Văn Đáng. (Ảnh: NVCC) |
Ngay trong những ngày đầu sau khi đất nước giành được độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ khát vọng cải thiện vị thế quốc gia, đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Tiếp nối tinh thần đó, đầu năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Hướng về tương lai, bên cạnh những giá trị truyền thống, thúc đẩy sự đoàn kết như độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền lãnh thổ…, thì mục tiêu “quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045” chính là một lực “hút” đương đại, có thể coi là cơ sở cho sự đoàn kết trên phạm vi quốc gia. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rằng, một trong những điểm tựa then chốt nhất cho sự đoàn kết trong hơn hai thập kỷ tới là vị thế quốc gia phát triển.
Trong Di chúc, Bác Hồ cũng đã từng căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Cũng có nghĩa, nếu thiếu sự đoàn kết thì chúng ta sẽ rất khó có thể hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045, đưa nước ta vươn lên gia nhập nhóm quốc gia phát triển. Vì thế, chúng ta cần khẳng định và thống nhất một số nhận thức mới về đoàn kết trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng cũng như trên bình diện cộng đồng xã hội sẽ luôn được củng cố và vun đắp khi chúng ta duy trì được sự gắn kết chặt chẽ, kiên định và trung thành với những cam kết chính trị, chủ trương và đường lối lãnh đạo do Đảng đề ra, thể hiện trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các văn kiện đại hội Đảng. Cụ thể hơn, sứ mệnh chính trị cao nhất của Đảng là phục vụ lợi ích của nhân dân, phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, vun đắp được ý thức liêm chính, phụng sự những lợi ích chung của nhân dân, của đất nước chính là một định hướng giải pháp then chốt có thể gia tăng sự đoàn kết trong Đảng, cũng như sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân.
Thứ ba, thiết kế các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy cán bộ, đảng viên gắn bó hơn với những cam kết chính trị mà họ đã tuyên thệ khi gia nhập tổ chức.
Thứ tư, về lâu dài, để duy trì được sự hợp tác và đoàn kết trên quy mô cộng đồng xã hội, cần phải kiến tạo được các điều kiện thể chế để duy trì được sự cân bằng về quyền lực, tiếp cận cơ hội và lợi ích giữa các chủ thể trong cấu trúc quản trị quốc gia. Qua đó giảm thiểu được các nguy cơ chuyên quyền, theo đuổi các lợi ích thiển cận, gây phương hại đến sự đoàn kết.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Sáng 28/5, từ thông tin UBND xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hoá) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 2 người tử vong.
TPHCM - Băng nhóm tội phạm buôn lậu hàng công nghệ từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn, giá trị hàng hóa buôn lậu hàng trăm...
Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt ra quân tấn công trấn áp tội phạm , giữ gìn an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có hơn 280 nghìn tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Tin đồn Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thiệt mạng đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, sau khi Hezbollah thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào gần khu vực Binyamina trong tối 13/10.
Sau khi thị sát ở vùng bị ngập lũ chiều 29.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các đơn...
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần (29 và 30/6), trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra các hoạt động sôi nổi của chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” và “Hành quân xanh” gắn với ngày cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện xây dựng đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”.
Ngày 9/8, thông tin từ Công an TP Lạng Sơn, đơn vị này vừa triệt phá thành công chuyên án 2403M, bắt giữ 3 người thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với tổng giá trị ghi trên hóa đơn lên đến hơn 11.3000 tỷ đồng. Những người này gồm: Phạm Việt Cường (SN 1977, trú tại quận Long Biên, Hà Nội); Vũ Thị Loan (SN 1981, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) và Trần Thị Liên Chi (SN 1977, trú tại phường Tân Định, quận 1, TP.HCM)....
TPHCM - Nghe tiếng hét, người dân đến kiểm tra thì phát hiện trong phòng trọ có 2 người nằm bất động, xác định tử vong sau đó với nhiều...