Từ nữ sinh viên thông minh xinh đẹp, Chu Lệnh bị liệt hai chân và khuyết tật trí tuệ sau hai lần trúng độc thallium, nhưng cảnh sát không thể tìm ra thủ phạm.
Chu Lệnh sinh năm 1973, là nữ sinh đa tài chuyên ngành hóa lý và phân tích công cụ tại khoa Hóa học của Đại học Thanh Hoa, khóa 1992.
Ngày 24/11/1994, nhân dịp sinh nhật lần thứ 21 của Lệnh, ông Ngô Thừa Chi đưa con gái ra ngoài ăn tối. Mới ăn được vài miếng, Lệnh nói bị đau bụng và "thấy khó chịu, không ăn được nữa".
Khoảng thời gian đó, Lệnh bận rộn chuẩn bị cho buổi diễn văn nghệ ở trường vì là thành viên quan trọng của dàn nhạc dân gian. Lúc này, Lệnh bắt đầu rụng tóc "tương đối nhiều", theo lời kể của mẹ cô là bà Chu Minh Tân.
Sau buổi biểu diễn tối 11/12, Lệnh về nhà nói với mẹ: "Bụng con đau quá, không chịu nổi nữa".
Gian nan tìm nguyên nhân bệnh
Ngày 23/12, bà Tân đưa con đến Bệnh viện Đồng Nhân ở Bắc Kinh để điều trị. Hôm đó, mái tóc dài của Lệnh rụng hết.
Trong một tháng điều trị tại khoa tiêu hóa, Lệnh cả đêm không ngủ được vì đau bụng, vùng eo mọc mụn nước zona, phải di chuyển bằng xe lăn. Các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chỉ kê đơn thuốc tiêu hóa. Ngày 23/1/1995, Lệnh được xuất viện.
Ngày 20/2/1995, Lệnh nhất quyết đòi đi học khi học kỳ mới bắt đầu. Trong hai tuần tiếp theo, cô bắt đầu đi lại khó khăn.
Lệnh dành phần lớn thời gian ở ký túc xá ôn tập bài vở chuẩn bị thi lại. Cô uống sữa bột tốt cho xương và bánh mì mang từ nhà đến cho bữa sáng, dùng bếp điện hâm nóng thuốc bắc đóng chai cũng mang từ nhà đến và tự mua cơm ở căng tin, từ chối bạn bè giúp đỡ.
Ngày 3/3/1995, Lệnh trở về nhà. Tóc cô đã dài thêm vài cm. Lệnh nói với mẹ: "Toàn thân con đều đau, chân là đau nhất". Bà Tân đưa con đến hai bệnh viện để khám. Thấy điều trị không hiệu quả, bà lại đưa Lệnh đến Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh gặp bác sĩ chuyên khoa.
Ngày 9/3, chủ nhiệm khoa thần kinh nói với bà Tân rằng các triệu chứng của Lệnh "quá giống với trường hợp ngộ độc thallium tại Đại học Thanh Hoa vào những năm 1960". Thallium là một kim loại nặng cực độc, có thể gây tử vong chỉ với hàm lượng 30 microgram trong 1 lít máu.
Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế, Lệnh không được làm giám định ngộ độc thallium mà chỉ được theo dõi tại phòng cấp cứu của bệnh viện trong khi chờ có giường bệnh nội trú.
Ngày 15/3, Lệnh được đưa vào khoa thần kinh, mái tóc ngắn ngủn mới mọc lại của cô lại rụng sạch.
Theo hồ sơ bệnh án, tình trạng khi nhập viện của Lệnh là "rụng tóc, đau bụng, đau khớp và cơ trong 3 tháng, đau ở cả hai chi dưới trong 7 ngày, chóng mặt trong 3 ngày"... Chẩn đoán ban đầu là "bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng đỏ đau đầu chi, nguyên nhân chưa xác định".
Bác sĩ đã hỏi một giáo viên của khoa Hóa học tại Đại học Thanh Hoa về việc Lệnh tiếp xúc với hóa chất thí nghiệm. Giáo viên xác nhận Lệnh không tiếp xúc với chất độc. Trong thời gian nằm viện, Lệnh phủ nhận từng tiếp xúc với kim loại nặng.
Ngày 23/3, Lệnh phải phẫu thuật mở khí quản và tràn khí màng phổi. Sau đó, bệnh tình trở nên tồi tệ hơn. Ngày 26/3, Lệnh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và phải thở máy. Hai ngày sau, nữ sinh hôn mê sâu suốt hai tháng.
Ngày 10/4, bạn học cũ là Bối Chí Thành, sinh viên Đại học Bắc Kinh khóa 1992, đến bệnh viện thăm Lệnh, nhìn thấy cô hôn mê với đủ loại ống cắm vào cơ thể.
Khi đó, Thành đang làm dự án liên quan đến Internet - khái niệm mới mẻ với hầu hết mọi người thời ấy. Đại học Bắc Kinh là một trong ba trường hiếm hoi có đường truyền mạng. Đau xót trước cảnh ngộ của bạn, Thành và một số bạn học nghĩ ra cách gửi thông tin bệnh tình của Lệnh ra nước ngoài qua email bằng tiếng Anh.
Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/1995, họ nhận được tổng cộng 1.635 email. Có 211 email cho rằng Lệnh bị ngộ độc thallium, chiếm 79,92% trong số các email đưa ra chẩn đoán. Nhưng khi Thành mang kết quả chẩn đoán đến Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh, không ai lắng nghe. Cuối cùng, bố mẹ Lệnh phải tự tìm đơn vị có liên quan để giám định.
Ngày 18/4, Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh công bố báo cáo về bệnh tình của Lệnh là "có khả năng cao bị viêm dây thần kinh, rễ thần kinh và viêm não tủy rải rác cấp tính". Viện nêu rõ rằng "có thể loại trừ khả năng ngộ độc thallium".
Ngày 28/4, từ một người bạn, bố mẹ Lệnh được biết Viện nghiên cứu Bệnh nghề nghiệp Bắc Kinh có thể giám định ngộ độc thallium. Họ thu thập móng tay, những mảnh da lớn bị rụng và tóc rơi trên áo khi Lệnh bắt đầu phát bệnh vào tháng 12/1994. Họ cũng thu thập máu, nước tiểu, não tủy và các mẫu khác từ bệnh viện để gửi đi xét nghiệm.
Báo cáo xét nghiệm ghi: "Hàm lượng thallium trong nước tiểu là 275 microgam/lít, trong dịch não tủy là 263 microgam/lít, trong huyết thanh là 31 microgam/lít, trong tóc là 532 microgam/kg, trong móng tay là 22,824 mg/kg". Để so sánh, hàm lượng thallium trong nước tiểu của người dân Bắc Kinh là 0-5 microgam/lít. Với các triệu chứng nặng, lượng thallium trong cơ thể Lệnh được suy đoán vượt quá 1.000 mg.
Theo đó, Lệnh được nhận định là ngộ độc thallium, còn bị ngộ độc hai lần. Chuyên gia nói rằng muối nitrate và sulfate của thallium đều không màu, không mùi, rất dễ hòa tan trong nước, "bỏ vào trong bánh mì thì không thể phát giác".
Cùng ngày, Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh bắt đầu sử dụng chất hóa học xanh Phổ để giải độc cho Lệnh. Tuy nhiên, lúc này đã 50 ngày trôi qua kể từ khi Lệnh được đưa đến viện.
Một tháng sau, hàm lượng thallium trong cơ thể Lệnh về cơ bản đã được loại bỏ. Tháng 8/1995, Lệnh tỉnh lại. Nhưng do hệ thần kinh bị tổn thương lâu dài, cô bị mất chức năng vĩnh viễn, để lại các di chứng như teo dây thần kinh thị giác, liệt hai chi dưới, teo cơ, khuyết tật trí tuệ.
Tháng 11/1995, Lệnh được xuất viện, Đại học Thanh Hoa đã trả 600.000 nhân dân tệ chi phí y tế cho cô.
Nghi phạm là bạn thân
Sau khi có kết quả giám định, bố mẹ Lệnh lập tức trình báo vụ việc vào tối 28/4/1995. Sáng hôm sau, gia đình yêu cầu nhà trường di chuyển học sinh trong cùng ký túc xá ra ngoài để bảo vệ hiện trường và niêm phong đồ đạc của Lệnh để tiến hành xét nghiệm thêm, tuy nhiên không được đáp ứng.
Ông Chi nhớ lại vào cuối tháng 3/1995, ngay sau khi Lệnh nhập viện, một bạn học nữ gọi điện cho ông, nói rằng: "Còn ít bánh mì Chu Lệnh để thừa lại, tụi cháu chia nhau ăn rồi". Ông Chi khẳng định: "Rõ ràng có người đang tiêu hủy bằng chứng".
Ngày 7/5, hai vợ chồng được cảnh sát triệu tập lấy lời khai. Họ được báo tin đã xảy ra vụ trộm cắp trong ký túc xá của Lệnh vào kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động. Một số đồ dùng cá nhân của Lệnh bị mất, bao gồm một hộp đựng kính áp tròng, son môi, dầu gội, sữa tắm và cốc uống nước. Rất nhiều bằng chứng không còn. Sau đó, cảnh sát lấy đi những vật dụng còn lại của Lệnh. Bà Tân nghi ngờ "kẻ đầu độc muốn phá hủy hiện trường vụ án".
Sau khi cảnh sát lập hồ sơ điều tra, bạn cùng lớp, bạn cùng phòng, bạn cùng dàn nhạc... của Lệnh đều bị thẩm vấn lần lượt.
Tháng 2/1996, công an nói với bố mẹ Lệnh rằng vụ án này rất khó khăn, vẫn đang cố gắng giải quyết. Kể từ đó, họ nhiều lần hỏi thăm nhưng không có hồi âm.
Đầu tháng 4/1997, một cảnh sát đã nghỉ hưu của Cục Công an thành phố Bắc Kinh gợi ý cho vợ chồng bà Tân về một số đặc điểm của thủ phạm: từ ngày 20/2 đến 3/3/1995 có thể tiếp cận đồ ăn thức uống, có thể đầu độc mà không bị Lệnh phát hiện; nắm rõ thói quen sinh hoạt của Lệnh để tìm được thời cơ đầu độc; hiểu độc tính và tính chất của muối thallium; có thể tiếp cận với muối thallium; có động cơ phạm tội; có biểu hiện bất thường.
Qua đó, phạm vi nghi ngờ của họ nhanh chóng thu hẹp. Bà Tân nhớ lại, con gái từng nhiều lần nhắc đến người bạn tốt ở chung ký túc xá là Tôn Duy trước khi xảy ra vụ việc. Lệnh và Duy thân thiết vì đều ở Bắc Kinh. Với sự giới thiệu của Lệnh, Duy cũng tham gia dàn nhạc dân ca.
Lệnh từng hỏi mẹ: "Tại sao một người bạn tốt đến mức vô cùng thân thiết cũng sẽ có điểm không tốt?". Khi đó, Lệnh nhiều lần không vui vì lời nói và hành động của Duy. Như một lần, dàn nhạc mời giáo viên của nhạc viện đến dạy. Duy nói với giáo viên rằng trình độ của Lệnh đã rất cao, không cần hướng dẫn nhiều, rồi đẩy cô xuống hàng ghế sau.
Bà Tân nhớ rằng lần cuối cùng nhìn thấy Duy là vào đầu năm 1996. Cô và hai bạn nữ khác trong ký túc xá đến bệnh viện thăm Lệnh đang được điều trị bằng buồng oxy cao áp, sau đó không bao giờ gặp lại.
Ôm nghi ngờ, gia đình yêu cầu cảnh sát thẩm vấn Duy. Duy kể lại: "Tôi không bao giờ ngờ rằng vào ngày 2/4/1997, ngay trước khi tốt nghiệp, tôi đột nhiên bị đưa đi khỏi phòng thí nghiệm để thẩm vấn. Trong khi không có bất kỳ bằng chứng nào, tôi bị yêu cầu ký vào một tờ giấy có in chữ 'nghi phạm'. Sau 8 giờ thẩm vấn liên tục, họ thông báo cho gia đình đưa tôi về nhà. Tôi nghĩ cảnh sát sẽ hỏi thêm một số câu hỏi, nhưng họ không bao giờ liên lạc với tôi nữa".
Khi bằng chứng bị mất, lời khai là đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Nhưng những gì Duy đã nói trong 8 giờ đó không được công khai.
Về động cơ gây án, Duy bị nghi có mối quan hệ cạnh tranh với Lệnh vì cùng chơi trong dàn nhạc dân ca. Nhưng Duy giải thích rằng hai người chơi loại nhạc cụ khác nhau, không tồn tại việc tranh giành cơ hội lên sân khấu.
Tháng 8/1998, Duy được xóa bỏ hiềm nghi. "Họ thừa nhận không có bằng chứng nào chứng minh rằng tôi có liên quan đến vụ đầu độc Chu Lệnh", Duy nói.
Ai có thể lấy muối thallium?
Theo một bác sĩ của Bệnh viện Phục Hưng ở Bắc Kinh, toàn thủ đô chỉ có khoảng 200 người có thể tiếp cận muối thallium, đều sử dụng để làm thí nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu hoặc một số phòng thí nghiệm đặc biệt tại các trường lớn như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Vậy những ai xung quanh Lệnh có khả năng tiếp cận muối thallium?
Ngày 9/4/1997, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa nói với bố mẹ Lệnh rằng một nữ sinh ở cùng ký túc xá với Lệnh có khả năng tiếp cận được muối thallium khi giúp giáo viên làm dự án.
Sau đó, giáo sư Đồng Ái Quân, người hướng dẫn luận văn của Duy, thừa nhận rằng bà và Duy đã tiếp xúc với muối thallium vì nhu cầu nghiên cứu. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng có một nhóm nghiên cứu lớn đến từ nhiều đơn vị, không chỉ mình bà và Duy tiếp xúc với muối thallium. Giáo sư Đồng nói đã trình bày rõ ràng với khoa và cảnh sát những gì mình biết.
Tháng 5/1997, Vương Hiểu Long, nam sinh khóa 1994 của khoa Hóa học, Đại học Bắc Kinh, đầu độc bạn học tên Uông Lâm bằng muối thallium, lý do là "Lâm từng có quan hệ rất tốt với tôi, nhưng giờ lại không thèm để ý đến tôi nữa". Vụ việc khiến dư luận xôn xao. Ngày 28/7 cùng năm, chính phủ ban hành quy định tăng cường quản lý hóa chất nguy hiểm trong phòng thí nghiệm trường học, vụ đầu độc của Chu Lệnh cũng được nhắc đến.
Ngày 25/8/1998, cuộc họp chính thức giữa Cục Công an thành phố Bắc Kinh và gia đình Lệnh xác nhận: Lệnh bị đầu độc bằng muối thallium; phòng thí nghiệm của Đại học Thanh Hoa đã mua muối thallium nhưng không quản lý chặt chẽ việc sử dụng chúng; loại trừ việc Lệnh cùng người thân từng tiếp xúc với muối thallium.
Năm 2005, 10 năm sau vụ việc, Duy đưa ra tuyên bố bác bỏ bản thân là sinh viên duy nhất tiếp cận được với muối thallium. Theo cô, nhà trường không quản lý chặt các hóa chất thí nghiệm, dung dịch thallium và các chất độc hại khác được để trên bàn, cửa phòng thí nghiệm đôi khi không khóa, sinh viên từ các khoa khác cũng có thể vào. Khi làm thí nghiệm, sinh viên thường mượn dụng cụ và hóa chất của nhau. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm và không có sự cải thiện đáng kể nào ngay cả sau vụ án Chu Lệnh.
Vụ án không lời giải
Gia đình Lệnh gặp vô vàn khó khăn khi tìm kiếm sự thật. Vào nửa đầu năm 1997, trước khi các bạn cùng lớp của Lệnh tốt nghiệp, họ đến Đại học Thanh Hoa hỏi thăm, hy vọng được cung cấp thông tin chi tiết về cuộc sống ở trường của Lệnh. Nhưng không ai đồng ý kể cho họ nghe những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó.
Bà Tân đã chạy qua chạy lại giữa các bộ phận của Cục Công an và Đội Cảnh sát Hình sự không biết bao nhiêu lần. Nhìn con gái biến thành người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, hai vợ chồng bà thấy bất lực.
Những năm qua, có nhiều giả thuyết khác nhau về thủ phạm. Thông tin về bối cảnh gia đình Duy cũng âm thầm lan truyền. "Xuất thân đặc biệt" với ông nội, bác họ là quan chức cấp cao của Duy được đồn là nguyên nhân vụ việc bị bưng bít.
Năm 1999, gia đình Lệnh kiện Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh vì sơ suất y khoa do chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Vụ kiện được xét xử hai lần, gia đình Lệnh đều thua kiện.
Ngày 26/11/2000, tòa án ra phán quyết rằng Viện y học Hiệp Hòa Bắc Kinh phải bồi thường cho Lệnh chi phí y tế là 100.000 nhân dân tệ với lý do "có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ trong việc chẩn đoán bệnh".
Tháng 9/2007, chính quyền thông báo rằng "vụ án Chu Lệnh" đã khép lại vào ngày 25/8/1998 vì "bằng chứng đã bị mất và vụ án chưa bao giờ được giải quyết". Gia đình Lệnh bị từ chối cung cấp thông tin.
Gần 30 năm qua, cảnh sát chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ tiến triển hay thông tin nào của vụ án cho công chúng. Vụ án Chu Lệnh giống như một chiếc hộp đen, bao quanh là vô vàn lời đồn đại.
Ngày 22/12/2023, Lệnh qua đời ở tuổi 50. Trong khi đó, Duy đã đổi tên, cùng chồng sang Australia sinh sống, đầu tư bất động sản và kinh doanh homestay.
Tuệ Anh (Theo Xinmin Weekly, Jinan Times)
Thiếu sáng suốt với 'việc nhẹ lương cao' không ít người bị sập bẫy, người biến mình thành một kiểu nô lệ, góp tay nhân lên mối nguy cho xã hội khi số người bị lừa tiền tăng thêm mỗi ngày.
Hơn 300 chiếc xe bất ngờ bị thiêu rụi khiến hàng trăm sinh viên Đại học Hồng Đức đứng ngồi không yên vì không còn phương tiện đi học, đi làm thêm.
Quảng Ninh - Chiều 13.6, tại thành phố Hạ Long , Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Vinh quang thợ mỏ 2023 với chủ đề...
Mức tiền thưởng của danh hiệu thầy thuốc ưu tú được tính dựa trên mức lương cơ sở. Theo đó, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày...
Ngày 13.8, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia cùng đoàn công tác đã đến Gia Lai động viên,...
Công an TP Cần Thơ xác định có căn cứ xử lý nữ tài xế lái ôtô tông loạt xe máy trên cầu Cồn Khương khiến một người chết, 2 nạn nhân bị thương, nhưng cấp huyện vẫn chưa khởi tố.
TP.HCM được xếp vào nhóm 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước và đang giảm ở mức cảnh báo. Nhằm cải thiện tình trạng này, TP đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Vận chuyển, sang tải tro xỉ phát tán bụi mù mịt Thời gian gần đây, người dân thôn Lâu Động, phường Quang Thành (Thị xã Kinh Môn, Hải Dương) đã phải sống trong nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương cho phép một đơn vị vận chuyển tro xỉ từ nhà máy bằng xe ô tô tải sau đó đổ xuống tàu phát tán bụi mù mịt. Cực chẳng đã, người dân đã phải làm đơn phản ánh gửi đến Báo Tri thức và Cuộc sống cũng như UBND tỉnh Hải...
Hẹn gặp giải quyết mâu thuẫn tại nghĩa trang của phường Hàm Rồng (TP Thanh Hoá), một đối tượng đã bị chém, đâm chết tại chỗ.